(Baothanhhoa.vn) - Nghệ thuật truyền thống là một thành tố cấu thành nên văn hóa xứ Thanh đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước không thể duy trì được các đơn vị nghệ thuật truyền thống, thì “sức sống bền bỉ” của nghệ thuật truyền thống xứ Thanh là một phương diện phản ánh sự tiếp thu và phát triển các nguyên tắc và định hướng từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời cách đây tròn 80 năm.

“Văn hóa xứ Thanh - Những giá trị đặc sắc” (Bài cuối): Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” nhìn lại sự phát triển của nghệ thuật truyền thống xứ Thanh

Nghệ thuật truyền thống là một thành tố cấu thành nên văn hóa xứ Thanh đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước không thể duy trì được các đơn vị nghệ thuật truyền thống, thì “sức sống bền bỉ” của nghệ thuật truyền thống xứ Thanh là một phương diện phản ánh sự tiếp thu và phát triển các nguyên tắc và định hướng từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời cách đây tròn 80 năm.

“Văn hóa xứ Thanh - Những giá trị đặc sắc” (Bài cuối): Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” nhìn lại sự phát triển của nghệ thuật truyền thống xứ ThanhTrích đoạn tuồng “Triệu Trinh Nương đề cờ” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống thể hiện tại Lễ hội Bà Triệu năm 2023.

Từ ngọn đuốc soi đường...

Cách đây tám thập kỷ, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã ra đời và trở thành “kim chỉ nam” để Đảng ta tiếp tục phát huy, gắn với các chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước. Điển hình như Nghị quyết số 23-NQ/TW khóa X đã xác định “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Tiếp đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước", đã khẳng định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Từ sự định hướng đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa. Trong đó, đối với lĩnh vực nghệ thuật, ngày 25-2-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10 thực hiện Nghị quyết số 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Cùng với đó, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo và Cải lương có chức năng, nhiệm vụ là tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hồi và tổ chức biểu diễn các tiết mục, vở diễn chèo, tuồng, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ Thanh Hóa. Đồng thời, tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ; tham gia các lễ hội, hội diễn... Song song với đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho nghệ thuật truyền thống phát triển trong thời đại mới, góp phần phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của tỉnh.

...đến điểm tựa phát triển

Nghệ thuật truyền thống xứ Thanh được hình thành và phát triển chủ yếu là 3 loại hình cải lương, tuồng và chèo. Cùng với sự biến động của lịch sử, nghệ thuật truyền thống cũng trải qua bao thăng trầm. Ở thời kỳ hoàng kim của sân khấu nghệ thuật truyền thống, các buổi diễn dù ở trung tâm thành thị hay các vùng quê đều đông khán giả. Những vở diễn lúc bấy giờ như một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân. Thế nhưng, khi đứng trước sự bùng nổ thông tin, sự đa dạng loại hình nghệ thuật; người dân không còn “khát” loại hình văn hóa tinh thần này nữa và nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Song, nhờ sự định hướng của Đảng, sự nỗ lực vượt khó, nghệ thuật truyền thống xứ Thanh ví như “lửa thử vàng” để vẫn tỏa sáng.

“Văn hóa xứ Thanh - Những giá trị đặc sắc” (Bài cuối): Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” nhìn lại sự phát triển của nghệ thuật truyền thống xứ ThanhDiễn tấu cồng chiêng của đồng bào Mường trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Khôi Nguyên

Có được sức sống bền bỉ ấy, nghệ thuật truyền thống xứ Thanh đã thấm nhuần quan điểm của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, nắm bắt được mạch chính của nghệ thuật là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân, lấy con người làm trung tâm. Điều này được minh chứng qua sự đổi mới, sáng tạo các vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống. Dù là dựng mới, khôi phục cũ hay chuyển thể, các vở diễn đều là sự sáng tạo, kết hợp giữa yếu tố gốc và sự đổi mới hiện đại, mang hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, những năm gần đây, nhà hát đã tìm chọn những kịch bản hay, ý nghĩa để dựng mới mang tính thời sự, tuyên truyền ngợi ca quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo, phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống tham nhũng với nội dung phong phú, hấp dẫn, được các cấp, các ngành, công chúng đánh giá cao, tạo tiếng vang. Điển hình như: “Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch” (hoạt cảnh chèo), “Vững chốt” (tiểu phẩm cải lương), vở chèo “Đất liền và biển cả”, vở tuồng “Hoàng đế Lê Đại Hành”, vở cải lương “Điều còn lại”... Nhiều tác phẩm truyền tải các định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo và giành được giải thưởng trong các cuộc thi như, vở chèo “Đất liền và biển cả” đoạt giải xuất sắc; vở cải lương “Điều còn lại” đoạt Huy chương Vàng; vở tuồng “Hoàng đế Lê Đại Hành" đoạt Huy chương Bạc. Không chỉ tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa còn phục vụ quần chúng Nhân dân từ đồng bằng đến miền núi, từ miền xuôi xuống miền biển.

NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, cho biết: Nhà hát xác định đổi mới, nâng cao chất lượng là trọng tâm. Từ đó, các nghệ sĩ, diễn viên đã luôn nỗ lực làm mới tác phẩm, đề tài, cách diễn xuất để phù hợp với từng hoàn cảnh. Đồng thời, lấy con người là trung tâm nên nhà hát luôn lắng nghe thị hiếu của Nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thông qua việc nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn và cơ chế, chính sách. Đặc biệt, để nghệ thuật truyền thống tiếp tục phát huy, nhà hát sẽ phối hợp với các trường học tổ chức giảng dạy về nghệ thuật truyền thống, giúp các em luyện tập, dàn dựng các tiết mục sân khấu hóa. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống, tạo nguồn kế cận phát huy nghệ thuật truyền thống.

“Văn hóa xứ Thanh - Những giá trị đặc sắc” (Bài cuối): Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” nhìn lại sự phát triển của nghệ thuật truyền thống xứ ThanhLễ hội Lam Kinh.

Bên cạnh các sân khấu chuyên nghiệp, nghệ thuật truyền thống xứ Thanh cũng có sức sống bền bỉ, thấm sâu vào đời sống Nhân dân. Hiện nay, nhiều địa phương đã quan tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa. Nhờ đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ và phát triển trong cộng đồng dân cư. Như tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Nông Cống... thông qua các tiểu phẩm, vở diễn, các nghệ nhân đã thổi hồn hay nghệ thuật hóa các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu. Đồng thời, lên án cái xấu, cái ác, sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Việc các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, chầu văn, dân ca, dân vũ... được Nhân dân gìn giữ và phát triển không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể nói, dưới ánh sáng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam và được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua các cơ chế, chính sách phát triển, nghệ thuật truyền thống xứ Thanh đã và đang phát triển, nhằm từng bước khẳng định vị trí trong kho tàng văn hóa xứ Thanh, văn hóa dân tộc. Để rồi, nghệ thuật truyền thống ví như cầu nối văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Qua đó, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tạo “sức mạnh mềm” thúc đẩy sự phát triển quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Thùy Linh

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”).

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]