(Baothanhhoa.vn) - Bếp ăn tập thể là những cơ sở chế biến, nấu nướng, phục vụ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người, nhất là tại các khu công nghiệp, các bệnh viện, trường học - nơi ăn uống tập trung đông người. Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại những nơi này vô cùng quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm

Bếp ăn tập thể là những cơ sở chế biến, nấu nướng, phục vụ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người, nhất là tại các khu công nghiệp, các bệnh viện, trường học - nơi ăn uống tập trung đông người. Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại những nơi này vô cùng quan trọng.

Xây dựng bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Lộc.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, việc xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP đang được tích cực triển khai. Năm 2018, toàn tỉnh đã có 162 bếp ăn tập thể được công nhận bảo đảm ATTP/179 bếp ăn được thẩm tra, đạt gần 300% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao. Lũy kế đến hết tháng 3-2019 đã có hơn 200 bếp ăn tập thể được công nhận bảo đảm ATTP.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, năm 2018, chi cục đã triển khai xây dựng mô hình bếp ăn tập thể với các hoạt động cụ thể thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP và giải pháp nâng cao chất lượng ATTP bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp; phát hành 552 cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP... Đáng lưu ý, đã thành lập các đoàn kiểm tra về ATTP trên địa bàn tỉnh với 675 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được kiểm tra, số cơ sở đạt là 624 cơ sở (92,4%), qua đó đã phát hiện và xử phạt 51 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 228 triệu đồng. Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra nhanh bằng testkit với 3.744 mẫu thực phẩm, xác định 3.688 mẫu đạt, phát hiện 56 mẫu không đạt, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, cảnh báo kịp thời.

Trao đổi với bác sĩ Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, được biết: Năm 2018, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng gần 200 bếp ăn tập thể ATTP, mỗi bếp phục vụ từ 200 suất ăn trở lên, do cấp tỉnh quản lý. Ban đầu, khó khăn chung của nhiều đơn vị là bếp ăn không bảo đảm về diện tích nên khó bố trí các khu chức năng riêng biệt; đội ngũ nhân viên phục vụ chủ yếu là lao động hợp đồng, chưa qua đào tạo... Trước thực trạng này, chi cục đã phân công cán bộ, nhân viên phụ trách các địa bàn, trực tiếp hướng dẫn từng đơn vị thực hiện các tiêu chí về bếp ăn tập thể an toàn; phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn, trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP... Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 200 bếp ăn tập thể do tỉnh quản lý được công nhận bảo đảm ATTP, vượt xa chỉ tiêu đã đề ra.

Để duy trì bếp ăn bảo đảm ATTP, hàng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành y tế và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn hướng dẫn các doanh nghiệp, trường học rà soát, đánh giá lại điều kiện ATTP, tổ chức ký cam kết, thực hiện kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP, xử lý các đơn vị có bếp ăn tập thể không bảo đảm, vận động doanh nghiệp, trường học tăng cường đầu tư nâng cấp, chấp hành đúng các điều kiện về ATTP đối với bếp ăn tập thể... vì thế các bếp ăn tập thể cơ bản thực hiện tốt các quy định ATTP.

Tuy nhiên, tại nhiều bếp ăn tập thể vẫn còn những tồn tại, như: Không thực hiện kiểm nghiệm nguồn nước dùng cho ăn uống đúng định kỳ; một số bếp ăn hoạt động trong thời gian ngắn nên cơ sở vật chất chưa được quan tâm đúng mức; người tham gia trực tiếp vào quá trình chế biến thực phẩm có sự thay đổi dẫn đến tình trạng người lao động chưa khám sức khỏe, chưa có giấy xác nhận kiến thức ATTP; việc kiểm soát thường xuyên chất lượng thực phẩm từ các nhà cung cấp còn khó khăn, chủ yếu bằng cảm quan, dựa trên mối quan hệ uy tín giữa hai bên... Bên cạnh một số công ty lớn thực hiện tốt các quy định về vệ sinh ATTP, một thực trạng chung đang tồn tại ở các bếp ăn tập thể quy mô nhỏ hơn hiện nay là cơ sở vật chất khu vực chế biến thực phẩm diện tích chưa phù hợp với quy mô, công suất phục vụ; các bếp ăn được thiết kế chưa phân chia thành các công đoạn tách biệt; chủ các công ty, doanh nghiệp còn thiếu sự quan tâm, đôi khi còn phó thác việc quản lý ATTP cho người làm thuê. Không những thế, việc một số công ty, doanh nghiệp còn thuê dịch vụ từ bên ngoài vào tổ chức chế biến, cung cấp suất ăn cho công nhân với đơn giá thấp cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn và mức độ an toàn cho người lao động, thế nên dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm nhưng hàng năm vẫn xảy ra khiến nhiều người phải nhập viện điều trị.

Thời gian tới, cùng với sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các địa phương, đơn vị cần duy trì tốt các tiêu chí để bảo đảm chất lượng các bếp ăn tập thể đã được công nhận bếp ăn ATTP; các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP, phòng chống ngộ độc tại bếp ăn tập thể. Ngoài việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra của các cơ quan liên ngành, rất cần các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm vào cuộc, kiểm tra định kỳ đối với các bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]