(Baothanhhoa.vn) - Tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích luôn là vấn đề nhức nhối cần được quan tâm chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 143 vụ án giết người và 1.983 vụ cố ý gây thương tích, làm chết 100 người và bị thương 2.591 người.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về “Phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích”

Tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích luôn là vấn đề nhức nhối cần được quan tâm chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 143 vụ án giết người và 1.983 vụ cố ý gây thương tích, làm chết 100 người và bị thương 2.591 người.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về “Phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích”Lực lượng công an kiểm tra tang vật của vụ án gây rối trật tự trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Tuy tội phạm giết người chỉ chiếm 1,8% tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh nhưng hậu quả về mặt xã hội của loại tội phạm này là rất nghiêm trọng, tội phạm giết người đã xâm phạm nghiêm trọng trật tự, kỷ cương pháp luật, xâm phạm đến quyền thiêng liêng nhất của con người đó là quyền được sống. Hệ lụy của các loại tội phạm này là cảnh tang thương mất mát, gia đình vợ mất chồng, chồng mất vợ, bố mẹ mất con, anh chị em mất nhau, con cái mồ côi, gia đình mất đi người lao động chính, thu nhập sa sút, kinh tế khó khăn, nợ nần, túng thiếu... Trong khi đó, tội phạm cố ý gây thương tích chiếm 30% tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh, trong đó đã xảy ra nhiều vụ con gây thương tích cho bố mẹ, cháu gây thương tích cho ông bà, anh em trong gia đình gây thương tích cho nhau, bạn bè, đồng nghiệp gây thương tích lẫn nhau, nhiều vụ dẫn đến chết người... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, tình làng, nghĩa xóm, văn hóa dân tộc của người Việt, tác động xấu đến quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương, gây tâm lý lo lắng, bất bình trong dư luận xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Nguy hiểm hơn, dù chỉ chiếm 15% trong tổng số vụ án gây thương tích nhưng các đối tượng trong các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự trên địa bàn toàn tỉnh gây ra bằng vũ khí quân dụng, hung khí nguy hiểm với mục đích trả thù, thanh toán lẫn nhau, tạo thanh thế, tranh giành địa bàn làm ăn, bảo kê, đòi nợ thuê... đã hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xã hội, phục vụ phát triển kinh tế.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án “Phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; hạn chế thấp nhất tính chất, mức độ, hậu quả gây ra cho xã hội; kiềm chế, đấu tranh ngăn chặn, từng bước làm giảm tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh; kết quả công tác điều tra, khám phá, xử lý hiệu quả, triệt để.

Để thực hiện có hiệu quả đề án, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với công tác phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cần được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và địa phương. Đổi mới nội dung xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm dân cư. Thường xuyên phát động và nhân rộng phong trào thi đua, đăng ký, cam kết làm nhiều việc tốt về ANTT tại khu dân cư. Rà soát, củng cố lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, trọng tâm là lực lượng công an xã, tổ bảo vệ ANTT thôn, bản; tổ bảo vệ dân phố. Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây ra các vụ án giết người, gây thương tích tại địa bàn cơ sở như: đối tượng nghiện ma túy; người chấp hành xong hình phạt tù; chấp hành hình phạt ngoài tù; đối tượng quản lý, giáo dục tại xã, thị trấn; các đối tượng có tiền án, tiền sự; thanh niên hư hỏng và người bị tâm thần, bị “ngáo đá”.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án công tác vũ trang, tuần tra kiểm soát, tuần tra Nhân dân, tuần tra nghiệp vụ của các lực lượng chức năng nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với các đối tượng phạm tội giết người và tội phạm cố ý gây thương tích nhanh chóng, kịp thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật...

Để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức hội nghị cấp huyện triển khai kế hoạch thực hiện đề án. Từ ngày 15-9-2021 triển khai đồng loạt các giải pháp thực hiện đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đề án và gửi về cơ quan thường trực là Công an tỉnh tổng hợp, theo dõi. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng như thường xuyên nhắc nhở các đơn vị làm chưa tốt nhiệm vụ được giao, từ đó tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bài và ảnh: Quốc Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]