(Baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu tọa lạc trên đất xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Từ xa xưa, nhân dân địa phương vẫn quen gọi đền thờ Lê Văn Hưu là “chùa ông Hưu”. Tổng thể ngôi chùa xưa có quy mô rộng lớn, có tiền đường, hậu cung, gác chuông, hồ nước, giếng rồng, bia đá, cột đá và nhiều đồ thờ có giá trị khác. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt, của chiến tranh, “chùa ông Hưu” đã bị biến đổi và xuống cấp, hư hại. Diện tích khuôn viên bị thu hẹp, khuôn viên đền chật hẹp không có lối đi lại...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu

Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu tọa lạc trên đất xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Từ xa xưa, nhân dân địa phương vẫn quen gọi đền thờ Lê Văn Hưu là “chùa ông Hưu”. Tổng thể ngôi chùa xưa có quy mô rộng lớn, có tiền đường, hậu cung, gác chuông, hồ nước, giếng rồng, bia đá, cột đá và nhiều đồ thờ có giá trị khác. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt, của chiến tranh, “chùa ông Hưu” đã bị biến đổi và xuống cấp, hư hại. Diện tích khuôn viên bị thu hẹp, khuôn viên đền chật hẹp không có lối đi lại...

Quan tâm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu

Không gian đền thờ Lê Văn Hưu chật hẹp ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Để thuận tiện cho việc hành lễ tại chùa, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng thêm một ngôi nhà nhỏ (bằng vật liệu gạch, ngói, gỗ, tre, luồng...) tại vị trí đất liền kề với chùa Hương Nghiêm để làm nơi thờ tự Nhà sử học Lê Văn Hưu. Năm 2018, đền thờ Lê Văn Hưu được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung chia sẻ: Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyện vọng của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương mong muốn sớm được đầu tư tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự Nhà sử học Lê Văn Hưu cho khang trang, xứng tầm, nhằm tôn vinh một sử gia lừng danh của dân tộc – người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, nhân tài lỗi lạc ở kỷ nguyên độc lập và hưng thịnh Lý – Trần, là danh nhân văn hóa của dân tộc. Từ đó tạo nên một quần thể di tích đền – chùa (đền thờ Lê Văn Hưu và chùa Hương Nghiêm) phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và du khách, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương.

Được biết, ngày 26-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu. Mục tiêu đầu tư hoàn thiện công tác tu bổ và tôn tạo khu di tích nhằm tri ân những đóng góp của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử phát triển của dân tộc; xây dựng di tích trở thành địa điểm tưởng niệm, giáo dục truyền thống lịch sử gắn với mục tiêu phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương. Quy mô đầu tư gồm: Tôn tạo đền thờ chính (tiền bái, hậu cung), nhà từ đền, nhà bia, bình phong, am hóa vàng, tứ trụ, cổng sang chùa, nhà vệ sinh, giếng, sân, đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng (thực hiện trong giai đoạn 2018-2020), trong đó vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để hoàn thành đầu tư các hạng mục đền thờ chính (tiền bái, hậu cung), vốn ngân sách huyện, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác gần 20 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục còn lại.

Căn cứ vào kế hoạch cũng như tiến độ thời gian đầu tư xây dựng, công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu thời gian thực hiện và hoàn thành, dự kiến từ năm 2018 – 2025. Theo đó, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 – 2020, với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Đầu tư giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho 6 hộ gia đình để dành phần đất thực hiện dự án; xây dựng, tôn tạo đền thờ chính có kiến trúc chữ Đinh (tiền bái 5 gian 1 tầng mái đao và hậu cung 3 gian kiểu tường hồi bít đốc) bằng gỗ lim, phỏng theo thức kiến trúc của đình đền truyền thống Việt Nam; đầu tư hệ thống nội thất đồ thờ và đồ tế tự cho đền thờ chính.

Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2020-2025, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 15 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Đầu tư giải phóng mặt bằng (phần diện tích đất mở rộng còn lại của dự án; xây mới cổng tứ trụ theo hình thức truyền thống; xây dựng nhà từ đền 5 gian bằng gỗ lim, hình thức kiến trúc kiểu tường thu hồi bít đốc; hệ tường bao xây gạch chỉ trát vữa xi măng, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài dưới có ngói lót; xây cổng phụ ngăn cách giữa khuôn viên đền Lê Văn Hưu và chùa Hương Nghiêm; xây nhà bia; xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ như: Nhà vệ sinh, am hóa vàng, bình phong, giếng ngọc...; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sân đền, đường giao thông, khuôn viên cảnh quan cây xanh, tạo nên một tổng thể ngôi đền hài hòa và trang nghiêm.

Ông Trần Ngọc Tùng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa cho biết: UBND huyện đã thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án bảo tồn tôn tạo Di tích đền thờ Lê Văn Hưu, thống nhất: Tổng diện đất mở rộng khuôn viên đền thờ Lê Văn Hưu là 2.587,3m2, diện tích đất này thuộc 6 hộ dân đã được UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Trung vận động và các hộ dân đã thống nhất sẽ di dời, tái định cư để dành phần đất thực hiện dự án khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện cũng đã thành lập ban quản lý dự án; giao các phòng chức năng của huyện tổ chức triển khai thực hiện. Song, đến nay, tiến độ thi công dự án mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện xong kiểm kê tài sản, giải phóng mặt bằng di dời 6 hộ dân và bố trí khu tái định cư cho các hộ này tại khu vực cống Mã Quang (thôn 3, xã Thiệu Trung). Bên cạnh đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ mới chỉ bằng 1/4 tổng kinh phí (2,5/10 tỷ đồng). Vì vậy, địa phương đề nghị với tỉnh sớm cấp đủ kinh phí, cùng với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để đưa công trình vào khai thác sử dụng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần tôn vinh công lao to lớn của Nhà sử học Lê Văn Hưu; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ. Đồng thời khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của di tích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]