(Baothanhhoa.vn) - Học xong Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền, tháng 9 năm 1983 tôi về nhận công tác tại Báo Thanh Hóa và được phân công về Ban Nông nghiệp do anh Lê Văn Tập làm Trưởng ban.

Chắt chiu vị ngọt cho đời

Học xong Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền, tháng 9 năm 1983 tôi về nhận công tác tại Báo Thanh Hóa và được phân công về Ban Nông nghiệp do anh Lê Văn Tập làm Trưởng ban.

Chắt chiu vị ngọt cho đời

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và xem số Báo Thanh Hóa tường thuật phiên khai mạc Đại hội (tháng 1-2001).

Sau một thời gian làm quen với địa bàn, công việc tôi được chị Thu Viện lúc bấy giờ là phó ban nông nghiệp phân công cùng chị đi dự hội nghị điển hình tiên tiến tại Nông trường Sao Vàng. Thời điểm ấy Nông trường Sao Vàng là Lá cờ đầu khối nông nghiệp quốc doanh toàn quốc nên được rất nhiều nhà báo quan tâm về đưa tin, viết bài. Những ngày ở Sao Vàng, hai chị em theo xe công nông đi xuống các đội thu hoạch mía. Ngày ấy chưa có nhà máy chế biến đường nên mọi cung đoạn sau khi thu hoạch mía đều thực hiện thủ công. Tối đến, xuống đội ép mật ngồi nhìn hai con trâu kéo đi vòng quanh cối sắt ép mía mà hai chị em ngất ngây say với hương mật ngọt ngào. Sau chuyến đi này, chúng tôi có kha khá bài viết nhưng bài báo khoán sản phẩm ở Nông trường Sao Vàng làm tôi nhớ mãi. Viết về khoán sản phẩm trong thời kỳ bao cấp nhưng tôi đề cập nhiều đến cây mía, một trong những cây trồng chủ lực nơi đây. Trong bài viết tôi cũng ví von các công nhân nông trường như những chàng Thạch Sanh chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt đã đánh thức một vùng đồi bấy lâu ngủ quên. Rồi những cây mía chắt chiu từ ngọn gió Lào, từ giọt sương mai nhả cho đời những dòng mật ngọt. Và kể từ khi khoán sản phẩm phá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, người lao động thực sự bám đồi bám ruộng nên hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên rõ rệt... Lần đầu tiên có bài báo “hoành tráng”, tôi thấy vui vui, lại được các anh chị đồng nghiệp khen tác phẩm đầu tay mà viết sinh động, ngồn ngộn tư liệu và âm thanh cuộc sống trong lòng lâng lâng vui sướng. Riêng anh Tập, Trưởng ban cứ khen sao cô bé viết chữ đẹp thế. Chả là ngày ấy chúng tôi hoàn toàn viết tay trên giấy bản mà cơ quan phát.

Như một mối lương duyên ban đầu, sau này trong cuộc đời làm báo với hàng ngàn bài báo lớn nhỏ dường như tôi có duyên nợ với mảng đề tài về cây công nghiệp và những bài viết về cây mía và nghề chế biến đường mía trong tỉnh. Năm 1986, khi Công ty Đường Lam Sơn đi vào hoạt động, mảng đề tài này thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, khích lệ ngành công nghiệp mới đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân vùng miền Tây Thanh Hóa có thu nhập ổn định. Cả một vùng đồi rộng lớn trước đây chỉ toàn lau lách hoang vu nay mang về thu nhập khoảng từ 20-25 triệu đồng/ha lúc bấy giờ cũng là niềm mơ ước lớn lao của các hộ nông dân nơi đây.

Vì thế tôi nhớ vào khoảng năm 1992, cũng đi tìm hiểu và viết về cây mía Lam Sơn và sự đổi thay của nông dân vùng đồi Thọ Xuân, tôi được bác Lê Văn Tam lúc bấy giờ là Giám đốc Công ty Đường Lam Sơn đưa về xã Xuân Phú, một xã vùng bán sơn địa có đến 85% hộ dân là dân tộc thiểu số nên đời sống rất khó khăn. Trước đây kinh tế các gia đình chỉ trông chờ vào mấy cây ngô, cây sắn èo uột trên nương và vài con gà, con lợn nuôi thả rông. Từ ngày phát triển cây mía đồi, được công ty cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật lại bao tiêu sản phẩm nên đời sống người dân Xuân Phú được cải thiện rõ rệt. Đến thăm gia đình anh Phúc tại thôn Đồng Luồng, tôi và anh Như Hùng (phóng viên đi cùng) rất vui khi thấy gia đình anh Phúc mới xây ngôi nhà ngói khang trang. Đằng sau vẫn còn ngôi nhà tranh, vách đất như một cách để so sánh với đói nghèo năm xưa. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là ngay trước cổng nhà anh đắp mô hình cây mía bằng xi măng rất cầu kỳ và công phu. Anh cười vui và cho biết: “Gia đình tôi có 7 nhân khẩu (anh ở với bố mẹ già) bấy lâu nay làm ruộng, làm nương chỉ đủ miếng ăn, nói gì đến việc làm nhà. Qua vụ thu hoạch mía vừa rồi nhiều gia đình thắng lớn nên phong trào xây nhà ngói, nhà mái bằng khá rầm rộ. Gia đình tôi nhờ trồng mía năm vừa qua thu gần 200 triệu, một số tiền mà từ trước đến nay vợ chồng chưa hề mơ tới”. Vì thế sau khi cân đối ăn uống, học hành cho con cái, vợ chồng anh bàn nhau xây cái nhà cho đàng hoàng để ở. Sau khi nhà hoàn thiện, để ghi nhớ loài cây đã giúp gia đình mình đổi đời, anh bàn với cha mẹ xây bức phù điêu là một bụi mía được cả nhà rất ủng hộ. Và cả gia đình anh xem ông Lê Văn Tam, giám đốc công ty như người cha đỡ đầu. Thế mới biết suy nghĩ của người nông dân thật mộc mạc, đơn giản. Họ đâu cần những “con cá” có sẵn mà chỉ là “cái cần câu” cùng cách chỉ bảo, hướng dẫn đã là đáng quý lắm rồi.

Vào năm 1994, Hiệp hội Mía đường Lam Sơn mới thành lập khẳng định mô hình sản xuất kinh doanh mới bằng sự liên kết giữa nhà máy với các nông trường, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người trồng mía. Ông Lê Văn Tam từng nói “Làm ăn với nông dân phải rạch ròi về lợi ích, phải xem người nông dân trồng nguyên liệu là công nhân không mặc áo thợ. Mình có tin họ thì họ mới gắn bó lâu dài với mình được”.

Nắm được đề tài đó, tôi chuẩn bị tư liệu cho một bài viết mới với tiêu đề “Lại nói về cây mía và hạt đường Lam Sơn”. Cũng thời điểm này, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Báo chí châu Á mở lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với đề tài “Báo chí viết về Doanh nghiệp thời hội nhập” tại Hà Nội vào tháng 12-1994. Lúc bấy giờ Tổng Biên tập là bác Lương Vĩnh Lạng cử anh Lê Tiến Kiên, Trưởng phòng Kinh tế tham dự lớp học. Nhưng vào thời điểm cuối năm đang tập trung làm báo tết nên anh Kiên không thể tham gia. Tôi bất đắc dĩ được Tổng Biên tập cho thế chân anh Kiên đi học. Đến bây giờ nhớ lại những ngày tháng đó, tôi thấy được tham dự lớp học quả là hạnh phúc. Lớp quy tụ trên 20 nhà báo chuyên viết về đề tài công nghiệp của các báo Trung ương và địa phương do các nhà báo châu Á như Thái Lan, Singapore, Inđônêxia… phụ trách và hướng dẫn. Sau một tuần học tập nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, đi thực tế một số khu công nghiệp tại Hà Nội, thầy phụ trách giao cho mỗi phóng viên tham dự viết một phóng sự về doanh nghiệp tại địa phương hoặc tại bất cứ nơi nào mà phóng viên đủ tư liệu. Được lời như cởi tấm lòng, tôi mang tư liệu về Lasuco và Hiệp hội Mía đường Lam Sơn chuẩn bị từ ở nhà ra hoàn thiện rồi nộp sau 3 giờ thầy ra đề. Bài báo của tôi là một trong 3 tác phẩm báo chí được các thầy trong lớp học đánh giá xuất sắc và giành điểm số khá cao. Sau này về cơ quan cùng với bản nhận xét của Hội Nhà báo Việt Nam về phóng viên tham gia, tôi cũng báo cáo sơ bộ cho bác Lương Vĩnh Lạng biết tình hình lớp học. Tổng Biên tập nghe xong nhìn tôi cười rất vui “Quả là tôi đã chọn đúng người tham gia. Cô làm Ban Biên tập Báo Thanh Hóa thật tự hào”… Năm 2020, Lasuco kỷ niệm 35 năm xây dựng và phát triển. Dù trong thời điểm ngành mía đường cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Công ty đã góp phần chế biến 16,15 triệu tấn mía; sản xuất và tiêu thụ 1,8 triệu tấn đường… với doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.170 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho 3.000 CBCNV và 30.000 hộ nông dân. Điều tuyệt vời là trên địa bàn xứ Thanh đã hình thành một tập đoàn kinh tế mới công, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Thời gian trôi qua thật nhanh. Những nhà báo trẻ năm xưa nay đều ở cái tuổi lên ông lên bà nhưng niềm đam mê, nhiệt huyết với cái nghề gắn bó cả cuộc đời thì không thể quên được. Không biết có sự liên hệ nào không. Với ý chí của con người xứ Thanh, cây mía chịu bao khắc nghiệt của thời tiết để hôm nay mang lại cho đời những vị ngọt ngào. Và chúng tôi cũng đi qua mọi giông bão, khó khăn từ những ngày làm báo “ba không” nhân lên niềm vui nhiệt huyết mà góp cho đời vị ngọt ngào, đó là quá trình trưởng thành và lớn mạnh của Báo Thanh Hóa, tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

Qua cơn mưa trời lại sáng. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua. Chúng tôi - những người làm báo xứ Thanh đang háo hức mong chờ niềm vui gặp mặt. Trong cuộc đời đã có hàng ngàn bài báo viết về đơn vị, cơ sở nhưng tháng ba về chúng tôi muốn dành một chút tâm tư, suy nghĩ để viết về chính chúng tôi.

Lê Quỳnh Thanh - Nguyên Trưởng phòng Kinh tế


Lê Quỳnh Thanh - Nguyên Trưởng phòng Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]