(Baothanhhoa.vn) - Tôi đến với Báo Thanh Hóa từ năm 1967 nhân hội nghị điển hình tiên tiến toàn tỉnh. Ở hội nghị ấy, tôi vinh dự được đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong lên báo cáo điển hình. Sau hội nghị, các bác trong ban lãnh đạo báo mời tôi về tòa soạn báo cáo cho toàn thể cơ quan được nghe. Bác Nguyễn Văn Trợ có nói với tôi: “Đồng chí Lê Hữu Khải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Nghe báo cáo thấy có khả năng viết báo được”. Tôi nói: “Cháu cũng vừa học xong lớp đào tạo những người viết báo trẻ ở Trung ương về”. Bác Trợ lại bảo: “Thế thì đồng chí về tòa soạn làm báo với chúng tôi”. Không chần chừ, tôi đã đồng ý.

Những kỷ niệm khó quên với Báo Thanh Hóa

Tôi đến với Báo Thanh Hóa từ năm 1967 nhân hội nghị điển hình tiên tiến toàn tỉnh. Ở hội nghị ấy, tôi vinh dự được đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong lên báo cáo điển hình. Sau hội nghị, các bác trong ban lãnh đạo báo mời tôi về tòa soạn báo cáo cho toàn thể cơ quan được nghe. Bác Nguyễn Văn Trợ có nói với tôi: “Đồng chí Lê Hữu Khải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Nghe báo cáo thấy có khả năng viết báo được”. Tôi nói: “Cháu cũng vừa học xong lớp đào tạo những người viết báo trẻ ở Trung ương về”. Bác Trợ lại bảo: “Thế thì đồng chí về tòa soạn làm báo với chúng tôi”. Không chần chừ, tôi đã đồng ý.

Những kỷ niệm khó quên với Báo Thanh HóaĐồng chí Lê Huy Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với cán bộ, phóng viên Báo Thanh Hóa (năm 1990).

Chia tay anh em tòa soạn, tôi trở về Đội thanh niên xung phong 696 tiếp tục công tác đảm bảo giao thông trên tuyến đường 151. Ba tháng sau, xe của báo đưa Quyết định của Tỉnh ủy đón tôi về. Từ tháng 12 năm 1967, tôi bắt đầu tham gia viết báo.

Nhớ lại những ngày đầu sống ở cơ quan báo với bao gian khổ nhưng tình người thì vô cùng ấm áp. Đây là thời kỳ mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn cam go ác liệt nhất. Cơ quan báo phải chuyển địa điểm từ thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn lên xóm 4, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn. Xa hơn với thị xã Thanh Hóa - nơi mà máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá vô cùng ác liệt. Xóm 4 dành một mảnh vườn để tòa soạn làm văn phòng. Tiếng là Văn phòng cơ quan báo Đảng nhưng cũng chỉ có năm gian nhà tranh đơn sơ, lụp xụp và một khu bếp đủ cho bộ phận hành chính, tòa soạn làm việc, anh em đi về có chỗ ngồi ăn cơm. Nói là ăn cơm nhưng thực ra chỉ có hai viên mì bột luộc với “bát canh toàn quốc, nước mắm đại dương”. Ngày lễ, ngày tết được ăn sợi mì ghế cơm. Chỉ thế thôi nhưng chúng tôi ai ăn cũng thấy ngon miệng. Tất cả lãnh đạo, phóng viên đều ở tản mát trong dân. Xã Dân Lý chủ yếu là nhà tranh chật hẹp, bàn ghế không có nên anh em thường nằm phủ phục trên giường để viết. Khổ nhưng trong chúng tôi không ai thấy khổ vì tất cả chỉ mong đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đặc biệt ở thời điểm đó, tờ báo chỉ ra mỗi tuần 2 kỳ nên thời sự không thể cập nhật hàng ngày như bây giờ. Còn phóng viên chỉ có hơn chục người nhưng máy bay đánh phá ở đâu, chúng tôi phải ngay lập tức có mặt, dù là nửa đêm, đầu sáng, buổi trưa hay buổi chiều để kịp thời đưa tin tố cáo tội ác của giặc Mỹ, biểu dương lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ. Nhiều hôm báo đã đưa vào in nhưng để cập nhật thời sự mới nhất phải bóc hết trang một, trang bốn, đôi khi đến cả trang hai. Cứ thế chúng tôi lao vào công việc say sưa, nhiệt tình quên ăn, quên ngủ. Phương tiện đi lại lúc đó chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Có những chuyến công tác, xe thủng xăm giữa đường. Trời mưa lầy lội chẳng biết vá sửa ở đâu đành dắt lội bộ, người mệt phờ phạc, mồ hôi nhễ nhại vẫn cứ đi - viết để hoàn thành nhiệm vụ.

Ở thời điểm này, báo có cách làm hay là hễ trong tỉnh có nhân tố điển hình, kể cả cá nhân, tập thể là cơ quan đều mời đến kể chuyện để toàn thể cơ quan cùng nghe. Từ việc làm đó anh em am hiểu phong trào trong tỉnh, thông tin để khai thác. Đặc biệt là được truyền thêm ngọn lửa cách mạng trong lòng mọi người. Càng làm cho anh em thêm nhiệt huyết công tác, càng thấy ấm áp tình người, tình đồng chí. Sau đó trong cơ quan tuy được phân công mỗi người phụ trách một số việc nhưng khi có việc đột xuất vẫn sẵn sàng giúp nhau không sợ hy sinh, gian khổ hay toan tính, tị nạnh.

Cứ thế guồng máy trong cơ quan chạy đều. Cán bộ, phóng viên, nhân viên trong tòa soạn ai cũng có những kỷ niệm sâu đậm với nhiều lần chết hụt do trên đường đi công tác gặp máy bay ném bom. Tôi cũng trong số đó. Trong đó lần đến viết về truyền thống làng Nam Ngạn gặp máy bay ném bom, mảnh bom làm lún một đoạn khung xe đạp. Lần lên xã Quý Lộc, mới đến Yên Trường, khi mới đến đoạn bờ đê nơi có cầu phao đi Vĩnh Lộc, bị máy bay Mỹ dội bom dữ dội, tôi chỉ kịp xuống xe ngồi im tại chỗ. Mảnh đạn cứ vèo vèo bay ngang qua người, khói bom mịt mù tưởng chết nhưng rồi vẫn thoát được. Cứ thế, chúng tôi vượt qua, tiếp tục chuyến đi công tác.

Năm 1969, cơ quan nhận thêm 5 thanh niên vừa được học Trường Sư phạm 10+2 về làm phóng viên, nhưng cuối năm thì cử đi đào tạo đại học báo chí. Phóng viên nữ chỉ có tôi và đồng chí Vũ Thị Ngọc Tuấn. Nhưng đồng chí Tuấn lại được cử đi học nên còn lại mình tôi. Lúc này cơ quan lại một lần nữa chuyển địa điểm về xã Thiệu Lý cho gần với Tỉnh ủy, thuận tiện hơn (Tỉnh ủy ở xã Thiệu Vân, gần khu tòa soạn báo). Về đây đất đai rộng rãi, gần sông nông giang nên thuận lợi cho việc tắm giặt, sinh hoạt, cơ quan làm lán ở tập trung. Đồng chí Lê Tân, Tổng Biên tập ở hai gian phòng phía đầu đường đi tới. Tiếp đến là khu lán dài, đủ chỗ cho ba tổ phóng viên ở. Các đồng chí Phó Tổng Biên tập phụ trách tổ nào ở theo tổ đó. Đầu tiên là tổ tin nông nghiệp, đến các ngành nghề công nghiệp, rồi đến tổ Văn xã, Thời sự Chính trị. Tôi ở tổ Nông nghiệp nhưng lại được giao viết tin thời sự theo chủ đề của tờ báo nên số nào cũng phải có tin, bài. Nhưng khi chủ đề tờ báo thay đổi, bài viết trước bóc ra lại phải chạy lấy tài liệu viết bài bổ sung. Việc làm báo với nam giới đã khó, với phụ nữ càng khó khăn hơn. Địa bàn tỉnh rộng, huyện nào, xã nào tiêu biểu hoặc có tiêu cực phóng viên đều phải tiếp cận để viết bài hoặc cung cấp tình hình cho đồng chí phụ trách nắm bắt. Với tôi, năm 1969 lấy chồng, năm 1970 sinh con. Con nhỏ, không có nhà gửi trẻ nên mỗi chuyến đi công tác thường phải tha con đi theo. Đến nơi, tìm cơ sở gửi con xong mới vào huyện gặp lãnh đạo. Dù tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng tôi cùng toàn thể cơ quan vẫn vượt qua và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tuy là nữ nhưng số tin bài tôi viết đăng báo cũng thuộc loại người viết nhiều nhất, nhì cơ quan. Vì gia đình có con nhỏ, tôi thường nấu cơm ở nhà cho con ăn nên anh em trong tổ đi công tác về không kịp giờ báo cơm thì tôi lại nấu thêm để anh em cùng ăn. Hôm nào tôi đi gần không đem con đi, buổi trưa chưa về kịp thì các bác lại gọi cho cháu sang ăn ngủ. Chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt, ấm áp tình người, tình đồng chí, sẵn sàng sẻ chia, cùng chung sướng khổ. Đặc biệt là thời kỳ cuối năm 1972, giặc Mỹ ném bom dữ dội, ban đêm chủ yếu là nằm dưới hầm ngủ. Đạn pháo phòng không từ Hàm Rồng, Phà Ghép, trận địa tên lửa ở ngã Ba Chè xé không khí bay vút lên sáng rực cả bầu trời cùng với những tiếng nổ rung trời chuyển đất, nhưng chúng tôi quên hết hiểm nguy, sẵn sàng chờ lệnh lên đường. Tiêu biểu nhất là các đồng chí Phạm Xuyền, Hữu Thọ, Trần Hiệp. Chỗ nào có tiếng bom là có mặt đưa tin ngay. B52 của giặc Mỹ rải thảm ở khu vực cầu Hàm Rồng nhưng do hệ thống phòng không của ta bắn rát quá chúng đã trút bom xuống xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa), ngay lập tức báo có bài đưa tin và được Tỉnh ủy biểu dương. Không chỉ đưa tin chiến đấu mà trên lĩnh vực kinh tế anh em đều phản ánh kịp thời những điển hình tiên tiến như ngọn cờ ba nhất Đông Phương Hồng, Định Công, Yên Trường, Hạnh Phúc, Định Tân... Uy tín của tờ báo ngày càng được nâng lên không chỉ với các cấp ủy đảng, ban ngành mà còn được dân yêu thương đùm bọc. Tôi cũng như các anh em phóng viên khác đi đến huyện nào đều được huyện cử người đưa đi xuống cơ sở tận tình chu đáo. Ở Nga Sơn chẳng hạn, lần nào xuống huyện cũng đều được đồng chí Mai Văn Ninh (sau này là Bí thư Tỉnh ủy) đưa đi, thậm chí đưa cả thuyền đi thăm cống Mộng Giường 2, Mộng Giường 3 và vùng triều. Còn ở huyện Hà Trung, khi tôi viết bài “Giải pháp nào cho việc chống úng ở Hà Trung”, đồng chí Đức, Bí thư Huyện ủy bảo: “Đồng chí là phóng viên mà am hiểu đồng đất Hà Trung còn hơn cả người Hà Trung, hơn cả tôi”.

Sau năm 1972, tức là sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, giặc Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc. Cơ quan trở về thị xã. Báo đón 6 đồng chí đi học về, đồng thời nhận thêm một số đồng chí như Trần Đàm, Lê Văn Tập. Đội ngũ người làm báo ở Báo Thanh Hóa thời kỳ này tăng cả về số lượng, chất lượng. Báo tăng thêm kỳ phát hành và mỗi ngày thêm vững mạnh. Chia tay báo từ năm 2001, nhưng mỗi khi ngồi nhớ lại một thời cầm bút trong tôi vẫn bồi hồi xúc động, tự hào vì được là người làm Báo Thanh Hóa từ những ngày đầu tiên.

Trước sự phát triển nhanh và vững mạnh của tờ báo cùng với đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ đầy năng động và nhiệt huyết hiện nay, tôi càng thêm tin tưởng Báo Thanh Hóa sẽ còn vươn xa, không chỉ xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy và là diễn đàn của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn tạo được dấu ấn với bạn đọc cả nước.

Nguyễn Thị Tấn


Nguyễn Thị Tấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]