(Baothanhhoa.vn) - Trong di sản lý luận của mình, Hồ Chí Minh có hàng trăm bài nói và viết về đoàn kết. Trong Di chúc, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Người đề cập đến như là sự tổng kết thực tiễn cả cuộc đời hoạt động cách mạng, khẳng định vai trò của đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong di sản lý luận của mình, Hồ Chí Minh có hàng trăm bài nói và viết về đoàn kết. Trong Di chúc, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Người đề cập đến như là sự tổng kết thực tiễn cả cuộc đời hoạt động cách mạng, khẳng định vai trò của đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng.

Thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: tư liệu

Thực tiễn đã minh chứng, những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ sự đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Vì thế, trong lời căn dặn trước lúc đi xa, Người viết “Trước hết nói về Đảng” chất chứa những quy luật phát triển của Đảng, trong đó có đoàn kết thống nhất: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”1.

50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người không thuần túy chỉ là thực hiện nguyện ước của một người vĩnh viễn ra đi, mà là thực hiện những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam – một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng.

Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà nhân dân đã tin tưởng giao phó. Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được nghiêm túc đặt ra, được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc.

Cũng do có sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và toàn xã hội, cách mạng Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thử thách khốc liệt bởi những biến cố của lịch sử và giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhất là gần 35 năm đổi mới. Bài học về đoàn kết nhất trí vẫn được tiếp tục khẳng định trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhiều cấp ủy đảng, nhất là các cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương đã luôn xác định đúng đắn tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất, thường xuyên giữ gìn, vun đắp, phát triển trong điều kiện khó khăn, trước những tác động của kinh tế thị trường và từ trong Đảng đã lan tỏa đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Trong Đảng cũng đã xuất hiện những xu hướng, những biểu hiện mất đoàn kết, đoàn kết xuôi chiều (thực chất cũng là không đoàn kết) ngấm ngầm phát sinh, phát triển mà khó phát hiện và ngăn chặn. Đó là sự bất đồng quan điểm, thiếu dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của cấp ủy các cấp; bè cánh, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, cục bộ địa phương ngay trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách. Đoàn kết chỉ thực sự có kết quả khi phát huy được vai trò của công tác tự phê bình và phê bình nhưng trong nhiều trường hợp, quy luật tự phê bình và phê bình không mấy tác dụng. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa, vi quý” khá phổ biến ở nhiều tổ chức đảng hiện nay. Tình trạng tham nhũng chậm được ngăn chặn cũng làm cho phân liệt ngay trong chính đội ngũ đảng viên của Đảng khi nhiều đảng viên có chức quyền giàu lên nhanh chóng, trong đó không thể không có trường hợp do tham nhũng, tiêu cực mà không có mấy biện pháp khắc phục hiệu quả. Những khuyết điểm đó làm cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng bị suy giảm, chậm được khắc phục và trở thành một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền.

Để tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Người về đoàn kết trong Đảng, cần phải coi trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo sự thống nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghiêm minh.

Đường lối của Đảng là những chủ trương, định hướng lớn và những vấn đề có tính nguyên tắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đường lối đúng là ngọn cờ tập hợp sức mạnh của đội ngũ đảng viên và của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng và xã hội. Đường lối đó được Nhà nước, các cấp chính quyền triển khai thực hiện bằng việc ban hành các quy định của pháp luật, các quyết định để hiện thực hóa trong cuộc sống. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể, của nhân dân, không tạo nên đặc quyền đặc lợi cho bất cứ một nhóm người nào trong xã hội. Người luôn nhấn mạnh: Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Muốn có đường lối đúng, “phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”2. Mọi ý kiến, suy nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe; mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Không đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận trong tổ chức với tình trạng mất đoàn kết. Trước sự phát triển của cách mạng, có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất phức tạp, chưa sáng tỏ, trong Đảng cần có sự thảo luận, tranh luận. Mọi cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, thật sự vì chân lý, lẽ phải. Đồng thời không “đoàn kết” hình thức, một chiều, nể nang, không dám đấu tranh.

Đường lối chính sách của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền có liên quan mật thiết và trực tiếp với quyền và lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân nên cần phải phát huy sức dân trong việc tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần phải nghiêm túc thực hiện Quy định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần chống lợi ích nhóm hay tham nhũng chính sách đang có nguy cơ xâm nhập vào các cơ quan ban hành quyết sách.

Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách; xóa bỏ các bất bình đẳng về thu nhập, điều kiện làm việc, đặc quyền, đặc lợi là một trong những giải pháp hữu hiệu và bền vững của đoàn kết thống nhất. Muốn vậy, còn phải thực hiện tốt Quy định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Thứ hai, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người: “Chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình... mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”3.

Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” 4.

Tuy nhiên, để có sự đoàn kết thống nhất thực sự thì mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu.

Theo Người, để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong thực hành công việc không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thương yêu đồng chí. Phê bình cũng cốt để giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ. Người được phê bình cũng phải thật thà nhận khuyết điểm thì mới sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện bản thân. Vì vậy, các cấp ủy đảng phải thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân, để mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức xây dựng sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, chi bộ đảng.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên gây mất đoàn kết nội bộ.

Phải phát hiện sớm hiện tượng mất đoàn kết, tập trung giải quyết và xử lý dứt điểm. Muốn phát hiện sớm thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát khi chúng mới manh nha để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Sự phê bình, nhắc nhở của tổ chức, kỷ luật, kỷ cương của tổ chức sẽ đóng vai trò cần thiết để không để xảy ra mất đoàn kết.

Những nơi nội bộ mất đoàn kết, cán bộ chủ chốt có nhiều biểu hiện tiêu cực thì cấp trên phải chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp. Trong một số trường hợp phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật, điều động cán bộ luôn gây mất đoàn kết đến nơi khác với vị trí thấp hơn và nếu vẫn tiếp tục gây mất đoàn kết nội bộ thì phải tiếp tục xử lý kỷ luật ở mức cao hơn.

Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sự đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân mình trước những tác động từ bên ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Chống chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm” - “giặc trong lòng” thật khó và chỉ khi nào bản thân mỗi đảng viên tự giác rèn luyện mới có hiệu quả bền vững. Sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nêu gương và trở thành nhân tố quyết định nhất giữ vững đoàn kết trong Đảng. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”5.

Đảng ta ngày càng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng và trong các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị. Hiện nay, các cấp ủy đang tập trung thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đồng thời, Trung ương Đảng đang chỉ đạo các cấp tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể nói, vấn đề đoàn kết trong Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của Người về vấn đề này, vốn được hình thành và phát triển suốt trong toàn bộ quá trình người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ có thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp nêu trên thì mới khắc phục được tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần phòng chống sự tấn công phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng của các thế lực thù địch, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.

  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 118.

  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 223.

  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 622.

  5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.630.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]