(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ nổi danh bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) còn là mảnh đất gắn liền với những dấu tích, những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc.

Xã đảo Nghi Sơn – mảnh đất của những huyền thoại, lịch sử

Không chỉ nổi danh bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) còn là mảnh đất gắn liền với những dấu tích, những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc.

Xã đảo Nghi Sơn – mảnh đất của những huyền thoại, lịch sửĐền thờ Vua Quang Trung, một di tích gắn với cuộc sống người dân xã đảo Nghi Sơn.

Xã đảo Nghi Sơn còn có tên gọi Biện Sơn vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải. Việc đi lại chủ yếu là đường núi nhỏ hẹp nhưng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Đến Nghi Sơn, đi giữa những con đường nhỏ len lỏi trên những dãy núi hoang sơ, người ta sẽ được tận mắt ngắm cảnh mênh mang sóng nước với những kiến tạo độc đáo mà thiên nhiên ban tặng, được nghe tiếng sóng, tiếng thuyền bè tấp nập và cả những lao xao chợ cá buổi sớm hôm, được hòa mình vào với nhịp sống mộc mạc, cần lao của những cư dân xóm nhỏ... Mà đâu chỉ có vậy, mảnh đất này hấp dẫn du khách còn bởi những dấu tích văn hóa vừa mang đậm giá trị lịch sử lại vừa gắn liền với những huyền thoại đẹp được lưu truyền trong dân gian. Tiêu biểu là các di tích: Đền thờ Vua Quang Trung, Đền thờ Sát Hải Đại vương, giếng Ngọc cùng với huyền tích về Mỵ Châu - Trọng Thủy, những dấu tích còn sót lại của phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, một trong những dấu ấn đậm nét của nghĩa quân Tây Sơn trên đất Thanh Hóa...

Theo tài liệu sử sách ghi lại, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1788-1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược đánh quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) của đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh. Với những bước đi đúng đắn từ việc rút lui chiến lược, phòng tuyến cũng là bàn đạp của cuộc phản công, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân giặc.

Trải qua sự biến thiên của thời gian và những diễn biến trong từng giai đoạn lịch sử, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn tại xã đảo Nghi Sơn đã không còn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu. Hiện di tích chỉ còn lại 3 thành nhỏ được xây dựng bằng những khối đá ghép lại, gồm: Thành Đồn, thành Hươu, thành Ngọc. Thành Đồn hay còn gọi là đồn Biện Sơn nằm ở phía Đông Bắc có kết cấu hình tròn với đường kính 72m, phía trên thành đắp thêm tường phụ cao 1m, dày 1,2m, có chỗ độ cao lên tới 3,5m. Cổng thành xây bằng gạch kiểu tò vò, trong thành có một khẩu súng thần công. Thành Hươu ở phía Đông Nam cũng có hình tròn, đường kính 13m, tường thành dày 1,3m và cao hơn 1m. Nhân dân gọi là thành Hươu vì gần đó có ghềnh đá hình con hươu. Thành Ngọc có hình bán nguyệt với đường kính 22m.

Để nhớ công ơn của người anh hùng áo vải, người dân đã lập đền thờ Vua Quang Trung ngay tại căn cứ thủy quân Biện Sơn. Đền có vị trí đẹp, phía trước mặt và bên hông hướng ra biển, nơi có những chiếc tàu cá neo đậu, phần còn lại tiếp giáp với nhiều nhà dân khiến đền thờ vừa có sự linh thiêng, trầm mặc vừa rất đỗi gần gũi với cuộc sống nhộn nhịp đặc trưng của một miền quê làng biển. Hàng năm, lễ hội Quang Trung được tổ chức vào ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng với các nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng lễ vật, tế lễ, đọc chúc văn để cầu mong thần linh, Vua Quang Trung phù hộ che chở một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi về lộng an toàn. Sau phần lễ là phần hội diễn ra với các làn điệu dân ca, trò diễn mang đậm yếu tố văn nghệ dân gian biển đảo như: hò sông nước, kéo co, bơi thuyền...

Cách Đền thờ Quang Trung không xa, men theo những con ngõ nhỏ được bao quanh bởi những bờ tường đá cuội, Đền thờ Sát Hải Đại vương hướng mặt về phía Hòn Mê. Từ đền, nhìn ra mờ xa, nổi lên trên biển là 18 hòn đảo nhỏ được gọi là “Thập bát mã sơn”, có ý nghĩa ví quần đảo như đàn tuấn mã chầu về Nghi Sơn. Tương truyền, Sát Hải Đại vương tên thật là Hoàng Tá Thốn, vào thế kỷ XIII trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, ông đã lập được nhiều chiến công. Hoàng Tá Thốn mất trong một lần đi tuần thủ đường biển ở Hoằng Hóa. Biết ơn những công lao của ông, nhà vua đã phong cho ông là Sát Hải Đại vương, ban cho thuyền rồng chở linh cữu ông về mai táng tại quê nhà ở Vạn Phần, nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong tâm thức dân gian bản địa, ông là một vị thần giúp ngư dân mỗi khi sóng gió, giặc dã, cứu giúp dân khi hoạn nạn gian truân.

Về xã đảo Nghi Sơn, hỏi thăm những người dân cao tuổi về quần thể di tích cũng như các câu chuyện huyền thoại của vùng đất này, nhiều người kể vanh vách cho chúng tôi nghe chuyện về nàng Mỵ Châu và sự tích giếng Ngọc ven bãi biển. Vẫn là bài học về sự lơ là mất cảnh giác dẫn đến mất nước của Vua An Dương Vương, vẫn là những cảm xúc về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, người dân Nghi Sơn còn nhắc nhiều tới chiếc giếng Ngọc với nguồn nước mát lành dùng để rửa sáng những viên ngọc trai lấy lên từ biển cả.

Dẫn chúng tôi tìm đường đến di tích, anh Cường, một người dân địa phương nhiều lần nhắc chúng tôi cẩn thận bởi đường đi khá gập ghềnh, nhiều đá sỏi, cây dại mọc um tùm, hoang vu. Đi đến một khoảng đất nhỏ, hơi trũng, bên trên được xếp một lớp đá, anh nói đó chính là giếng Ngọc. Thật khó có thể hình dung chính xác hình dáng giếng và cũng không được tận mắt nhìn thấy dòng nước trong vắt mát lạnh như trong lời kể, anh Cường giải thích: Do nơi đây vắng vẻ ít người ghé qua, lại có vị trí sát chân núi nơi tiếp giáp với biển nên thường bị sóng nước và thiên nhiên tàn phá nên giếng Ngọc không còn được vẹn nguyên như trước.

Trao đổi với chúng tôi về các điểm di tích, đại diện UBND xã Nghi Sơn cho biết: “Các di tích, dấu tích, những câu chuyện huyền thoại trên mảnh đất Nghi Sơn chứa đựng những giá trị to lớn về mặt văn hóa lịch sử. Cùng với du lịch biển, chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các điểm di tích trên địa bàn để qua đó giới thiệu đầy đủ cho du khách hiểu hơn về xã đảo, qua đó thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm”.

Còn rất nhiều những điểm đến mang đậm giá trị văn hóa lịch sử trên mảnh đất nhỏ và đặc biệt này. Đó là những chiếc giếng cổ hình vuông gắn liền với văn hóa người Chăm, di tích thành Ông Ninh, chùa Biện Sơn cổ kính... Và ở đó, những huyền tích dân gian hư hư thực thực lại càng khiến cho xã đảo bảng lảng một lớp khói sương huyền thoại, trở thành điểm đến vừa lạ vừa quen, níu chân du khách.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]