(Baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ sưu tầm và biên soạn) là truyện cổ duy nhất không có dị bản (không bị địa phương hóa không gian, không bị thay đổi tình tiết chính hoặc tên nhân vật). Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, sự “bất thường” này có lẽ bởi chính sắc thái duy lý đậm nét từ nội dung cho đến kết cấu. Dù không có dị bản nhưng truyện về Từ Thức vẫn được truyền tụng và phổ biến rộng rãi. Và nhân vật Từ Thức dẫu có gặp bi kịch cuộc đời thì những ngày tháng lãng mạn với nàng Giáng Hương cũng mãi là câu chuyện đẹp về hạnh phúc.

Về nơi Từ Thức gặp tiên

Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ sưu tầm và biên soạn) là truyện cổ duy nhất không có dị bản (không bị địa phương hóa không gian, không bị thay đổi tình tiết chính hoặc tên nhân vật). Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, sự “bất thường” này có lẽ bởi chính sắc thái duy lý đậm nét từ nội dung cho đến kết cấu. Dù không có dị bản nhưng truyện về Từ Thức vẫn được truyền tụng và phổ biến rộng rãi. Và nhân vật Từ Thức dẫu có gặp bi kịch cuộc đời thì những ngày tháng lãng mạn với nàng Giáng Hương cũng mãi là câu chuyện đẹp về hạnh phúc.

Về nơi Từ Thức gặp tiên

Động Từ Thức, di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Từ truyện cổ tích

Theo truyền thuyết, Từ Thức quê ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ) thời nhà Trần, niên hiệu Quang Thái (1388-1398) dưới triều vua Trần Thuận tông. Tính tình phóng khoáng, ông có sở thích chu du, xem phong cảnh đẹp và làm thơ.

Chuyện kể rằng chàng Từ Thức nhân một lần dừng chân ở động Bích Đào đã được dẫn lối vào một động tiên. Gặp lại thiếu nữ xinh đẹp đã được chàng giải cứu do nàng sơ ý làm gãy cành hoa nhà chùa. Hành động và cốt cách của chàng đã chinh phục trái tim người đẹp. Không ngờ cô gái lại là tiên nữ giáng trần, mối tình lương duyên trần - tiên đã khiến chàng Từ Thức có cơ may sống ở cõi tiên.

Song chỉ ít lâu ở tiên giới, chàng Từ Thức thấy nhớ nhà, nhớ quê, chàng ngỏ lời với tiên nữ Giáng Hương - vợ chàng, muốn được trở về hạ giới thăm nhà. Nhưng luật trời đã ban, chàng đã thuộc về cõi tiên, nếu trở về trần, chàng sẽ mất hết những gì đang có. Từ Thức đã chọn con đường trở về trần gian. Nhưng khi trở về trần gian thì mọi việc đã hoàn toàn đổi khác, hóa ra một năm trên thượng giới bằng cả trăm năm dưới trần. Chàng Từ Thức thanh xuân trên thượng giới nay trở về trần bỗng chốc biến thành một ông cụ lụ khụ râu tóc bạc phơ. Cha mẹ đã mất, cảnh cũ không còn, chẳng ai biết chàng, Từ Thức trở nên xa lạ ngay ở chính quê hương mình.

Truyện có kết cấu hai phần rất rõ: phần một là “Từ Thức gặp tiên”, phần hai là “bi kịch Từ Thức”. Nếu phần một mang ý nghĩa khát vọng và ước mơ về cuộc sống lý tưởng thì phần hai lại là bi kịch cuộc đời. Từ Thức rơi vào bi kịch của một con người không biết bằng lòng với cuộc sống của mình đang có, không tự bằng lòng với chính mình. Chính trí tuệ của dân gian đã xây dựng triết lý nhân sinh này thành một chuyện tình lãng mạn nhuốm màu bi thương. Không chỉ có câu ca dao: “Trách chàng Từ Thức vụng suy/Đã lên cõi Phật về chi cõi trần”, mà rất nhiều thức giả cũng coi đây làm bài học nhân sinh quan. Lê Quý Đôn có ý kiến rất sâu sắc: “Thiên thai bao kẻ từng xây mộng/Nào biết Thiên thai cũng hí trường!”.

Chính những câu chuyện đẹp và những bi kịch cuộc đời đã khiến nhân vật Từ Thức hấp dẫn. Sau “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), thì Lê Khắc Khuyến có viết tập truyện nôm Từ Thức tiên hôn (đầu thế kỷ XX). Và nhân vật Từ Thức cũng là nguồn cảm hứng để các văn nhân, mặc khách và thi sĩ ghé thăm và viết thơ như: Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trung Nhạn, Huỳnh Thúc Kháng. Sau này, vở chèo Từ Thức gặp tiên đã được nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống dàn dựng.

Và thăm động Từ Thức

Câu chuyện về chàng Từ Thức phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa. Nếu Bắc Ninh có núi Tiên Sơn, thì Thanh Hóa có động Bích Đào, tên nôm là hang Từ Thức. Ngoài ra, chùa Tiên - hồ Đồng Vụa - động phủ Thông (xã Nga An, huyện Nga Sơn) là cụm di tích thắng cảnh nằm trong phạm vi vườn đào tiên nơi chàng Từ Thức gặp nàng Giáng Hương.

Về xã Nga Thiện (Nga Sơn) đến thăm động Từ Thức, đứng trước cửa hang, phóng tầm mắt bao quát cả một vùng cảnh quan, bất cứ ai cũng không khỏi chạnh lòng nhớ lại chuyện xưa. Chính nơi này, chàng Từ Thức đã gặp tiên và câu chuyện tình trần - tiên trộn lẫn vui buồn khắc khoải ấy vẫn là một bí ẩn trong tiềm thức muôn đời.

Nếu gạt đi lớp vỏ “truyền kỳ”, người đọc sẽ thấy vị trí tự nhiên kỳ lạ của động Từ Thức. Nằm trên sườn núi đá, xung quanh núi đá là những cánh đồng dài rộng ngút ngàn, đến nay mặc cho thời gian đi qua, động vẫn giữ được nét nguyên thủy, hoang sơ như thuở ban đầu.

Từ dưới chân núi, để đến được động Từ Thức phải leo qua hơn 100 bậc thang với hai bên bao phủ cây cối rậm rạp. Ngoài hai cây thị cổ thụ ước chừng nghìn năm tuổi là những cây gắm bám xung quanh buông rễ tựa hình võng. Người dân vẫn thường gọi đây là những chiếc võng để nàng tiên Giáng Hương nằm nghỉ.

Vào sâu trong động, nhiều nhũ đá tạo thành những hình thù độc đáo. Động chính gồm có 2 phần, phần ngoài rộng, trần động hình vòng cung như một chiếc bát úp khổng lồ. Phía dưới vòng cung đó có một nhũ đá tỏa xuống trông như một trái đào tiên, nên động còn được gọi là động Bích Đào. Dưới là nền đá phẳng, nhẵn, là vết tích đền thờ Từ Thức còn lưu lại đến hôm nay.

Từng đụn nhũ thạch lấp lánh tựa như những kho chứa khác nhau. Kho tiền là chỗ thạch nhũ xanh nổi hình tròn từng lớp chồng lên nhau. Kho vàng là những thỏi đá óng ánh màu vàng. Rồi kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát. Và những hòn đá mịn được gắn chặt, đều màu nâu bạc tựa như một kho gạo...

Vào phần trong, một mâm cỗ tam sinh có đủ trâu, dê, lợn... rồi một mâm ngũ quả bằng đá được thiên nhiên bày sẵn từ muôn đời nay. Càng vào sâu, lòng động càng rộng, với nhiều dấu tích về tình yêu của Giáng Hương và Từ Thức như: buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức bằng đá; những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim thạch nhũ. Những thanh đá thiên cầm gõ vào sẽ phát ra những thanh âm khác nhau được gọi là dàn chiêng trống.

Tiếp tục đi sâu hơn là hai dấu chân người in vào đá từ bao giờ, một vài ụ đá và một vài đường nét trên một mặt đá phẳng tạo thành bàn cờ tiên; một dải đá màu lục lốm đốm, cùng một dải đá có những hình thù ếch nhái, là ao bèo trong sự tưởng nhớ quê hương của chàng thư sinh Từ Thức. Sau cảnh này là một ngã rẽ, tương truyền là đường lên cõi tiên của Từ Thức. Thực ảo đan xen nhau, thiên nhiên thật kỳ diệu.

Với vẻ đẹp tựa chốn bồng lai, năm 1992, động Từ Thức đã được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Bà Mai Thị Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nga Sơn cho biết: "Trên địa bàn huyện có 49 di tích, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh và 235 di sản chưa được xếp hạng. Để phát huy tiềm năng giá trị di tích trên địa bàn, huyện đang xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó đã đề xuất với tỉnh quy hoạch phân khu động Từ Thức và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện”.

Từ câu chuyện chàng Từ Thức năm nao, đến động Từ Thức hôm nay, thưởng ngắm không gian sơn thủy sinh động, hữu tình, ta còn được nghe lời của đá vọng về câu chuyện tình trần – tiên. Chả thế mà người dân Nga Sơn vẫn tự hào giới thiệu: “Khách về Nga Thiện quê tôi/Thăm động Từ Thức, thăm người cảnh tiên”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]