(Baothanhhoa.vn) - Xã Nga An (Nga Sơn) – mảnh đất nơi “cửa sông, đầu núi” nằm trong khu vực xưa kia là cửa biển Thần Phù, vùng thắng cảnh ghi đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử, tâm linh. Minh chứng tiêu biểu nhất cho những giá trị văn hóa – lịch sử thấm đẫm tự trong mạch nguồn của vùng đất này chính là sức sống bền bỉ của một số di tích tiêu biểu như: Phủ Trèo, phủ Thông, chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, đền thờ Áp lãng chân nhân... Trong đó, phủ Trèo gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành nét đẹp trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Linh thiêng phủ Trèo

Xã Nga An (Nga Sơn) – mảnh đất nơi “cửa sông, đầu núi” nằm trong khu vực xưa kia là cửa biển Thần Phù, vùng thắng cảnh ghi đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử, tâm linh. Minh chứng tiêu biểu nhất cho những giá trị văn hóa – lịch sử thấm đẫm tự trong mạch nguồn của vùng đất này chính là sức sống bền bỉ của một số di tích tiêu biểu như: Phủ Trèo, phủ Thông, chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, đền thờ Áp lãng chân nhân... Trong đó, phủ Trèo gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành nét đẹp trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Linh thiêng phủ Trèo

Phủ Trèo giữa một vùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Phủ Trèo nằm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Đường Trèo, tọa lạc dưới chân núi Đường Trèo – dãy núi đá vôi trùng điệp, nhô lên trên nền trời xanh như những nét vẽ cầu kỳ, tỉ mỉ mà tạo hóa ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây thêm phần hấp dẫn. Đứng trên đỉnh núi Đường Trèo, phóng mắt nhìn ra một vùng biển rộng lớn, bao la, khoái trá ôm trọn vào lòng cảm giác được hòa mình vào bốn bề lộng gió, tự tại, an yên. Một vùng núi non hùng vĩ, sóng nước mênh mông, đền, phủ, chùa linh thiêng án ngữ... đã tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa cảnh tiên cùng cõi phật trong khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, thơ mộng. Điều này lý giải vì sao, các bậc danh sĩ của đất nước như: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, vua Lê Thánh tông từng đến vùng đất này đã cảm tác vịnh thơ ngợi ca và bày tỏ niềm tự hào, vui mừng trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

Không chỉ là thắng cảnh thu hút, núi Đường Trèo mang nhiều dấu ấn lịch sử. Trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã cho quân sĩ dừng chân ở đỉnh núi này. Và chính nơi đây đã trở thành căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” của phòng tuyến Tam Điệp xưa kia. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, núi Đường Trèo là con đường di tản của người dân, nơi vận chuyển lương thực, đạn dược vào Nam... Vào những năm 1965–1975, khu vực này vinh dự là “vọng hải đài”, nơi đóng quân, canh gác, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của lực lượng hải quân Việt Nam cho đến sau ngày giải phóng miền Nam.

Phủ Trèo và núi Đường Trèo thấm đẫm sắc màu văn hóa, tâm linh cùng sự tích, huyền thoại về các vị thần, phật, thánh đã có công lao to lớn che chở, bảo bọc, tạo phước lành cho người dân có một cuộc sống bình yên, no ấm. Trong đó, phủ Trèo gắn liền với sự tích về Thánh mẫu Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” và đứng đầu trong tín ngưỡng thờ mẫu ở nước ta. Tương truyền rằng: Thánh mẫu Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha đầy xuống trần gian. Trải qua 3 lần giáng trần, ngao du qua nhiều vùng đất, giao lưu, đàm đạo với các bậc tao nhân mặc khách, nếm đủ dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay của nhân tình thế thái khiến bà càng thêm quyến luyến cõi nhân gian, mong muốn được cứu độ chúng sinh, ban nhiều phước lành cho dân chúng.

Với tấm lòng nhân hậu ấy, bà được người dân hết lòng tôn kính, xây dựng nhiều đền thờ. Trên đất nước ta hiện nay hình thành ba trung tâm thờ mẫu quan trọng, hằng năm mở nhiều cuộc hành hương trọng thể, thu hút đông đảo du khách thập phương, đó là: Phủ Giầy (Nam Định), đền Phố Cát (Thạch Thành), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn). Đối với vùng đất Đường Trèo – Nga An, một vùng non nước hữu tình, khí thiêng chung đúc đã tỏ lòng “kính ngưỡng tôn thần”, dựng đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh ngay sát dưới chân núi Đường Trèo, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác thành tâm phụng thờ hương khói, trở thành địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh không thể thiếu trong đời sống người dân địa phương và một số vùng lân cận.

Về quy mô, kiến trúc, phủ Trèo được xây dựng theo hướng Nam, lưng tựa vào núi tạo nên thế vững chãi, bao gồm: Nhà tiền đường, bái đường, nghinh môn. Trong phủ có tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh, tam tòa Thánh mẫu, ngũ vị tiên ông, tứ phủ quan hoàng, tứ phủ thánh cô, tứ phủ thánh cậu... và nhiều câu đối, đại tự ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất này. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều di tích trên đất nước ta, trải qua sự biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, quy mô, kiến trúc ban đầu của phủ Trèo không được bảo tồn nguyên vẹn, có lúc đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của quê hương, cùng với kinh phí từ nguồn ngân sách, bằng tất cả lòng thành kính, nỗ lực, quyết tâm, người dân địa phương và con em xa quê đã chung sức đồng lòng đóng góp, cung tiến sức người, sức của, từng bước trùng tu, tôn tạo lại phủ Trèo có được diện mạo khang trang, bề thế như ngày hôm nay. Từ cuối năm 2018 đến nay, việc trùng tu, tôn tạo di tích phủ Trèo đã cơ bản hoàn thiện một số hạng mục: cổng, đền thờ mẫu, cung cha (đền thờ Áp lãng chân nhân)... Trong đó, khu vực thờ mẫu được tu bổ, tôn tạo dựa trên nguyên tắc tôn trọng lối kiến trúc cũ “tiền nhất, hậu đinh” với nhà tiền đường (5 gian) kết hợp trụ biểu, trung đường (5 gian), hậu cung (3 gian) nối liền với trung đường; trung đường nối liền với tiền đường bằng hai dãy nhà hành lang (mỗi nhà có 3 gian nhỏ), giữa là sân thiên tỉnh. Kiến trúc của các hạng mục này được thực hiện theo kiểu thu hồi bít đốc, riêng nhà tiền đường có kiến trúc hai tầng mái...

Hằng năm, vào các ngày 26, 27, 28-2 (âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Đường Trèo, lễ hội phủ Trèo diễn ra trong không khí vui mừng, phấn khởi với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc. Lễ hội được tổ chức thành 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức quan trọng như: Rước kiệu, khai mạc và lễ tạ. Phần rước kiệu do các bản hội và Nhân dân, phật tử rước chân nhang từ phủ Thông tới phủ Trèo với ý nghĩa tôn vinh công đức, vai trò, vị trí của Thánh mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng của người Việt. Đoàn rước kiệu trang nghiêm, đi đầu là cờ ngũ sắc, đội múa lân, kiệu sứ giả, kiệu cha, kiệu mẹ, rước chân nhang và phật tử đi cuối. Khi lễ rước kiệu về đến sân đền chính tại phủ Trèo, các kiệu rước được đặt xuống để báo cáo và làm lễ khai mạc. Lễ hội không chỉ tạo điều kiện giao lưu, gặp gỡ, cố kết cộng đồng mà còn là dịp để các thế hệ cháu con hiểu biết hơn về giá trị văn hóa – lịch sử của cha ông; từ đó khơi dậy ý chí, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc ấy, phủ Trèo và sự tích về Thánh mẫu Liễu Hạnh thực sự đã ghi dấu ấn đậm nét về một vùng di tích, thắng cảnh tiêu biểu, góp phần phát triển du lịch của huyện Nga Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]