(Baothanhhoa.vn) - Vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng” của tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, là tiết mục của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019 tại TP Thanh Hóa, từ ngày 11 đến 19-5.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triết vương Trịnh Tùng với công lao đóng góp vào sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Triết vương Trịnh Tùng với công lao đóng góp vào sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Một cảnh trong vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng”.

Vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng” của tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, là tiết mục của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019 tại TP Thanh Hóa, từ ngày 11 đến 19-5.

Với kịch bản dày gần 50 trang và hơn 2 tiếng đồng hồ biểu diễn đã kể lại cuộc đời Trịnh Tùng, con trai thứ của Thế tổ Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm và Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo (con gái của Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim), với hơn 53 năm phò tá nhà Lê, trải qua 2 triều từ Lê Anh tông đến Lê Thế tông.

Câu chuyện bắt đầu từ sau khi Thái vương Trịnh Kiểm qua đời, mọi quyền binh Lê triều giao vào tay Tuấn Đức hầu Trịnh Cối (con trưởng của Trịnh Kiểm với bà vợ cả). Trịnh Cối ham mê tửu sắc, ngày một kiêu ngạo, càn rỡ. Các tướng dưới quyền Trịnh Cối ngày một rời xa. Giữa lúc quân Mạc đánh vào trấn Thanh Hoa, đáng lẽ phải đem binh chống giặc thì Tuấn Đức hầu Trịnh Cối lại đem người nhà chạy vào trại giặc và xin đầu hàng nhà Mạc. Trước tình thế ấy, các quan tướng của Thái vương Trịnh Kiểm như: Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách, Lê Cập Đệ, Phan Công Tích đã yết kiến vua Lê Anh tông và xin vua Lê phong Phúc Lương hầu Trịnh Tùng làm Trưởng Quận công tiết chế thủy bộ chư dinh, cầm quân chống lại nhà Mạc. Nhờ tài năng điều binh khiển tướng của Tiết chế Trịnh Tùng và sự đồng lòng, gắng sức của các quan tướng Lê triều mà mấy lần quân Mạc tấn công đều bị quân binh Lê - Trịnh đánh bại.

Quân Mạc rút lui, Trịnh Tùng lại cùng các quan tướng họ Trịnh lo việc đê điều. Giữa mùa lũ, Trịnh Tùng cùng các quan tướng thường xuyên lo việc tôn đê, chống lũ, lo sinh kế cho dân chúng qua mùa mưa lụt trong năm. Giặc dữ lui binh, thiên tai cũng tạm ổn, nhưng trong triều đình nhà Lê lại xảy ra những mối bất hòa mới. Nhân thấy Tả tướng Tiết chế Trịnh Tùng binh quyền ngày một lớn, quan Thái phó nhà Lê là Lê Cập Đệ muốn giành quyền lại cho nhà Lê, bèn bày mưu mời Trịnh Tùng xuống thuyền rồng để mưu sát. Âm mưu bị chính em gái của Lê Cập Đệ là Lê Hoài Hương tiết lộ với Trịnh Tùng. Trịnh Tùng bèn bắt giết Thái phó Lê Cập Đệ. Vua Lê Anh tông nghe tin Thái phó Lê Cập Đệ bị giết, lại nghe các quan dèm pha, nên ngay trong đêm đã đưa 4 hoàng tử chạy vào Nghệ An và cuối cùng chết ở đó. Tả tướng Trịnh Tùng cùng các quan tướng trong triều đón hoàng tử thứ 5 của vua Lê Anh tông là Lê Duy Đàm lập làm vua – đó là vua Lê Thế tông. Vì vua còn nhỏ (mới 7 tuổi), Tả tướng Trịnh Tùng cho tìm danh nho vào dạy học cho vua và hết lòng phò tá Lê triều trong đế nghiệp Trung hưng.

Năm Tân Mão (1591), Tiết chế Trịnh Tùng mở cuộc hành binh lớn, đánh trận quyết định ở Đông Kinh, bắt được Mạc Mậu Hợp (vua thứ 5 của triều Mạc) đem giết, chiếm lại kinh thành. Tháng 2 năm Quý Tỵ (1593), sau khi cho sửa sang kinh thành, cung điện, Trịnh Tùng đã đón vua Lê từ hành cung Vạn Lại (Thanh Hoa) ra kinh thành Thăng Long. Vua Lê lên chính điện coi chầu trong sự tung hô, bái kiến của bá quan văn võ, đánh dấu sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê khởi đầu từ năm 1533 đến nay đã hoàn thành. Trịnh Tùng được phong làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương.

Có thể nói: “Sinh vi tướng, tử vi thần”, đó chính là tấm lòng của Triết vương Trịnh Tùng – người đã dành cả cuộc đời mình để “phò Lê, diệt Mạc”, thống nhất Nam – Bắc triều. Vở tuồng như một nén tâm nhang của các thế hệ con cháu đời sau tưởng nhớ đến một bậc đại thần họ Trịnh: “Vị quốc – báo quân ân, vì dân – tròn trách vụ” thời Lê Trung hưng. Và đó, chính là một tấm gương cho hậu thế khi nghĩ về hai chữ “Tôi Trung” đối với dân, với nước trong giai đoạn hiện nay.

Là người theo suốt quá trình vở diễn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu tuồng và cũng là người con của quê hương Thanh Hóa, đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: Đây là vở diễn mà chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết và công sức để dàn dựng biểu diễn. Thông qua đó nhằm gửi đến khán giả thông điệp về sự tri ân những đóng góp, hy sinh của những bậc hiền tài luôn vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Vì vậy, vượt qua những rào cản, những quan niệm khác nhau về nhân vật Triết vương Trịnh Tùng, chúng tôi đã chọn lọc những chi tiết quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Triết vương Trịnh Tùng để đưa vào vở diễn, nhằm làm nổi bật chân dung, tính cách của người quân tử, người có tài làm nên những chiến công. Vở diễn nhằm đưa tới cho người xem một cách nhìn mới đối với các nhân vật lịch sử, đó là khẳng định công lao đóng góp của nhà Trịnh nói chung và của Triết vương Trịnh Tùng nói riêng đối với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc.

Kỳ thực, lâu nay dường như các tác phẩm nghệ thuật sân khấu tuồng rất ít khi dàn dựng các nhân vật lịch sử. Còn ở đây, vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng” đã lột tả được chân dung nhân vật một cách rõ nét, thể hiện “Một niềm trung nghĩa, nhung bào thấm vị nồng sương gió, trọn đời theo nghiệp cả Trung hưng. Hình bóng Triết vương vẫn vời vợi tháng năm cùng tuế nguyệt...”. Vì sự nghiệp cao cả, Trịnh Tùng đã hy sinh cả bản thân và tình riêng, thể hiện qua đoạn đối thoại với Hoài Hương: “Việc đánh giặc gìn giữ cương thổ. Bổn phận kia của thống chế binh nhung. Ta ra đi mà canh cánh trong lòng. Bởi quân quốc nặng lòng cùng niềm riêng canh cánh”... Tấm lòng trung quân ái quốc của Trịnh Tùng càng bộc lộ rõ hơn trong tình huống đối thoại với Trịnh Xuân – con ruột của Trịnh Tùng. Trịnh Xuân vì lợi danh mà xúi giục cha mình cướp ngôi, nhưng Trịnh Tùng trả lời cương quyết: “Vì phúc ấm muôn nhà mà lo việc giang san. Ta không vì họ Trịnh tranh giành xã tắc. Để muôn dân thống khổ!...”. Đây là chi tiết khá xúc động thể hiện rõ bản chất con người Triết vương Trịnh Tùng, đó là cái trung của bề tôi xuyên suốt vở diễn.

Nghệ sĩ Minh Chính, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng đoàn Tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, người đóng vai Triết vương Trịnh Tùng, chia sẻ: Nội dung vở diễn khúc chiết, âm nhạc, cảnh trí không mang nặng hình thức mà có tính tượng trưng và ước lệ cao. Trang phục, giọng nói, cử chỉ, điệu bộ của các nhân vật đều thể hiện rõ tính cách của từng vai diễn. Hơn 1 tháng ròng rã, thời gian ngắn cộng với nắng nóng của mùa hè khiến anh chị em nghệ sĩ trong đoàn tập luyện rất vất vả. Lịch tập luyện cho vở diễn khá căng thẳng, vì gần với thời gian diễn ra nhiều hoạt động của nhà hát như tham gia Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và các sự kiện khác... Tuy vậy, các nghệ sĩ cũng đã nỗ lực hết mình tập luyện để đem đến tiết mục tốt nhất tham dự liên hoan với vai trò Thanh Hóa là đội chủ nhà. Hy vọng vở diễn sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]