(Baothanhhoa.vn) - Thật phù hợp khi Ban Biên tập chọn đặt tên cho cuốn sách này là “Báo Thanh Hóa - 60 năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Tiếp cận nhanh cơ chế kinh tế mới gắn với coi trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị và nâng cao năng lực, nghiệp vụ của người làm báo

Thật phù hợp khi Ban Biên tập chọn đặt tên cho cuốn sách này là “Báo Thanh Hóa - 60 năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Tiếp cận nhanh cơ chế kinh tế mới gắn với coi trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị và nâng cao năng lực, nghiệp vụ của người làm báo

Đồng chí Lê Văn Tu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Thanh Hóa trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu tiên (20-3-1962 - 20-3-1992).

Trải qua các giai đoạn cách mạng, từ khi Báo Thanh Hóa được thành lập (3-1962) đến năm 1986, đất nước cũng như quê hương Thanh Hóa chúng ta đã từng chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn, góp phần tích cực giành độc lập, thống nhất toàn vẹn non sông gấm vóc Việt Nam. Rồi tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục cơ sở vật chất - kỹ thuật (nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học...) và trăn trở tìm tòi, thử nghiệm, thay đổi tư duy... hướng đến Đại hội VI toàn quốc của Đảng (12-1986) - Đại hội quyết định đường lối đổi mới - xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung bao cấp, chuyển sang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, Báo Thanh Hóa với chức năng của mình, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng của quân, dân trong tỉnh, từng bước phát triển, vươn lên tiếp tục ghi những dấu ấn quan trọng trên chặng đường mới 1986-1996, nổi bật là được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (khi báo tròn 30 tuổi tháng 3-1997)! Có thể nói, bắt đầu từ đây, Báo Thanh Hóa càng tự tin, vững bước đi lên trong giai đoạn mới!

Hẳn nhiều người từng gắn bó, đồng hành với tờ báo của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn này, đều thấy trên mặt báo liên tục xuất hiện các thể loại báo chí đa dạng, sinh động, đáp ứng kịp thời, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Nắm vững chức năng cơ bản, linh hoạt các mục tiêu, phương pháp “Tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” để xác định nội dung, chủ đề từng thời gian của tờ báo và sử dụng các thể loại báo chí có hiệu quả cao - đó là thể loại chính luận và thể loại điều tra, phóng sự, gắn với yêu cầu giải thích, hướng dẫn thực hiện đúng đắn các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai sự nghiệp đổi mới, nhất là đổi mới tư duy quản lý kinh tế, đồng thời tăng cường loại bài điều tra, phóng sự trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gắn với yêu cầu phát hiện, xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình mà chủ đề trọng tâm là cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất từ cơ sở (hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy, xí nghiệp...), kết hợp yêu cầu, nội dung tăng cường cấp huyện, xây dựng huyện có cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp (ở tỉnh ta lúc này huyện Thọ Xuân là 1 trong 5 “điểm chỉ đạo” của Trung ương). Theo hướng đó, lần giở lại các trang báo trong thời kỳ này, thấy liên tục xuất hiện các bài xã luận nội dung xúc tích, ngắn gọn, mang đầy hơi thở của đời sống thực tiễn trong thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về “Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, rồi đến Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Khoán 10” (khoán hộ) trong nông nghiệp, song song với triển khai các Quyết định 25, 26/CP của Chính phủ về cải tiến quản lý xí nghiệp, bố trí lại cơ cấu sản xuất công nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu là thế mạnh của địa phương. Chẳng hạn: xã luận “HTX Xuân Thành, một điển hình thực hiện Khoán 10”; xã luận “Huyện Thọ Xuân tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch xây dựng cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp trên địa bàn”; xã luận “Chống khoán trắng cho hộ xã viên”; phóng sự nhiều kỳ “Hiện tượng Thiệu Yên trong xây dựng huyện” (tên sáp nhập hai huyện Yên Định và Thiệu Hóa lúc đó),...

Quá trình này, một loạt các công trình thủy lợi, giao thông, xí nghiệp, trường học... được khôi phục hoặc xây mới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, được Báo Thanh Hóa thông tin kịp thời để cổ vũ những thành tựu bước đầu trong triển khai sự nghiệp đổi mới, trước hết hướng vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh sản lượng lương thực, cải thiện đời sống Nhân dân... Đó là: Hoàn thành nạo vét, mở rộng luồng vận tải Thủy Hới - Lễ Môn cho tàu 1.500 tấn vào, ra thuận tiện; Lắp đặt máy thủy điện công suất 900KVA tại hồ Sông Mực; Nâng cấp Nhà máy cơ khí Thanh Hóa với 150 đầu máy, thiết bị hiện đại; Khánh thành cầu Khe Rồng, đưa 22km đường Bến Sung - Yên Cát vào sử dụng; Mở hội chợ du lịch “Hè Sầm Sơn - Sức khỏe - Kinh tế - Bạn bè”... Từ những năm 1987, nội dung báo tập trung tuyên truyền, cổ vũ thực hiện “Ba chương trình kinh tế lớn” theo Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh (10-1986) - chương trình lương thực, chương trình sản xuất hàng tiêu dùng, chương trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu, được Tỉnh ủy đánh giá đạt hiệu quả. Thời điểm này, Báo Thanh Hóa cùng với Báo Tiền Phong, Báo Phụ Nữ được Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tặng giải Tuyên truyền về thực hiện nội dung khoán sản phẩm trong nông nghiệp (Khoán 10) và 3 nhà báo của Báo Thanh Hóa được tặng giải Báo chí quốc gia (gồm các nhà báo Hoàng Vĩnh, Văn Giá, Trần Hiệp) - thông tin này đăng trên Báo Nhân Dân ngày 20-12-1990. Và, trong tập thể cán bộ, phóng viên, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa có 21 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích hoạt động báo chí; có 2 ban (phòng) được công nhận Tổ lao động XHCN (Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp), 2 cán bộ được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...

Trong quá trình tuyên truyền, có thể nói, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa giai đoạn 1986-1996 đã vận dụng khá tốt chức năng “Tổ chức tập thể”­ của báo chí cách mạng trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh của báo từ ngày đầu thành lập (3-1962), là tuyên truyền điển hình và nhân điển hình. Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, nhưng Ban Biên tập báo nói riêng và Báo Thanh Hóa nói chung vốn luôn gắn bó với phong trào của các huyện, thị xã và các điển hình tiên tiến nên vẫn tổ chức được nhiều cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới ở địa phương, đơn vị... với sự tham gia của hầu hết các bí thư huyện, thị ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi còn nhớ, ngay sau một cuộc hội thảo dạng này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dặn tôi: “Chiều nay, cậu và phóng viên trực tiếp viết bài điều tra thực tế về kinh nghiệm của HTX Tiến Nông (huyện Triệu Sơn) về khoán sản phẩm trong chăn nuôi lợn tập thể có nhiều điểm sáng tạo, hiệu quả... Nội dung bài đó rất tốt, đầu giờ chiều, các cậu sang Văn phòng Tỉnh ủy cùng đi với mình xuống Tiến Nông để tìm hiểu thêm một số vấn đề. Đọc loạt bài đó, mình có dịp tìm hiểu thêm thực tiễn sáng tạo của cơ sở, có thể giúp bổ sung một số khía cạnh vào dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy mà văn phòng đang chuẩn bị để đưa Ban Chấp hành thảo luận. Thực ra, từ khoán sản phẩm trong trồng trọt bước đầu thành công, đã đến lúc Tỉnh ủy cần có nghị quyết về thực hiện “khoán mới” trong chăn nuôi”. Tôi rất vui và đáp lại ngắn gọn: “Vâng! Thưa Bí thư, đầu giờ làm việc buổi chiều, bọn em sẽ có mặt ở Văn phòng. Báo Thanh Hóa vừa được tỉnh cấp cho một ô tô mới. Bọn em sẽ đi xe con của báo, đỡ cho văn phòng phải bận thêm việc chuẩn bị”. Trên đường trở về tòa soạn, trong đầu tôi bỗng nhiên xuất hiện ý nghĩ: “Thì ra báo chí cũng có thể góp thêm cho Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế, nếu báo chí cố gắng hiểu và làm tốt chức năng của mình!”. Từ sự lan truyền hiệu quả của các cuộc hội thảo thực tiễn do Báo Thanh Hóa tổ chức như thế, thời đó nhiều bạn bè của báo thường dùng câu nói khen ngợi báo - đó là “Phải rồi, bây giờ báo với huyện là một và đúng ra phải là một”; trong lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, báo với huyện và cơ sở luôn đồng hành cùng nhau để cổ vũ, chia sẻ, tạo ra động lực mới, cùng nhau đưa phong trào đi lên đúng hướng.

Nói như trên, không có nghĩa đó là mối quan hệ xuê xoa “dĩ hòa vi quý”! Trái lại, khi đó, ở địa phương này hay cơ quan nọ “có vấn đề”, Báo Thanh Hóa vẫn thẳng thắn có bài điều tra, phê bình, uốn nắn trên tinh thần xây dựng, nhất là từ sau khi Báo Nhân Dân mở mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L! chẳng hạn như các bài “Đảng bộ thị xã Thanh Hóa cần sớm khắc phục những thiếu sót trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức - cán bộ”; hoặc bài “Giám đốc công ty kinh doanh tổng hợp Thanh Hóa có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính và về đạo đức, tư cách!”,... Những bài viết này được chính ngay đông đảo cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ thị xã và công ty đó đồng tình, hoan nghênh (qua nhiều thư bạn đọc gửi về tòa soạn),...

Ở một góc nhìn khác khi nói đến sự nỗ lực, trưởng thành của Báo Thanh Hóa thời kỳ này, không thể không nhắc lại quá trình khắc phục hậu quả của sự mất đoàn kết nội bộ kéo dài bắt nguồn từ một số cán bộ chủ chốt của báo; gắn liền với phát huy sức chiến đấu của Đảng bộ cơ quan báo, để làm rõ đúng - sai, cũng như trách nhiệm cá nhân và tập thể, mà đỉnh điểm là khi thực hiện kiểm điểm ưu, khuyết điểm theo yêu cầu của Thông báo 74 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Kết luận các vấn đề kiểm tra ở Thanh Hóa, trong đó có đề cập “vấn đề ở Báo Thanh Hóa” - Thông báo ngày 18-3-1988. Qua kiểm điểm nghiêm túc, khách quan trong nội bộ tổ chức Đảng cơ quan báo, kết hợp sự điều chỉnh kịp thời trong nhìn nhận, đánh giá cán bộ của cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh theo tinh thần Thông báo 74 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, theo đó 2 trong số 3 thành viên Ban Biên tập Báo Thanh Hóa lúc bấy giờ bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý kỷ luật: cách chức đồng chí Quyền Tổng Biên tập và cho chuyển công tác sang cơ quan khác (đồng chí này từ trưởng phòng mới được đề bạt Phó Tổng Biên tập khoảng 1 năm rưỡi); cách chức và khai trừ Đảng đối với 1 phó Tổng Biên tập khác (đồng chí này được “lên chức” trong bối cảnh cũng tương tự như đồng chí trên); đồng chí Phó Tổng Biên tập còn lại (từng làm Phó Tổng Biên tập hơn 8 năm) được giao trách nhiệm “Phó Tổng Biên tập phụ trách”, về sau được đề bạt Tổng Biên tập. Các đồng chí bị xử lý kỷ luật chủ yếu mắc sai lầm trong thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nặng về tư tưởng cơ hội cá nhân, vi phạm một số quy định trong công tác quản lý tài chính, công tác cán bộ và xuất bản báo, thậm chí có mặt vi phạm pháp luật,... Nói lại chuyện này để chúng ta, dù ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào cũng phải luôn tự rèn luyện; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở báo dù luôn bận rộn công tác chuyên môn nhưng cần quan tâm chăm lo công tác xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt vai trò người đứng đầu cơ quan báo là hết sức quan trọng.

Nhà báo LƯƠNG VĨNH LẠNG - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh khóa I - nhiệm kỳ 1993-1998


Nhà báo LƯƠNG VĨNH LẠNG - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh khóa I - nhi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]