(Baothanhhoa.vn) - Con đường nối cầu Văn Vật với cầu Tam Thọ đang được mở rộng. Con đường dài hơn 2km vốn chỉ rộng chừng 2,5 m đến 4m chạy qua cánh đồng màu, qua cồn Chùa trước khi vào làng, nay đang được mở rộng lên 7 m, đủ để 2 làn xe ô tô có thể lưu thông dễ dàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giấc mơ gốm Tam Thọ

Con đường nối cầu Văn Vật với cầu Tam Thọ đang được mở rộng. Con đường dài hơn 2km vốn chỉ rộng chừng 2,5 m đến 4m chạy qua cánh đồng màu, qua cồn Chùa trước khi vào làng, nay đang được mở rộng lên 7 m, đủ để 2 làn xe ô tô có thể lưu thông dễ dàng.

Ảnh minh họa.

Ông Mai Đức Bảo, người trông coi, nhang khói thường xuyên tại đền thờ ông tổ nghề gốm mới được tôn tạo trên nền di tích cũ tại làng Văn Vật vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Để có con đường rộng rãi, đẹp đẽ, các hộ có diện tích đất nông nghiệp dọc theo con đường đã tự nguyện hiến đất. Con đường này được thành phố đầu tư nâng cấp thì sẽ có thêm nhiều người, nhiều du khách biết, đến tham quan khu di tích gốm Tam Thọ. Một nghề truyền thống nổi tiếng của quê hương chúng tôi xưa kia sẽ được quan tâm khôi phục lại và phát triển thì mừng lắm.

Theo các tài liệu lịch sử để lại, cái tên gốm Tam Thọ được biết đến rộng rãi khi nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse phát hiện ra khu lò gốm cổ Tam Thọ ở tổng Viễn Chiếu, phủ Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa) lần đầu tiên vào tháng 2-1937. Từ năm 1937 đến 1939, Olov Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Những phát hiện và công bố của Olov Janse về khu lò gốm Tam Thọ đã thu hút rất nhiều các nhà nghiên cứu gốm cổ trên thế giới về Tam Thọ để nghiên cứu thực địa.

Điều gì đã làm cho khu lò gốm này trở nên nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về khu lò gốm Tam Thọ lý giải: “Vào thời điểm mà Olov Janes phát hiện khu lò gốm Tam Thọ là một phát hiện duy nhất về lò nung gốm cổ ở Đông Dương. Khi đó nhà khảo cổ học người Thụy Điển này đã thực sự hứng khởi và coi đây là một phát hiện quan trọng của ông về khảo cổ học Đông Dương. Gần 70 năm đi qua, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và nghiên cứu hơn 10 khu lò gốm thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Nhưng rõ ràng không một khu lò nung nào trong giai đoạn này có quy mô và tính chất quan trọng như khu lò gốm Tam Thọ. Qua những tài liệu mà Olov Janes để lại và những nghiên cứu gần đây của các nhà khảo cổ học Việt Nam, khu lò gốm Tam Thọ có quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Trong hơn 1km dọc theo con kênh Đô giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có hàng chục gò đất lớn chứa các lò nung gốm cổ. Mỗi gò đất như thế chu vi rộng 30 - 40 m và trong lòng nó chứa ít nhất 3 lò gốm cổ trở lên. Tại khu vực Gò Quyến (làng Tam Thọ) trong cuộc khai quật tháng 10-2001, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Mỗi một lò nung đó còn được sử dụng lâu dài mà bằng chứng là có nhiều lớp nền được tôn lên nhiều lần trong một lò nung. Bên cạnh những lò gốm thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, ở Tam Thọ còn tồn tại một khu vực sản xuất muộn hơn. Những kết quả điều tra, khảo sát vào năm 2001 của Bảo tàng Tổng hợp Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết theo rìa dọc kênh Đô đoạn giữa 2 làng Tam Thọ và Văn Vật có một hệ thống lò sành từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Khu lò sành tuy chưa được đầu tư nghiên cứu kỹ nhưng quy mô và tính chất của nó cũng rất quan trọng. Khu lò sành này là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ nghìn năm chống Bắc thuộc của khu vực này” (Đỗ Quang Trọng, Khu Lò gốm cổ Tam Thọ xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa Di tích và Thắng cảnh, Nhà xuất bản Thanh Hóa năm 2002, tập 2, trang 25 - 37).

Trò chuyện với ông Mai Đức Bảo và những người dân làng Văn Vật, chúng tôi được nghe kể thêm về những điều lý thú. Tại các khu vực vườn nhà dân, quá trình làm vườn một số hộ vẫn tìm được một số vò bằng gốm. Thậm chí bản thân ông Bảo còn nhặt được một viên gốm to hơn viên gạch có cấu trúc như kiểu con chì lưới bắt cá.

Các tài liệu nghiên cứu cho biết hầu hết các lò nung đã khai quật ở Tam Thọ có 2 dạng lò cóc và lò ống. Trong khoảng 4 thế kỷ hoạt động (từ thế kỷ 1-2 đến thế kỷ 4 sau Công nguyên) gốm Tam Thọ đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Thanh Nghệ. Tại một số di tích ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tìm thấy gốm Tam Thọ.

Đồng chí Lê Hoàng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đông Vinh cho biết: Năm 2004 di tích lò gốm Tam Thọ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh. Để gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu của di tích lịch sử văn hóa khảo cổ này, Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xúc tiến xây dựng đề án khôi phục làng nghề gốm Tam Thọ, đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo khu di tích và hệ thống hạ tầng vào khu di tích. Nếu thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất gốm như một số trung tâm gốm trong nước đang làm như Bát Tràng, Chu Đậu...; kết hợp với khai thác di tích như 1 điểm đến thú vị, hấp dẫn của du lịch thành phố, thì giấc mơ khôi phục nghề gốm Tam Thọ có thể trở thành hiện thực.

Được biết, cách di tích lò gốm Tam Thọ không xa, hiện nay tại khu sinh thái Linh Kỳ Mộc (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) đã xây dựng một phòng trưng bày gốm Tam Thọ. Với hơn 100 hiện vật gốm Tam Thọ được trưng bày, giới thiệu gồm đồ gia dụng (chậu, bình, vò, nồi, cốc, khay, bát, đĩa), vật liệu kiến trúc (gạch và ngói), công cụ sản xuất (chì lưới, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn gốm) và các mô hình nhà, tượng đất nung... phong phú, sẽ cho du khách cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử văn hóa vô giá cũng như tài năng, sức sáng tạo của người thợ gốm trên mảnh đất xứ Thanh.


Hồng Hạnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]