(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 2,56%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Dấu ấn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Bài 12 - Thanh Hóa nỗ lực giảm nghèo bền vững

Dấu ấn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Bài 12 - Thanh Hóa nỗ lực giảm nghèo bền vững

Được tiếp cận nguồn tín dụng, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Mai Phương

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 2,56%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Từ chủ trương đúng

Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tại Thanh Hóa, công tác giảm nghèo được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2020. Vì vậy, ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27-5-2016 về việc ban hành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG cấp tỉnh, giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG GNBV và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban. Đây chính là thể hiện sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn liền với xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020; HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG GNBV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và nghị quyết quy định về mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Đồng thời phân công các sở, ngành đỡ đầu các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế ở địa phương đề ra những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện. Các huyện miền núi tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU... để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Đến việc phát huy tối đa các nguồn lực

Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương ban hành cùng với ngân sách địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp, phát huy tối đa mọi nguồn lực và sử dụng các nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất. Riêng Chương trình MTQG GNBV, trong giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, toàn tỉnh đã thực hiện 1.234 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 247 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, khoán chăm sóc bảo vệ 917.937 ha rừng, 8,137 triệu liều vắc-xin tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các huyện nghèo. Có 70.172 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình, trong đó có 17.543 hộ đã thoát nghèo.

Thực hiện Chương trình 30a về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, từ năm 2016 đến 2019 đã có 120 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng, chủ yếu là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Từ Chương trình 135, đã thực hiện đầu tư khởi công mới 1.067 công trình và duy tu bảo dưỡng 125 công trình thiết yếu các loại. Chương trình 257 có 124 công trình được triển khai thực hiện. Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng là việc thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình GNBV đã tạo nên diện mạo mới cho các huyện nghèo và các xã bãi ngang đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh như: Hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, Tỉnh đoàn đã xây dựng, thực hiện được 66 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 3.500 hội viên, đoàn viên với kinh phí hỗ trợ trên 22,4 tỷ đồng, tiêu biểu như các mô hình: Nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; nuôi cá lồng; trồng cam V2, bưởi diễn, trồng bí xanh, nghệ ruột đỏ, trồng hoa...

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Hiện 100% hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Các cấp hội trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với phụ nữ bằng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo như thành lập các HTX, tổ hợp tác tiểu – thủ công nghiệp, xây dựng mô hình “Ngân hàng bò”... thu hút nhiều hội viên tham gia. Riêng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hội đã xây dựng được 5 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò và dê sinh sản. Từ năm 2016 đến nay hội đã trao 157 con bò cái và 140 con dê giống sinh sản cho 227 hội viên, phụ nữ nghèo tham gia mô hình.

Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, ngành lao động – thương binh và xã hội đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 5 năm qua toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 337.765 lao động, đưa đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm hơn 10.000 người; giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 20.000 người... Các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư kinh doanh, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động. Cùng với giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hướng nghiệp, các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Và ý chí vươn lên của người nghèo

Là hộ nghèo, năm 2018 gia đình bác Phạm Như Thông ở thôn Định Kim, xã Tân Phúc (Nông Cống) được sự quan tâm của Nhà nước, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, gia đình bác được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ tiền để mua con giống và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Bác Thông chia sẻ: Sự hỗ trợ kịp thời là “cứu cánh” tạo cơ hội, động lực để gia đình tôi cố gắng hơn trong lao động sản xuất, có cuộc sống dần ổn định. Vì vậy trong đợt rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2019 gia đình tôi đã tự nguyện xin thoát nghèo.

4 năm trở về trước, hộ chị Cao Thị Nghiệp ở bản Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) còn là hộ nghèo. Năm 2016 chị được hội liên hiệp phụ nữ xã bình xét vào danh sách tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và được hỗ trợ 10 triệu đồng, chị huy động thêm nguồn lực, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội mua 1 cặp bò, 5 con lợn cỏ về chăn nuôi. Đến nay bò đẻ được 4 lứa, lợn đã xuất chuồng 5 lứa. Chị Nghiệp chia sẻ: Chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con. Số tiền bán bê, bán lợn hằng năm đã giúp tôi lo cho các con ăn học, chi phí việc cưới xin cho con gái đầu. Nhờ được hỗ trợ sinh kế đã tạo động lực giúp tôi tự tin vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong bản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Các chương trình, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ vào phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập... Quan trọng hơn, thông qua các chương trình, dự án, năng lực sản xuất, ý chí vươn lên của người nghèo được nâng lên, việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ mức cao gấp 1,37 lần cả nước đầu năm 2016 đã giảm xuống bằng 0,87 lần so với bình quân chung của cả nước vào cuối năm 2019. Ước đến cuối năm 2020 toàn tỉnh còn 1,01% hộ nghèo. Vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét. Các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,17 lần so với năm 2015. Đã có huyện Như Xuân, một trong 8 huyện của cả nước ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 24 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn khu vực miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo bảo trợ xã hội. Có 376/559 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mai Phương

Bài 13: Thu hút đầu tư - tiền đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]