(Baothanhhoa.vn) - Đến với vùng đất Tây Đô, mỗi tấc đất, mỗi di tích, hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện văn hóa, lịch sử. 7 cây di sản hiếm có tọa lạc trên vùng đất “địa linh” này là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn, dẫu trải qua hàng trăm năm vẫn vươn cao tỏa bóng mát bên ngôi đền linh thiêng.  

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cây di sản trên vùng đất Tây Đô

Đến với vùng đất Tây Đô, mỗi tấc đất, mỗi di tích, hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện văn hóa, lịch sử. 7 cây di sản hiếm có tọa lạc trên vùng đất “địa linh” này là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn, dẫu trải qua hàng trăm năm vẫn vươn cao tỏa bóng mát bên ngôi đền linh thiêng.

Những cây di sản trên vùng đất Tây Đô2 trong số 7 cây di sản được công nhận tại đền thờ Trần Khát Chân (thị trấn Vĩnh Lộc).

Ông Hoàng Văn Chung, người gắn bó với văn hóa cơ sở đã nhiều năm, dẫn chúng tôi đi thăm các “cụ cây” trong khuôn viên đền thờ Trần Khát Chân, thuộc địa bàn làng Đốn Sơn, xã Vĩnh Thành (nay là thị trấn Vĩnh Lộc), huyện Vĩnh Lộc. Ông Chung cho biết, theo quan niệm của cha ông ta ngày xưa, khi xây dựng đền, chùa, thì đều trồng cây bóng mát để tạo cảnh quan cho đẹp. Đền thờ Trần Khát Chân là nơi thờ vị danh tướng thời Trần, có khí phách và lòng yêu nước. Trần Khát Chân là người có công lớn trong quá trình đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất phương Nam và được phong cấp Thượng tướng quân lúc mới 24 tuổi. Ông mất ngày 24-4 năm Kỷ Mão 1399. Với niềm tôn kính, ngưỡng vọng, Nhân dân làng Đốn Sơn đã lập đền thờ phụng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Phía trên đặt bàn thờ, phía dưới là mộ, truyền ngôn gọi là “thượng sàng hạ mộ”.

Nhân dân trong vùng kể lại, cùng với việc dựng đền thờ Trần Khát Chân, một số cây cũng được trồng để lấy bóng mát, che chở cho khu mộ. Trong những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm, dưới những gốc cây cổ thụ này còn là nơi dừng chân nghỉ ngơi, giao liên của các chiến sĩ cách mạng, là nơi người dân làng Đốn Sơn ẩn nấp, trú tránh để vượt qua làn mưa bom bão đạn của kẻ thù... Các cây di sản này có tuổi thọ cao và được bảo tồn cho đến ngày hôm nay, dưới bàn tay chăm sóc của Nhân dân, người trông coi bảo vệ đền và chính quyền địa phương. Trong số 7 cây di sản thì cây trôi, cây trâm vối nằm bên phía trái ngôi đền, cây sộp nằm phía bên phải ngôi đền là những cây có tuổi thọ lâu đời nhất, cao nhất, to nhất trong quần thể các cây di sản. Những cây cổ thụ này có thân rộng 4 đến 5 người ôm không xuể, cành lá xum xuê, rễ cây bám chặt vào lòng đất. Vượt qua thời gian, các cây cổ thụ vẫn đứng sừng sững hiên ngang, toả bóng mát che chở cho ngôi đền và Nhân dân mỗi lần đến với di tích.

Sau khi Hội đồng Cây di sản Việt Nam họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận toàn bộ quần thể 7 cây tại đền thờ Trần Khát Chân, đã hội đủ các tiêu chí là Cây di sản Việt Nam, đều có niên đại trên 600 năm tuổi, rất có giá trị về lịch sử văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường. Với ý nghĩa đó, năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam cho quần thể 7 cây cổ thụ, gồm: Cây trôi, cây vải thiều, cây muỗm, cây sộp (cây báng), cây trâm vối, cây thanh thất và cây bùi (cây trám đen). Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 614 năm ngày mất của danh tướng Trần Khát Chân (1366 - 1399). Đó là niềm vui và cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc. Điều đó nhắc nhở cộng đồng cần phải sống đoàn kết, biết tự hào về truyền thống quê hương, đồng thời cũng nhắc nhở địa phương phải thường xuyên đôn đốc triển khai thực hiện bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa. Đây cũng là dịp để cán bộ và Nhân dân địa phương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tri ân với tổ tiên.

Ông Chung còn nhớ rất rõ, tại lễ công bố quyết định 7 Cây di sản Việt Nam, lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã khẳng định, việc có tới 7 cây đại thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam trong khuôn viên của Di tích lịch sử đền thờ Trần Khát Chân đã tạo thêm nét đẹp đặc trưng của địa danh này. Các nhà vinh danh cũng công nhận rằng, chưa có một vùng đất nào có diện tích nhỏ trong vòng vài trăm mét vuông mà có tới 7 cây di sản và những cây di sản này trải qua hàng trăm năm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam coi đây như một kỷ lục tiếp nối các kỷ lục về chiều cao, đường kính và tuổi cây đang cùng Sách kỷ lục Việt Nam xây dựng.

Đối với Nhân dân làng Đốn Sơn nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung, sự kiện vinh danh và gắn bia cho 7 cây cổ thụ có ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn màu xanh quê hương và bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, còn tạo ra một dấu ấn quan trọng, mang ý nghĩa khoa học và nhân văn cao cả trong bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Đặc biệt, hoạt động vinh danh cây di sản đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi của Nhân dân, sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền địa phương. Vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra cho cấp ủy, Nhân dân làng Đốn Sơn nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung trách nhiệm to lớn là phải tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di tích và 7 cây di sản vô giá này, góp phần xây dựng Khu Di tích đền thờ Trần Khát Chân thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong tương lai. Đặc biệt, khi Thành Nhà Hồ được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới, thì đền Trần Khát Chân cùng hệ thống cây cổ thụ này càng có giá trị về văn hóa, môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Long, thủ từ đền thờ Trần Khát Chân chia sẻ: Đã từ lâu, chúng tôi theo dõi hoạt động sinh trưởng của các cây di sản, thấy vô số những cây tầm gửi bám quanh thân cây di sản. Nhất là thời gian gần đây, cây tầm gửi ăn sâu vào cây cổ thụ khiến cho cành cây khô héo, lá cây rơi rụng nhiều, nguy cơ xâm hại đến cây di sản là điều hết sức có thể. Vì vậy, chúng tôi thiết tha đề nghị với các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý kịp thời, để quần thể cây di sản được chăm sóc, bảo vệ ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]