(Baothanhhoa.vn) - Chừng mươi, mười lăm năm trở về trước, nếu muốn tìm sách thì đến nhà sách và thư viện là những lựa chọn hàng đầu, thậm chí là tất yếu đối với phần đa người đọc. Thế nhưng, những cuốn sách mới, sách hiếm, sách hay, sách dịch lại không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy tại thư viện hay nhà sách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa đọc: Nhìn từ các xu hướng tiếp cận

Chừng mươi, mười lăm năm trở về trước, nếu muốn tìm sách thì đến nhà sách và thư viện là những lựa chọn hàng đầu, thậm chí là tất yếu đối với phần đa người đọc. Thế nhưng, những cuốn sách mới, sách hiếm, sách hay, sách dịch lại không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy tại thư viện hay nhà sách.

Văn hóa đọc: Nhìn từ các xu hướng tiếp cận

Sách vẫn luôn là thế giới tri thức kỳ diệu đối với con người.

Tất nhiên, đây là đang nói đến những thư viện và nhà sách nhỏ, nên không thể bao hàm trong đó Thư viện Quốc gia hay những nhà sách – nhà xuất bản lớn. Bởi lẽ, không phải bạn đọc nào cũng có thể tiếp cận được các “kho tàng sách” lớn này. Vậy nên, đọc và mượn sách của thư viện, “đọc lén” tại nhà sách, là những cách thức tiếp cận sách của nhiều bạn đọc lúc bấy giờ, nhất là học sinh, sinh viên. Khi mượn được cuốn sách hay, sách hiếm là phải đọc ngấu, đọc nghiến, rồi ghi ghi chép chép nội dung hay, những đoạn tâm đắc, vì sợ không còn cơ hội đọc lần 2. Còn nếu dư dả hơn, người ta có thể tìm mua, hay nói đúng hơn là “săn lùng” cuốn sách yêu thích, sách hay để vừa đọc - vừa nhấm nháp như một thứ mỹ vị đặc biệt và vừa làm “của để dành” mà nâng niu, tự hào với bạn bè.

Đương nhiên, sách – dẫu được xem là “phát minh vĩ đại” của con người - thì không phải ai cũng có hứng thú với nó. Người ta có nhiều lý do, nhiều mục đích để tìm đến sách. Có người đơn thuần là vì mục đích giải trí; có người cần tìm kiếm thông tin, kiến thức, kỹ năng phục vụ việc học tập, công việc; có người tìm đến sách như một thói quen, khi họ cần cái gì đó để đọc; có người vì niềm yêu thích, thậm chí là đam mê với sách và đọc sách với họ cũng như bầu không khí để thở vậy... Nhưng, dù là tiếp cận sách với mục đích nào, thì suy cho cùng, cái họ đạt được – với phần đa người đọc – là được thỏa mãn các mục đích giải trí, tìm hiểu thông tin, sở thích và đam mê. Vậy nên, có vô vàn lời hay ý đẹp, những mỹ từ có cánh nhất, đã được đúc kết để khẳng định vai trò không thể thay thế của sách trong đời sống, đặc biệt là đời sống văn hóa - tinh thần của con người. Ví như, sách là những con tàu tư tưởng lênh đênh trên các lớp sóng thời gian và trân trọng chuyên chở thứ hàng quý báu của mình hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Trí tuệ, về cơ bản phải được rèn luyện và phát triển thông qua quá trình học tập, đặc biệt là qua con đường đọc sách. Trong đó, sách in được nhấn mạnh như là vật phẩm văn hóa có giá trị và là biểu tượng của giáo dục tự do và nhân văn! Có người đã đưa ra một ví von khá thú vị cho việc đọc sách. Rằng, ta có buồn ngủ rũ ra thì vẫn có thể ngồi xem ti vi, nhưng đọc sách thì rất khác. Ấn tượng của hình ảnh ngôn từ bền và sâu hơn ấn tượng của hình ảnh nghe nhìn, vì nó kích thích và đòi hỏi sự nỗ lực tích cực của trí tuệ. Bởi đọc sách cần có nỗ lực của trí tuệ. Đọc để tìm kiếm thông tin có đôi khi vẫn cần đọc đi đọc lại. Còn nếu đọc để bóc tách các lớp, các tầng ý nghĩa thì càng phải vừa đọc vừa suy ngẫm một cách thận trọng, nghiêm túc và tất nhiên là bằng mọi sợi nơ–ron cảm xúc, của đam mê ta có. Nhờ vậy mà sách còn góp phần định hình nhân sinh quan, thế giới quan, trí tuệ, tình cảm và làm cho thế giới tinh thần - tâm hồn con người trở nên phong phú, giàu có hơn.

Ngày nay, thói quen đọc sách truyền thống hay đọc sách là những ấn phẩm được in trên giấy, đang chịu tác động mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của nhiều loại sách và những xu hướng đọc mới. Thay vì mang theo một cuốn sách để đọc khi đi tàu xe, ở nơi công cộng hay khi nghỉ ngơi tại nhà, nhiều người sẽ lựa chọn các thiết bị kỹ thuật tiên tiến là điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đọc điện tử. Điều này không chỉ bởi sự tiện lợi của thiết bị hay sự đa dạng thông tin từ internet; mà còn bởi người đọc có thể lưu trữ, đánh dấu, ghi chú và tổ chức tài liệu thông minh hơn, khoa học hơn nhờ các tính năng tiện ích của điện thoại, máy tính, máy tính bảng. Thậm chí, ngày nay, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet và các phương tiện giải trí khác, cũng đang giúp cho tốc độ đọc, việc lựa chọn nội dung đọc của con người cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Có không ít chương trình giới thiệu sách hay mỗi ngày, đã giúp người đọc tiếp cận một cách cơ bản nội dung và giá trị cuốn sách thay vì phải đến thư viện, nhà sách để tìm kiếm. Cũng có những chương trình đọc sách audio hay các kho sách nói kiểu “đọc chuyện đêm khuya” trước đây, thay cho chế độ đọc bằng chế độ nghe...

Internet là không gian vô hạn, chứa đựng trong đó cả một thế giới sách cũng không giới hạn. Thay vì khái niệm sách in như trước đây, thì ngày nay người đọc đang dần quen thuộc với khái niệm sách điện tử e-book. Và, không thể phủ nhận, sách điện tử đang thay đổi thói quen đọc sách của nhiều đối tượng bạn đọc, từ người về hưu đến người đang đi làm, bất kể già hay trẻ, nam hay nữ. Đặc biệt, học sinh, sinh viên - đối tượng bạn đọc cần được quan tâm nhất hiện nay, thì cũng có không ít người chỉ duy trì việc đọc sách với các loại sách giáo khoa bắt buộc hay giáo trình liên quan đến môn học. Còn nhà sách và sách in đã không còn là “điểm hẹn”, khi các em có vô vàn sự lựa chọn trên các trang bán sách trực tuyến, đọc sách trực tuyến. Chưa kể, còn được đọc miễn phí thay vì tốn tiền mua sách; hơn nữa sự thu nhỏ, tính di động và tiện dụng của chiếc điện thoại thông minh – vật bất ly thân của nhiều người – cũng luôn sẵn sàng giúp chủ nhân của nó tìm kiếm thông tin bất kể thời gian, địa điểm miễn là có internet...

Sự thay đổi của thói quen đọc và sự xuất hiện của những loại sách mới (sách nói, sách điện tử), thiết nghĩ, là xu thế chung hiện nay và khá phù hợp với môi trường sống ngày càng năng động, lối sống nhanh. Đặc biệt, nó góp phần mở rộng phạm vi và đối tượng tiếp cận sách, nhờ độ phủ sóng của internet, truyền hình, truyền thanh. Song sự thay đổi này cũng đang đặt ra một vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm lúc này. Đó là văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Đọc sách trên môi trường mạng như thế nào cho hiệu quả, khi con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình trước vô vàn cám dỗ trên môi trường mạng? Làm thế nào để tìm được sách phù hợp, sách đúng, sách hay, chứ không phải “rác” hay những cuốn sách chứa đựng các nội dung sai lệch, chưa được kiểm duyệt? Đó là chưa kể, thói quen đọc và quá phụ thuộc vào các thiết bị di động, máy tính hay máy tính bảng, còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, làm cho con người trở nên lười vận động, ngại giao tiếp, tự cô lập chính mình và trở nên cô đơn hơn trong thế giới rộng lớn. Đặc biệt, theo một nghiên cứu đã chỉ ra, thì danh tính người đọc, nội dung đọc, thời gian đọc, sở thích đọc, vị trí của người đọc... đều được nhiều trang đọc sách trực tuyến “sưu tầm” và lưu trữ lại. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta bị “theo dõi” và không có được sự riêng tư hay các bí mật cá nhân trên môi trường ảo.

Có ý kiến cho rằng, sách điện tử lý tưởng cho những người coi trọng thông tin chứa trong đó. Song, nó vô dụng đối với những người có tình yêu mãnh liệt với sách - những cuốn sách có thể chạm đến, có thể ngửi thấy, thậm chí nó khiến con người ta phụ thuộc vào. Lựa chọn loại sách nào là phụ thuộc thói quen, sở thích, nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Song, dù là cách thức nào hay loại sách nào, thiết nghĩ, người đọc cũng cần dùng cả tình cảm và lý trí, để có sự lựa chọn và tiếp cận cho phù hợp.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]