(Baothanhhoa.vn) - Soi bóng bên dòng Mã giang, tự bao đời nay, Cẩm Thủy tựa hồ như bản tình ca của núi rừng. Sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sông núi đan cài với trung tâm là những bản làng của người Kinh, Mường, Dao sinh sống đã góp phần dệt nên thanh âm trong trẻo, đặc sắc cho bản tình ca ấy mãi ngân vang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mạch nguồn của đất

Mạch nguồn của đất

Không gian văn hóa – lịch sử với hình tượng trống đồng được đặt ở vị trí trung tâm như một niềm tự hào của huyện Cẩm Thủy tại Triển lãm Thanh Hóa xưa và nay.

Soi bóng bên dòng Mã giang, tự bao đời nay, Cẩm Thủy tựa hồ như bản tình ca của núi rừng. Sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sông núi đan cài với trung tâm là những bản làng của người Kinh, Mường, Dao sinh sống đã góp phần dệt nên thanh âm trong trẻo, đặc sắc cho bản tình ca ấy mãi ngân vang.

Lần theo dòng nước mát lành nơi con suối cá thần Cẩm Lương, tìm về với mạch nguồn thăm thẳm để thấy những tinh hoa lắng đọng trong lòng vùng đất cổ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dẫu rằng đã bao lần biến động về mặt hành chính thì vẫn không thể làm phai mờ đi dấu vết của các nền văn hoá cổ có mặt trên vùng đất này từ thuở sơ khai của loài người. Một trong các minh chứng rõ nhất về giá trị những trầm tích văn hoá - lịch sử trên vùng đất Cẩm Thủy chính là sự tồn tại bền bỉ, thách thức thời gian của nhiều di chỉ khảo cổ học.

Di chỉ khảo cổ học Núi Một và hang núi Một nằm trong cùng một núi đá vôi thuộc địa phận làng Gầm Bến, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy. Núi cao gần 100m, tách biệt hẳn với vòng cung núi đá vôi bao quanh xã Cẩm Giang. Mái đá núi Một nằm ở sườn Đông của núi Một, cửa quay về hướng Đông Nam, rộng 25m, sâu 15m, trần cao khoảng 15m. Hang núi Một có hai cửa thông nhau xuyên qua núi Một. Tại khu vực hai cửa này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được lớp trầm tích sét pha cát có lẫn nhiều vỏ ốc núi và ốc suối. Trong lớp trầm tích này đã tìm thấy 6 hiện vật đá và nhiều hóa thạch động vật. Theo các nhà nghiên cứu về cổ sinh và khảo cổ học khi về đây tiến hành khai quật, con người đã sinh sống ở đây từ hậu kỳ cách tân – tức giai đoạn hậu kỳ đá cũ (niên đại khảo cổ học). Ở vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, trong khung niên đại từ 30.000 – 11.000 năm trước công nguyên (TCN), nền văn hóa Sơn Vi xuất hiện, tồn tại trên một số vùng trung du, đồi núi Thanh Hóa từ rất sớm. Cùng với việc phát hiện được hang Con – Moong (huyện Thạch Thành), mái đá điều (lớp dưới), mái đá nước (huyện Bá Thước) Di chỉ khảo cổ học núi Một và hang núi Một (huyện Cẩm Thủy) đã phần nào khẳng định được địa bàn cư trú của cư dân văn hóa Sơn Vi trên một vùng khá rộng ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa.

Cũng như Di chỉ khảo cổ học núi Một và hang núi Một, Di chỉ khảo cổ học hang Trống (xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) là một hang động núi đá vôi. Tại đây và một số di tích hang như: Hang Cuộn (Tân Lập), hang làng Cốc (Thiết Ống) thuộc huyện Bá Thước, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hóa thạch của các loài động vật sống trong thế canh tân (Pleistocen), diễn ra cách ngày nay khoảng từ hơn hai triệu đến hàng chục nghìn năm. Ở tất cả các địa điểm nêu trên, nơi nào cũng có hóa thạch của lợn rừng, trâu, bò, hoẵng, tê giác... phổ biến nhất là lợn rừng. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu các bào tử phấn hoa (phân tích bào tử phấn hoa là phương pháp nghiên cứu dựa trên các bằng chứng về bào tử, phấn hoa và mối quan hệ giữa bào tử và phấn hoa với hệ thực vật hiện đại và thường được áp dụng trong các nghiên cứu địa chất, địa mạo, cổ sinh thái, cổ khí hậu, cổ địa lý...) còn gợi lại trong trầm tích thời kỳ cách tân được tìm thấy ở hang Trống đã mở ra những hiểu biết về điều kiện sinh sống, lao động sản xuất của vượn người ở Thanh Hoá lúc bấy giờ.

Từ việc ghi nhận những dấu vết tồn tại của nền văn hoá Sơn Vi tại Di chỉ khảo cổ học núi Một và hang núi Một, vùng đất Cẩm Thuỷ tiếp tục chứng tỏ vai trò, vị trí đặc biệt trong tiến trình hình thành, phát triển các nền văn hóa Việt cổ với hệ thống các di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình được phát hiện tại đây. Đối với nền văn hóa Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện được 31 di tích, di chỉ có liên quan, trong đó có 18 di tích do nhà khảo cổ học người Pháp M. Colani phát hiện. Riêng trên địa bàn huyện Cẩm Thuỷ, cho đến thời điểm hiện tại, các di tích, di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình được tìm thấy tương đối đa dạng: Mái đá làng Bon, hang Điền Hạ I, hang Điền Hạ II, hang Điền Hạ III, mái đá Chòm Đồng Đông, mái đá Chòm Đồng Tây, hang Chòm Vạn, hang Chòm Bét, mái đá Thạch Sơn, hang Lơi... Những hiện vật được tìm thấy tại các di tích, di chỉ này đã phần nào phản ánh một cách chân thực cách thức tổ chức sinh hoạt, tổ chức xã hội, phương thức lao động sản xuất, óc thẩm mỹ của cư dân văn hóa Hòa Bình nói chung, cư dân văn hóa Hòa Bình tỉnh ta nói riêng.

Nằm trong thực thể văn hóa xứ Thanh – nơi có nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ, huyện Cẩm Thuỷ được biết đến là một trong những vùng đất có dấu tích văn hóa Đông Sơn khá đậm nét. Mặc dù chưa có hoạt động khai quật khảo cổ học về nền văn hóa này trên địa bàn huyện Cẩm Thuỷ nhưng thông qua việc phát hiện hàng loạt trống đồng Heger (loại I) ở các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Quý, Cẩm Thạch, Cẩm Bình cũng đủ để gợi lên hình dung sống động về sức sống văn hóa Đông Sơn. Trong số các hiện vật trống đồng Heger được tìm thấy ở đây, trống đồng Cẩm Giang I đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Theo ý kiến đánh giá chung của các nhà nghiên cứu: Những chiếc trống đồng được phát hiện ở các địa bàn nêu trên có lẽ ra đời chính từ nền văn hóa Đông Sơn nhưng nó không xuất hiện ngay ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn mà ở vào giai đoạn tiếp theo – giai đoạn Đông Sơn điển hình với khung niên đại khoảng thế kỷ V (TCN) đến thế kỷ I-II sau CN. Mỗi chiếc trống đồng được phát hiện ở mỗi địa phương, mỗi vùng đất là một trang sử sống động nói lên chủ nhân của nền văn hóa đã có mặt ở đó từ rất lâu đời. Họ chính là những cư dân nông nghiệp làm lúa nước, sống quây quần bên nhau thành làng bản và có một đời sống tinh thần phong phú. Bên cạnh những trống đồng Heger loại I cho đến nay, Cẩm Thuỷ còn phát hiện tới 18 chiếc trống đồng Heger loại II ở các xã: Cẩm Quý, Cẩm Thạch, Cẩm Giang, Cẩm Bình, Cẩm Sơn, Cẩm Ngọc, Cẩm Tú... trong các khu mộ táng và khu vực cư trú của người Mường có niên đại chung là thiên niên kỷ I sau CN đến thế kỷ XIV – XVII.

Tuy không phải là trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, cũng không phải là nơi lưu giữ và trao truyền ngọn lửa đúc đồng ngày đêm phập phùng cháy sáng nhưng qua số lượng và chất lượng các hiện vật được phát hiện, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, Cẩm Thuỷ là “quê hương” của những chiếc trống đồng. Chính điều đó đã một lần nữa khẳng định mạch nguồn văn hoá – lịch sử danh giá hàng nghìn, hàng vạn năm trên mảnh đất này. Đây là nguồn nội lực, là điểm tựa để các thế hệ cháu con của huyện Cẩm Thủy hôm nay tự hào, phát huy, gìn giữ. Đất hình thành nên sự sống, mạch nguồn của đất khơi dậy động lực, cỗ vũ những khát vọng còn ngập ngừng biết mạnh mẽ tiến lên để biến giá trị văn hoá – lịch sử thành tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nền kinh tế địa phương vốn có nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nguyên Linh

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Địa chí Cẩm Thủy.


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]