(Baothanhhoa.vn) - Đi vào tâm lũ khi bình minh ló rạng, nắng vàng xuyên qua từng kẽ lá càng làm lộ rõ những lớp bùn đất nhầy nhụa dày đến 50 cm sau trận lũ kinh hoàng trên những bản vùng cao xứ Thanh. Phía sau đó là cảnh hoang tàn, đổ nát, những ngôi nhà xiêu vẹo, bức tường đổ sụp, đoạn đường bị chia cắt do đất đá sạt lở, những cây cầu vào bản bị đứt gãy, và ngôi trường bị lấp đầy bùn đất khi chỉ còn một vài ngày nữa sẽ bước vào năm học mới...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ấm tình quân dân nơi tâm lũ

Đi vào tâm lũ khi bình minh ló rạng, nắng vàng xuyên qua từng kẽ lá càng làm lộ rõ những lớp bùn đất nhầy nhụa dày đến 50 cm sau trận lũ kinh hoàng trên những bản vùng cao xứ Thanh. Phía sau đó là cảnh hoang tàn, đổ nát, những ngôi nhà xiêu vẹo, bức tường đổ sụp, đoạn đường bị chia cắt do đất đá sạt lở, những cây cầu vào bản bị đứt gãy, và ngôi trường bị lấp đầy bùn đất khi chỉ còn một vài ngày nữa sẽ bước vào năm học mới...

Trong mưa lũ đâu đâu cũng có hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại gian khó vượt qua đỉnh lũ để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại. Ảnh: Gia Bảo

Trong thời điểm gian khó ấy, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhà luôn sát cánh cùng chính quyền địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Hình ảnh những chiến sĩ công an, bộ đội vượt lũ dữ cứu người, giúp dân tránh ngập, chắc tay lái xuồng lao giữa màn mưa trắng trời để kịp đưa hàng cứu trợ đến những nơi bị cô lập... sẽ mãi là những hình ảnh đẹp trong lòng người dân nơi đây. Những việc làm thấm đẫm tình người nơi “rốn lũ” thêm một lần nữa khẳng định tình quân với dân như cá với nước, gắn bó keo sơn, bền chặt.

Có mặt ngày thứ hai sau lũ, mưa vẫn như trút nước, nhiều hộ dân ở huyện Cẩm Thủy vẫn không khỏi bàng hoàng, đau đớn khi bỗng chốc mất đi người thân, toàn bộ nhà cửa, tài sản bao năm cần cù lao động, tích cóp cũng trôi theo dòng lũ. Nhận lệnh hành quân về tâm lũ, 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 (Bộ CHQS tỉnh) đã nhanh chóng về 2 xã Cẩm Phong, Cẩm Lương (Cẩm Thủy) để giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Với phương châm nước rút đến đâu nhanh chóng giúp dân đến đó, cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng nhân dân địa phương khẩn trương thực hiện các việc làm thiết thực, cụ thể.

Tại thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong chứng kiến nhiều tốp cán bộ, chiến sĩ, dân quân chia nhau tỏa đi các hướng chạy đua với thời gian, giúp đỡ người dân tu sửa, dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất, trong đó ưu tiên các trường học để các em học sinh sớm ổn định, kịp thời khai giảng năm học mới... Cùng với đó, một lực lượng khác nhanh chóng làm vệ sinh khu vực nhà văn hóa thôn, trạm y tế và một số công trình dân sinh. Các điểm trường mầm non, tiểu học, THCS, bàn ghế, phòng học, các trang thiết bị dạy học đều được bộ đội tổ chức lau chùi sạch sẽ, sắp xếp lại gọn gàng. Hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác sau những ngày chạy lũ, bà Nguyễn Thị Lanh chia sẻ: Nước lũ nhấn chìm toàn bộ tài sản của gia đình, nước rút để lại một khối lượng lớn bùn đất trong nhà, thế nhưng được sự giúp đỡ của bộ đội nên nhà cửa, đồ đạc được lau chùi, sắp xếp lại sạch sẽ, trong lúc hoạn nạn được giúp đỡ ân tình, tấm lòng của các anh gia đình tôi không biết lấy gì đền đáp.

Cơn lũ đi qua, huyện Cẩm Thủy có 3 người chết, 2 người mất tích, hơn 4.200 hộ bị ngập nhà cửa; hơn 20.000 nhân khẩu phải sơ tán; 11 điểm trường, 5 trạm y tế xã; 4 công sở; hàng chục nhà văn hóa thôn, bưu điện văn hóa xã, trạm biến áp và nhiều trạm bơm bị ngập, nhiều tuyến giao thông liên xã, liên thôn vùng trũng chìm ngập trong nước, hàng nghìn héc-ta lúa, ngô, mía, hoa màu có nguy cơ mất trắng...

Đến bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) sau lũ cảnh tan hoang khiến chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Cả bản có 89 hộ với hơn 400 nhân khẩu giờ đây chỉ còn là một bãi đất đá ngổn ngang với những căn nhà xiêu vẹo. Mưa lũ đã cuốn trôi, làm sập hoàn toàn 65 ngôi nhà, 24 hộ còn lại bị ngập trong bùn đất. Nhiều tài sản, hoa màu, vật nuôi đều bị cuốn trôi theo dòng nước, phần còn lại bị vùi lấp bởi đất đá, đường giao thông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở. Trong thời khắc ấy, luôn thấy hình ảnh màu áo xanh của các lực lượng bộ đội ngày đêm túc trực thực hiện công tác giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, những cán bộ, chiến sĩ đã dầm mình trong mưa lũ, giúp dân tu sửa nhà cửa, khắc phục các công trình giao thông, cầu cống, nhằm sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Thượng tá Đặng Xuân Thu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát, cho biết: Sự cố xảy ra bất ngờ, thế nhưng trước mùa mưa bão, huyện Mường Lát đã xây dựng các phương án phòng, chống nên cơ bản chủ động được tình hình, theo đó huyện đã huy động các lực lượng chức năng đến các địa phương có thể tiếp cận được để hỗ trợ người dân. Tại bản Poọng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung xuống tận nơi để giúp đỡ bà con nhân dân. Các đơn vị đã huy động hàng trăm người, phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương ứng cứu, đưa người già, trẻ nhỏ và học sinh đến nơi an toàn, đồng thời bố trí nơi ăn ở, hỗ trợ lương thực, nước uống cho người dân, tổ chức sơ cứu kịp thời và đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tại Đồn Biên phòng Tam Chung, có khoảng 100 hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa đang được bố trí nơi ở, nuôi ăn và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các đơn vị bộ đội phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện khẩn trương khắc phục, hỗ trợ người dân tại các bản Lát, Suối Lóng, Suối Phái cũng bị thiệt hại nặng nề sau lũ...

Những ngày trong tâm lũ, chúng tôi cũng được chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý, Công an huyện Mường Lát đã dùng xe máy để vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân vùng bị cô lập. Tuy nhiên, để vận chuyển được gạo, mỳ tôm, nước uống về đến trung tâm huyện Mường Lát để cấp phát cho người dân cũng là cả một quá trình vất vả, nguy hiểm. Bởi giao thông bị chia cắt nên các anh phải sử dụng xe máy chở từng bao gạo nặng 50 kg vượt qua quãng đường hơn 10 km lầy lội với hàng chục điểm sạt lở, đất đá ngổn ngang từ xã Trung Lý đến cầu Chiềng Nưa, sau đó được chuyển lên xuồng máy ngược dòng sông Mã với quãng đường 15 km nước lũ dâng cao, chảy xiết để đưa gạo về trung tâm huyện. Từ đây gạo sẽ được cấp phát cho đồng bào vùng bị cô lập. “Khó khăn là thế, nhưng bằng trách nhiệm, tình cảm của mình, được giúp nhân dân trong cơn hoạn nạn là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi” - Thượng tá Lò Đức Minh, Trưởng Công an huyện Mường Lát xúc động cho biết.

Còn rất nhiều, rất nhiều hình ảnh thân thương, thắm đượm nghĩa tình quân dân của những chiến sĩ quân đội, công an sẵn sàng lao vào hiểm nguy, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ đã khiến người dân được an ủi, vơi bớt nỗi đau. Đó là hình ảnh chiến sĩ cõng cụ già, em nhỏ vượt qua dòng nước lũ chảy xiết đến nơi an toàn, đó là hình ảnh một thiếu úy công an quên mình lao ra giữa dòng nước lũ để cứu 2 em nhỏ ở TP Thanh Hóa; hay hình ảnh hàng chục cán bộ, chiến sĩ dùng sức người để bới đất, lật đá tìm kiếm các nạn nhân vẫn còn mất tích; cảnh dầm mưa, ngâm mình dưới nước lạnh để giúp dân hộ đê, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán an toàn... Tất cả như minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp, tình thương, việc làm đáng trân trọng trong những ngày bão lũ, lúc hoạn nạn, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân sẽ sống mãi trong lòng người dân xứ Thanh.


Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]