(Baothanhhoa.vn) - Lịch sử và văn hóa xứ Thanh là tấm gương phản chiếu sinh động cả bề dày lẫn giá trị cuốn biên niên lịch sử - văn hóa Việt Nam. Dẫu xét trên các phương diện từ vật chất đến tinh thần; hay soi chiếu dưới nhiều góc độ từ không gian đến thời gian... thì vẫn luôn có những giá trị tinh hoa gọi tên truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khơi nguồn lực văn hóa

Lịch sử và văn hóa xứ Thanh là tấm gương phản chiếu sinh động cả bề dày lẫn giá trị cuốn biên niên lịch sử - văn hóa Việt Nam. Dẫu xét trên các phương diện từ vật chất đến tinh thần; hay soi chiếu dưới nhiều góc độ từ không gian đến thời gian... thì vẫn luôn có những giá trị tinh hoa gọi tên truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc.

Khơi nguồn lực văn hóaDi sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Ảnh: CTV

Khi tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa vùng đất này, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Có lẽ hiếm có vùng đất nào như Thanh Hóa lại có đầy đủ những mốc nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử, từ tối cổ đến tận ngày nay. Do vậy, thiên nhiên và văn hóa xứ Thanh đều đượm sắc màu lịch sử”. Còn xứ Thanh - như cách gọi tên của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ - vốn là một “vành nôi nhân loại” nằm cạnh đôi bờ sông Mã. Một minh chứng đầy thuyết phục cho luận điểm trên là di chỉ khảo cổ núi Đọ. Trải qua hàng triệu năm tồn tại kể từ thời kỳ tạo núi, mọi bí mật về núi Đọ đã bị che lấp bởi lớp sương mù thời gian dày đặc. Mãi đến giữa thế kỷ XX, bằng rất nhiều các đợt khảo cổ, đánh giá, nghiên cứu, giới chuyên gia đã dần vén lên tấm màn bí mật về di chỉ đặc biệt này. Trong đó, núi Đọ có một “di chỉ xưởng” chế tạo vô số công cụ, xứng đáng là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đối với lịch sử và văn hóa nhân loại. Những phát hiện tại núi Đọ đã góp phần minh chứng rằng, lịch sử và văn hóa Việt Nam không chỉ có bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước; mà có thể đã kéo dài tới bốn mươi vạn năm, kể từ khi đoàn người vượn ở đây giã biệt đời sống thú vật, để đứng thẳng lên làm NGƯỜI!

Khơi nguồn lực văn hóa

Cách núi Đọ không xa, hang Con Moong cũng là một trung tâm cư trú lớn của loài người. Sách Lịch sử Thanh Hóa tập I đã khẳng định, đây là “một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Chính nơi đây đã chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ Hậu kỳ đá Cũ đến thời đại đồ đá Mới”. Các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã kể lại nhiều câu chuyện lý thú về truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, về kỹ thuật chế tác công cụ, về sự biến đổi của khí hậu và sự thích ứng của con người trong suốt nhiều vạn năm. Đồng thời, với tư cách là di tích cổ xưa nhất và có giá trị lịch sử, khảo cổ đặc biệt quan trọng, hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt.

Không chỉ là “mảnh đất được chọn” của loài người, với những bước chân đầu tiên để làm nên lịch sử và sáng tạo ra văn hóa; mà xứ Thanh còn ghi dấu ấn cùng tên tuổi vào tiến trình lịch sử dân tộc, với vô vàn cuộc tranh đấu cho quyền tự quyết cho dân tộc và quyền tự do cho Nhân dân. Lịch sử vẫn dành những trang ngời sáng nhất để ghi lại cuộc khởi nghĩa Bà Triệu từng khiến toàn Giao Châu chấn động. Cuộc khởi nghĩa do một nữ trung hào kiệt lãnh đạo, đã thắp dậy giữa màn đêm ngàn năm Bắc thuộc đằng đẵng một ngọn lửa rực cháy căm thù và khao khát độc lập mạnh mẽ. Lịch sử càng không thể không khắc vào tấm bia công danh cuộc khởi nghĩa 10 năm “nếm mật nằm gai” của người con đất Khả Lam – Bình Định Vương Lê Lợi. Cuộc khởi nghĩa toàn thắng, giang sơn sạch bóng quân thù để bước vào cuộc trung hưng mới. Dù thời gian trị vì chỉ trong khoảng 6 năm, song Đức Thái tổ Cao hoàng đế vẫn đặt được một nền móng tương đối vững chắc cho thế hệ con cháu kế thừa và phát triển. Trong đó, sự tồn tại của Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có thể xem là một minh chứng về sự thịnh vượng của vương triều Hậu Lê. Đồng thời, với những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, công trình này đã trở thành một biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

...

Khơi nguồn lực văn hóa

Mảnh đất xứ Thanh gắn liền với những điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy được phác trên bức họa hình sông thế núi tươi đẹp và hòa trong giai điệu bất tận của thiên nhiên kỳ tú. Đó còn là sự kỳ diệu khởi phát từ khối óc và đôi bàn bàn tay lao động của lớp lớp người mà đẽo gọt, dựng xây nên dáng hình của những kinh kỳ hoa lệ; những đình đài, miếu mạo, lăng tẩm uy nghiêm. Điều kỳ diệu ấy còn có duyên cớ của nó khi nơi đây từng được khắc những “trang sử đá” cho thấy những bước chân đầu tiên của loài người nguyên thủy; là xứ sở của những thiên anh hùng ca “lắng hồn sông núi”; là nơi sản sinh và dưỡng nuôi nhiều bậc hiền tài cho đất nước... Để rồi, khi nói về mảnh đất này, các sử gia, thi gia đã không tiếc lời ngợi ca.

Từ xưa, Thanh Hóa đã được biết đến là “quý hương”, đất “căn bản” của nhiều triều đại phong kiến. Có một thống kê đã chỉ ra rằng, nếu tính từ đời vua Trưng Vương đến đời vua Bảo Đại, Việt Nam có tất cả 97 vị vua, 20 vị chúa. Trong đó, riêng Thanh Hóa đã có tới 48 vị vua (chiếm 49,5%) và cả 20 vị chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều là người Thanh Hóa. Đây hẳn là điều “độc nhất vô nhị” mà hiếm có vùng đất nào có thể so sánh được. Từ đặc trưng riêng biệt ấy, PGS.TS Trần Thị An (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra nhận định: “Để nói về các vùng và tiểu vùng văn hóa Việt Nam, khái niệm “địa linh nhân kiệt” có thể dùng cho nhiều nơi. Nhưng xứ Thanh thực sự đặc biệt, bởi đây là vùng đất phát tích của “tam vương nhị chúa” - những người làm nên những bước ngoặt lịch sử, định hình diện mạo lịch sử dân tộc trong những thời đoạn phục hưng vĩ đại; đồng thời, cũng tạo nên những sóng gió dữ dội trong các thời kì tao loạn của lịch sử dân tộc”.

Với một chiều sâu quá khứ vĩ đại đã được “đo đếm”; với một bề dày lịch sử - yêu nước, cách mạng hào hùng không thể phủ định; với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, giàu bản sắc đã được khẳng định; với lớp lớp những thế hệ người cần cù, sáng tạo mà ở giai đoạn nào cũng xuất hiện những nhân vật truyền kỳ... Tất cả đều mang tên Truyền Thống, mà để gây dựng nên, cha ông ta phải cần đến “vô lượng lịch sử”. Đó là niềm tự hào lớn lao và là thành quả mà hậu thế đang được thụ hưởng. Để rồi đến lượt mình, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục vun đắp cho “cây đại thụ truyền thống” ấy tiếp tục vươn cành tán lộc, hoa lá xum xuê. Từ đó, đủ khỏe mạnh để đánh bật đi những “sâu bọ” của văn hóa ngoại lai, hay những điều phi nghĩa đi ngược lại với đạo lý luân thường, thuần phong mỹ tục.

Khơi nguồn lực văn hóa

Đã có không ít dẫn chứng thuyết phục về việc khai thác nguồn lực văn hóa và biến nguồn lực này thành động lực, thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn cho phát triển. Đảng ta đã khẳng định, văn hóa là nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. “Kinh tế và văn hóa gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ: Kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế”. Nếu các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa, thì tiềm năng sáng tạo của dân tộc sẽ bị suy yếu đi. Đặc biệt, khi mục đích phát triển hướng đến vì con người và mọi sự phát triển phải được định hướng bằng giá trị; thì việc khai thác nguồn lực con người trong nguồn lực văn hóa nói chung, là nhân tố mang tính quyết định.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để khai thác và phát huy nguồn lực văn hóa – con người cho phát triển? Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh giáo dục, đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thời, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Từ đó, tạo dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh, an toàn, với sự hài hòa các yếu tố luật pháp, đạo đức, các hệ giá trị, quy tắc ứng xử và chuẩn mực xã hội... Đồng thời, góp phần gắn kết cộng đồng, gắn kết cá nhân với cộng đồng và tạo ra mối liên hệ quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó cũng chính là cơ sở để phát huy nguồn lực văn hóa - con người cho mọi sự phát triển bền vững!

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]