[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Tỉnh “kiểu mẫu”, “tỉnh khá” hay “cực tăng trưởng mới”… là những cụm từ đã gắn với tỉnh Thanh Hóa trong hành trình xây dựng và phát triển suốt 75 năm qua kể từ khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Điều đó cho thấy sự thống nhất về ý chí, thôi thúc, kiến tạo khát vọng, cũng là mục tiêu đặt ra để cả tỉnh phấn đấu. Sau nhiều kết quả nổi trội mà tỉnh đạt được những năm gần đây, nhất là sau khi Thanh Hóa được Trung ương ban hành những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, đã tạo ra “đường băng” để tỉnh sớm hiện thực khát vọng thịnh vượng đã đề ra .

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, ngày 20-2-1947, trong buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh và đại biểu nhân sĩ, trí thức cùng đông đảo Nhân dân, Bác Hồ đã nói: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Ngày 13/6/1957, Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ 2, Bác đến cơ quan Tỉnh ủy và có các cuộc tiếp xúc với đại biểu quân, dân, chính, đảng của tỉnh. Nói chuyện với gần 4.000 đại biểu cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong buổi họp mặt đón chào Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “Hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Trong lần thứ ba Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, năm 1960, Bác đến Sầm Sơn, trong thời gian ở Sầm Sơn, Bác nói chuyện với cán bộ và Nhân dân: “Nếu ở đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Năm 1961, lần thứ tư về thăm Thanh Hóa, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác nói: “Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Nhận thức rõ trách nhiệm “sắp đặt” như Bác yêu cầu, từng bước chuẩn bị điều kiện vật chất, tạo thế và lực để vươn lên tầm cao, vươn ra tầm xa, trong nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo, quân và dân Thanh Hóa đã không ngừng đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, tăng cường hợp tác, liên kết, để tạo ra sức mạnh nhằm nâng tầm tỉnh Thanh.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Trong hành trình phát triển của mình, nhất là trong hai nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và XVIII (từ năm 2010 đến năm 2020), có rất nhiều con số, chỉ số đã thay đổi dần theo hướng tích cực hơn qua từng năm. Đến năm 2020 quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa đã lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu trong các tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; bước qua năm 2021 đầy gian khó “con tàu” Thanh Hóa vẫn băng băng về đích, với 21/26 chỉ tiêu đề ra đầu năm đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 39.630 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5%. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 2 cả nước.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Các hoạt động đầu tư vào tỉnh đã diễn ra rất sôi động khi nhiều dự án lớn có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được triển khai, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới đã chọn Thanh Hóa là vùng đất để “cập bến”. Chỉ riêng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn - “trái tim” công nghiệp của tỉnh, đến nay đã thu hút được 262 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 145.919 tỷ đồng và 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 12,794 tỷ USD. Các khu công nghiệp lớn trong tỉnh có 340 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 20.208 tỷ đồng và 43 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 749 triệu USD.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ với đầy đủ các loại hình vận tải từ đường bộ, đường biển, đường sắt đến hàng không, trong đó có những con đường mang tính chiến lược, những dịch vụ vận tải thiết yếu, tạo thuận lợi tối đa cho việc sản xuất gắn với lưu thông, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh. Một số hạ tầng kinh tế quan trọng và thiết yếu được hình thành như, Cảng biển Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân... phù hợp với quy hoạch vùng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Một trong những định hướng phát triển của tỉnh nữa đó là, từng bước nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn, đến nay đã đạt 36%. Tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa trong những năm tới sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Trong những năm gần đây, tổng kết nhiều phong trào do Trung ương phát động trên địa bàn Thanh Hóa đã xuất hiện thêm nhiều mô hình tăng trưởng mới có giá trị kinh tế cao, có mô hình trở thành mẫu hình của cả nước. Trong hành trình phát triển của mình, Thanh Hóa cũng là tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong tốp cao nhất cả nước. Đến đầu năm 2022 Thanh Hóa đã có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 341 xã và 1.018 thôn, bản trong đó có 809 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã và 152 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Với việc lấy các đô thị trung tâm vùng, đô thị công nghiệp, du lịch làm động lực phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) đã lần lượt ban hành các Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành các nghị quyết nhằm tạo ra một nền cơ chế, hành lang pháp lý để khai thác tối đa tiềm năng, phát huy cao nhất lợi thế của các khu vực thế mạnh này cho nền kinh tế của tỉnh và từng địa phương, tạo hạt nhân lan tỏa, mang tính dẫn dắt, kết nối, đưa từng khu vực và cả tỉnh phát triển mạnh mẽ theo những định hướng đã hoạch định.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Một động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa trong nhiều năm qua là nông nghiệp đến nay cơ bản đã “đạt đỉnh” về sản lượng cũng như cán đích chất lượng ở nhiều sản phẩm, đang từng bước hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao hơn giá trị trên diện tích canh tác. Kinh tế của tỉnh theo đó đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó công nghiệp trở thành trụ cột mới cho sự tăng trưởng với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số khu công nghiệp trọng điểm.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Cùng với đó nhiều khu du lịch lớn, dự án du lịch quy mô đã lần lượt ra đời và đang tiếp tục được đầu tư. Du lịch Thanh Hóa giờ đây không còn quá lệ thuộc vào biển, nhiều loại hình du lịch khác trong tỉnh đã được đầu tư mạnh nhằm thu hút nhiều đối tượng khách ở nhiều thời điểm trong năm. Gần đây nhất tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn SunGroup đã khởi công Dự án quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa tại huyện Quảng Xương với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, tạo ra một tiện ích thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư vệ tinh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, du lịch cũng từng bước được phục hồi, đưa ngành công nghiệp không khói dần trở lại vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn hơn vào ngân sách tỉnh.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Những tiền đề cho sự bứt phá đi lên của tỉnh cơ bản đã được kiến tạo, vận hành, và để tiến tới cái đích “thịnh vượng”, trở thành tỉnh “kiểu mẫu”, bên cạnh sức mạnh nội sinh, cần phải có những cơ chế mang tính đột phá, dẫn đường mới có thể giúp tỉnh đi nhanh, tăng tốc mạnh, khai thác hết tiềm năng. Và sau rất nhiều nỗ lực xây dựng, báo cáo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp đó Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Việc Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành nghị quyết riêng cho Thanh Hóa là cơ sở để cả nước vì Thanh Hóa, Thanh Hóa vì cả nước. Trong buổi làm việc giữa Bộ Chính trị (khóa XII) với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (khóa XVIII) ngày 17-7-2020 thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Thanh Hóa phải trở nên giàu có, bởi sự giàu có của Thanh Hóa cũng chính là sự giàu có của đất nước”. Điều đó có thể hiểu rằng sau khi có “tài nguyên” cơ chế, tỉnh Thanh Hóa phải tận dụng tối đa để khai thác được những tài nguyên từ “rừng vàng, biển bạc”, đất đai, sức lao động, phát huy tốt nhất truyền thống lịch sử, văn hóa, khát vọng của tỉnh, để xây dựng tỉnh thực sự trở nên “kiểu mẫu”, tỉnh khác nhìn vào để học theo, làm theo.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Có thể nói là hiện nay Thanh Hóa đã có một “bản thiết kế” đẹp. Khi tỉnh hiện thực được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thì Thanh Hóa tự khắc sẽ thành mẫu hình cho cả nước. Chúng ta đang có những thuận lợi rất căn bản từ những cơ chế mà Trung ương dành cho tỉnh, dù rằng mục tiêu mà các nghị quyết đề ra là khá dài hơi, đến năm 2030 và xa hơn nữa. Hơn thế, từ mong muốn trở thành tỉnh “kiểu mẫu” đến cán đích của “kiểu mẫu”, sự phát triển thịnh vượng, phải là hành trình gian nan, đòi hỏi sự khổ công phấn đấu. Nhưng, với những gì mà tỉnh đã đạt được đã là sự cụ thể hóa bước đầu lời dạy của Bác Hồ về xây dựng “Tỉnh Thanh Hóa kiểu mẫu”. Những tháp tầng cao đẹp hơn nữa rồi sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn. Chúng ta có cơ sở để tin rằng những gì mà tỉnh đã “gieo” và đang tiếp tục, chắc chắn sẽ đem về cho tỉnh những “mùa vàng” mới. Những “mùa vàng” để làm nên sự “thịnh vượng” và “kiểu mẫu”, để điều đó là thực tiễn, chứ không còn là khát vọng nữa.

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

[E-Magazine] - Đường tới “kiểu mẫu”

Nội dung: Việt Ba

Ảnh: Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền

Xuất bản: 4:17:02:2022:04:00

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM