(Baothanhhoa.vn) - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc”, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hoằng Hóa đã tạo dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Nhờ lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ huyện đã có những quyết sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hoằng Hóa tạo đà bứt phá cho một nhiệm kỳ: Ý Đảng, lòng dân là cội nguồn sức mạnh

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc”, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hoằng Hóa đã tạo dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Nhờ lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ huyện đã có những quyết sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Huyện Hoằng Hóa tạo đà bứt phá cho một nhiệm kỳ: Ý Đảng, lòng dân là cội nguồn sức mạnh

Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Xuân Thu thăm mô hình nuôi đông trùng hạ thảo ở xã Hoằng Thanh. Ảnh: Việt Hương

Quyết sách hợp lòng dân...

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, Hoằng Hóa trở thành huyện tiên tiến của tỉnh”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra, trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 16 nghị quyết (6 nghị quyết chuyên đề), 23 chỉ thị và nhiều văn bản khác về lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong đó, có những chỉ thị, nghị quyết hợp với lòng dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, như: Chỉ thị số 06 về dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nghị quyết số 06 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 14 về xây dựng đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 15 về nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030...

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 06 về việc DĐĐT lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện. Xã Hoằng Hợp là một trong những địa phương có được sự thay đổi rõ rệt khi triển khai chỉ thị này. Những năm trước, xã nổi tiếng với những cánh đồng trồng rau cùng sự cần mẫn, chịu khó của người nông dân. Thế nhưng, những cánh đồng rau sạch, rau an toàn của xã chưa đạt được sự bứt phá như kỳ vọng. Vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ít đầu tư và chạy theo phong trào, “được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa”; mỗi hộ trồng một loại rau màu khác nhau, trông như một “tấm áo vá muôn màu”... Đến nay, cũng trên cánh đồng này, đất cũ đã “nhả kén vàng”, người dân đang chuyển sang một tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại với các loại cây trồng hàng hóa mang lại thu nhập cao.

Bên luống dưa Kim Hoàng hậu đang phát triển xanh tốt, chị Phạm Thị Thủy, thôn Đức Tiến - một trong hai người đầu tiên của xã tiên phong đầu tư sản xuất mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, vui vẻ kể chuyện: “Với tiềm năng đất đai và lợi thế của vùng đất trồng màu lại được sự động viên, khuyến khích, tạo điều kiện trong việc chuyển đổi ruộng đất của cấp ủy, chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 khu nhà màng trồng dưa chuột và dưa Kim Hoàng hậu trên diện tích hơn 1 ha. Vụ dưa chuột đầu tiên đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập trên 50 triệu đồng, so với trồng các loại rau màu truyền thống thì cao hơn nhiều”.

Đồng chí Nguyễn Quang Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Hợp tự hào cho biết: Thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy, năm 2016, ban chấp hành đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về DĐĐT, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp”. Sau hơn 4 năm thực hiện nghị quyết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của nhân dân, đến nay trên địa bàn xã có 70/223 ha đất nông nghiệp được sản xuất theo hướng hàng hóa, thâm canh tăng vụ với những cây trồng có giá trị thu nhập cao. Vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được mở rộng, xây dựng thương hiệu rau an toàn tại Hoằng Hợp. Toàn xã hình thành được 17 trang trại, gia trại tổng hợp, trong đó có 13 mô hình sản xuất hiệu quả; 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng với tổng diện tích 3,5 ha, giá trị thu nhập đạt 147 triệu đồng/ha/năm”.

Cũng như xã Hoằng Hợp, sau 4 năm DĐĐT, đồng đất Hoằng Lưu như được khoác trên mình chiếc áo mới với 16 ha trồng cà rốt, bắp cải... Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lưu Lương Hữu Hoan thì đó là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của xã. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ không hiệu quả, khi góp đất cho doanh nghiệp thuê, ngoài nguồn thu từ quỹ đất cho thuê, người nông dân có thể tăng thu nhập bằng việc sản xuất cho doanh nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Ngoài diện tích này, xã còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư tích tụ ruộng đất để trồng các loại cây hàng hóa. Hiện, toàn xã có 5 ha trồng măng tây, 6 ha trồng ớt, 20 ha trồng thuốc lào, 15 ha trồng khoai tây... Xã cũng đã quy hoạch được hơn 60 ha vùng sản xuất thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; chuyển đổi 70 ha vùng sản xuất lúa kém năng suất sang nuôi cá - lúa hoặc cá - tôm, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã hơn 160 ha, góp phần nâng giá trị thu nhập/ha canh tác đạt 130 triệu đồng (năm 2019), vượt 43 triệu đồng so với mục tiêu mà nghị quyết đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra.

... bước đột phá đầy ấn tượng

Trên đây là những kết quả đáng phấn khởi của 2 trong số nhiều địa phương của huyện Hoằng Hóa khi thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa về việc DĐĐT lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với toàn huyện, sau DĐĐT, bình quân mỗi hộ nông dân trong huyện canh tác trên 1,8 thửa ruộng, giảm 2,4 thửa so với trước đó. Giai đoạn 2015-2019, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.551 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản. Các điển hình liên kết giữa hộ dân với HTX và doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng ớt xuất khẩu tại xã Hoằng Phong, Hoằng Thịnh, giá trị thu nhập đạt 150 - 200 triệu đồng/ha (cao gấp 5 lần so với trồng lúa); trồng rau màu tại xã Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, giá trị thu nhập đạt 180 triệu đồng/ha (cao gấp 4 lần so với trồng lúa); trồng cây ăn quả ở xã Hoằng Quỳ, Hoằng Phú, Hoằng Thành cho thu nhập 170 triệu đồng/ha; nuôi cá kết hợp trồng lúa tại xã Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Trạch, thị trấn Bút Sơn... cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có 156 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp với diện tích 456 ha như các xã Hoằng Phú, Hoằng Quỳ, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng... Thu nhập trên 1 ha đất trồng trọt trong năm 2019 đạt 134,5 triệu đồng/ha, tăng 59,5 triệu đồng/ha so với năm 2011. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 104.370 tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Huyện Hoằng Hóa tạo đà bứt phá cho một nhiệm kỳ: Ý Đảng, lòng dân là cội nguồn sức mạnh

Đường về Hoằng Hóa. Ảnh: Thế Khải

Trao đổi về những con số minh chứng cho một quyết sách được đánh giá là hợp lòng dân, đồng chí Lê Xuân Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh việc quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện đã nhanh chóng cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động sát, đúng với thực tiễn của địa phương, trong đó xác định rõ chương trình trọng tâm, trọng điểm, những việc cần làm ngay, phân công, giao việc rõ ràng, mốc thời gian hoàn thành nhiệm vụ đối với từng cấp, từng ngành, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém... Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, kinh tế của huyện phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đại hội đề ra. Tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2015 - 2020 là 63.427 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 14,65%, vượt 0,15% so với mục tiêu đại hội; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 ước đạt 50,2 triệu đồng, vượt 9,2 triệu đồng so với mục tiêu đại hội. Huyện đã phát huy, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh trong việc huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều chương trình, dự án quan trọng được triển khai thực hiện. Trong đó, đáng chú ý những tuyến đường đôi đầu tiên của huyện được hình thành (đường Goòng – Quăng, Goòng – Hải Tiến); nhiều tuyến đường huyện được xây mới, nâng cấp, mở rộng, khu quảng trường, nhà thi đấu thể dục, thể thao huyện được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới... Huyện đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Việc thực hiện sáp nhập 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thực hiện bài bản, đúng quy định, tạo sự ổn định tại địa phương...

Có thể thấy trong nhiệm kỳ qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, nhịp nhàng, hành động quyết liệt, giữ vững được tình hình ổn định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều chỉ thị, nghị quyết mang hơi thở cuộc sống, được người dân đón nhận, mang lại hiệu quả cao, tạo đà quan trọng để Hoằng Hóa tăng tốc, bứt phá trong nhiệm kỳ mới.

Tô Dung - Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]