(Baothanhhoa.vn) - Tháng 6-1995, Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập, do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Hải làm Chi hội trưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cánh chim không mỏi

Tháng 6-1995, Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập, do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Hải làm Chi hội trưởng.

Những cánh chim không mỏi

Chương trình “Hương sắc quê Thanh” do NSND Hoàng Hải tổng đạo diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng xứ Thanh.

Từ số hội viên ban đầu chỉ tính trên đầu ngón tay, đến nay trải qua 25 năm hoạt động và phát triển, Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 20 hội viên tham gia. Được đào tạo bài bản tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), trưởng thành qua sân khấu biểu diễn của Đoàn Ca Múa Thanh Hóa (nay thuộc Nhà hát Ca Múa Nhạc Lam Sơn), các thế hệ nghệ sĩ múa đã có nhiều tâm huyết đóng góp cho “ngôi nhà chung” nghệ thuật biểu diễn xứ Thanh, qua 4 chuyên ngành cơ bản: Lý luận và phê bình; sáng tác; biểu diễn và đào tạo.

Ngày vạn sự khởi đần nan, khó khăn, thiếu thốn về đời sống, kinh phí hoạt động, nhưng toàn thể anh chị em nghệ sĩ trong Chi hội đã đồng sức, đồng lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn, bám trụ với nghề. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều tác phẩm có chất lượng đã ra đời và được công chúng yêu mến, như: Thơ múa “Những bông hoa đỏ” của NSND Hoàng Hải, ca ngợi Hàm Rồng chiến thắng, đạt Huy chương Vàng (HCV) Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1970; tác phẩm “Lão dân quân” của biên đạo Bá Thái – Hoàng Túc, đạt HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970; tác phẩm “Múa đèn” của NSND Hoàng Hải, đạt HCV Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1970; tác phẩm “Đi hội làng Xuân Phả” đạt HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; tác phẩm thơ múa “Đón dân về bản” của NSND Hoàng Hải, đạt HCV Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1983…

Nghệ thuật múa Thanh Hóa trong những năm của thế kỷ XX là thời “hoàng kim” gặt hái được nhiều thành công. Và, cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, lớp thế hệ nghệ sĩ múa của Thanh Hóa kế cận cũng đã tiếp nối truyền thống cha anh, góp phần đưa nghệ thuật múa có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của công chúng. Trong 5 năm trở lại đây, nghệ thuật múa ở Thanh Hóa phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Từ các xóm làng biên viễn, duyên hải đồng bằng, ở đâu cũng rộn ràng tiếng cồng chiêng, khua luống, tấu khèn... mời gọi bước chân vũ đạo. Múa trong lễ hội sân đình làng làng, xã; múa trong hội thi nông thôn mới “Nhà nông đua tài”; múa trong đêm giao lưu Công đoàn giỏi; festival sinh viên trường học, phục vụ du khách với sắc màu carnaval dọc phố biển Sầm Sơn... Có được sự phát triển của nghệ thuật múa phải kể đến đóng góp của hội viên Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Với cương vị là Chi hội trưởng, mặc dù tuổi đã cao, NSND Hoàng Hải vẫn tích cực dạy môn biên đạo phong trào cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Hằng năm trường đào tạo hai lớp biên đạo phong trào cho đội ngũ giáo viên nhạc, xây dựng và phát triển phong trào múa về các trường học địa phương. Giai đoạn này (2015-2020), ông có nhiều sáng tác, đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình ca múa, như: “Cội nguồn”, “Bông hoa nhỏ trong vườn Bác”, “Nhịp điệu Xuân Phả”, “Lung linh hoa đăng”… Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND.

Nghệ sĩ Minh Chính với vai trò là Chi hội phó, Phó trưởng Đoàn Ca múa Thanh Hóa, đã tổ chức cho hội viên và trực tiếp tham gia sáng tác, dàn dựng các chương trình, tiết mục phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ đồng bào, chiến sĩ biên giới, hải đảo. Nhiều năm qua, Vũ đoàn Lam Sơn do nghệ sĩ Minh Chính phụ trách phục vụ hầu hết các chương trình nghệ thuật, đại cảnh sân khấu hoành tráng. Các hội viên khác như: Việt Trung, Minh Thông, Đắc Hải, Hoàng Lan, Tuấn Lượng, Phương Thanh, đều là những nghệ sỹ múa nòng cốt của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, được đào tạo bài bản, đang độ “sung sức” trong sự nghiệp biểu diễn. Khán giả yêu nghệ thuật ấn tượng với nghệ sĩ Việt Trung “Chuyện tình nàng Ờm” và “Huyền thoại thần Độc Cước”; biên đạo Minh Thông với “Gội gió” và “Vượt qua tâm sóng”; biên đạo Đắc Hải với “Khúc nguyệt cầm” và “Nét quê”…

Nhiều tác phẩm của hội viên Chi hội đã biểu diễn phục vụ đồng bào khu vực biên giới, hải đảo xa xôi, vượt ra ngoài biên giới đến với công chúng nước ngoài. Những tác phẩm vũ kịch, nhạc kịch trở thành “kinh điển” như: “Cánh buồm đỏ”, “Lửa hang Treo”, “Chuyện tình xứ Horasan”, “Chuyện tình nàng Sami”, “Chuyện tình nàng Nga Hai Mối”, “Người anh hùng trên ghế phạm nhân”, “Người trong bóng tối”… được khán giả đón nhận và đánh giá cao.

Giai đoạn hội nhập, Chi hội đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm múa dân gian của các dân tộc Thanh Hóa, giúp nghệ thuật múa có bước phát triển mới. Các tác phẩm trong giai đoạn này được phát triển lên cao phục vụ đời sống xã hội, đặc biệt những tác phẩm giá trị lớn, có nội dung tuyên truyền về tệ nạn xã hội, như: vũ kịch “Vĩnh biệt hoa anh túc”, đề tài phòng chống ma túy, sáng tác của NSND Hoàng Hải, tham gia Hội diễn ca múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997 đạt HCV; tác phẩm “Âm vang sông Mã” phát triển từ dân ca hò sông Mã tham gia hội diễn toàn quốc năm 1999 đạt HCV…

Đặc biệt là chương trình “Hương sắc quê Thanh” do Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trương Hải Thọ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa - chỉ đạo nghệ thuật; NSND Hoàng Hải - tổng đạo diễn có sự tham gia của những nghệ sĩ có tên tuổi hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật của tỉnh và của cả nước, gồm 12 tiết mục ca - múa - nhạc - độc tấu đặc sắc, như: Hòa tấu hợp xướng “Hội làng” (NSND Hoàng Hải); múa “Khua luống đêm trăng” (NSND Hoàng Hải); múa “Mùa yêu” Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Nhật Nam); múa “Tìm bạn” (Sáng tác múa: NSND Kim Chung - NSƯT Quỳnh Dương; âm nhạc: NSND Quang Vinh); khèn bè “Khặp Thái” (Nghệ nhân ưu tú Cao Bằng Nghĩa)… Những thang âm, điệu thức, chất liệu dân vũ nguyên bản đã được dàn dựng theo hướng hiện đại để phù hợp với khán giả. Bên cạnh đó, các tiết mục đưa vào “bộ sưu tập” để tạo nên “Hương sắc quê Thanh” đa dạng, có thể phục vụ được đông đảo khán giả ở nhiều không gian, từ khán phòng sân khấu mang màu sắc cổ điển, đến không gian đường phố phục vụ khách du lịch, cho đến những “đại cảnh” trong các sự kiện kỷ niệm lớn.

“Hương sắc Quê Thanh” cũng đánh dấu sự trưởng thành của lớp diễn viên đương đại với những chương trình nghệ thuật đầu tiên sau khi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 3 đoàn nghệ thuật: Đoàn Chèo Thanh Hóa, Đoàn Tuồng Thanh Hóa, Đoàn Cải lương Thanh Hóa và bổ sung thêm đoàn Dân ca dân vũ, tiếp nối hàng loạt những vở diễn thành công, như: “Đồng tiền Vạn Lịch”, “Gươm báu truyền ngôi”, “Từ Thức gặp tiên”, “Mối tình oan nghiệt”, “Trống trận Ba Đình”... đã được dàn dựng thành công qua các giai đoạn phát triển, giành nhiều giải cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu ca múa dân gian với nghệ thuật trình diễn đương đại đã mang đến cho khán giả niềm cảm xúc tự hào xen lẫn sự khơi dậy tình yêu quê hương tha thiết. Đó là những tiếng đồng vọng đầy hào khí Lam Sơn của Lễ hội Xuân Phả - Lam Kinh, thanh âm da diết tình quê của dân ca vùng Đông Anh (Đông Sơn), nhịp phách khoáng đạt, hò dô dậy sóng gợi nhớ những chuyến băng thác, vượt ghềnh của những người lái đò lưu vực ngã Ba Bông, sông Mã, cùng rộn ràng với những màn khua luống đêm trăng của cô gái Thái (Thường Xuân), nghi thức cầu mưa huyền diệu của đồng bào Mông miền sơn cước Quan Sơn, Mường Lát…

Bên cạnh sáng tác và biểu diễn, Chi hội đã sưu tầm nghiên cứu các điệu múa dân gian. Truyền dạy múa cho các trường học, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi lớp học hướng dẫn cho khoảng 30-50 tác phẩm múa phụ họa và múa độc lập. Chi hội cũng phát triển được 3 vũ đoàn gồm: Vũ đoàn Lam Sơn, vũ đoàn Pha Lê và vũ đoàn Rôbi.

NSND Hoàng Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Các sáng tác của các nghệ sỹ múa xứ Thanh đã góp phần ca ngợi giá trị nhân văn, tình yêu chung thủy, cảnh sắc quê hương, gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa. Thông qua diễn xuất của các nghệ sĩ nhằm mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm thú vị về một miền quê Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩn chứa những nét đẹp nghệ thuật vô giá, được tái hiện qua các tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo tài hoa.

Như những cánh chim không mỏi, các nghệ sĩ của xứ Thanh đã đưa nghệ thuật múa đến khắp vùng miền trong tỉnh, đưa nghệ thuật múa chuyên nghiệp và múa quần chúng lên cao, để nghệ thuật múa thật sự đi vào đời sống xã hội như một nhu cầu tinh thần thiết yếu.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]