(Baothanhhoa.vn) - Thờ tổ nghề là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt nhằm thể hiện sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với người đã sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho quần chúng nhân dân. Cũng như nhiều địa phương trên khắp cả nước, tục thờ tổ nghề trên vùng đất biển Sầm Sơn tồn tại lâu đời với những nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ tổ nghề trên vùng đất biển Sầm Sơn

Thờ tổ nghề là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt nhằm thể hiện sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với người đã sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho quần chúng nhân dân. Cũng như nhiều địa phương trên khắp cả nước, tục thờ tổ nghề trên vùng đất biển Sầm Sơn tồn tại lâu đời với những nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc.

Tục thờ tổ nghề trên vùng đất biển Sầm Sơn

Đền Bà Triều - nơi thờ tổ sư nghề dệt xăm súc và dệt vải làng Triều Dương (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn).

Nếu ví thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn là một phức hợp di sản giàu giá trị thì hệ thống các đền thờ: Thiên, nhân, thần, thành hoàng và chùa thờ phật ở đây tựa hồ như những nét chấm phá độc đáo, đa sắc, đa thanh trên nền bức tranh tổng quan ấy. Trong đó, các vị thần, thành hoàng làng được người dân TP Sầm Sơn thờ tự gồm đông đảo những người có công với đất nước và những người trực tiếp dựng xây, bảo vệ xóm làng như: Thái úy Tô Hiến Thành; Đô đốc Nguyễn Sĩ Dũng - một trong 5 đô đốc giỏi dưới thời vua Quang Trung; thần Độc Cước - người xẻ đôi thân mình cứu nước, cứu dân; đền Cô Tiên thờ chúa Liễu Hạnh (trên dãy núi Trường Lệ)... Giữa các gương mặt tiêu biểu đại diện cho đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh ấy, không thể không nhắc đến các vị tổ nghề - những người có công khai hoang lập ấp, mở mang nghề nghiệp cho người dân vùng đất biển Sầm Sơn. Đó là: Đề lĩnh Lê Quang Lộc - tổ sư nghề vật Lương Trung có công khai phá vùng Lương Trung vào thời Lê; Bà Triều - tổ sư nghề dệt xăm súc và dệt vải làng Triều Dương.

Đường Công Quang Lộc - vị tổ sư nghề vật làng Lương Trung

Đền Đề Lĩnh tọa lạc tại làng Lương Trung, xã Lương Niệm, phủ Quảng Xương; nay là phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn. Đây là ngôi đền thờ Thành hoàng làng Lương Trung: Đường Công Quang Lộc. Ông là võ tướng thời Lê. Vốn là bậc tài trí hơn người, văn võ song toàn nên được triều đình trọng dụng, phong cho chức quan lớn, vinh dự nằm trong hàng “tứ trụ triều đình”. Ông được triều đình giao trọng trách khai phá và trấn giữ vùng cửa biển xung yếu Sầm Sơn. Thành phả đền Đề lĩnh, nơi thờ Đường Công Quang Lộc tại làng Lương Trung cho biết, vùng này đã có người đến khai phá lập ấp vào thế kỷ XIII. Tại đây, ông đã dựng xây được nhiều công đức, chiến công hiển hách như: Khai hoang, mở đất, lập nghiệp, dựng làng, luyện binh, lập trại, ngày đêm rèn luyện võ vật cho nhân dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm... Nhân dân yêu mến, cảm phục, suy tôn ông là Tổ sư lò võ vật của làng Lương Trung. Sự lớn mạnh của võ vật làng Lương Trung được nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ khắc họa lại trong bài viết “Sầm Sơn phong cảnh hữu tình”: Làng Lương Trung xưa, “hằng năm mở hội vật vào 13 tháng 2 âm lịch, người tứ xứ đến đọ tài thi sức, nhưng theo các cụ kể lại, chưa lần nào, trai vùng Sầm Sơn chịu để thiên hạ giành phần thắng, chiếm mất giải nhất. Sới vật ở Sầm Sơn cũng là sới vật nổi tiếng”.

Với những công lao to lớn của Đường Công Quang Lộc, khi ông mất, ông được lập đền thờ ngay trên vùng đất mà ông đã dày công gây dựng, bảo vệ; nhân dân bốn mùa cúng tế và mở hội làng tưởng niệm hàng năm vào ngày giỗ chính kỵ của ông. Đây là nghĩa cử tốt đẹp nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của vị tướng tài ba, có công khai hoang, lập nên làng nên xã, đánh đuổi quân giặc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Đồng thời, thông qua đó, các thế hệ cháu con hôm nay có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử quý báu của quê hương mình.

Bà Triều - tổ sư nghề dệt xăm súc và dệt vải làng Triều Dương

Đi giữa tiếng sóng biển dạt dào, về với làng Triều Dương (phường Trung Sơn) - ngôi làng được đặt theo tên thành hoàng, lắng lòng nghe người dân kể về vị tổ sư nghề dệt xăm súc và dệt vải của làng - Bà Triều. Huyền thoại kể lại rằng: Bà là con gái thứ 7 của ngọc hoàng vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc của vua cha nên bị vua cha đày xuống trần gian. Từ khi bị giáng xuống trần, thấy dân tình sống cảnh nghèo khó, bà muốn đem nghề tầm tang canh cửi truyền dạy cho mà lấy kế sinh nhai, phát triển. Bà đã đi nhiều nơi thử lòng nhiều người nhưng thấy họ chỉ quý miếng ăn, tiền bạc hơn tình nghĩa đạo lý. May thay về tới mảnh đất này mới tìm được cô gái tốt bụng, giúp đỡ bà qua cơn hoạn nạn nên bà quyết định truyền nghề.

Ngày ngày, bà lão dạy cô gái kéo sợi dệt súc đem vào làng đổi lấy gạo và thức ăn. Lạ lùng thay súc của cô gái và bà lão làm ra được nhiều người hỏi mua. Nhờ đó, cuộc sống của bà lão và cô gái ngày càng khấm khá hơn. Tiếng lành đồn xa, các cô gái trong làng kéo nhau đến xin học nghề và được bà chỉ dạy tận tình. Chẳng mấy lúc nghề dệt nhiễu, dệt súc đã trở thành nghề chính của người dân nơi này. Súc, nhiễu làm ra không chỉ để bán cho dân làng mà còn bán cho các vùng duyên hải xa xôi. Kể từ khi có nghề dệt xăm súc, dệt vải mà cuộc sống của người dân làng được no ấm, hạnh phúc hơn nhiều. Trong mỗi ngôi nhà đã hình thành nếp sống, sản xuất mới. Hằng ngày, người chồng đi biển thả lưới, quăng chài, người vợ ở nhà vá lưới, dệt súc, chế biến tôm cá. Sau ba năm gắn bó với dân làng, một buổi sáng trời trong xanh, người dân thấy bà lướt nhẹ trên đầu con sóng. Các lớp sóng xô nhau ào ào như reo mừng. Bóng bà nhòe dần vào sóng bạc xa tít tận chân trời. Dân làng luyến tiếc vì chưa rõ tên bà chỉ biết bà ra đi vào lúc triều dâng cuồn cuộn nên gọi bà là bà Triều và đặt tên làng của mình là làng Triều - Triều Dương tức là nước triều dâng, cho xây dựng đền và tổ chức lễ tế kỳ phúc tại đền như một sự tri ân sâu sắc nhằm tưởng nhớ vị đức thánh tổ, thành hoàng làng, người đã có công khai sáng nghề canh tơ dệt cửi, kéo sợi dệt súc thành nghề truyền thống nơi đây, góp phần mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần no đủ cho người dân tự bao đời.

Vào ngày lễ, các thiếu nữ khéo tay nhất trong làng sẽ tề tựu trước sân đền thi nhau dệt nhiễu nhằm chọn ra tấm nhiễu dệt đẹp nhất để tạ ơn bà đã dốc lòng truyền nghề. Thanh niên trai tráng thì giã bánh dày thơm dẻo vị ấm no và các cụ cao niên thì tất bật chuẩn bị lễ tế sao cho trang trọng và đủ đầy nhất.

Như vậy, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển; cùng với sự tồn tại và sức sống bền bỉ của hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử; tự bao đời nay, người dân TP Sầm Sơn luôn tỏ lòng biết ơn, trân trọng đối với các vị thần, thành hoàng làng có những người có công với đất nước và những người trực tiếp dựng xây, bảo vệ xóm làng, khai hoang lập ấp, mở mang nghề nghiệp cho người dân. Không chỉ xây dựng, gìn giữ, trùng tu, tôn tạo các địa điểm thờ tự một cách chu đáo, thành tâm mà người dân nơi đây còn sáng tạo nên pho truyện kể truyền ngôn ca ngợi công đức cả các vị thần và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính điều này đã góp phần tạo nên chiều sâu văn hóa - lịch sử cho các điểm di tích tâm linh. Vì lẽ đó, Sầm Sơn gợi thương gợi nhớ trong lòng du khách thập phương không chỉ bởi những bãi cát dài phẳng mịn với ngàn năm sóng xô biển gọi. Hơn thế, Sầm Sơn là vùng đất của huyền thoại, của lòng biết ơn, biết hướng về cội nguồn, tiên tổ.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài Và Ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]