(Baothanhhoa.vn) - Quy hoạch, có lẽ là cụm từ ám ảnh “cánh” báo chí bắt đầu từ tháng 4-2019, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đối với nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Văn hóa và Đời sống. Đã nhiều lần tờ báo Văn hóa và Đời sống nằm trong diện quy hoạch, nhưng là “quy hoạch treo”, hết giông gió bão tố thì sóng yên biển lặng. Nhưng lần này lại khác, những cơn sóng ngầm bắt đầu từ các dự đoán được đưa ra, nhiều “nhà quy hoạch” có dịp được thể hiện, mỗi người một thông tin, thậm chí mỗi thông tin lại có những chiều hướng trái ngược. Chúng tôi dù lao xao, phân tán, lo lắng, nhưng phải tỏ ra bình thản, thậm chí chấp nhận câu chuyện “tan đàn xẻ nghé”.

Về với ngôi nhà Báo Thanh Hóa

Quy hoạch, có lẽ là cụm từ ám ảnh “cánh” báo chí bắt đầu từ tháng 4-2019, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đối với nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Văn hóa và Đời sống. Đã nhiều lần tờ báo Văn hóa và Đời sống nằm trong diện quy hoạch, nhưng là “quy hoạch treo”, hết giông gió bão tố thì sóng yên biển lặng. Nhưng lần này lại khác, những cơn sóng ngầm bắt đầu từ các dự đoán được đưa ra, nhiều “nhà quy hoạch” có dịp được thể hiện, mỗi người một thông tin, thậm chí mỗi thông tin lại có những chiều hướng trái ngược. Chúng tôi dù lao xao, phân tán, lo lắng, nhưng phải tỏ ra bình thản, thậm chí chấp nhận câu chuyện “tan đàn xẻ nghé”.

Về với ngôi nhà Báo Thanh Hóa

Sau nhiều cuộc họp, nhiều hội nghị của các ban, ngành cấp tỉnh, phương án sáp nhập Báo Văn hóa và Đời sống vào Báo Thanh Hóa đã được đưa ra. Đây là thông tin vui, vui vì ít nhất “bảo toàn được lực lượng” sau cả hơn một năm chúng tôi chịu đựng sự thấp thỏm. Sau niềm vui ấy là liệu có sự trăn trở, lo âu? Chúng tôi liệu có thích ứng với môi trường mới, bao giờ thì chính chúng tôi sẽ thoát li tâm lý “con rơi”? Khi nào mới hòa nhập được đây? Chặng đường chúng tôi đi còn dài, rất dài. Hầu hết chúng tôi là những người trẻ, ít nhất 20 năm cống hiến.

* * *

Tại ngôi nhà cũ, chúng tôi hàng ngày gặp nhau, kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện con cái, chuyện tuổi trẻ vùn vụt trôi và tuổi già đang sầm sập tới. Những câu chuyện không đầu không cuối nhưng chẳng có hồi kết, cuộc sống cứ giằng níu, gắn kết chúng tôi.

Kết thúc chặng đường 31 năm xây dựng và trưởng thành từ tờ Văn hóa - Thông tin, tờ báo duy nhất trong toàn quốc thuộc Sở Văn hóa - Thông tin quản lý. Sau này do việc sáp nhập các sở Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao và Du lịch thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đa ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi Báo Văn hóa - Thông tin cũng phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ của mình, do đó báo đổi tên thành Văn hóa và Đời sống.

Ngày hôm nay, sau hơn 1 năm chính thức về với ngôi nhà chung Báo Thanh Hóa, nhắc lại chuyện cũ có thể nhiều người sẽ ngại ngùng, e dè, thậm chí bấm nhau: “nhắc làm gì nhiều”. Với tôi, đó là một dấu mốc quan trọng trong hành trang làm nghề. Không phải là chuyện của một người, đó là con đường đi của hơn 30 người, thậm chí còn là số phận của các gia đình.

Cố gắng thoát ly khỏi tâm lý “nhược tiểu” chúng tôi bước vào ngôi nhà to lớn, đông người hơn ngôi nhà cũ của mình. Không thiếu những lúc nuối tiếc hay hoài niệm về những ngày sống nhẹ nhàng và “dễ thở”, những ngày tự do nói, cười, thậm chí là những ngày bê trễ công việc...

Chẳng ai có thể sống mãi với quá khứ. Thay đổi mình, thay đổi cách làm việc là điều đầu tiên chúng tôi cần phải thực hiện trong không gian mới. hơn 30 con người được phân công về những phòng ban phù hợp với chuyên môn và khả năng của mình. Tôi và 5 phóng viên khác được phân về phòng Chuyên đề, chủ yếu thực hiện nội dung của tờ Thanh Hóa cuối tuần, ra vào ngày thứ 6 hằng tuần.

Xuất phát điểm là tờ báo ngành (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi chỉ viết về văn hóa. Nghe có chạnh lòng không? Có thực tế là một số phóng viên đành phải viết văn hóa văn nghệ sau khi đã thử sức bất thành ở các mảng kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị... Quán tính “trái tay” này gây ảo tưởng rằng ai cũng có thể viết văn hóa văn nghệ. Tôi đã từng nghĩ và có mong muốn nhảy sang một địa hạt mới. Không phải là thái độ của người nhìn, người đánh giá, mà chính tôi nhận ra, bản thân những người viết văn hóa trong đó có tôi, chưa đánh động nhận thức về giá trị, tác động, tính liên đới chặt chẽ của văn hóa với cộng đồng và các lĩnh vực khác.

Ở môi trường Báo Thanh Hóa, chúng tôi như một đứa con được ra ở riêng, thoải mái vùng vẫy, không bị những ràng buộc, những kiêng dè... Sự tự do trong chính con người và công việc khiến chúng tôi viết tung tẩy, và “sung” hơn. Một năm “hòa nhập”, tôi nhìn thấy sự trưởng thành của nhiều người, không chỉ thái độ làm việc, sự nghiêm túc trong từng tin bài của mình mà còn có cả sự nhiệt huyết, trẻ trung và khát khao khẳng định mình. Có thể một vài người chưa bắt kịp nhịp điệu và guồng quay của tờ báo vì lý do tuổi tác, vì năng lực còn hạn chế, hay vì những nhiệt huyết “tàn phai”. Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy thật ngạc nhiên vì sự sắp xếp ban đầu của Ban Biên tập lại là cơ hội để nhiều phóng viên phát huy năng lực và sở trường. Đó là Ngọc Huấn nhanh nhạy khi làm báo điện tử, Mai Huyền “phiêu” trong những sản phẩm

E-Magazine, infographic; Thu Trang đằm thắm với văn hóa đình làng... Được trao cơ hội, họ tự học hỏi, thường xuyên bổ túc hiểu biết, tham vấn ý kiến của đồng nghiệp và những người đi trước.

Tôi còn nhớ, khi “hòa nhập” nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu chúng tôi có đủ sức hay sẽ đuối dần trên con đường dài ra biển lớn? Chúng tôi có trở thành người một nhà, hay sẽ rơi rụng dần? Cuộc sống là vậy, chúng ta vẫn cứ phải lao mình về phía trước, dẫu đôi lúc mệt mỏi, chùng mình thì vẫn phải cố gắng nhẹ nhàng bước tiếp để lấy đà tăng tốc. Dù thế nào làm đúng nghề được đào tạo, đúng sở thích, đúng năng lực, mong muốn gì hơn nữa?

Đến nay, sau hơn 1 năm về ngôi nhà mới, và tròn một năm ngày ra số Thanh Hóa cuối tuần, chúng tôi đã an tâm để sống, làm việc và cống hiến. Cuộc “sáp nhập” này chúng tôi lợi cả đôi đường. Một không gian làm báo chuyên nghiệp, một đời sống vật chất đủ đầy hơn. Được trao cơ hội, trao yêu thương, nhưng chúng tôi sẽ làm được gì đây, sẽ cống hiến thế nào? Trăn trở về điều đó, và tôi tự nhủ, hãy cứ cố gắng trong mỗi bài viết, ngoài hàm lượng thông tin đến bạn đọc, còn gửi gắm khát vọng vươn lên của mỗi một cá nhân trong xã hội; mong muốn đẩy lùi xóa bỏ các tệ nạn lạc hậu để mình và những người xung quanh sống tử tế và sống đẹp hơn.

Trong hành trang 60 năm truyền thống của Báo Thanh Hóa, chúng tôi vừa chập chững vài bước chân. Có thể chưa đủ thân, chưa đủ yêu thương để trao nhau những ngọt ngào và cả những trách móc, hờn giận. Cùng là con một nhà, nếu có chút tị nạnh, có chút so bì, âu cũng là thường tình. Điều cuối cùng để một gia đình vui vẻ, hạnh phúc và gắn kết chính là hãy cứ trao yêu thương sẽ nhận lại sự ấm áp, cứ cống hiến và tận hiến rồi sẽ nhận được trái ngọt.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]