(Baothanhhoa.vn) - Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, vừa nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống, vừa tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, vừa nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống, vừa tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 17-7, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thường trực UBND tỉnh về thực hiện các khuyến nghị của UNESCO đối với di sản văn hóa thế giới (DSVHTG); bảo vệ, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt (DTQGĐB) và bảo vật quốc gia (BVQG) tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp và làm việc với đoàn.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa có 1 DSVHTG (Thành Nhà Hồ), 3 DTQGĐB (Khu di tích lịch và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, Khu di tích lịch và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận) và 7 BVQG. Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực của trung ương, địa phương và xã hội hóa, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có sự đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Cụ thể, đối với DSVHTG Thành Nhà Hồ, tỉnh đã xây dựng trạm xử lý rác thải; cải tạo, nâng cấp tuyến đường trong công trường khai thác đá cổ; xây dựng bản đồ kỹ thuật số định vị toàn cầu; hoàn thiện việc lập và trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch; nghiên cứu, khai quật khảo cổ con đường Hoàng Gia, công trường khai thác đá cổ tại núi An Tôn, Hào Thành, Đàn tế Nam Giao… Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả10 cam kết với UNESCO trong kế hoạch quản lý di sản Thành Nhà Hồ, giai đoạn 2011-2015.

Du khách đến tham quan Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Đối với các DTQGĐB, tỉnh đã đầu tư trên 471 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương, cùng hàng chục tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa để thực hiện trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hàng chục công trình trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Cùng với đó, di tích Đền Bà Triệu cũng được đầu tư nhiều công trình như bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà làm việc của Ban quản lý di tích, hệ thống điện chiếu sáng. Với di tích Hang Con Moong, hiện tỉnh đang chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương lập đồ án Quy hoạch để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể DTQGĐB Hang Con Moong và các di tích phụ cận… Đối với các BVQG, hiện 3 bảo vật đang được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh (Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang, Vạc đồng Cẩm Thủy) và 4 bảo vật đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh (Bia Vĩnh Lăng, Bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, Bia Lê Thánh Tông, Bia Lê Hiến Tông). Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư khai quật khảo cổ, trùng tu tôn tạo các di sản và bảo vật; cùng một số bất cập về bộ máy, nhân lực thực hiện quản lý, bảo tồn di sản.

Nghi thức rước kiệu tại đền Bà Triệu. (ảnh: Duy Sơn)

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị đối với tỉnh Thanh Hóa trong quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị của UNESCO đối với DSVHTG và bảo vệ, phát huy giá trị các DTQGĐB, BVQG trên địa bàn. Trong đó, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhấn mạnh: Xứ Thanh là cái nôi di sản của Việt Nam. Chính vì lẽ đó, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, vừa nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống, vừa tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Lưu ý tỉnh Thanh Hóa nhiều nội dung cụ thể trong thực hiện khuyến nghị của UNESCO đối với DSVHTG Thành Nhà Hồ, nhất là việc khắc phục sạt lở các đoạn tường thành, khai quật khảo cổ, chất lượng đội ngũ cán bộ…; Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng đề nghị tỉnh có cách tiếp cận mới trong công tác bảo tàng; việc xin chủ trương và xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận DTQGĐB đối với di tích Đền thờ Lê Hoàn…

Bảo vật quốc gia kiếm ngắn núi Nưa hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và mong muốn Hội đồng tiếp tục dành sự quan tâm cho tỉnh Thanh Hóa trong quá trình lập hồ sơ, xét đề nghị công nhận đối với các di sản, bảo vật trên địa bàn. Đối với các ý kiến đóng góp chân thành, ý nghĩa của thành viên Hội đồng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là khắc phục thực trạng sạt lở các đoạn tường thành và tập trung thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh với UNESCO tại DSVHTG Thành Nhà Hồ. Đồng chí cũng yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở những gợi ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cần tiến hành tư vấn kĩ để có định hướng đầu tư phù hợp và hiệu quả đối với dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh thời gian tới.

Trước khi làm việc với Thường trực UBND tỉnh, đoàn công tác Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã tiến hành khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn và Bảo tàng tỉnh.


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]