(Baothanhhoa.vn) - Bước sang tuổi 76, nhà báo Nguyễn Tuấn không còn có thể nhớ đầy đủ từng giai đoạn tác nghiệp hay tường tận từng bối cảnh cụ thể. Nhưng, những thời điểm, kỷ niệm công tác, sáng tác đặc biệt không thể bị phai mờ trong tâm trí ông, bất chấp sự bào mòn của thời gian và tuổi tác.

“Thắp lửa” trên từng trang báo

Bước sang tuổi 76, nhà báo Nguyễn Tuấn không còn có thể nhớ đầy đủ từng giai đoạn tác nghiệp hay tường tận từng bối cảnh cụ thể. Nhưng, những thời điểm, kỷ niệm công tác, sáng tác đặc biệt không thể bị phai mờ trong tâm trí ông, bất chấp sự bào mòn của thời gian và tuổi tác.

“Thắp lửa” trên từng trang báo

Ghi theo lời kể nhân vật Nhà báo Nguyễn Tuấn (bên trái) cùng đồng nghiệp.

Gần 40 năm làm việc, cống hiến, nhà báo Nguyễn Tuấn cùng những cây bút cùng thời là những tên tuổi đã góp phần tạo dựng uy tín, sức hấp dẫn của tờ báo Đảng trên quê hương Thanh Hóa hôm nay. Tác nghiệp, làm nghề trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, khó khăn cả về kinh tế lẫn điều kiện giao thông. Người làm nghề còn thiếu thốn cả phương tiện, máy móc kỹ thuật để tác nghiệp; nhưng nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề của những nhà báo lão thành đã khiến trang Báo Thanh Hóa luôn “thắp lửa”, phản ánh toàn diện, kịp thời các tin tức, sự kiện diễn ra trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc cũng như thời kỳ đầu đổi mới, xây dựng XHCN.

Xúc động nhớ lại thời kỳ tác nghiệp sung sức, ấn tượng và khó quên nhất trong cuộc đời làm báo, nhà báo Nguyễn Tuấn, kể: “Sau khi rời quân ngũ, tôi “đầu quân” cho Báo Thanh Hóa năm 1968. Từ đó đến năm 1975, cũng là thời kỳ tôi cùng những “đồng đội” của Báo Thanh Hóa tận lực với nhiệm vụ “phóng viên chiến trường”. Những tin tức về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Thanh Hóa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ luôn là ưu tiên số 1.

Thời chiến, mỗi khi nắm được nguồn tin, chúng tôi lập tức lên đường. Cơ sở vật chất còn đơn sơ. Sau khi ghi chép thông tin, chụp ảnh xong, phóng viên thường tác nghiệp ở nhà.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương lớn đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhà báo Nguyễn Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Là cửa ngõ miền Bắc hậu phương vào Quân khu 4, Thanh Hóa nằm trong “tọa độ” lửa của máy bay địch. Trên Quốc lộ 1A từ Đò Lèn - Hàm Rồng đến bến phà Ghép vào Nghệ An, là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường. Đặc biệt, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, chỉ trong năm 1972, không quân và hải quân Mỹ đã đánh phá bến phà Ghép hàng trăm trận, thả xuống hàng ngàn quả bom và đạn. Chúng tôi, với vai trò người “thư ký” thời đại đã có mặt kịp thời, ghi lại những chiến công xuất sắc của những người anh hùng chỉ huy trên bến phà, tinh thần anh dũng của quân và dân xã Quảng Trung (Quảng Xương) kiên cường bám làng, bám ruộng, bám trận địa, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những tin tức về cuộc chiến đấu anh hùng và những chiến tích bảo vệ phà Ghép xuất hiện kịp thời trên mặt báo, đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân tỉnh Thanh tin tưởng vào sức mạnh của sự đoàn kết, thôi thúc tinh thần cố gắng và sự nỗ lực hy sinh trên toàn mặt trận. Đó cũng là niềm hạnh phúc, mong mỏi vô bờ bến đối với chúng tôi”.

Từng chứng kiến, ghi lại tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân ta trên bến phà Ghép, dường như là “duyên nợ” để nhà báo Nguyễn Tuấn viết tiếp về cây cầu Ghép của những ngày sau khi hòa bình lập lại. Đó là một ngày mùa xuân của năm 1985, ông tiếp tục có mặt trên công trường xây dựng cây cầu Ghép -1 trong 4 cây cầu bê tông dự ứng lực được xây dựng đầu tiên ở nước ta. Nhà báo Nguyễn Tuấn kể: Tại đây, tôi được gặp những cán bộ, công nhân xí nghiệp cầu cảng 473 thuộc Liên hiệp các xí nghiệp giao thông khu vực 4, những người đang làm nhiệm vụ chế tạo những cọc thép đặc biệt đóng xuống dòng sông. Đặc biệt, tôi gặp kỹ sư cầu Lê Hồng Thụy, con trai của một đồng chí phó chỉ huy bến phà Ghép ngày nào từng chứng kiến từ đầu đến cuối một trận đánh bảo vệ bến phà khi mới chỉ là học sinh lớp 4. Tinh thần chiến đấu của các cô chú dân quân ngày nào đã thôi thúc cậu bé Thụy trở thành một kỹ sư cầu đường để xây dựng những cây cầu vững chãi cho mai sau. Khí thế hừng hực của cán bộ, công nhân xí nghiệp cầu cảng 473 để hoàn thành cây cầu sớm nhất đã được nhà báo Nguyễn Tuấn đưa vào bài viết, với niềm tự hào và phơi phới ước vọng vào một ngày mai tươi sáng. Bài báo ấy được mang tên “Từ phà Ghép anh hùng đến cầu Ghép hiên ngang”.

Là phóng viên thuộc Phòng Kinh tế, tuyên truyền chính mảng công, thương nghiệp và giao thông, nhưng nhà báo Nguyễn Tuấn cũng như các phóng viên cùng thời đã không ngại gian khó tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, núi cao đặc biệt khó khăn để phản ánh đời sống xã hội, sản xuất và dựng xây của Nhân dân. Ông kể, những chuyến tác nghiệp miền núi đi bằng xe đạp nhiều vô kể. Để lên được với bà con các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, chỉ riêng thời gian đi đường đã mất đến mấy ngày trời. Sau đó, khi kinh tế ổn định hơn, phóng viên đã trang bị được xe máy. Thế nhưng, đường đi miền núi thời ấy vô cùng hiểm trở. Có những đoạn đường tuy có xe máy nhưng phóng viên đành gửi để… đi bộ. Ông kể, kỷ niệm 1 lần đi tác nghiệp trên công trường xây dựng cầu treo Nam Động ở huyện Quan Hóa, một mình với chiếc xe đạp quen thuộc 2 ngày mới lên tới nơi. Buổi tối hôm trước, ông dừng chân tại Bá Thước. Sáng sớm hôm sau đã có mặt tại công trường. May mắn trên chặng đường về, nhà báo được xe của Ty giao thông “hộ tống” cả người lẫn xe về thành phố.

Trong những năm đầu sau hòa bình lập lại, cả đất nước xây dựng XHCN. Trên quê hương Thanh Hóa, các phong trào công, nông được phát động và hưởng ứng với khí thế hừng hực ngày đêm. Nhà báo Nguyễn Tuấn cho biết: “Để đưa được những nỗ lực, thành tích, góp phần cổ vũ cho toàn dân, trên các trang Báo Thanh Hóa dành nhiều dung lượng cho các bài viết phản ánh khí thế, tinh thần sản xuất, học tập, lập thành tích xây dựng quê hương, đất nước. Chúng tôi đã không quản ngại khó khăn “đi sâu” vào từng phong trào để lan tỏa, cổ vũ kịp thời. Đó là những bài viết: “Bỉm Sơn, những ngày đêm sôi động” - ghi lại phong trào thi đua trong giao ước hữu nghị Việt - Xô tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga; là những bài viết phản ánh khí thế thi đua thắng lợi huy động lương thực vụ mùa, các phương pháp sáng tạo trong áp dụng khoán gia công nông sản xuất khẩu; là những bài viết trên công trường xây dựng cầu, đường để “nối những bờ vui”...

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]