(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, ý chí khát vọng của người xứ Thanh. Với khát vọng thịnh vượng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa đã và đang biến giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp thành nguồn lực to lớn, phục vụ sự phát triển bền vững của vùng đất Hạc Thành.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 3): Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vững

Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, ý chí khát vọng của người xứ Thanh. Với khát vọng thịnh vượng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa đã và đang biến giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp thành nguồn lực to lớn, phục vụ sự phát triển bền vững của vùng đất Hạc Thành.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 3): Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vữngTrò múa hát Tú Huần của làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) biểu diễn tại “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An”. Ảnh: P.V

Xây dựng hình ảnh Hạc Thành thân thiện, văn minh

Mang những giá trị văn hóa truyền thống bồi đắp từ nhiều thế hệ làm động lực, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa luôn xác định cùng cả tỉnh phát huy ý chí tự cường, khát vọng thịnh vượng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc vào năm 2025; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, xây dựng TP Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại; là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc vào năm 2030, theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thực tế chứng minh, văn hóa và bản sắc văn hóa của một vùng, một địa phương hay một quốc gia là tài nguyên vô tận, luôn luôn có tính kế thừa và được phát huy. Không chỉ là nguồn lực to lớn cho sự phát triển, mà văn hóa còn là một trong những phương tiện để gắn kết cộng đồng. Nhận diện rõ được tiềm năng ấy, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu văn hóa vùng đất Hạc Thành. Hơn 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn kiên trì mục tiêu “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Đến Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục thống nhất lựa chọn mục tiêu “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa con người TP Thanh Hóa.

Để cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” đi vào cuộc sống, thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc ứng xử văn hóa, thân thiện, làm điều hay, lẽ phải trong đời sống hàng ngày. Đến nay, tại công sở 34/34 phường, xã và nhà văn hóa các phố, thôn đều đặt pano, treo khẩu hiệu tuyên truyền thông điệp, nội dung cuộc vận động.

Cùng với công tác tuyên truyền, TP Thanh Hóa cũng đã cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” bằng các phần việc cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức. Đơn cử như, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, hành chính Nhà nước thực hiện tốt thông điệp “kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm”, gắn bó với Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Hay người lao động thành phố luôn nêu cao tính “chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả” trong lao động, sản xuất. Còn cộng đồng khu dân cư phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện nếp sống văn minh, nghĩa tình nhân ái, chia sẻ khó khăn, tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Tổ dân phố kiểu mẫu”... Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85,3%, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 84,5%; có 216 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 20/30 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành quyết định công nhận 32 phố, thôn đạt danh hiệu “Tổ dân phố kiểu mẫu”, nâng tổng số phố, thôn kiểu mẫu trên địa bàn thành phố lên 172/311 phố, thôn. Cái đích của chương trình trọng tâm “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” không phải là những con số, mà là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị và xây dựng người Hạc Thành thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, văn minh.

Những định hướng để khai thác hiệu quả nguồn lực

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa, TP Thanh Hóa không chỉ nổi trội bởi nền văn hóa cổ xưa, mà đó còn là các di tích lịch sử, thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp - là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Theo phân vùng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa nằm trong Vùng du lịch Bắc Trung bộ, gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang du lịch Đông - Tây. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định TP Thanh Hóa cùng với TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn gắn với hệ thống Di tích Hàm Rồng, đô thị du lịch Sầm Sơn, hệ thống bãi biển huyện Quảng Xương, Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng. Theo đó, điểm di chỉ khảo cổ Núi Đọ cùng với Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng được xác định là một trong 25 điểm du lịch địa phương của vùng Bắc Trung bộ. Còn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa được xác định là một trong 3 cụm trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh cùng với Sầm Sơn, Hải Tiến, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Suối cá Cẩm Lương, Nghi Sơn, Bến En. Theo đó, thành phố sẽ hình thành các loại hình du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử, du lịch tìm hiểu khảo cổ. Bên cạnh đó, thành phố còn nằm trên hành lang giao thông Bắc - Nam theo Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt xuyên Việt, nên đây là điểm dừng quan trọng trong hệ thống các tuyến, điểm du lịch quốc gia.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 3): Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vữngĐiệu múa dân gian tại lễ công bố khu du lịch cấp tỉnh - di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã phát huy mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch. Đáng kể nhất là thành phố đã đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với các điểm du lịch, như: Đường Tiên Sơn nối động Tiên Sơn, đường Tiên Sơn - Hạc Oa, đường Đồng Cổ, đường Trần Khát Chân; cải tạo các tuyến đường trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, đồi C4, đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân, nội thất đồ thờ trong Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, động Long Quang. Cùng với ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ du lịch, như: Bến tàu du lịch Hoàng Long, làng văn hóa dân tộc xứ Thanh,... với tổng kinh phí khoảng 165 tỷ đồng. Đến nay, hạ tầng du lịch của thành phố được cải thiện đáng kể, các dự án đầu tư du lịch phát triển cả về số lượng và quy mô. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, thành phố đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng. Nổi bật là thành phố triển khai các đề án “Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy trò chơi, trò diễn dân gian”. Đồng thời, công bố Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn là khu du lịch cấp tỉnh và tuyến tham quan du lịch làng cổ Đông Sơn “Ngược xuôi sông Mã”. Đáng chú ý, các tuyến, điểm du lịch của thành phố đã có sự kết nối với các huyện trong tỉnh. Với những bước đi vững chắc, du lịch của thành phố đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Lượng khách du lịch đến thành phố trong giai đoạn 2016-2020 đạt 8,33 triệu lượt người, tăng 38% so với giai đoạn 2011-2015; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 8.150 tỷ đồng. Năm 2022, dịch COVID-19 được khống chế, kiểm soát, hoạt động du lịch của thành phố được mở cửa trở lại và đã thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu đạt 3.600 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng du lịch thành phố vẫn chưa có sức hấp dẫn để giữ chân du khách. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình có giá trị gia tăng cao” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Cụ thể hóa chương trình, trong những năm qua, thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch du lịch, gắn với quy hoạch phát triển đô thị nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, thành phố tiếp tục khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và phát huy giá trị các di tích lịch sử để hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của đất Hạc Thành. Trong đó, ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mới theo chuyên ngành nghiên cứu về các di chỉ khảo cổ học ở núi Đọ, di chỉ khảo cổ Đông Sơn, di chỉ gốm Tam Thọ. Mặt khác, TP Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ Đông Sơn”, Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn TP Thanh Hóa giai đoạn 2018-2025”. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn thành phố. Cùng với đẩy mạnh quảng bá du lịch thành phố, nhằm tạo sức lan tỏa rộng lớn về văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của vùng đất Hạc Thành, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, thành phố đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư để đưa khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ đạt tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đồng thời, biến nơi đây trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trở thành di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, lãnh đạo của TP Thanh Hóa luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của khách du lịch, mời chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để đánh giá tìm ra các giải pháp đột phá cho phát triển du lịch.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Tin liên quan:
  • TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 3): Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vững
    TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 2): Mạch nguồn ...

    Hiếm có đô thị tỉnh lỵ nào trên dải đất hình chữ S hội tụ được nhiều giá trị như TP Thanh Hóa. Bởi thiên tạo mà vùng đất này là cái nôi của loài người, cái nôi của nền văn minh sông Mã hình thành cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước. Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên bản sắc riêng, nổi trội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng, nguồn lực trực tiếp quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của TP Thanh Hóa.

  • TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 3): Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vững
    TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 1): Núi Đọ - ...

    Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi của xứ Thanh, nơi nền văn minh của người Việt cổ ra đời và phát triển trải qua hàng nghìn năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, quá trình bền bỉ lao động sáng tạo, truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã lắng đọng, bồi đắp nên tinh hoa văn hóa của đất và người Hạc Thành.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]