(Baothanhhoa.vn) - Gần cuối năm 1986, sau khi Ban Biên tập định hướng tuyên truyền cho những tháng còn lại và thời gian tiếp theo, tôi và anh L.H được phân công đi một chuyến công tác dài ngày để phản ánh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế Tây Nam tỉnh ta mà trọng tâm là huyện Như Xuân.

Nhớ mãi một chuyến đi

Gần cuối năm 1986, sau khi Ban Biên tập định hướng tuyên truyền cho những tháng còn lại và thời gian tiếp theo, tôi và anh L.H được phân công đi một chuyến công tác dài ngày để phản ánh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế Tây Nam tỉnh ta mà trọng tâm là huyện Như Xuân.

Nhớ mãi một chuyến đi

Đồng chí Hà Trọng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với cán bộ, phóng viên, cộng tác viên Báo Thanh Hóa (tháng 3-1987).

Sau 3 ngày đăng ký mua vé xe tại bến xe khách Thanh Hóa (nay là bến xe phía Tây), đúng 5h sáng hôm ấy chuyến xe cũng được xuất bến, theo lộ trình, từ thị xã Thanh Hóa qua huyện Đông Sơn, Triệu Sơn rồi đến địa bàn huyện Như Xuân. Hồi ấy trên tuyến đường này hầu như chỉ đường cấp phối được rải đá, thêm vào đó phải vượt qua vài con dốc như: Quán Châu, Dốc Lìu, Dốc Mó, Dốc Bích... ì ạch mãi khoảng 2h chiều cũng đến được thị trấn Yên Cát.

Gặp các đồng chí lãnh đạo huyện báo cáo về mục đích chuyến đi, các đồng chí cho biết: Thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nam tỉnh ta mà trọng điểm là huyện Như Xuân, huyện dồn sức vào vận động, khuyến khích Nhân dân phát triển và khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có như: nông - lâm kết hợp, đẩy mạnh việc sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng... Trong quá trình thực hiện đã có một số xã trở thành điểm sáng. Các đồng chí cho biết thêm, xã Xuân Phúc trước kia là một địa phương có nhiều khó khăn, vài năm trở lại đây có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên. Trong dịp này huyện mời chúng tôi về để thực tế chiêm nghiệm.

5h sáng hôm sau, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách nông - lâm nghiệp của huyện đến phòng và mời chúng tôi cùng đi. Trên đường, đồng chí nói: “Hôm nay có cuộc họp ở tỉnh, tôi đưa các đồng chí đến trạm máy kéo của huyện ở Bến Sung. Sau đó các đồng chí ở trạm sẽ đưa các nhà báo vào Xuân Phúc, vì thời gian và đường vào Xuân Phúc rất khó đi, xe con chưa vào được nên các đồng chí vui lòng”.

Đến trạm máy kéo, đồng chí trạm trưởng đang chờ đợi. Sau khi được đồng chí Phó Chủ tịch huyện giao nhiệm vụ, đồng chí phấn khởi nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị một đầu máy kéo còn tốt, được lau chùi, cọ rửa sạch sẽ, sẽ đưa các nhà báo vào Xuân Phúc”. Chặng đường hơn 10km, chiếc máy kéo gật gù, ngất ngưởng, chồm lên, chồm xuống, từ từ bò trên con đường khúc khuỷu. Được thiết kế cho cày và kéo nên chỉ có một chỗ ngồi cho tài xế, do vậy tôi và anh L.H chỉ biết bám vào phía sau xe, chỗ đấu nối vào các máy công tác, hai tay, một chân lủng lẳng bám sau xe trên con đường vào Xuân Phúc.

Đến sân kho của xã, chiếc máy kéo dừng lại, gặp bác bảo vệ, chúng tôi hỏi thăm và muốn gặp đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), bác cho biết, giờ này Nhân dân và hầu hết cán bộ của xã đều ngoài đồng, ban chủ nhiệm HTX chỉ làm việc từ 2h chiều các ngày trong tuần. Đến gần trưa, chúng tôi cũng gặp được anh Đức - chủ nhiệm HTX. Ngay chiều hôm ấy, anh đưa chúng tôi dạo một vòng quanh xã, vừa đi anh vừa nói: “Xuân Phúc là vùng bán sơn địa có đất trồng lúa, đất đồi và cả đất rừng, cả thảy có gần 400ha. Vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc chịu khó cày cuốc, trồng tỉa, nên đời sống được nâng lên, bản làng đã đổi thay”.

Sau buổi cơm chiều tại nhà anh Đức, bên bếp lửa đặt ngay giữa nhà cùng với ấm trà nóng, anh tỉ tê kể lại. Sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Lý (Hoằng Hóa) do đất chật, người đông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên huyện có chủ trương chuyển canh, chuyển cư vài chục hộ lên đây để xây dựng cuộc sống mới. Các anh biết đấy, bao giờ ban đầu cũng có nhiều khó khăn, rất may đa phần người dân lên đây đều là người thuần nông nên chịu khó cuốc bẫm, cày sâu. Sau vài năm chuyển đổi, đến nay người dân Xuân Phúc đã có bát ăn, bát để, gần 30 mẫu đất trồng lúa nước với giống Bao Thai, Mộc Tuyền... mỗi sào cũng được gần 2 tạ, một năm 3 vụ (2 lúa, 1 màu) bình quân một khẩu cũng đạt gần 300kg. Diện tích vùng đồi, bà con trồng ngô, khoai, sắn... cao hơn các hộ trồng luồng, bạch đàn, và một số cây bản địa, kết hợp khoanh nuôi tái sinh. Như vậy cả 3 vùng đất đều có các sản phẩm và đã cho thu hoạch theo phương thức nông – lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, nhiều gia đình còn tích cực chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê..., có hộ 5 - 6 con trâu, bò. Nói đến đây, mắt anh rưng rưng rơi lệ, giọng nói như nghẹn ngào: “Được như ngày hôm nay, Xuân Phúc đã trải qua vô vàn khó khăn và biết bao nhiêu là cực nhọc, người dân nơi đây quanh năm chỉ cặm cụi với làm ăn, nếu không có các anh về thăm thì bàn dân thiên hạ làm sao biết Xuân Phúc đã đổi đời nhờ có công cuộc đổi mới của Đảng”.

Sáng hôm sau tại sân kho, chúng tôi chính thức có buổi làm việc với tập thể ban chủ nhiệm HTX, sau lời chào hỏi và giới thiệu thành phần, anh Đức nói: “Những gì làm được, tôi đã báo cáo với các nhà báo, mong rằng lần sau khi các anh về Xuân Phúc thực sự đổi thay. Một điều mà lâu nay tập thể Ban chủ nhiệm HTX trăn trở, nghĩ suy là làm gì để có kinh phí xây dựng trường học cho các cháu, trạm xá để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con, kéo điện về tận các gia đình, mở rộng đường vào địa phương khang trang, rộng rãi, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất... Tất cả chờ vào sự đoàn kết, nhất trí và đồng lòng của toàn thể người dân nơi đây. Điều đó chúng tôi tin tưởng Xuân Phúc có thể làm được vì trí tuệ, sức lực và đất đai nơi đây sẽ không phụ lòng người”.

Khoảng hơn 5h chiều hôm ấy, bữa cơm đoàn kết tại sân kho được dọn ra, với 6 mâm cỗ toàn là sản phẩm của Xuân Phúc và tất nhiên mỗi mâm có 2 chai rượu sắn đang còn ấm nóng. Như đã hẹn, anh Xô - người lái máy kéo đã có mặt, hơn 7h tối chúng tôi chào tạm biệt Xuân Phúc ra về. Vì máy kéo không có đèn, anh Xô đành chặt 2 gióng luồng nhét đầy giẻ và rót dầu đốt lửa buộc ở đầu xe thay đèn chiếu sáng, lúc này trời đổ mưa, anh Đức còn cẩn thận điều 2 xe máy hộ tống và dẫn đường. Đi được khoảng 3km do trời tối, lại mưa, đường trơn trượt, máy kéo bị hỏng không thể đi tiếp, chúng tôi lại chuyển sang đi bằng xe máy để về trạm máy kéo Bến Sung.

Sáng hôm sau, huyện cho xe đón chúng tôi về văn phòng UBND huyện. Do trời mưa nhiều nên xe khách không lên được Yên Cát, nhờ trạm kiểm lâm và các đồng chí công an huyện, 2 anh em cũng được đi nhờ trên một chuyến xe chở gỗ. Đến cầu Bồng Sa thì không thể qua được vì cầu sập, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 5km để ra ngã ba Sim. Tối hôm đó nghỉ nhờ ở một gia đình người quen để sáng hôm sau bắt xe khách về thị xã Thanh Hóa.

Đã hơn 30 năm, giờ đây nghĩ lại tôi thấy có nhiều niềm vui và nỗi nhớ, dẫu rằng đó chỉ là công việc thường ngày của người làm báo, tiếp xúc nhiều, thấy nhiều, biết nhiều và tất nhiên sẽ có nhiều cảm xúc với thời gian.

Nguyễn Tuấn


Nguyễn Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]