(Baothanhhoa.vn) - Nếu như NSƯT Tiến Hợi được công chúng biết đến vì ông là người đóng vai Bác Hồ thành công nhất, thì người vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất lại là họa sĩ Trần Xuân Phúc - người nghệ sĩ đa tài của xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Họa sĩ Trần Xuân Phúc hơn 40 năm vẽ chân dung Bác Hồ

Nếu như NSƯT Tiến Hợi được công chúng biết đến vì ông là người đóng vai Bác Hồ thành công nhất, thì người vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất lại là họa sĩ Trần Xuân Phúc - người nghệ sĩ đa tài của xứ Thanh.

Vào một ngày tháng 5 đẹp nắng, chúng tôi có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với họa sĩ Trần Xuân Phúc tại nhà riêng của ông ở đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ nhưng ấm áp tình yêu của ông đối với hội họa, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tranh vẽ, trong đó có tranh vẽ chân dung Bác Hồ.

- Điều gì đã đưa ông đến với công việc vinh dự và cao quý này? Tôi tò mò hỏi họa sĩ Trần Xuân Phúc.

Ông cười: - Ngẫm cho cùng là do duyên nghiệp cả, cô nhà báo ạ.

Dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng “những đứa con tinh thần” của mình, họa sĩ Trần Xuân Phúc hồi tưởng lại một thời đã qua. Ông bộc bạch, quê bố mẹ ông đều ở Nam Định, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Ông may mắn được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình truyền thống hoạt động nghệ thuật. Đặc biệt, bố đẻ của ông – cố họa sĩ Trần Xuân Vị là người trực tiếp dìu dắt, dạy bảo cho ông từng đường đi nét bút và cũng là người hướng dẫn ông vẽ chân dung Bác Hồ đầu tiên. Chính ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, cùng với đam mê từ nhỏ, đã hình thành trong ông một hướng đi riêng trong lĩnh vực hội họa - đó là vẽ chân dung Bác Hồ.

Khi còn nhỏ, ông vẽ tranh tự do về Bác, nhưng nghiệp vẽ chính thức của ông phải được tính từ tháng 4-1981. Đó là thời điểm khi ông vào bộ đội, tham gia công tác tuyên huấn tại Sư đoàn 442 thuộc Quân khu IV, đóng trên địa bàn huyện Nông Cống. Những năm tháng hoạt động ở đây, ông được giao vẽ tranh cổ động, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị của các đơn vị bộ đội. Sau thời gian ra quân, ông về công tác tại nhiều đơn vị nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa, nhưng vẫn tiếp tục vẽ tranh về Bác Hồ với một niềm kính yêu ngày càng lớn lao vô hạn.

Năm 1997, gia đình ông chuyển ra Hà Nội sinh sống. Nhiều tranh vẽ trong đó có tranh Bác Hồ được ông gửi gắm tại các cửa hàng tranh nổi tiếng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm trở lại đây, tranh của ông được các bộ, ngành Trung ương dùng làm quà tặng ngoại giao với các nước, như: Liên bang Nga, Lào, Campuchia... Đặc biệt, tranh vẽ chân dung Bác Hồ của họa sĩ Trần Xuân Phúc đã được trưng bày tại một trong những bảo tàng nổi tiếng của nước Pháp. Đó là niềm vinh dự mà cả cuộc đời người họa sĩ có được khi tranh của ông được đặt ở vị trí trang trọng trên thế giới. Ở đó, hình ảnh Bác Hồ mãi là niềm tự hào, biểu tượng cho sức sống, ý chí con người Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ trong lịch sử hào hùng cho đến mai sau.

Họa sĩ Trần Xuân Phúc chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi ngưỡng mộ Bác theo góc nhìn của trẻ nhỏ. Sau này trưởng thành hơn, càng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, tôi càng thêm kính yêu Bác và thôi thúc tôi vẽ Bác nhiều hơn”.

Càng trân trọng kính yêu Bác Hồ, ông càng chuyển tải được cái “thần”, cái hồn cùng vô vàn cảm xúc của mình vào mỗi bức tranh. Khi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu về Bác, ông có thể thấm nhuần được cả hình dáng lẫn tư tưởng của Bác, để tạo nên những đường nét đẹp nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh - chân dung một CON NGƯỜI. Để rồi xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc đến nay, những tư tưởng của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

Đọc nhiều tài liệu, vẽ nhiều chân dung về Bác nên có những lần họa sĩ Trần Xuân Phúc mơ được gặp Bác. Ông vẫn nhớ như in khuôn mặt của Bác từ hồi trẻ, lúc trung niên, cho đến khi về già. Chỉ cần dựa trên một tư liệu lịch sử, ông có thể sáng tác chân dung Bác với một nội dung tư tưởng nhất định. Phải nghiên cứu rất kỹ, hiểu rõ con người Bác thì ông mới có thể chuyển tải tư tưởng của Bác vào tranh một cách có hồn như thế. Thậm chí trong từng lời nói, hành động, cử chỉ của bản thân ông dường như cũng đã thấm nhuần tư tưởng của Bác. Đó chính là điều quan trọng mà suốt mấy chục năm qua khiến cho ông lúc nào cũng không nguôi vẽ đề tài chân dung Bác Hồ.

Họa sĩ Trần Xuân Phúc thổ lộ: “Vẽ chân dung lãnh tụ nói chung có cái khó là phải làm sao chuyển tải được thần thái của nhân vật. Riêng vẽ chân dung Bác Hồ, trước tiên tôi cần phải định thần lại một thời gian. Sau đó, tôi hình dung cần phải vẽ những gì và vẽ như thế nào. Vẽ từ tổng thể, khái quát trước, sau đó mới đi sâu vào các chi tiết, đặc tả, để làm sao cho bố cục, gam màu, ánh sáng thật hài hòa. Khi nào tinh thần thoải mái nhất, tôi mới tập trung cao vào điểm nhấn là khuôn mặt. Trong đó chú trọng vào ánh mắt của Bác, thể hiện tư tưởng rộng lớn, trí tuệ anh minh, nhưng cũng rất gần gũi, giản dị và nhân từ của Bác”.

Tranh vẽ của họa sĩ Trần Xuân Phúc hoàn toàn làm thủ công, bằng chất liệu sơn dầu, bởi bền màu, màu sắc lại phong phú. Chất liệu đó cũng hoàn toàn phù hợp với bút pháp sở trường của ông là “Tân cổ điển” (làm mới cái cũ). Vẽ chân dung không đơn thuần tái hiện lại như một khuôn hình, mà ông còn chuyển tải được tinh thần, bố cục, ánh sáng, màu sắc theo cảm xúc riêng của mình. Đó chính là sự khác biệt giữa ông với những họa sĩ khác.

Bút lực dồi dào, mấy chục năm qua, ông đã vẽ chân dung Bác Hồ với khoảng 2.000 bức. Các bức tranh tiêu biểu như: Chân dung Bác Hồ; Bác Hồ đang ngồi làm việc; Bác Hồ ở chiến dịch Đông Khê; Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập... Dù có vẽ hàng ngàn bức, nhưng không bức nào giống bức nào. Bởi, mỗi bức chân dung được họa sĩ Trần Xuân Phúc sáng tạo tùy theo cảm xúc, theo từng giai đoạn, từng thời điểm. Sau này, khi đã đạt tới một trình độ nhất định về mỹ thuật, bản thân ông vẫn vẽ xuyên suốt đề tài chân dung Bác Hồ. Đó là tình cảm đặc biệt mà ông luôn dành cho Bác kính yêu. Để rồi qua những tranh vẽ của ông, mỗi người dân Việt Nam thêm phần kính yêu Bác; nhân loại trên thế giới thêm phần ngưỡng mộ Bác vì công lao vô bờ bến của Bác đối với độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Ngoài vẽ chân dung lãnh tụ, ông còn vẽ thành công nhiều đề tài về chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, thực và siêu thực. Thời gian gần đây, ông không vẽ tranh với số lượng nhiều và đại trà, mà tập trung thể hiện tư tưởng nhân vật, nhằm nâng tầm giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tùy vào cảm xúc, có những tranh vẽ chỉ trong vài ngày, nhưng cũng có những bức tranh hoàn thiện trong vài tháng. Tranh của ông không có giới hạn về thời gian, không mang tính thương mại, mà thiên về chất lượng nghệ thuật, thỏa mãn được cảm xúc của người nghệ sĩ trong ông. Đó chính là lúc bức tranh được hoàn thiện, giá trị lao động nghệ thuật được khẳng định và tên tuổi của ông được ghi nhận.

Gần 60 tuổi đời, hơn 40 năm vẽ chân dung Bác Hồ, dường như chưa khi nào họa sĩ Trần Xuân Phúc ngừng đam mê và sáng tạo. Hiện ông là cố vấn Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao (thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam). Ngoài ra, ông còn tham gia đóng góp nhiều vào các lĩnh vực, công trình nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh lớn của đất nước. Tâm nguyện lớn nhất của ông là mong muốn có được một bảo tàng mỹ thuật cho riêng mình. Đó sẽ là nơi trưng bày các sáng tác của ông trong suốt cả cuộc đời cầm bút vẽ, trong đó phần trang trọng nhất dành trưng bày các bức tranh về Bác Hồ.

N.N.A


N.N.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]