[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Vùng đất ven biển xứ Thanh nhuốm màu xanh ngát của cánh đồng cói - nơi cư dân bao đời ướp mặn mồ hôi, dốc lòng dốc sức, nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, từng bước đưa cây cói vượt qua “cơn bĩ cực”, tìm lại ánh hào quang khi xưa.

Tạo hóa ưu ái ban tặng hơn 102km bờ biển để xứ Thanh được sống trọn với niềm tự hào của một xứ biển. Bao đời nay, dọc dài theo biển, những người dân đã dệt nên bức tranh lao động sản xuất, đời sống tinh thần phong phú, đa dạng.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Xứ biển ấy đâu chỉ có cát trắng nắng vàng với những bãi tắm đẹp mơ màng, nức lòng du khách, sắc đỏ tươi rực rỡ của lá cờ Tổ quốc theo từng con tàu đánh cá của ngư dân vững vàng tung bay giữa biển khơi. Vùng đất ven biển xứ Thanh nhuốm màu xanh ngát của cánh đồng cói - nơi cư dân bao đời ướp mặn mồ hôi, dốc lòng dốc sức, nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, từng bước đưa cây cói vượt qua “cơn bĩ cực”, tìm lại ánh hào quang khi xưa.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Tỉnh Thanh Hóa có một vùng quê trồng cói lác từ khá lâu đời, đó là huyện Quảng Xương. Trước đây, cây cói lác thường mọc trên đất phù sa cổ, mọc bạt ngàn từ bến đò Ghép lên đến trung, thượng lưu đất bãi sông Yên, nhiều bùn lầy. Thủy triều lên đến đâu cây lác mọc đến đó. Người dân quanh vùng thu hoạch về để sản xuất các loại vật dụng hằng ngày như: Ró, bị, đệm… Tuy nhiên, vốn là cây mọc hoang nên cây lác chỉ ngắn chừng 1m, các sản phẩm làm ra từ cây cói lác này có “ngoại hình” không được bắt mắt.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây cói, người dân nơi đây phải vất vả “tái sinh” cây cói lác bằng cách trồng lại với kĩ thuật, cách thức chăm bón vô cùng khó nhọc, kì công. Trong bài viết “Cói lác Thanh Hóa” (Văn hóa nông nghiệp xứ Thanh), nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã mô tả rất chi tiết về từng công đoạn trồng, cải tạo đồng lác theo đó là bao nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân: “Đất trồng lác phải dọn sạch cỏ khi nước thủy triều xuống cạn rặc. Dọn sạch cỏ rồi cuốc xới đảo trộn bùn đất, như vỡ hoang cuốc ruộng. Công việc tiến hành vào tháng 2 âm lịch. Chờ ít hôm cỏ bị thối hết rễ, bùn đất ngấu, người ta đào bấng lác ở ruộng cũ trồng cắm xuống ruộng mới. Nhờ đất mới chất đất phù sa tốt, cây cói chóng bén rễ lên xanh. Phải chờ đến tháng 7 âm lịch năm sau, mới thu hoạch được vụ đầu mùa lác”.

Tuy nhiên, sau khi được ngành nông nghiệp đầu tư kỹ thuật, cây lác phục tráng khá tốt, bằng cách bón phân vô cơ theo tỷ lệ nhất định, mỗi năm từ một vụ chuyển thành hai vụ (vụ mùa và vụ chiêm, vụ mùa cho năng suất cao hơn vụ chiêm).

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Ngày nay, nhờ có sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích, nghề cói ở huyện Quảng Xương vẫn được kế thừa và phát triển. Cây cói được trồng trên địa bàn một số xã, gồm: Quảng Phúc, Quảng Ngọc, Quảng Trường, Quảng Văn, Quảng Long, Quảng Khê... Cói thu hoạch 2 lần trong một năm vào đầu tháng 4 và tháng 10 (âm lịch). Đầu tháng 4 là thời điểm chính vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Hữu Hụi (69 tuổi) cho biết: “Từ cây cói tốt tươi ngoài đồng cho đến khi trở thành những chiếc chiếu, chiếc thảm, giỏ xách đẹp đẽ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người trồng cói”.

Theo đó, cói sau khi cắt gốc, người dân phải giũ cho sạch cỏ rác và tách những lớp cói ngắn ra để riêng. Cói được phân thành 3 loại. Loại trên 1,65 m dùng dệt chiếu loại 1 hoặc đưa đi xuất khẩu. Loại trung bình dài 1,5 đến 1,6 m dệt chiếu cá nhân. Còn cói khô, héo dùng để đun nấu hoặc lợp mái nhà. Khi đã phân loại xong, người dân bắt đầu chẻ cói. Đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Cây cói sau khi được chẻ, sẽ đem phơi 3 nắng ngoài ruộng để cho nhẹ và mềm sợi. Sau đó, được cột thành từng bó để đưa về nhà để tiếp tục phân loại, phơi khô bán cho các cơ sở sản xuất. Người dân phơi cói sợ nhất trời mưa, vì cói sẽ hư hỏng, đen màu không bán được.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, trong những năm qua, huyện Quảng Xương đã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư vốn để mua mới, cải tạo máy dệt chiếu, nâng cao năng suất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, thợ lành nghề phải làm việc kiên trì, liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ mới dệt được hai chiếc chiếu nên sản lượng, thu nhập thấp. Tuy nhiên, kể từ khi ứng dụng máy dệt chiếu vào sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, không những nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quyết định đến sự sống còn của nghề cói nơi đây.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Với lợi thế của các xã nằm dọc bờ biển tạo thành một vùng triều mầu mỡ, ngoài các loại cây trồng ngập mặn, cói được xem là loại cây đủ khả năng thích ứng, sinh trưởng và phát triển tốt trong điểu kiện thời tiết, thổ nhưỡng của huyện ven biển Nga Sơn. Bởi vậy, từ lâu, người dân nơi đây đã sớm hình thành nghề trồng cói, dệt chiếu cói; vùng triều màu mỡ nơi đây dần phát triển thành vùng nguyên liệu cói rộng lớn. Chiếu Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng và sử dụng là bởi sản phẩm được đôi bàn tay khéo léo, chuyên cần của người thợ dệt nên từ những sợi cói nhỏ, dai, óng mượt. Đặc biệt, so với Nga Sơn, ít có nơi nào trên cả nước có thể trồng được loại cói dài như vậy. Với những ưu điểm vượt trội đó, chiếu cói Nga Sơn nổi tiếng xa gần: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa làng Hà Đông”.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Theo thời gian, nghề cói của Nga Sơn dần phát triển và đạt đến giai đoạn cực thịnh khi có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, chủ yếu là ở các nước Đông Âu. Ngày ấy, về với các xã vùng triều của Nga Sơn sẽ cảm nhận được rất rõ ràng không khí làm việc hăng say, sôi nổi và niềm vui, niềm hạnh phúc, ấm no mà nghề cói mang lại cho bà con Nhân dân. Khắp trong vùng, người người, nhà nhà dệt chiếu. Cói ướp nắng vàng, hân hoan phơi mình trên những con đường làng, ngõ xóm. Những lá chiếu hoa, chiếu đậu, thảm cói… nằm ngay ngắn trên những chiếc tàu chở hàng, sẵn sàng vượt đại dương đến với bạn bè quốc tế.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm, biến ảo, khắc nghiệt của thị trường, nghề cói Nga Sơn cũng phải trải qua những giai đoạn “ba chìm, bảy nổi”. Khoảng những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, nghề cói Nga Sơn điêu đứng vì mất đi thị trường. Sản phẩm làm ra chất đống trong nhà, không có nơi tiêu thụ khiến nhiều người nản chí, không còn động lực gắn bó với nghề. Diện tích đất trồng cói dần bị thu hẹp để chuyển đổi sang trồng lúa, hoa màu nhưng vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế khiến cho cuộc sống người dân lâm vào cảnh khốn khó. Gánh nặng mưu sinh buộc những con người vốn tha thiết yêu nghề, từng một thời nhiệt huyết, hăng say lao động, giãi nắng dầm mưa chẳng quản ngại khó khăn, vất vả với niềm tin, khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương phải tạm gác lại nghề truyền thống của cha ông. Nghề cói Nga Sơn đứng trước nguy cơ mai một.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Tuy nhiên, mặc cho biết bao sóng gió, thử thách bủa vây, đứng trước quy luật khắc nghiệt của thị trường và cuộc sống mưu sinh, trải qua bao thế hệ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nga Sơn vẫn nỗ lực, quyết tâm gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Về với vùng nguyên liệu cói Nga Sơn, bất kì ai cũng đều cảm thấy khâm phục, ngưỡng mộ ý chí phấn đấu, vươn lên giữ nghề và phát triển nghề của người dân nơi này. Giờ đây, cói Nga Sơn không chỉ dần khôi phục được thị trường trong nước mà còn đủ sức vươn mình ra thế giới. Năm 2019, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói và hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt 51,2 tỷ đồng. Sự phát triển của các làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là nghề cói đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa kim ngạch xuất khẩu của huyện liên tục tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nga Sơn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói tương đối hiệu quả, tiêu biểu như: Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang (Khu Công nghiệp làng nghề, thị trấn Nga Sơn); Công ty TNHH Thi Nghê (thị trấn Nga Sơn); Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất khẩu Cói Xanh (xã Nga Liên); Công ty TNHH Cỏ may Đức Hùng... Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới như: Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Dẫu biết rằng, trước áp lực của cơ chế thị trường, nghề cói vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Giữ được nghề đã khó, làm sao để mỗi người lao động đều có thể “sống vui, sống khỏe”, phát triển với nghề là điều đáng để bận tâm, suy nghĩ.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Điều đó không chỉ đòi hỏi sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, ban, ngành mà hơn hết, chính bản thân những người sản xuất, kinh doanh nghề phải tự ý thức đổi mới tư duy, phương pháp, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, mạnh dạn đầu tư...

Và hơn hết, hãy biết đoàn kết, đẩy mạnh giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhau tạo nên cộng đồng cùng nỗ lực, phát triển, đúng như Warren Buffett đã nói: “Nếu muốn đi thật nhanh thì hãy đi một mình. Nếu muốn đi thật xa thì hãy đi cùng nhau”.

[E-Magazine] - Sắc cói xứ Thanh

Nội dung: Hương Thảo

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Hoàng Hân

Xuất bản: 4:26:11:2020:14:58

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM