(Baothanhhoa.vn) - Ở mỗi một giai đoạn trong “vòng tuần hoàn” đời người, gồm sinh - lão - bệnh - tử, đều được đánh dấu bằng các lễ nghi riêng như một loại “chứng nhận” cho sự xuất hiện và tồn tại của mỗi cá nhân trong cộng đồng... Trong đó, tục tang ma có thể xem là một sân khấu thu nhỏ của các hình thức diễn xướng dân gian của dân tộc Mường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trò Ma trong đám tang người Mường

Ở mỗi một giai đoạn trong “vòng tuần hoàn” đời người, gồm sinh - lão - bệnh - tử, đều được đánh dấu bằng các lễ nghi riêng như một loại “chứng nhận” cho sự xuất hiện và tồn tại của mỗi cá nhân trong cộng đồng... Trong đó, tục tang ma có thể xem là một sân khấu thu nhỏ của các hình thức diễn xướng dân gian của dân tộc Mường.

Nếu Mo được ví như “sợi dây văn hóa - tâm linh” xuyên suốt trong đám tang, thì trò Ma hay trò Roóng (tiếng Mường gọi là phường Roóng) cũng giữ một vai trò khá quan trọng trong hệ thống các nghi thức dành cho người chết. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chỉ xuất hiện trong đám tang của người Mường. Theo một số tài liệu điền dã, nghiên cứu văn hóa dân gian, thì xưa kia, hầu hết các vùng người Mường ở Thanh Hóa đều có phường trò Ma. Phường trò được tổ chức khá chặt chẽ, trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, có người đứng đầu và có sự phân công luyện tập, diễn trò dưới sự điều khiển của trùm trò. Tùy vào khả năng tổ chức và sáng tác nội dung của trùm trò mà trò Ma có số người ít hay nhiều và thường có từ 8 đến 12 người. Người trong phường trò chủ yếu làm ruộng và thường là các nghệ nhân cao tuổi. Đạo cụ của phường trò là hai chiếc gậy tròn nhỏ, hai đầu có sơn đen, dùng cho trai chèo khi chèo kén; hai chiếc mặt nạ phụ nữ dùng cho hai bà vợ đánh ghen; một lốt hổ lang dùng cho người đóng hổ lang; hai bộ quần áo nẹp xanh dùng cho trai chèo; ông Khố mặc áo lương đội mũ ni; một số đạo cụ cho dàn nhạc là cồng, trống cơm, kèn, mõ và trống cái.

Tùy theo các vùng Mường mà tên gọi của phường trò Ma cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn như huyện Ngọc Lặc gọi là phường Roóng, huyện Cẩm Thủy gọi là phường Chèo Ma, huyện Bá Thước gọi là phường Trò, huyện Thạch Thành gọi là phường Chay... Huyện Ngọc Lặc là một trong những địa phương có số lượng người Mường sinh sống đông nhất và trò Ma cũng xuất hiện theo quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển của dân tộc này từ xa xưa. Sau khi nhận đám, ông Khố (trùm trò) dùng tù và thổi lên 3 hồi dài để triệu tập người trong phường Roóng. Đây là hiệu lệnh của phường trò nên dù có đang lên nương rẫy, vào rừng săn bắn hay ra sông quăng chài thả lưới..., mọi người trong phường đều phải bỏ lại công việc để về nhà ông Khố chuẩn bị hành lễ. Khi mọi người đã có mặt đông đủ, ông Khố sẽ thắp lên bàn thờ Nổ (thần hoặc thánh được ông Khố thờ phụng), xin cho phường Roóng đi phục vụ đám ma. Khi đến nhà tang chủ, cả phường dừng trước cổng và chủ nhà bước ra có lời chào: “Chủ tôi chào ông, chào ngài/ Xin chào các trai, các gái/ Chào phường trò xa ngái đã đến làm việc thiêng/ Chủ tôi xin rước vào sân dẫu sân chật chội/ Chủ tôi xin rước vào cửa lên nhà dù nhà đang có việc lo...”. Ông Khố thay mặt phường Róong hát lời chào lại chủ nhà: “Chào chủ nhà Khó, lời rằng.../ Này là phường trò, gánh hát/ Phường Roóng chúng tôi đi làm trò để trả hiếu đám tang/ Cho người già trong bản, trong làng nên biến, nên hóa/ Phường trò chúng tôi hát múa cho cụ X (tên người chết) về với nơi âm/ Không phải hổ thẹn với mường Ma/ Ở suối vàng an nghỉ...”.

Dàn nhạc sau đó sẽ tấu lên một bản nhạc buồn. Phường lên nhà sàn đã được chuẩn bị một khoảng trống, cách quan tài chừng 3m, để cho phường diễn trò. Mọi người ngồi vào vị trí, mõ đánh 3 hồi và dàn nhạc tấu một bài dài. Cũng như một số địa phương là Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành..., Trò Ma của người Mường huyện Ngọc Lặc cũng gồm 2 phần là hát và diễn trình. Phần hát có các bài hát Giáo đàng, Giáo người, Giáo rước phường trò, Giáo chân, Giáo tay, Giáo mũ, Giáo áo, Giáo roi, Giáo kén...; bài ca nhà táng và các bài hát mừng vua, mừng làng, mừng chức ông... Ngoài ra, còn nhiều bài có nội dung khá hài hước như đánh ghen, tìm vợ... Sau khi kết thúc phần hát, phường Roóng sẽ trình diễn nhiều tích trò có nội dung phản ánh đời sống sinh hoạt thường ngày của con người như săn bắn, hái lượm, trồng bông, dệt vải... Một đặc điểm riêng và khá thú vị trong cách thức trình diễn loại hình diễn xướng dân gian này là tính hài hước, gây cười cho mọi người. Do đó, bên cạnh những bài hát có nội dung chia buồn cùng tang chủ và dặn hồn người chết trước lúc về mường Ma; trò Ma còn nhiều lời hát và nhất là các tích trò sử dụng lối biểu diễn khôi hài, ngộ nghĩnh giúp đám tang của người Mường ít bị bi lụy.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh, sở dĩ trò Ma có lối trình diễn khá đặc biệt là bởi người Mường muốn thông qua các tích trò, lời hát của phường trò để tạo cho đám tang không khí vui vẻ hơn, nhằm giảm bớt sự bi thương và nhất là muốn “mượn” hình thức nghệ thuật độc đáo này tạo dựng nên mối giao cảm hài hòa giữa người sống và người chết, để hồn ma ra đi được thanh thản. Trò Ma vừa phản ánh quan niệm của người Mường về cuộc đời, về thế giới; vừa là biểu hiện sinh động của một nền văn hóa được hình thành từ xa xưa, gắn với tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt của người Mường trong lịch sử. Sự xuất hiện của các phường trò Ma trong đám tang vừa là một hình thức “đệm” cho diễn xướng Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Nhưng đồng thời, nhờ bởi các lớp lang và cách thức trình diễn độc đáo, riêng có mà trò Ma có thể diễn xướng độc lập, để tạo nên một “sân khấu” của riêng nó.

Giá trị độc đáo của trò Ma trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Mường là không thể phủ nhận. Thậm chí, theo ông Vương Anh, thì trò diễn và lời ca tạo dựng nên các hoạt cảnh sơ khai của sân khấu dân gian Mường có thể được giải mã mầm mống nguồn cội từ trong trò Ma? Tuy nhiên, qua thời gian cùng sự đổi thay của cuộc sống, nhất là quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và thực hiện các quy định trong việc cưới, việc tang, trò Ma của người Mường đã và đang dần khuất bóng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh người Mường. Cùng với đó là thế hệ những nghệ nhân của phường trò cũng dần ít đi, trong khi thế hệ trẻ không có nhiều người hiểu và có khả năng trình diễn. Thực trạng trên đã và đang đặt ra yêu cầu khôi phục, lưu giữ trò Ma trong văn hóa Mường ở một số địa phương. Song, nhiều khó khăn đặt ra đang khiến cho việc khôi phục loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này đứng trước nguy cơ mai một, nếu các địa phương không có được sự quan tâm và đầu tư phù hợp.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]