(Baothanhhoa.vn) - Có một cây đàn luôn gắn liền với những kỷ niệm về đất nước Nga tươi đẹp, con người Nga nồng hậu, mến khách – đó là cây đàn ắc-coóc-đê-ông. “Tiếng đàn ấy đã song hành bên tôi suốt hơn 50 năm qua, trong những ngày quân ngũ, tại giảng đường, lên sân khấu, đến với nhiều miền quê, làm rung động nhiều trái tim người yêu âm nhạc... Và cũng chính cây đàn ắc-coóc-đê-ông đã giúp cho tôi có nhiều cảm xúc trong sáng tác và trong hoạt động ca hát” – nhạc sĩ Thanh Nhung trải lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhạc sĩ Thanh Nhung – người đam mê chơi đàn ắc-coóc-đê-ông

Có một cây đàn luôn gắn liền với những kỷ niệm về đất nước Nga tươi đẹp, con người Nga nồng hậu, mến khách – đó là cây đàn ắc-coóc-đê-ông. “Tiếng đàn ấy đã song hành bên tôi suốt hơn 50 năm qua, trong những ngày quân ngũ, tại giảng đường, lên sân khấu, đến với nhiều miền quê, làm rung động nhiều trái tim người yêu âm nhạc... Và cũng chính cây đàn ắc-coóc-đê-ông đã giúp cho tôi có nhiều cảm xúc trong sáng tác và trong hoạt động ca hát” – nhạc sĩ Thanh Nhung trải lòng.

Nhạc sĩ Thanh Nhung – người đam mê chơi đàn ắc-coóc-đê-ông

Nhạc sĩ Thanh Nhung vẫn luôn say đắm bên cây đàn ắc-coóc-đê-ông.

Một lần tình cờ đến xem chương trình văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” của đội văn nghệ Câu lạc bộ Hàm Rồng biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị 25B vào dịp đầu xuân mới, tôi khá bất ngờ khi được nghe nhạc sĩ Thanh Nhung chơi đàn ắc-coóc-đê-ông – một loại đàn mà giờ đây chỉ thấy xuất hiện trên ti vi, trong các chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn. Điều đó đã làm cho tôi tò mò và hiếu kỳ. Tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về người chơi đàn, về cây đàn ắc-coóc-đê-ông và được nhạc sĩ Thanh Nhung vui vẻ nhận lời.

Nhạc sĩ Thanh Nhung kể lại, khi mới còn là cậu thiếu niên 15 tuổi, Thanh Nhung đã là một diễn viên của Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa – Quảng Nam kết nghĩa (nay là Đoàn Tuồng Thanh Hóa). Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh nhập ngũ lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước và hoạt động tại đội tuyên truyền văn hóa Sư đoàn 338. Thời gian này, anh biết đến cây đàn ắc-coóc-đê-ông nổi tiếng và anh đã đam mê, yêu cây đàn ấy từ khi còn là anh Bộ đội Cụ Hồ. Từ những năm 1945 đến năm 1995, cây đàn ắc-coóc-đê-ông là nhạc cụ được nhiều người yêu thích, bởi tính cơ động trong hoạt động biểu diễn, nhất là trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh, trang thiết bị âm ly, loa đài thiếu thốn, bởi vậy cây đàn ắc-coóc-đê-ông là “nhạc cụ thông dụng” có thể “tác chiến” trong mọi hoàn cảnh. Thời đó, nhạc sĩ Thanh Nhung với cây đàn ắc-coóc-đê-ông đã say sưa đệm cho nhiều ca khúc cách mạng, như: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Nổi lửa lên em”, “Tiếng đàn ta lư”... để rồi lấy “tiếng hát át tiếng bom”, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Năm 1973, nhạc sĩ Thanh Nhung được xuất ngũ, trở về Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa – Quảng Nam kết nghĩa, rồi được điều sang Đoàn ca múa Thanh Hóa. Từ năm1977-1981, anh tu nghiệp tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và đăng ký học đàn ắc-coóc-đê-ông. Ngẫm lại quá trình tu luyện, nhạc sĩ Thanh Nhung tâm sự: “Ngoài thời gian học các môn chính khóa, mỗi ngày tôi đã dành từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ để luyện đàn. Do tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông phát ra âm thanh lớn, nên mỗi buổi tập tôi phải tìm những bụi cây, góc sân trường vắng vẻ để luyện tập. Những ngày đầu nghe tôi tập đàn, nhiều người khó chịu... nhưng khi thị tấu thành thạo các bản nhạc như: “Pô-lô-ne”, “Anh vẫn hành quân”, “Phiên chợ Ba Tư”, “Du kích sông Thao”... thì mọi người lại thấy yêu mến, gần gũi”.

Nói về cây đàn ắc-coóc-đê-ông, nhạc sĩ Thanh Nhung say sưa kể: “Đàn ắc-coóc-đê-ông hay còn gọi là đàn phong cầm, đàn xếp... Là một loại đeo trước ngực, dùng phương pháp ép hơi, điều khiển âm thanh thông qua các phím bên tay phải như phím bấm trên đàn và nút bấm hình tròn bên tay trái tạo ra các thanh âm trầm, các hợp âm trưởng, thứ, hợp âm 7...”.

Cũng theo nhạc sĩ Thanh Nhung, đàn ắc-coóc-đê-ông thường có 3 loại: Loại lớn 120 bass, loại vừa 96 bass và loại nhỏ 80 bass. Nhìn chung, cây đàn này rất thịnh hành ở nước Nga, nước Đức, nước Ý và được du nhập vào Việt Nam khoảng gần 80 năm nay. Đàn ắc-coóc-đê-ông là loại đàn cơ, mọi âm thanh, âm lượng, âm sắc phát ra từ cây đàn này đều gắn với cảm xúc của người nghệ sĩ. Mỗi giai điệu, tiết tấu cất lên đã tạo nên những cung bậc thăng trầm da diết.

Tốt nghiệp ra trường, nhạc sĩ Thanh Nhung được phân công về Nhà Văn hóa trung tâm của tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa thông tin Thanh Hóa). Từ năm 1982-1997, nhạc sĩ trải qua cương vị trưởng phòng hoạt động văn hóa, rồi được bổ nhiệm phó giám đốc... Trong thời gian đó, nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc, dàn dựng nhiều chương trình cho các đội văn nghệ quần chúng các công, nông, lâm trường trong tỉnh, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất cho công nhân, những người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nông, lâm trường. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Thanh Nhung vẫn ôm đàn ắc-coóc-đê-ông đệm cho các tiết mục văn nghệ, phong trào ca hát quần chúng. Từ năm 1997-2009, nhạc sĩ Thanh Nhung được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh (nay là Trung tâm Truyền hình - Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh). Suốt quãng thời gian ấy, tuy bận rộn với công tác quản lý, nhưng nhạc sĩ Thanh Nhung vẫn say sưa với cây đàn ắc-coóc-đê-ông trong các chương trình văn nghệ.

Từ năm 2011 đến nay về nghỉ hưu, nhạc sĩ Thanh Nhung đã dành nhiều thời gian cho sáng tác và chơi đàn ắc-coóc-đê-ông. Hiện nay, với vai trò là đội phó đội văn nghệ Câu lạc bộ Hàm Rồng, phó trưởng Ban Âm nhạc – Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, nhạc sĩ Thanh Nhung không những đóng góp cho phong trào văn nghệ của Câu lạc bộ Hàm Rồng, mà còn có nhiều sáng tác đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông hàng năm, như các ca khúc: “Khúc hát về một kinh thành”, “Biển gọi”, “Hồn đất nước trong từng cổ vật”, “Lam Sơn chiều nhớ”... Giữa những thanh âm rộn ràng của cuộc sống, công chúng vẫn thấy một nhạc sĩ Thanh Nhung luôn say mê với cây đàn ắc-coóc-đê-ông trong những buổi giao lưu nghệ thuật, những đêm lửa trại, những chương trình tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh...

Nhiều người biết đến Thanh Nhung với cây đàn ắc-coóc-đê-ông, nhưng có thể chưa biết Thanh Nhung với tư cách là một nhạc sĩ. Từ năm 1982 đến nay, nhạc sĩ Thanh Nhung đã có những ca khúc đạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác như: “Xuôi bè thi với ngựa vàng” (nhạc Thanh Nhung, thơ Hà Văn Ban) - giải nhất cuộc thi sáng tác toàn quốc về đề tài lâm nghiệp; “Khúc hát đêm tuần tra” - giải nhì cuộc thi sáng tác âm nhạc do Nhà văn hóa Trung ương tổ chức..., cùng nhiều ca khúc được tặng thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các hội thi, hội diễn trong nước, trong tỉnh. Ngoài ra, nhạc sĩ Thanh Nhung còn là người có đóng góp không nhỏ vào thành công của nhiều hội chợ triển lãm trong tỉnh, trong nước, khơi dậy nghệ thuật ca trù Thanh Hóa, xây dựng kịch bản lễ hội, chương trình sân khấu hóa... Song, dù ở phương diện nào, đến nay nhạc sĩ Thanh Nhung vẫn là một trong số ít người hiếm hoi ở Thanh Hóa “giữ lửa” cho tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông mãi ngân rung.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]