(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn trong một buổi chiều thu, những con đường lầy lội năm xưa đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ. Nhìn làng quê yên ả, thanh bình ấy, ít ai biết rằng nơi đây từng ghi dấu một mốc son trong hoạt động cách mạng của Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về thăm “Thủ đô văn hóa kháng chiến” năm xưa

Chúng tôi về làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn trong một buổi chiều thu, những con đường lầy lội năm xưa đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ. Nhìn làng quê yên ả, thanh bình ấy, ít ai biết rằng nơi đây từng ghi dấu một mốc son trong hoạt động cách mạng của Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954).

Giếng Tiên – một địa điểm sinh hoạt hàng ngày của các văn nghệ sĩ, các học giả trong những năm tháng ấy.

Từ vùng đất huyền thoại

Không nhớ rõ, đã bao lần tôi về vùng đất lịch sử cách mạng này, nhưng lúc nào trong lòng vẫn trào dâng một cảm xúc dịu dàng, tươi mới. Quần Tín không ồn ào, náo nhiệt mà thấm đẫm dáng dấp của một hồn quê Việt.

Theo các cụ cao niên trong làng, tục truyền rằng trước thế kỷ XIV, có ba anh em ông Lê Tộc Căn, người làng Trung (nay thuộc xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn), theo vết đàn cò đến làng Quần Tín (với quan niệm đất lành cò đậu) để khai phá rừng rậm, khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp và lập nên làng, gọi làng là Cò Soi (cò soi đường).

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐND xã Thọ Cường, Quần Tín là mảnh đất có vị trí địa lý thuận lợi. Trước kia phía trước làng có giếng nước trong, có hồ lớn là nơi trú ngụ của nhiều loài tôm, cá, chim cò, phía sau làng có rừng Đồng Sủng, phía Tây có rừng Mụ Đốp với nhiều cây cổ thụ và các loài muông thú, có thể ẩn nấp mỗi khi có máy bay và những trận càn quét của địch. Đặc biệt, 4 điếm canh ở 4 cổng làng, có tuần phủ, thanh niên thay phiên nhau canh gác để chống trộm cướp và kiểm soát người qua lại vào làng. Trong làng còn có một ngôi đền, một ngôi đình rộng và 1 ngôi trường của tổng Tam Lộng rất thuận tiện cho hội họp và tổ chức các khóa học. Bên cạnh đó còn có nhiều ngôi nhà rộng của nhân dân với vườn tược rộng rãi, thuận tiện cho sinh hoạt, ở và làm việc cho những gia đình văn nghệ sĩ tản cư về đây.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cái giếng nằm ở giữa làng. Bà Thanh cho biết: Đây được gọi Giếng Tiên - nơi các văn nghệ sĩ, các học giả đã tắm mát trong bảy năm liền. Giếng có từ bao giờ, dân làng cũng không biết. Ngày nhỏ, tôi có nghe ông nội kể rằng: Từ thuở sơ khai có một cô Tiên gánh một bên là núi Ngọc, một bên là núi Nưa, gánh nặng quá, nàng bị sa chân xuống. Nơi sa chân ấy thành giếng Tiên trong vắt, đầy nước quanh năm. Đáy giếng còn khối đá có vết chân nàng, thời gian không làm mờ đi được. Cả hai ngọn núi này đều trở thành núi thiêng. Ngàn Nưa là nơi Bà Triệu luyện binh khởi nghĩa, núi Ngọc của xã cũng là một nơi đầy huyền bí với bao huyền thoại về Bà Triệu, Lê Lợi, từng là địa điểm dã ngoại huấn luyện tân binh của bộ đội thời chống Mỹ.

Theo bà Thanh, tên làng Quần Tín cũng là một trang sử diệu kỳ. Khi Bình Định Vương Lê Lợi hành quân qua và nghỉ tại làng đã được dân làng đón tiếp ân cần, cung cấp lương thảo. Ban đêm Lê Lợi được vị thần báo mộng rằng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy ắt thắng trận”. Quả nhiên, trận ấy Bình Định Vương Lê Lợi thắng lớn, khi trở về, nhà vua đã sắc phong ban thưởng cho dân làng và đặt tên là làng Quần Tín (nơi hội tụ của niềm tin), cho lập đền thờ vị thần làm thành hoàng làng vào ngày mùng 10 tháng giêng, từ đó đến nay làng lấy ngày này làm ngày hội truyền thống của làng.

Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Khu IV nói chung và Thanh Hóa nói riêng khi ấy là vùng tự do, nên có nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội chọn làm nơi sơ tán. Làng Quần Tín là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ lớn của cả nước, một trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này. Các nhà lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước ta (thời kỳ 1947- 1954) như các đồng chí: Trường Chinh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu... thường lui tới nhà ông Lê Ðình Thao - trước đây là ngôi đình cổ của làng, để gặp gỡ và bồi dưỡng chính trị cho các văn nghệ sĩ. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông của nước bạn Lào anh em đã từng về đây dừng chân một thời gian trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được bà con Quần Tín che chở, nuôi nấng và bảo vệ an toàn tại nhà cụ Thảo Chức từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951. Làng “hội tụ tín nghĩa” còn là nơi “cắm” trụ sở cơ quan của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn và là địa điểm “rèn cán chỉnh quân” của các sư đoàn 320, 308, đồng thời cũng là nơi tập kết của nhiều đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước kia làng Quần Tín thuộc xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân; từ tháng 10-1953 đến tháng 2-1965, thuộc xã Thọ Cường, huyện Thọ Xuân. Từ năm 1965 đến nay, làng Quần Tín được chia cắt về xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.

...Đến “Thủ đô văn hóa kháng chiến”

Theo chân cán bộ xã Thọ Cường, chúng tôi đến nhà cụ Lê Thị Đóa (90 tuổi), làng Quần Tín, dù ở cái tuổi “nhớ nhớ, quên quên”, nhưng khi nhắc về những ký ức một thời “vàng son” ấy, cụ bồi hồi nhớ lại: “Cuộc đời tôi, chuyện gì cũng có thể quên, nhưng những năm tháng ấy sẽ không thể phai mờ được. Người dân chúng tôi luôn tự hào bởi Quần Tín mang trong mình một màu sắc huyền thoại, nơi “hội tụ tín nghĩa”, đặc biệt đây là cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Với phương châm: Không nghe, không biết, không thấy, nhân dân làng Quần Tín đảm bảo bí mật che chở, nuôi dưỡng nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, học giả “cây đa cây đề”... góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta”.

Tại ngôi làng này, Trường Đại học Văn hóa đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Trường học chính là đình làng, trường làng... còn các giảng viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh...

Theo cụ Đóa “những văn nghệ sĩ sống với dân làng như anh em trong một gia đình vậy, tình cảm lắm! Người dân làng Quần Tín ngày ấy đã nhường cơm, sẻ áo cho thầy trò Trường Đại học Văn hóa đầu tiên. Từ đình, đền, trường làng của Quần Tín đều là nơi làm việc, nơi ở, lớp học của các văn nghệ sĩ, chính trị gia. Nhiều gia đình đã tự nguyện nhường nhà, nhường phòng, chở che, đùm bọc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và các nhà chính trị hoạt động. Ngoài công tác giảng dạy và hoạt động, các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, các nhà chính trị cùng làm ruộng, đi rừng, trồng sắn... với bà con nhân dân trong làng”, cụ Đóa nhớ lại.

Những ngày đó, nữ sĩ Hằng Phương, vợ ông Vũ Ngọc Phan đã mở xưởng giấy ở nhà ông Lê Ðình Oánh. Các họa sĩ còn lập một xưởng họa và mở lớp dạy vẽ tại làng. Vì thế, nhiều tài năng hội họa sau này như Vũ Giáng Hương, Sỹ Ngọc... đều được ươm mầm từ nơi đây. Nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng như: Tình quân dân - sơn mài của Nguyễn Sỹ Ngọc; Du kích Cảnh Dương - tranh in đá của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Ðôn; Hạnh phúc - phù điêu của Nguyễn Thị Kim... đều được ấp ủ, hình thành từ làng Quần Tín này.

Năm 1949, xưởng Mỹ thuật Liên khu IV được thành lập ở Quần Tín do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành... Xưởng đã tổ chức sáng tác tranh sơn mài, thử nghiệm tranh in khắc đá màu và điêu khắc...

Cũng ở chính ngôi làng Quần Tín, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng sống mãi với thời gian đã được sáng tác như: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Phá đường” của Tố Hữu... Trong “Hồi ức và tư liệu văn hóa, văn nghệ liên khu IV” nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể không đặc biệt cảm ơn liên khu IV cũ, tỉnh Thanh Hóa, làng Quần Tín, làng Cổ Bôn, các mảnh đất lành để một “đàn chim” văn nghệ đậu, có mối tình thắm thiết từ đó đến nay...”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chia sẻ: “Hiện đã có 11 hộ trong xã, nơi có văn nghệ sĩ ở ngày xưa đã tình nguyện hiến đổi 7.000m2 đất để xây dựng khu quy hoạch Di tích Quần Tín. Xã cũng đã dành vị trí xây dựng nhà bia. Ngoài ra, một số ngôi nhà cổ của các gia đình cũng được đưa vào kế hoạch bảo tồn. Đến thời điểm này, mọi thủ tục, hồ sơ đã xong, chỉ còn chờ nguồn vốn đầu tư. Nhân dân trong xã rất mong muốn có một khu lưu niệm để bà con tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc ta”.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Làng Quần Tín, xã Thọ Cường đã được công nhận là “Di tích lịch sử cách mạng” cấp tỉnh từ năm 2013 cho Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954). Tổng diện tích phê duyệt năm 2012 là 5.625m2, gồm: Không gian văn hóa – lịch sử (khu vực giếng nước cũ); không gian lưu niệm: tu bổ nhà truyền thống, nhà bia, nhà lưu niệm; không gian nghệ thuật, với các hạng mục công trình nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích như: Nhà sáng tác, khu vườn sáng tác... Hiện nay, những căn nhà của các hộ dân – nơi lưu trú của các nhà hoạt động chính trị, quân sự, các văn nghệ sĩ phần lớn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, một số gia đình do nhà đã quá cũ nát, không có nơi thờ cúng tổ tiên nên con cháu của họ đã xây dựng lại trên nền đất cũ. Nếu không nhanh chóng bảo tồn và tôn tạo những giá trị văn hóa vốn có thì nó sẽ dần dần bị mai một theo thời gian. Dù tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng do nguồn kinh phí quá lớn nên tất cả vẫn đang nằm trên giấy”.

Chia tay vùng đất “tín nghĩa” này, tôi vẫn tin, đây sẽ luôn là “địa chỉ đỏ” để cho giới văn nghệ sĩ quần tụ, cũng là một trong những điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch trên đất xứ Thanh.


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]