(Baothanhhoa.vn) - Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi về phía Tây, qua cầu Cao (TP Thanh Hóa)... chẳng cần tinh mắt cũng trông thấy một cột đá đứng sừng sững trên vách núi Nhồi. Trải qua hàng trăm năm, thậm chí có thể lâu hơn nữa, cột đá ấy đã chứng kiến biết mấy cảnh bãi bể hóa nương dâu, đủ để biến sự vô tri thành một đời sống ly kỳ. Và ẩn trong câu chuyện đời đá là sự tồn tại của một địa danh từng khiến không ít kẻ say mê, gửi gắm tâm sự...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tản mạn... đời đá

Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi về phía Tây, qua cầu Cao (TP Thanh Hóa)... chẳng cần tinh mắt cũng trông thấy một cột đá đứng sừng sững trên vách núi Nhồi. Trải qua hàng trăm năm, thậm chí có thể lâu hơn nữa, cột đá ấy đã chứng kiến biết mấy cảnh bãi bể hóa nương dâu, đủ để biến sự vô tri thành một đời sống ly kỳ. Và ẩn trong câu chuyện đời đá là sự tồn tại của một địa danh từng khiến không ít kẻ say mê, gửi gắm tâm sự...

Tản mạn... đời đá

Núi Vọng Phu.

In lên nền trời chiều bám đầy những mảng mây xám xịt, mệt nhoài và nặng nề, là cái trụ đá tựa hình người phụ nữ bế con, đứng bất động, mặt hướng ra phía biển Đông xa xôi. Không biết tạo hóa cố tình sắp đặt mà nên dạng, hay do trí tưởng tượng không giới hạn của con người mà đá mới nên hình? Chỉ biết, người xưa đã đặt cho đá cái tên Vọng Phu Thạch (đá Vọng Phu hay đá Trông Chồng). Cũng không rõ đá Vọng Phu ấy có ít nhiều “nội hàm” của Hòn Vọng Phu xứ Lạng, nơi nàng Tô Thị đã hóa thân thành đá để trở thành một biểu tượng của sự thủy chung, son sắt hay không. Thế nhưng, khi qua đây, Đại thi hào Nguyễn Du đã tức cảnh sinh tình, để có thơ họa rằng: “Đá chăng? Người đó? Chi đây/ Một mình trên ngọn núi này ngàn năm/ Bạn đời không chút mộng rằng/ Điều trinh giữ vẹn tấm thân muôn đời/ Mưa thu lệ cũng tuôn rơi/ Dấu rêu lấp triện, phi lời văn chương/ Núi đồi lớp lớp khói sương/ Để riêng bạn gái luân thường nêu cao”. Còn dân gian xứ Thanh thì vẫn lưu truyền câu thơ:“Vọng Phu trẻ mãi không già/ Thủy chung đứng đó biết là chờ ai?”! Dường như, để an ủi cho sự mòn mỏi chờ đợi của đá, mà dưới chân Vọng Phu, từ rất lâu rồi, người dân nơi đây đã dựng nên một quần thể di tích lịch sử - văn hóa phong phú. Cạnh chân núi Vọng Phu là chùa Hinh Sơn (còn có tên là chùa Hang), qua phía Đông núi Khế là chùa Tiên Sơn, trên sườn núi Chồng Mâm là Đình Thượng thờ thần núi, rồi các chùa Báo Ân, chùa Quan Thánh, lăng Quận Mãn (Mãn Quận Công)...

Theo sách Địa chí Thanh Hóa tập II, thì núi Nhồi còn có tên gọi là núi Khế, núi An Hoạch, Nhuệ Sơn, núi Vọng Phu. Núi này thuộc địa phận phường An Hoạch, TP Thanh Hóa (trước đây thuộc hai xã Đông Hưng và Đông Tân, huyện Đông Sơn). Nói về hệ thống núi Nhồi, Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Thế núi cao mà thoải, sắc đá trắng mà mượt, tiếng kêu mà trong, có thể dùng làm khánh, làm bia, làm các vật dụng khác. Sách Quảng Dư chí đời Minh có nói “Đời Tấn bên Trung Quốc, quan Thái thú Dự Châu họ Ninh thường sai người lấy đá ở đây đem về làm khánh”, tức là nơi này. Hiện nay trong ấp đó còn có dòng họ Bạt Thạch (làm nghề chạm đá)”. Trên ngọn La Hán (còn có tên gọi khác là Khế Sơn), có một cái động rộng chừng mấy trượng, người xưa lấy động làm chùa, gọi là Tiên San tự. Còn trên núi Hinh cũng có một ngôi chùa cổ tên là Hinh San. Phía đỉnh núi bên tả, đá núi đã lấy gần hết, chỉ còn lại cái cột đá con chừng 100 thước. Cách đó chừng 50, 60 bước có một cái hang đá sâu chừng hơn 10 trượng. Người xưa có câu “Đao phủ nhược phi nhân tích đáo/ Lô đồng thùy biện hóa công huyền” (nghĩa là dao búa nếu không chân tục đến/ Lô đồng sao biết hóa công ghê). Năm Thành Thái thứ 7, quan Đốc bộ là Hà Đình Nguyên Thuật đề vào cột đá 4 chữ Hán “Kiệt nhiên trung trĩ” (nghĩa là “Sừng sững giữa trời”).

Dưới chân núi Nhồi xưa là dòng Hương Giang lượn quanh làng xóm đông đúc, rồi tìm đường hòa vào sông Mã. Cảnh sắc thiên nhiên hữu tình hòa điệu cùng nhịp sống các làng cổ, có khi tất bật có khi thong thả và lẫn vào trong tiếng chuông chiêng lanh lảnh tản ra từ những đền chùa, miếu mạo vọng vào vách đá rồi thấm vào không gian. Dưới chân ngọn núi ấy, từ nhiều đời nay, con người không chỉ sống bằng những ảo mộng của vẻ đẹp thiên nhiên hay huyễn hoặc mình trong thế giới tâm linh đầy kỳ ảo. Họ đã sống, đã yêu thương và gắn bó với nhau bằng lao động, bằng nỗi vất vả bươn chải với đá, sống dựa vào đá và cũng nức tiếng nhờ đá. Có lẽ, không còn nhiều người nhớ, xưa kia nơi đây đã từng tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền. Khách thương khắp nơi tìm về làng Nhồi mua bán, trao đổi các sản phẩm được chế tác từ đá. Với nguồn nguyên liệu đá xanh rất tiện dụng trong chế tác và người thợ thủ công làng Nhồi biết khá kỹ về chất liệu và kỹ thuật chế tác đá. Nhờ đó mà làng nghề chế tác đá mỹ nghệ đã hình thành, tồn tại và vang danh cho đến tận ngày nay.

Khai thác đá là công việc vô cùng vất vả và đòi hỏi nhiều sức khỏe, cùng mẹo mực. Nhờ mạch đá lộ thiên, người thợ đá chỉ việc tìm các vỉa, các mạch đá thuận cho việc bóc tách thành từng khối, từng viên phù hợp với sản phẩm. Với bề dày kinh nghiệm được tích lũy, người thợ đá làng Nhồi đã biết khai thác theo thớ đá. Khi tiến hành chạm khắc họ cũng phải chọn những khối đá có thớ phù hợp. Đá gốc được khai thác, người ta để chế tác tại chỗ nhằm tận dụng thời gian đá còn mềm, dễ chạm khắc, tránh bị vỡ nét. Song, để hoàn thành một sản phẩm từ đá lại phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn kỹ thuật như đục, khoan, đánh bóng... Theo chia sẻ của nhiều thợ đá lâu năm và dày kinh nghiệm, thì đối với những tác phẩm mỹ nghệ - nghệ thuật lớn, từ việc cấu tạo nên những đường nét to khỏe, chắc chắn đến những chi tiết hoa văn tinh tế, sắc sảo, đều cần đến sự khéo léo và tỉ mẩn của người thợ đục. Ngày nay, nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật mới và máy móc hỗ trợ, người thợ đá đã nhàn hơn trong nhiều công đoạn, nhất là khâu mài đá. Cũng nhờ đó mà hàng loạt sản phẩm đá hoa xuất khẩu đã được chế tác một cách nhanh chóng và đẹp mắt.

Nghề sản xuất đá làng Nhồi từng trải qua nhiều giai đoạn phát triển hưng thịnh. Các sản phẩm đá chủ yếu là công cụ sản xuất, sinh hoạt (cối giã, cối lăn, thùng, chày...) và đồ mỹ nghệ phục vụ thờ cúng (bia, sập, tượng người, linh vật...). Đá núi Nhồi được xem là một vật liệu quý, bởi sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt, tiếng đá vang và trong. Từ những tảng đá thô sơ ban đầu, qua bàn tay tài hoa của người thợ đục đá, mà vô số tác phẩm nghệ thuật bằng đá tuyệt mỹ đã ra đời và tỏa đi muôn nơi, để có mặt ở hầu khắp các công trình kiến trúc, lăng tẩm, đền đài, bia ký, tượng đá trong cả nước. Và rồi, thợ đục đá xứ Thanh cũng nức tiếng xa gần. Một số tài liệu cũ còn ghi lại, thợ đục chạm khắc đá Nhuệ Thôn (thuộc làng cổ Nhuệ Thôn dưới chân núi Nhồi) xứng đáng là nghệ nhân, được nhiều triều đại biết đến. Còn ở vào một giai đoạn hoàng kim khác của nó (cuối triều Nguyễn), làng Nhồi có khoảng 300 hộ làm nghề đục đá. Khắp đầu thôn cuối làng, đâu đâu cũng dậy lên tiếng đục đá như tiếng đời sống của cư dân vốn sống cạnh kho “vàng đá” suốt nhiều đời.

...

Tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã đi qua con đường này bao nhiêu lần, vì mỗi lần qua là một lần vội vã. Không phải vì công việc thôi thúc phải đi nhanh, mà chẳng qua là không muốn lưu lại lâu hơn, bởi tiếng mài, cắt đá của máy móc như mũi khoan xoáy vào tai và đường vẩn lên những bụi đá, khói xe, bụi bặm. Lần này, tôi cố gắng thả chậm tốc độ, ngược xuôi vài lần cố tìm được chỗ nào có thể ngắm nghía cảnh sắc, mong tìm lấy vài phần xúc cảm của người xưa khi đứng dưới chân dãy núi Nhồi vào lúc chiều tà. Tiếc là vô kế khả thi. Cảm xúc không tìm về, chỉ có chân là muốn cất bước đi... Ngày nay, nhắc đến làng Nhồi người ta thường chỉ biết đến nó như là nơi xuất xứ của nhiều sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo bằng đá. Còn những cảnh sắc, miếu mạo từng chen chân cùng đá núi, cỏ cây, mây gió thì dường như không còn được nhắc đến nhiều. Nghề đá làng Nhồi vẫn sống trước những quăng quật của thị trường, âu cũng là niềm an ủi với những người từng sống chết với nghề. Duy có điều, vẫn có gì đó thật tiếc nuối và xa xót mỗi lần đi qua đoạn đường đầy bụi và tiếng ồn này. Sự xô bồ chẳng thể cho con người vài phút tịnh tâm để ngắm hòn Vọng Phu đứng chông chênh trên vách đá. Cũng chẳng còn thấy cánh chim đậu trên mỏm đá xám, mà người xưa vẫn lấy đó làm tự hào là nơi đất lành. Cũng chẳng thể tìm một chút dư vị an nhiên từ những cánh cửa nơi thờ tự thường đóng im ỉm. Danh thắng từng khiến không ít kẻ tức cảnh sinh tình, từng ẩn chứa vô số bí ẩn lặng lẽ chảy trong từng mạch đá và len lỏi cả vào đời sống, vốn vẫn còn ít nhiều bóng dáng nhưng lại cảm giác như thật xa vời.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]