(Baothanhhoa.vn) - Không biết tiếng trống hội cung đình xuất hiện ở Hoằng Phú (Hoằng Hóa) từ bao giờ, chỉ biết ngày nay trong tất cả các sự kiện lớn nhỏ của làng, xã, trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ... luôn âm vang tiếng trống của các nghệ nhân dân gian, những người dành trọn đời để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Về nghe trống hội cung đình Hoằng Phú

Không biết tiếng trống hội cung đình xuất hiện ở Hoằng Phú (Hoằng Hóa) từ bao giờ, chỉ biết ngày nay trong tất cả các sự kiện lớn nhỏ của làng, xã, trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ... luôn âm vang tiếng trống của các nghệ nhân dân gian, những người dành trọn đời để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Về nghe trống hội cung đình Hoằng PhúCLB trống hội cung đình Hoằng Phú biểu diễn trong hội làng. Ảnh: Vân Anh

Làng Phú Khê thuộc 2 xã Hoằng Phú và Hoằng Quý (Hoằng Hóa). Đình làng Phú Khê được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia năm 1992. Tại đây, vào tháng 2 âm lịch hàng năm là nơi diễn ra Lễ hội Kỳ Phúc, lễ hội lớn nhất của làng, đã được duy trì qua hàng trăm năm. Hội làng Phú Khê nổi tiếng với nghệ thuật trống hội cung đình. Tiếng trống được truyền lại từ hàng trăm năm trước, đã từng vang lên trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tiếp tục âm vang cho đến tận ngày nay, có mặt trong tất cả các hoạt động, sự kiện văn hóa quan trọng của huyện, xã.

Duy trì và phát triển nghệ thuật trống hội cung đình, năm 2004, xã Hoằng Phú đã thành lập câu lạc bộ (CLB) trống hội cung đình Hoằng Phú. Từ 19 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã phát triển lên đến 40 người, với 20 năm kinh nghiệm. Điểm khác biệt, cũng là tín hiệu vui khi CLB trống hội cung đình Hoằng Phú quy tụ được cả người già và người trẻ, đây là một điều hiếm có ở các CLB nghệ thuật truyền thống. Điều đó cho thấy, nghệ thuật truyền thống luôn có sức hút mãnh liệt đối với tất cả mọi người, không kể tuổi tác, chỉ cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu và những người đi đầu khơi dậy nhiệt huyết của lòng đam mê và trách nhiệm.

Một trong những người tiên phong không tiếc công sức, tiền bạc và gắn bó gần hết cuộc đời trong việc phục dựng và giữ gìn nghệ thuật trống hội cung đình là Nghệ nhân Ưu tú Lê Minh Triết, chủ nhiệm CLB, thế hệ đầu tiên và là người có công lớn khi CLB được thành lập. Vốn sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật, ông Triết tự nhận mình không có thiên phú với các môn nghệ thuật truyền thống. Nhưng từ thuở thiếu niên, ông Triết rất thích đi xem hội làng. Khi các bạn cùng trang lứa bị lôi cuốn bởi những trò diễn sôi động và rực rỡ thì ông Triết lại hướng sự chú ý của mình vào màn trống hội. Ông cảm nhận được sự sôi động của lễ hội bắt đầu bằng âm vang giục giã của tiếng trống. Ông biết rằng “tiếng trống như linh hồn dẫn dắt lễ hội”, từ đó, ông tự tìm hiểu, nghiên cứu và học đánh trống. Ông thích nghệ thuật trống hội cung đình, môn nghệ thuật đã xuất hiện từ lâu ở làng, là tiếng trống mà người dân nghe “quen tai” nhất. Đến khi trưởng thành, ông Triết có trong đầu một kho tàng kiến thức về trống hội cung đình, đồng thời có thể chơi điêu luyện các loại trống và biết đánh tất cả các bài trống.

Trước năm 2004, các môn nghệ thuật truyền thống trong đó có trống hội cung đình không có “đất diễn” trong làng, cũng không còn ai theo nghề. Nhìn thấy thực trạng đáng buồn đó, ông Triết tìm đến các gia đình còn người biết nghề và lưu luyến với trống hội để vận động, thành lập CLB. Thời gian đầu, khi CLB đang còn thiếu kinh phí và niềm tin trong hoạt động, ông Triết là người bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết và cả tiền bạc, quyết tâm duy trì CLB. 20 năm giữ gìn và phát huy, đến nay ông có thể tự hào mà khoe rằng: “Ở mảnh đất này, mỗi độ xuân sang, người người, nhà nhà đều háo hức mong chờ đến ngày hội Kỳ Phúc vào tháng giêng hằng năm. Đó không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân người đã có công khai thiên lập địa chốn này, là dịp để người trong vùng tề tựu, du xuân, vui chơi với ước mong một năm an vui, mưa thuận gió hòa, mà còn là dịp làng nghe trống hội cung đình, xem những nghệ nhân biểu diễn”. Khẳng định cho lời nói của mình, ông nhắn nhủ với chúng tôi: “Một ngày nào đó, chị hãy cứ theo chân đoàn người rước hội và tiếng trống giục giã, sẽ choáng ngợp trong không khí của ngày lễ hội. Ngày thường nơi này im ắng, người làng đa số đi làm ăn xa, chỉ dịp tết và ngày lễ hội mới về. Chỉ chờ tiếng trống hội cất lên là mọi người sẽ tập hợp đông đủ, tinh hoa của vùng đất này cũng theo đó mà bừng tỉnh, khoe sắc”.

Tấm lòng của ông Triết thu hút nhiều người trẻ tham gia học trống, trở thành thành viên của CLB. Anh Lê Văn Huân, một trong những nghệ nhân trẻ, tuy mới 32 tuổi nhưng anh đã đánh trống cái điêu luyện, thành thạo nhiều bài trống hội cung đình. Anh cho biết: “Muốn chơi trống hội cho hay phải chuyên tâm luyện rèn. Trống hội có nhiều bộ, nhiều bài, mỗi bài có ý nghĩa và cách đánh khác nhau, bên cạnh đó là cách biểu diễn, thể hiện động tác thuần thục, nhuần nhuyễn sao cho hài hòa”.

Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 35 - 40 người. Trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội cung đình dùng trong nghi lễ đình làng, gồm có 11 bài như: trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm... Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống, khiến trống hội cung đình không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Bài trống được các nghệ nhân CLB thường hay biểu diễn là 18 nhịp trong bài trống rước. Trống hội sử dụng phong phú các loại trống như: trống bong, trống bản, trống cái...

Tiếng trống hội cung đình xã Hoằng Phú đến nay đã vang xa, lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Nhiều nơi đã thành lập CLB trống hội của làng và mời Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Triết về truyền dạy. Nói về niềm vui này, ông Triết cho biết: “Đến giờ tôi chẳng mong gì hơn là ngày càng có nhiều người học, người trẻ biết và học các môn nghệ thuật truyền thống, bởi đó là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Còn chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến và truyền dạy”.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]