(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa – thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là rèn luyện thể chất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giữ lửa” các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc

Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa – thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là rèn luyện thể chất.

“Giữ lửa” các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc

Các VĐV tranh tài ở môn kéo co tại Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh 2019.

Với đặc thù là khu vực có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, bởi vậy các môn thể thao dân tộc, truyền thống đã gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống và lao động của nhân dân. Đây đều là những môn được đồng bào yêu thích, thu hút số lượng người tham gia luyện tập đông nhất. Hầu hết các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đều xác định rõ, các môn thể thao dân tộc là thế mạnh của địa phương. Đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với đặc điểm, tình hình của các huyện miền núi. Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh qua 13 lần tổ chức chính là sân chơi thiết thực, bổ ích, các vận động viên (VĐV) được dịp tranh tài, thi thố tài năng ở các môn bóng chuyền, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn. Với định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần, hội thi thực sự là ngày hội thể thao lớn của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Kỳ hội thi lần thứ 13 năm 2019 chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Dù không nằm trong chương trình của một kỳ đại hội thể dục – thể thao (TDTT) toàn tỉnh nhưng 11 huyện miền núi tham gia hội thi đều có sự chuẩn bị tốt nhất cả về lực lượng VĐV cho tới các điều kiện khác như: Trang phục, dụng cụ thi đấu, cũng như tổ chức huấn luyện có chiều sâu với quyết tâm giành thành tích cao. Nếu như những kỳ hội thi trước, các đoàn Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thường Xuân là những đơn vị mạnh, luôn giành vị trí cao thì cho tới kỳ hội thi năm 2019 này, đã chứng kiến sự vươn lên rõ rệt của các đơn vị khác. Quan Sơn và Quan Hóa là những ví dụ tiêu biểu nhất. Là đơn vị chủ nhà nên trong 2 năm trở lại đây, huyện Quan Hóa đã quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc ngay từ cấp cơ sở. Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các sân tập TDTT từ cấp thôn, bản, các địa phương trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ để các đội, câu lạc bộ thể thao dân tộc ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên. Hàng chục đội, CLB các môn bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co tích cực luyện tập và giao lưu thi đấu đã tạo nên phong trào TDTT rất sôi động. Cùng với việc tổ chức các giải đấu, huyện Quan Hóa đã chọn được những VĐV tiêu biểu, tham gia các giải cấp tỉnh. Việc đội bóng chuyền nam Quan Hóa vượt qua hai đối thủ Thạch Thành và Cẩm Thủy để giành Huy chương Vàng là kết quả hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của địa phương này những năm qua. Ngoài ra, huyện Quan Hóa cũng đã có sự tiến bộ mạnh ở các môn đẩy gậy, kéo co và tung còn.

Trong khi đó, đoàn Quan Sơn đã gây bất ngờ lớn với vị trí nhất toàn đoàn. Để có được kết quả này, huyện Quan Sơn đã chú trọng phát triển phong trào TDTT có chiều sâu, đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao dân tộc, trong đó đặc biệt là tuyển chọn các nhân tố xuất sắc, tiêu biểu, xây dựng đội ngũ VĐV các môn thể thao dân tộc ngay từ cơ sở. Đồng thời ban hành các cơ chế hỗ trợ để nhân rộng các CLB thể thao dân tộc, tổ chức các giải đấu cấp xã, huyện hằng năm để các VĐV có điều kiện được giao lưu, học hỏi. Sự tiến bộ của huyện Quan Sơn đã được thể hiện khá đều ở tất cả 5 môn của hội thi, nhờ đó, đơn vị này đã giành vị trí nhất toàn đoàn, thành tích mà ít ai ngờ tới. Điều này khẳng định, việc phát triển rộng rãi phong trào từ cơ sở, sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp các địa phương giành được thành tích cao hơn tại hội thi và các giải đấu cấp tỉnh, mặt khác cũng là giải pháp hiệu quả bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống và phong trào TDTT trong đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh.

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Kỳ hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh năm 2019 đánh dấu bước phát triển rõ rệt của phong trào TDTT khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa. Các đơn vị tham gia đã dần hướng tới chuyên nghiệp hóa việc tham gia thi đấu, tranh tài. Điều này đã cơ bản xóa bỏ tư duy, cách làm rập khuôn kiểu cũ, tham gia đều với quyết tâm giành thứ hạng cao chứ không chỉ dừng lại ở việc tham gia cho xong nhiệm vụ. Sự đầu tư đổi mới ngay từ trang phục thi đấu mang màu cờ sắc áo và cách thức tổ chức tham gia. Cùng với đội ngũ trọng tài ngày càng được chuẩn hóa, sự chuẩn bị chu đáo của các đoàn đã đem tới những cuộc tranh tài, những trận đấu hấp dẫn, quyết liệt với chất lượng chuyên môn được nâng lên rõ rệt. Đoàn nào có sự chuẩn bị tốt, có lực lượng VĐV chất lượng đều giành được những thành tích nổi bật. Các đơn vị mạnh của những kỳ hội thi trước nếu không có sự chuẩn bị tốt trong tình hình mới hiện nay sẽ khó giữ được vị trí của mình. Sự chững lại của các đơn vị như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân là ví dụ cho điều đó. Tuy vậy, sự tiến bộ về chuyên môn của hội thi năm nay như khẳng định sự phát triển mạnh của phong trào thể thao dân tộc tại các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh.

Trên thực tế, với sự phát triển ngày càng rộng rãi của phong trào tại cơ sở, hằng năm tỉnh ta hoàn toàn có thể tổ chức hội thi hoặc giải đấu các môn thể thao dân tộc, thay vì định kỳ 2 năm/1 lần như hiện nay. Vì vậy, công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực tài trợ cho các hoạt động này cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ ngành, các huyện, các doanh nghiệp. Đây cũng có thể xem là cách “giữ lửa” cho phong trào TDTT các huyện miền núi Thanh Hóa và cũng để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài Và Ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]