(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt 365 năm tồn tại, vương triều Hậu Lê là vương triều hưng thịnh nhất nhưng cũng nhiều biến cố và bi kịch nhất trong lịch sử dân tộc. Bằng trí tuệ thiên tài, võ công hiển hách và lòng nhân ái bao la, sau 10 năm nếm mật nằm gai Bình Định vương Lê Lợi đã đuổi sạch quân phương Bắc ra khỏi bờ cõi nước Nam, xuống chiếu Bình Ngô, lên ngôi Hoàng đế đại định thiên hạ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sớm bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê

Trong suốt 365 năm tồn tại, vương triều Hậu Lê là vương triều hưng thịnh nhất nhưng cũng nhiều biến cố và bi kịch nhất trong lịch sử dân tộc. Bằng trí tuệ thiên tài, võ công hiển hách và lòng nhân ái bao la, sau 10 năm nếm mật nằm gai Bình Định vương Lê Lợi đã đuổi sạch quân phương Bắc ra khỏi bờ cõi nước Nam, xuống chiếu Bình Ngô, lên ngôi Hoàng đế đại định thiên hạ.

Sớm bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê

Khu Di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê.

Từ “Thời vua Thái tổ, Thái tông, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng thèm ăn”, cho đến thời vua Thánh tông là đấng minh quân, những cơ sở quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng cho một xã hội phồn thịnh đã được thiết lập như: Phân định địa giới hành chính; tổ chức bộ máy cai trị; xây dựng hệ thống luật, lệ; khuyến khích văn học, nghệ thuật; sửa định lễ nhạc, phát triển tôn giáo, tín ngưỡng...

Vận mệnh của triều Hậu Lê cũng trải nhiều biến cố. Năm 1528, Mạc Đăng Dung cướp ngôi từ Lê Cung Hoàng đế, con cháu nhà Lê phải tứ tán khắp nơi. Sau được đại tướng quân Nguyễn Kim tìm người lập đế, dẹp loạn nhà Mạc, trung hưng lại vương triều. Nhưng cũng từ đó nền chính trị Đại Việt bị phân chia quyền lực. Bên cạnh cung vua là phủ chúa.

Vương triều Hậu Lê kết thúc năm 1789 vào đời Lê Chiêu Thống sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Nhà Hậu Lê trải 27 đời vua và có 26 vua tại vị.

Trải qua gần bốn trăm năm xây đại nghiệp, tông miếu nhà Hậu Lê gắn liền với xã tắc giang sơn và luôn được hương khói phụng thờ, nghi thức theo điển lễ. Thời Lê sơ, điện Lam Kinh được xây dựng trên “đất cố hương” với quy mô hoành tráng và dần được nâng cấp, hoàn thiện sau mỗi đời. Nhưng cũng như vương triều, Lam Kinh trải qua nhiều cơn bĩ thái, bị cháy năm 1434 và hủy hoại đến 2 lần vào thời Mạc và Tây Sơn. Điện Kính Thiên ở Đông Kinh là nơi tế lễ của thời Trung hưng. Tuy nhiên, như trên đã nói, quyền lực của các vua Lê thực tế đã cạn dần nên việc chăm sóc, tế lễ lăng miếu cũng phần nhiều bị hạn chế.

Tiên tổ là bậc đại công thần trung hưng và mấy trăm năm dưới danh nghĩa phò Lê, nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, trở thành vị trí độc tôn về chính trị đã sớm thể hiện sự tôn kính với vương triều trước, đặc biệt là vào thời Gia Long. Đại Nam nhất thống chí chép: “Ngày Quý Sửu (tháng 6 năm 1802) xa giá qua Thanh Hoa, dạo xem tình thế sông núi rồi vời những người già ở làng Bố Vệ (thuộc huyện Đông Sơn) hỏi về sự tích miếu cũ của nhà Lê. Những người dòng dõi họ Lê tranh nhau đem trầu rượu đến lạy mừng. Vua yên ủi rồi cho về”.

Hai năm sau (1804) vua Gia Long đã cho dời lăng miếu ở Thăng Long về Thanh Hóa để làm nơi tông miếu chính thức gọi là Miếu các vua Lê, để thờ tự vương triều nhà Hậu Lê. Đại Nam thực lục chép: “Dời dựng miếu nhà Lê về Thanh Hoa. Miếu nhà Lê ở thành Thăng Long, họ Lê tâu xin dời về Bố Vệ (tên xã, thuộc huyện Đông Sơn, là đất cũ trung hưng nhà Lê). Vua nói: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điển của Triều đình”. Sai trấn thần Thanh Hoa thúc dân sửa sang. Lấy Phan Tiến Quý làm quản phủ Thiệu Thiên để coi công việc. Rồi lấy 100 người dân xã Bố Vệ làm miếu phu”. Tháng 3 năm 1805 Miếu các vua Lê an vị thượng lương, khắc dòng chữ “Tuế thứ Ất Sửu niên, tam nguyệt nhất trụ thượng lương đại cát”. Gần 200 năm giữ vai trò là nơi tông miếu, năm 1994 Miếu các vua Lê được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia mang danh miếu là “Thái miếu nhà Hậu Lê”.

Thái miếu nhà Hậu Lê hiện tọa lạc tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, nơi có sơn kỳ thủy tú, tiện đường kinh lý Bắc Nam, là mảnh đất chứa đựng những trầm tích của vương triều. Nơi đây trước kia là nền điện Chiêu Hoa, thờ Tuyên từ nhân ý Chiêu túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ vua Lê Thái tông, mẹ vua Lê Nhân tông) - vị Hoàng Thái hậu được coi là tác giả của nhiều bí sử thời Lê sơ.

Đây cũng là nơi sinh của vua Lê Anh tông thời Trung hưng. Vua thuộc dòng Hoằng quốc công Lê Trừ (anh trai Thái tổ), khi vua Trung tông mất không có con kế vị nên được Trịnh Kiểm và các đại thần lập nên.

Thái miếu nhà Hậu Lê hiện thờ tự đầy đủ nhất 26 vị vua, các vị hoàng hậu, hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần, ban thờ chung các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn...

Về tế lễ: “Tế vào hai tiết Xuân - Thu, quan tỉnh hành lễ” (Đại Nam nhất thống chí).

Qua quá trình lịch sử hơn 200 năm, Thái miếu nhà Hậu Lê đã bị xuống cấp, hư hại và mất mát nhiều. Những giá trị gốc hiện còn chủ yếu về mặt kiến trúc. Tuy vậy, những hiện vật (dù ít) còn lại ở đây cũng minh chứng được vai trò, vị trí tông miếu chính danh của nhà Hậu Lê trong lịch sử và hiện tại. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, di tích đã xây dựng được quy hoạch tổng thể, có quyết định phê duyệt và cấp vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia về sự nghiệp phát triển văn hóa nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, dự án đã bị gián đoạn. Một phần công trình được làm nhưng phần lớn các hạng mục vẫn chưa thực hiện hoặc còn dở dang.

Để tiếp tục hoàn thiện dự án cũ, đồng thời điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo không gian lễ hội và cảnh quan khu di tích, UBND tỉnh và TP Thanh Hóa đã cho làm quy hoạch mở rộng, trình và phê duyệt các thủ tục đầu tư. Hiện nay dự án được giao cho nhà thầu theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư của dự án là 293 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, đây là dự án có khối lượng công việc tương đối nhiều, yêu cầu về kỹ thuật rất cao, ngặt nghèo và kỹ lưỡng nên cần sử dụng quỹ thời gian tương ứng. Tuy nhiên cho đến hiện nay, công trình vẫn chưa được khởi công. Hiện chính quyền và nhân dân nơi đây rất mong dự án sớm được triển khai, góp phần bảo tồn bảo tàng và đáp ứng nhu cầu nhang hương, cũng như tìm hiểu một cách đầy đủ, chi tiết về những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo của công trình.

Ts. Trương Ngọc Tuấn

(Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng)


Ts. Trương Ngọc Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]