(Baothanhhoa.vn) - Bác Hồ viết “Lịch sử nước ta” khi Người ở Pác Bó. Là tập sử ca Việt Nam từ năm 2879 trước Công nguyên đến năm 1942 với 208 câu lục bát truyền thống, hiện lưu giữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt nam, bằng giấy gió, bìa hồng nhạt, khổ 9x12cm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhận diện lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Bác Hồ viết “Lịch sử nước ta” khi Người ở Pác Bó. Là tập sử ca Việt Nam từ năm 2879 trước Công nguyên đến năm 1942 với 208 câu lục bát truyền thống, hiện lưu giữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt nam, bằng giấy gió, bìa hồng nhạt, khổ 9x12cm.

Nhận diện lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Sử và thơ - sử ca, không phải là cách làm mới. Những thế kỷ trước, cha ông ta đã có Thiên nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca... là những tập sử ca. Lịch sử nước ta, ở góc độ chính diện, là tiếp nối mạch sử ca truyền thống. Tuy nhiên, do cách nhìn nhận lịch sử và chủ định của tác giả, Lịch sử nước ta có những nét riêng biệt.

1.Trước nhất là mục đích, tác giả không làm nhà sử học, không viết sử mà là nhà cách mạng, làm cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng Việt Nam đang ở thời kỳ chuẩn bị tiến tới cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành độc lập, tự do cho dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến nên cần phải tập hợp quần chúng, đoàn kết dân tộc, đồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí, Lịch sử nước ta cùng với 30 bài ca của tác giả ra đời thời kỳ tiền khởi nghĩa là nhằm mục đích tuyên truyền, giác ngộ, vận động cách mạng. Nhưng Lịch sử nước ta không dừng ở tuyên truyền, vận động cách mạng mà còn nhằm khẳng định nội lực dân tộc, sức mạnh dân tộc, niềm tự hào dân tộc để mọi người có ý thức dân tộc, trách nhiệm với dân tộc. Bác viết Lịch sử nước ta cùng đồng thời với việc dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và sau khi Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, thành lập Mặt trận Việt Minh, quyết định việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, nên việc cần làm sống dậy truyền thống, phát huy truyền thống và nghĩa khí của mọi tầng lớp ở thời điểm lịch sử này thuộc mọi sự quan thiết: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau/ Bất kỳ nam nữ giàu nghèo/ Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn/ Người giúp sức, kẻ giúp tiền/ Cùng nhau giành lấy lợi quyền của ta/ Trên vì nước, dưới vì nhà/ Ấy là sự nghiệp ấy là công danh/ Dân ta có hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh/ Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên nước Việt, rạng danh Lạc Hồng”. Tuy không phải viết sử thuần túy như những nhà sử học, nhưng yêu cầu nhận thức lịch sử được đặt ra một cách nghiêm túc:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

phải thấu hiểu lịch sử, quá trình phát triển của lịch sử để phát huy lịch sử. Ví như khi tác giả diễn tả giai đoạn lịch sử cận – hiện đại: “Nước ta bị Pháp cướp rồi/ Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều khi lẫy lừng/ Trung Kỳ Đảng Phan Đình Phùng/ Ra tay đánh Pháp vẫy vùng một phương/ Mấy năm ra sức Cần Vương/ Bọn Ông Tám Thuật nổi vùng Hưng Yên/ Giang sơn độc lập một miền/ Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành/ Anh em khố đỏ, khố xanh/ Mưu khởi nghĩa tại Hà Thành năm xưa/ Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa/ Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được đoàn/ Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An/ Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu/ Nam Kỳ yên lặng bấy lâu/ Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây/ Bắc Sơn đó, Đô Lương đây/ Kéo cờ khởi nghĩa đánh Tây bạo tàn”. Cả một giai đoạn lịch sử đau thương và anh dũng của dân tộc được khái quát bằng một đoạn thơ ngắn mà đầy đủ, chi tiết, mạch thơ chảy tràn theo trình tự các sự kiện, những địa danh, những anh hùng với những cảm xúc, những đánh giá chuẩn xác.

Từ cảm quan lịch sử sâu sắc và phép biện chứng duy vật, tác giả nhận thức lịch sử đúng đắn, khoa học về những giai đoạn lịch sử, về các anh hùng dân tộc, về vai trò và sức mạnh của dân trong mối tương quan giai đoạn lịch sử - các anh hùng - người dân, để truyền cảm đến người đọc.

Theo dòng lịch sử, tác giả đều có những khơi gợi, dẫn dắt để đi đến nhận định, đánh giá về các giai đoạn lớn, những khúc quanh, những biến chuyển của lịch sử qua những anh hùng tiêu biểu trí dũng song toàn đã tác động đến chiều hướng phát triển của lịch sử như “An Dương Vương thế Hùng Vương/ Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân”, là Triệu Ẩu “Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương”, là Ngô Quyền “Cứu dân thoát hỏi cát lầm ngàn năm”, là Đinh Bộ Lĩnh “Động Hoa Lư cõi Tiên Hoàng/ Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh”, là Lê Đại Hành “Đánh tan quân Tống, đánh lui Chiêm Thành”, là Lý Công Uẩn “Dựng nên nhà Lý cầm quyền nước ta/ Mở mang văn hóa nước nhà/ Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân”, là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn “Hai lần đánh phá Nguyên binh/ Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời”, là Lê Lợi khởi binh khởi nghĩa Lam Sơn “Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành/ Mười năm kháng chiến hoàn thành/ Nước ta thoát khỏi cái vòng nguy an”, là vua hiền Lê Thánh tông “Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành”, là bậc phi thường Quang Trung Nguyễn Huệ trí cả mưu cao “Mấy lần đánh đuổi quân Xiêm giặc Tàu”... Tài đức, công lao của các anh hùng, liệt nữ được ghi nhận khách quan, chính xác, đúng tầm, chứ không suy diễn chủ quan, hoặc giải thích từ cách nhìn, từ quan điểm sai lệch. Chẳng hạn như, khi ghi nhận, đánh giá Hai Bà Trưng, tác giả nêu bật điểm sáng chói nhất, bản chất nhất thể hiện chất anh hùng, hành động anh hùng “khôi phục giang san” được nhân dân, lịch sử ghi tạc “Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết loài tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm ghi tạc đá vàng nước ta” chứ không như Đại Nam quốc sử diễn ca đã nhìn nhận, cắt nghĩa giải thích: “Hồ Tây đua sức vẫy vùng/ Nữ nhi chống với anh hùng được sao/ Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo/ Chị em thất thế phải liều với sông” thì thật là sai phạm lớn.

Bao giờ tác giả Lịch sử nước ta cũng nhìn nhận lịch sử trong mối tương quan giữa các thành tố làm nên lịch sử. Khi ghi nhận, đề cao, nêu gương các anh hùng bao giờ cũng ghi nhận, đề cao vai trò của người dân - mối quan hệ giữa anh hùng và quần chúng. Chẳng thế mà khi ca ngợi nhà Trần và người anh hùng Trần Hưng Đạo “Nhà Trần thống trị giang san/ Trị yên trong nước, đánh tan giặc ngoài” và “Mênh mông một giải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh” thì trong cái “giống dòng quang vinh” ấy có người dân, đã đồng tâm hiệp lực cùng với vua tôi nhà Trần đánh tan mấy lần quân xâm lược “Dân ta nào có chịu hèn/ Đồng tâm hiệp lực mấy phen đuổi Tàu”. Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn với những trận đánh thắng lợi lẫy lừng “Kìa Túy Động, nọ Chi lăng/ Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành/ Mười năm kháng chiến hoàn thành” được cắt nghĩa “Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng”, cũng như cuộc dấy binh của Nguyễn Huệ “Ông đã trí cả mưu cao/ Dân ta lại biết cùng nhau một lòng/ Cho nên Tàu dẫu hung hăng/ Dân ta vẫn giữ non sông một nhà”... Một niềm tự hào về dân ta. “Dân ta chỉ cốt một lòng mà nên”. Vai trò của nhân dân xuyên suốt quá trình lịch sử, xuyên suốt từ đầu đến cuối Lịch sử nước ta. Đoàn kết toàn dân và toàn dân đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, nó được phát huy mạnh mẽ, cực độ mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng. Đoàn kết được tác giả tổng kết, cô đúc lại bằng một chữ: Ðồng. Bây giờ đây, khi viết Lịch sử nước ta, chữ đồng càng phải được phát huy “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” để làm nên chiến thắng.

2.Từ mục đích và nhìn nhận lịch sử một cách khoa học, tác giả Lịch sử nước ta đã chọn hình thức thơ - sử để chuyển tải ý tưởng bằng cách, trên nền tảng dựng lại một cách khách quan, cụ thể những mốc son chủ yếu của tiến trình lịch sử dân tộc, từ thuở “Hồng Bàng là tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang” đến thời kỳ ra đời Mặt trận Việt Minh “Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh” với phương thức kể chuyện “Kể năm hơn bốn nghìn năm” qua những hình ảnh, những chi tiết, tình tiết chân thực - cụ thể - lịch sử, vừa tràn đầy cảm xúc, dễ đi vào lòng người và lan tỏa, thấm nhập sâu vào đại chúng.

Muốn đạt được mục đích tuyên truyền, vận động cách mạng hiệu quả thì nghệ thuật cao nhất là phải hấp dẫn nhưng ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Và, để mọi người cùng nhận thức lịch sử dân tộc đúng đắn, phải thực sự chuẩn xác và khoa học về các sự kiện lịch sử cùng tiến trình lịch sử.

Để làm được yêu cầu trên, tác giả đã vận dụng hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tư duy lịch sử và tư duy thơ ca. Tư duy lịch sử nằm trong hệ tư duy luận lý, tư duy khoa học, nó phân tích, chứng minh, tổng hợp và khái quát các sự kiện lịch sử trong dòng chảy hệ thống của quá trình phát triển lịch sử. Còn tư duy thơ ca nằm trong hệ tư duy nghệ thuật nhằm khái quát hóa hiện thực và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, cơ sở của nó là tình cảm hướng tới việc nắm bắt sự thật đời sống cụ thể, cảm tính bằng trí tưởng tượng sáng tạo làm sáng tỏ các mặt còn bị khuất lấp để thực tại hiện ra nhiều chiều, toàn bộ. Tác giả Lịch sử nước ta đã sử dụng tối ưu cả hai loại tư duy lịch sử và tư duy thơ qua ngôn ngữ thể hiện, sáng rõ hai loại tư duy này đã bổ sung, kết hợp hài hòa, nhất quán trong cách thức viết sử ca để thực hiện mục đích, đem lại hiệu quả đặt ra từ khởi đầu tối ưu nhất. Sự kết hợp giữa hai loại tư duy của tác giả Lịch sử nước ta đã gợi đến câu nói của Robert Sternberg về nhu cầu cân bằng và hài hòa trong tư duy, hài hòa giữa cá nhân và xã hội, với thế giới: “Có ý thức về chỉnh thể nhưng không quên những cái cụ thể, những cái đặc biệt: Bán cầu phải thống nhất với bán cầu trái cũng như tư duy logic, thống nhất với tư duy thơ”. Cho nên Lịch sử nước ta đã đạt được tính chính xác, khoa học, toát yếu cả một quá trình lịch sử dân tộc trong nhận thức lịch sử đúng đắn và trong cảm xúc cá nhân. Những câu ca như “Mấy phen núi Nhị sông Lam/ Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam tung hoành” rõ là hình ảnh người anh hùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lung linh trong cảm nhận. Nêu gương Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương trấn thủ thành Hà Nội với tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm, giữ tiết tháo không đầu hàng giặc thể hiện bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và giọng điệu của cảm xúc thì đúng là vừa lịch sử vừa thi ca rồi: “Nước ta nhiều kẻ tôi trung/ Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương/ Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương/ Cùng thành còn mất làm gương để đời”...

Hiện nay việc hiểu biết lịch sử Việt Nam của lớp trẻ đang là vấn đề. Việc học sinh không thích môn lịch sử và không thấu hiểu lịch sử dân tộc cần phải tìm hiểu nguyên nhân và cần có những biện pháp hữu hiệu tiếp thu, vững chắc lịch sử dân tộc, thực hiện lời Bác Hồ dạy:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

LÊ XUÂN ĐỨC


LÊ XUÂN ĐỨC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]