(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn huyện Đông Sơn có 92 di tích, trong đó có nhiều di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Đông Sơn tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng

Huyện Đông Sơn tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi - Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã xuống cấp nghiêm trọng chưa được trùng tu, tôn tạo.

Trên địa bàn huyện Đông Sơn có 92 di tích, trong đó có nhiều di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Nổi bật như địa điểm di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Đồng Ngâm, Đông Vưng, là nơi phát tích của người Việt cổ; địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa năm 1947; Đền thờ Nguyễn Văn Nghi, nơi thờ vị đại thần thời Lê Trung hưng, thầy dạy học của hai đời vua Lê là Lê Anh tông và Lê Thế tông; Di tích Hoàng Nghiêu – căn cứ Nguyễn Chích, vừa là dấu tích địa điểm lịch sử tiêu biểu của phong trào nông dân khởi nghĩa vùng Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An do Nguyễn Chích đứng đầu từ những năm 1416 đến 1421 trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV, vừa là danh lam thắng cảnh với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp đan xen giữa núi, rừng và hệ thống hang động, thung lũng, có thể khai thác là khu du lịch trọng điểm của huyện...

Trong số các di tích, danh thắng nói trên, huyện có 27 di tích lịch sử văn hóa, 2 di tích lịch sử cách mạng gồm cụm di tích cách mạng Hàm Hạ và địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông; 2 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm từ đường họ Nguyễn Đình (xã Đông Hòa), từ đường họ Lê Đình (xã Đông Nam). Ngoài ra, còn có các loại di tích vừa mang đặc điểm di tích lịch sử văn hóa, vừa mang đặc điểm di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích vừa mang đặc điểm di tích lịch sử văn hóa, vừa mang đặc điểm di tích danh lam thắng cảnh...

Tính đến tháng 9-2019, toàn huyện có 31 di tích đã được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh). Qua khảo sát, phần lớn các di tích đều đã xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau rất cần sớm được trùng tu, tôn tạo, trong số đó có cả những di tích bị hư hỏng nặng. Trong số 7 di tích cấp quốc gia, đến nay huyện mới trùng tu, tôn tạo được 4 di tích; 24 di tích cấp tỉnh thì có 18 di tích đã xuống cấp, cần trùng tu khẩn cấp, huyện mới trùng tu, tôn tạo được 5 di tích. Qua đánh giá của phòng văn hóa – thông tin huyện, những năm qua, mặc dù một số di tích đã được tu bổ và tôn tạo nhưng nhìn chung công tác bảo tồn, trùng tu di tích vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với giá trị của hệ thống di tích cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về phát huy giá trị di tích. Số di tích đã được trùng tu, tôn tạo ít, tập trung chủ yếu ở các di tích có quy mô nhỏ, di tích thuộc sở hữu của gia đình, dòng họ. Một số di tích mới chỉ thực hiện việc chống xuống cấp và tu bổ từng phần, nhiều di tích thành phế tích. Các di tích có quy mô, giá trị lớn như di tích Thành Hoàng Nghiêu – căn cứ Nguyễn Chích, di tích Đền thờ Nguyễn Văn Nghi bị xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được tu bổ. Việc khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích chậm; công tác bảo quản di vật, hiện vật di tích không thường xuyên; di tích có giá trị lớn bị mai một không giữ được nguyên giá trị gốc. Các di tích đã và đang xuống cấp rất cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi, trong đó có một số di tích còn đối mặt với nguy cơ trở thành phế tích nếu không được quan tâm kịp thời.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện Đông Sơn trong công tác bảo tồn các di tích đó chính là nguồn kinh phí. Trong bối cảnh khả năng hỗ trợ của huyện còn hạn chế, sự hỗ trợ từ tỉnh chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, việc tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích gặp không ít khó khăn, bất cập. Ở cấp xã, ngoài công tác quản lý, bảo vệ, chống xuống cấp thì chưa huy động được nguồn lực kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích. Đối với các di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng cần mức kinh phí từ 1-2 tỷ đồng, các di tích có mức độ xuống cấp ít hơn cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng. Trung bình 1 năm, huyện Đông Sơn cũng chỉ hỗ trợ công tác trùng tu, tôn tạo cho tối đa 3 di tích, mỗi di tích không quá 200 triệu đồng. Từ năm 2000 đến 2017, tổng giá trị của công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện là 16 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ 2018-2019, con số này mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Đây được xem là nỗ lực không nhỏ của huyện Đông Sơn nhằm khẩn trương bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng trên địa bàn trong bối cảnh kinh phí chống xuống cấp hàng năm của UBND tỉnh hạn hẹp, ngân sách huyện chưa có sự hỗ trợ để bảo quản, chống xuống cấp cho di tích; ngân sách của địa phương hầu như không có, công tác xã hội hóa còn hạn chế.

Bà Lê Thị Phương, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Sơn, cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Đông Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, trong đó tập trung vào các di tích lịch sử, cách mạng, di tích lịch sử văn hóa quan trọng cấp quốc gia, cấp tỉnh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ hiện trạng các di tích trên địa bàn; tạo hồ sơ lưu trữ điện tử; xây dựng cẩm nang di tích. Song song với đó là việc khoanh vùng các di tích để kịp thời bảo vệ, tôn tạo, trùng tu; tăng cường bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là các di tích được xếp hạng đã và đang xuống cấp. Đối với di tích chưa có nguồn kinh phí để tu bổ tổng thể, lập hồ sơ bảo quản cấp thiết bằng các biện pháp chống xuống cấp. Xúc tiến kêu gọi từ các nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn phát triển du lịch đầu tư tôn tạo, quy hoạch mở rộng và xây dựng công trình di tích nhằm thu hút khách tham quan và phát triển du lịch tâm linh cho các di tích trọng điểm có giá trị lớn, có khả năng khai thác phát triển du lịch.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]