(Baothanhhoa.vn) - Đạt chuẩn các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa Nghị quyết 04-NQ/TU vào đời sống. Song, trên thực tế triển khai, dường như đạt chuẩn rồi lệch chuẩn đang diễn ra phổ biến. Thực trạng này phản ánh phần nào sự buông lỏng trong quản lý và triển khai thực hiện tại các địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Đường còn dài! - Ranh giới mong manh giữa chuẩn và chưa chuẩn

Đạt chuẩn các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa Nghị quyết 04-NQ/TU vào đời sống. Song, trên thực tế triển khai, dường như đạt chuẩn rồi lệch chuẩn đang diễn ra phổ biến. Thực trạng này phản ánh phần nào sự buông lỏng trong quản lý và triển khai thực hiện tại các địa phương.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Đường còn dài! - Ranh giới mong manh giữa chuẩn và chưa chuẩn

Thực phẩm tại chợ Đền, xã Hà Long (Hà Trung) phần lớn không có kiểm định của thú y (Ảnh chụp ngày 10-6-2021). Ảnh: PV

Vàng thau lẫn lộn

Chợ Đền (xã Hà Long) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993, với diện tích hơn 2.500m2, đáp ứng nhu cầu mua bán của hơn 1 vạn dân địa phương. Nhận thức việc xây dựng chợ ATTP góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, UBND xã Hà Long đã cân đối ngân sách gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo mái tôn, các khu bán thực phẩm tươi sống, sân nền, hệ thống thoát nước... theo tiêu chuẩn chợ ATTP. Năm 2020, chợ Đền được công nhận đạt tiêu chuẩn ATTP. Song, khi đối chiếu những quy định, tiêu chí đạt chuẩn về ATTP với thực tế tại chợ Đền thì vẫn có sự lệch chuẩn. Theo quy định, chợ đạt tiêu chí ATTP cần đảm bảo các tiêu chí chung và những tiêu chí cụ thể cho từng sản phẩm như, trang bị thùng rác có nắp đậy; sản phẩm thực phẩm không để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng có khả năng gây mất ATTP; sản phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc hoặc có sổ sách ghi chép lưu giữ thông tin về việc mua bán thực phẩm... Nhưng ghi nhận thực tế tại chợ Đền - chợ ATTP ngày 10-6-2021, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan thú y, hay được chủ cơ sở kinh doanh ghi chép lại việc mua bán. Các sản phẩm rau, củ, quả không có giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ. Hàng thực phẩm chế biến không có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói sản phẩm... Chị Lê Thị Hoa, kinh doanh gia cầm tại chợ Đền, cho biết: “Tôi thường lấy gà, vịt tại các hộ dân. Mỗi nhà 20 con hoặc 40 con về thả tại nhà, rồi làm thịt dần mang ra chợ bán. Vì những mối mua bán thân quen nên không ghi chép lại thông tin hay kiểm tra giấy xuất xứ nguồn gốc. Người mua hàng cũng không hỏi về giấy tờ nên tôi nghĩ không cần thiết”.

Không chỉ chợ ATTP không bảo đảm tiêu chí mà nhiều cửa hàng kinh doanh ATTP đạt chuẩn vẫn lệch chuẩn; xã, phường, thị trấn được công nhận ATTP song thực tế vẫn thiếu chuẩn. Điển hình như, cửa hàng thực phẩm sạch Quynh Giang tại xã Hà Đông (Hà Trung) được công nhận cửa hàng kinh doanh ATTP năm 2019. Khảo sát tại cửa hàng ngày 3-6-2021, chúng tôi nhận thấy phần lớn thực phẩm như rau, củ, hoa quả không có xác nhận nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm tươi sống không có kiểm soát của thú ý. Trong vai người mua hàng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chúng tôi được chủ cửa hàng thực phẩm sạch Quynh Giang cho biết, những thực phẩm này được lấy lại của dân nên không lo về nguồn gốc, xuất xứ. Đây là cửa hàng duy nhất trong xã được chọn xây dựng cửa hàng kinh doanh ATTP, xã không chợ nên đây là điểm mua bán thực phẩm chủ yếu của người dân địa phương. Ấy vậy mà sau khi được công nhận cửa hàng kinh doanh ATTP thì lại thiếu các điều kiện chứng minh ATTP.

Hay như xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) đạt chuẩn xã ATTP từ năm 2020. Xã đã xây dựng chợ ATTP và đạt năm 2020; 1 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã được tuyên truyền, ký cam kết và được cấp giấy chứng nhận bảo đảm ATTP; xây dựng 7 tổ giám sát công đồng tại 7 thôn, thành lập ban nông nghiệp, tổ giám sát ATTP tại xã để thực hiện công tác tham mưu, giám sát ATTP cho ban chỉ đạo về ATTP xã. Các hộ kinh doanh được tuyên truyền và được cấp giấy chứng nhận ATTP. Thế nhưng thực phẩm tại địa phương chưa được xác nhận nguồn gốc, xuất xứ và kiểm soát của thú y vẫn được lưu thông; thực phẩm bán trong chợ không xuất trình được giấy tờ, sổ ghi chép nguồn gốc, xuất xứ. Tổ giám sát tại cộng đồng được thành lập nhưng không thường xuyên kiểm soát và xác nhận xuất xứ nguồn gốc thực phẩm tại địa phương. Bác Trương Đình Duyên, trưởng thôn Đông Tây Hải, xã Hoằng Thanh, cho biết: Việc xác nhận nguồn gốc, xuất xứ tại thôn đôi lúc cũng gặp khó khăn, do tổ giám sát có 3 người, không thể nắm bắt hết được các hộ trong thôn gieo trồng, chăn nuôi hay phun hóa chất lúc nào. Đặc biệt, nhiều hộ cố tình trốn tránh, không hợp tác thì khó có thể giám sát được.

Có thể thấy, thực hiện nghiêm các quy định, xây dựng và duy trì tốt các tiêu chí đạt chuẩn ATTP tại cấp thôn, xã được xem là một mắt xích quan trọng trong công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt tiêu chí chợ và việc xác nhận nguồn gốc, xuất xứ là 2 nội dung quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả, chất lượng các tiêu chí về ATTP. Bởi, từ khâu đầu vào - sản xuất được kiểm tra, giám sát, xác nhận nguồn gốc xuất xứ, đến khâu lưu thông được quản lý, giám sát chặt chẽ thì việc thực phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng đến với người tiêu dùng là điều có thể hiện thực hóa. Nhưng thực tế lại không được như mong muốn. Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ, ban chỉ đạo về quản lý VSATTP xã trong tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định VSATTP và kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Phải chăng, việc buông lỏng quản lý từ cơ sở khiến cho việc đạt chuẩn các tiêu chí ATTP còn mang nặng tính hình thức và không bền vững?.

Còn nhiều trăn trở

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, toàn tỉnh mới có 2/8 chỉ tiêu đạt mục tiêu đề ra, còn 6 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 77,3% (mục tiêu 100%); xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP đạt 72,8% (mục tiêu đạt 90% trở lên); thực phẩm tiêu dùng chủ yếu trên địa bàn được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt 47% (mục tiêu hết năm 2020 đạt 50%); tỷ lệ thực phẩm nhập từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh được kiểm soát, đáp ứng yêu cầu về ATTP đạt 91% (mục tiêu đến hết năm 2020 cơ bản đáp ứng quy định về ATTP); cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng điều kiện về ATTP đạt 95,4% (mục tiêu đạt 100%); bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP đạt 98,7% (mục tiêu 100%).

Việc các chỉ tiêu chưa đạt xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đối với các tiêu chí về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hạn hẹp được xem là rào cản lớn trong quá trình thực hiện. Thực tế, kinh phí bố trí cho công tác đảm bảo ATTP tại các địa phương còn ít, chưa kịp thời, nhất là ở cấp xã. Đơn cử như huyện Triệu Sơn còn 3/17 chợ chưa đạt tiêu chí ATTP là chợ Khuyến Nông (xã Khuyến Nông); chợ Nông Trường (xã Nông Trường); chợ Sim (xã Hợp Thành). Đây chủ yếu là chợ loại 3, thuộc quản lý của UBND xã. Do các chợ đều có diện tích lớn, để xây dựng đồng bộ hạ tầng cần kinh phí lớn. Cụ thể, theo dự toán, chợ Sim được xây dựng với diện tích 5.537m2, kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; chợ Khuyến Nông cần kinh phí xây dựng khoảng 3 tỷ đồng, trên diện tích 2.300m2; chợ Nông Trường rộng 5.000m2 dự kiến vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ đối với các xã. Mặc dù huyện có cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng/1 chợ ATTP nhưng chỉ hỗ trợ sau khi đạt chuẩn và số tiền hỗ trợ cũng chỉ giảm 1 phần nhỏ gánh nặng kinh phí đầu tư của các xã.

Từ khi triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương về bảo đảm VSATTP, đồng thời đã xử lý hành chính nhiều vụ. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đó chỉ là những vụ việc được phát hiện, xử lý còn nhiều hành vi vi phạm các quy định VSATTP được che đậy khéo léo, thậm chí vẫn tồn tại do sự làm ngơ của lực lượng chức năng. Bởi thực tế, vẫn còn một bộ phận nông dân và người sản xuất, kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của thực phẩm không an toàn. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng vẫn còn diễn ra. Việc chấp hành các quy định về thời gian cách ly trong sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... chưa được kiểm soát chặt chẽ; kiểm tra chất lượng ATTP, nguồn gốc thực phẩm từ ngoài tỉnh đưa vào trong tỉnh, thực phẩm kinh doanh tại chợ còn rất hạn chế; công tác quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách thực hiện công tác quản lý ATTP còn thiếu, hầu hết là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên hiệu quả tham mưu quản lý Nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi còn mang tính hình thức.

Đơn cử như, tại thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, người dân sản xuất, kinh doanh chỉ xin cấp giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ khi đến những nơi quản lý chặt chẽ. Thường họ cũng chỉ xin một lần cho cả vụ trồng trọt hoặc cả đàn vật nuôi. Nhiều hộ thậm chí còn “sáng tạo” bằng cách xin một lần rồi photo ra nhiều bản để cung cấp cho ai có nhu cầu kiểm tra. Anh Phạm Văn Bình, trưởng thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung) chia sẻ: “Mỗi tháng tôi chỉ cấp 3 - 5 giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ. Người dân ít khi chủ động đến xin xác nhận, mà tôi cũng không thể nắm bắt chính xác khi nào người dân gieo trồng sản xuất hay xuất bán để cấp giấy”.

Có thể thấy, ngay từ khâu xác nhận nguồn gốc, xuất xứ đã không được thực hiện nghiêm ngặt, đúng theo quy định. Và thực tế, xác nhận nguồn gốc, xuất xứ mới chỉ dừng lại việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chứ chưa xác nhận sản phẩm có đảm bảo ATTP, có nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hay không.

Để Nghị quyết 04-NQ/TU đi vào đời sống, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống, thiết nghĩ cần “nắn lại” những lệch chuẩn đối với các tiêu chí đã đạt chuẩn. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, triệt để, toàn diện những quy định, tiêu chí về VSATTP. Không để tồn tại tình trạng nể nang của “văn hóa làng xã” vào trong quá trình triển khai chính tại cơ sở. Từ đó, phân định rõ ranh giới giữa đạt chuẩn và chưa chuẩn để gỡ khó trong công tác quản lý VSATTP.

Bài 3: Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Nhóm phóng viên Phòng VH-XH


Nhóm phóng viên Phòng VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]