(Baothanhhoa.vn) -  Ngay từ những dòng dẫn luận đầu tiên trong cuốn địa chí Hà Trung, cái danh giá của mảnh đất ấy đã được nhìn nhận một cách thật sinh động: “Nhìn lên bản đồ tỉnh Thanh Hóa, huyện Hà Trung tựa như một lá cờ đang tung bay trong gió lộng, lớp lớp sóng cờ nổi lên nhấp nhô núi đồi giữa miên man xóm làng, đồng ruộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích thời Lý trên đất Hà Trung

Di tích thời Lý trên đất Hà Trung

Vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc của nghìn năm cổ tự – đền thờ Lý Thái Úy (xã Hà Ngọc, Hà Trung).

Ngay từ những dòng dẫn luận đầu tiên trong cuốn địa chí Hà Trung, cái danh giá của mảnh đất ấy đã được nhìn nhận một cách thật sinh động: “Nhìn lên bản đồ tỉnh Thanh Hóa, huyện Hà Trung tựa như một lá cờ đang tung bay trong gió lộng, lớp lớp sóng cờ nổi lên nhấp nhô núi đồi giữa miên man xóm làng, đồng ruộng.

Lá cờ ấy ghi dấu vùng địa đầu Thanh Hóa – miền trung với rặng thiên thành Tam Điệp án ngữ phía Bắc và sông Lèn dòng cũ Mã Giang làm ranh giới phía Nam... Họ “Nguyễn Lớn” cũng ở đây, tiến lên phía Tây gây dựng cơ đồ Trung hưng và tìm vào Hoành Sơn nhất đái, cùng bao thế hệ người “mang gươm đi mở cõi”, mở ra triều đại phong kiến nhà Nguyễn thống nhất từ ải Lạng Sơn đến mũi Cà Mau”. Vùng đất này không chỉ có Khu di tích lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu được biết đến như là nơi thờ tự, ghi nhớ công ơn của triệu tổ nhà Nguyễn và tặng vật dành cho quê hương. Nhìn lại hệ thống di tích – lịch sử tồn tại trên vùng đất này còn cho thấy những dấu ấn đậm nét của vương triều nhà Lý gắn liền với danh tiếng, công trạng phò vua, giúp nước, giúp dân của Thái úy Lý Thường Kiệt mà minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua hình ảnh chùa Linh Xứng và đền thờ Lý Thái Úy trầm mặc uy nghi, khói hương nghi ngút suốt hàng trăm năm.

Chùa Linh Xứng nằm trên núi Ngưỡng Sơn thuộc làng Ngọ Xá, tổng Ngọ Xá, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) được Tổng trấn Thanh Hóa Lý Thường Kiệt và Sùng Tín trưởng lão – thầy học của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu chọn đất xây dựng trong 4 năm, từ năm 1085 đến năm 1089. Theo ghi chép của các tài liệu cổ, có lẽ, chùa Linh Xứng là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất vào thời Lý trên đất Hà Trung. Trong nhiều thế kỷ, chùa là một danh lam, “vương xá lớn”. Tiếc rằng, trải qua sự biến thiên của thời gian cùng những biến động lớn của lịch sử, chùa đã không giữ được nguyên vẹn quy mô, kiến trúc như ban đầu. Nghìn năm cổ tự giờ đây chỉ có thể lần theo sự ngưỡng vọng mà tìm về với những di chỉ khảo cổ, thư tịch cổ hay văn bia còn sót lại cho đến ngày nay. Trong đó, di vật có giá trị nhất phải kể đến tấm bia bằng đá, cao 1,1 mét, rộng 0,7 mét, di vật quý giá của văn hóa Lý - Trần, do Thông Thiền Hải Chiếu Đại sư Pháp Bảo soạn nhằm ghi lại quá trình dựng chùa và công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt.

Văn bia ghi chép tỉ mỉ những duyên cớ vì sao Thái úy Lý Thường Kiệt lựa chọn vùng núi Ngưỡng Sơn là nơi xây dựng chùa Linh Xứng: “Thái úy lại dẫn những người tùy tùng, dời thuyền di về phía Tây, qua dòng sông trong Nam Thạc, đến ấp nổi danh Đại Lý. Dạo bước bến đò, đưa mắt xem xét, thấp thoáng thấy ở trong quận, cách quận lỵ độ chừng năm dặm có hòn núi trơ vơ gọi là Ngưỡng Sơn. Chân núi quanh co bên bờ nước, đâu phải núi đồi dĩ, hỗ, lại không vách đứng tường cao. Bóng lam ngùn ngụt, sắc thúy đậm đà, quanh quất làng xa, bao quanh điện Bắc. Gò ao khắp núi, hình thế lạ kỳ. Trước đây có một ẩn sĩ riêng xây am trong ấy và di duyên hóa mọi phương, tuy đã mở mang, nhưng tịnh giới chưa được nghiêm nhặt. Thái úy lại dẫn bộ thuộc theo lối tắt trèo lên, chỉ thấy cây cổ rợp trời, ráng mây vương vất. Thái úy bồi hồi dạo bước, trên dưới ngắm trông. Thế là vì tấm lòng ưa thích sự vui vẻ, thương xót quần sinh mà ý nghĩ trỗi dậy”. Chính từ sự trỗi dậy trong một tấm lòng vốn đã “hướng về đạo Phật” ấy mà chùa Linh Xứng từng bước được khởi công xây dựng.

Quá trình công phu, vất vả dựng chùa và quy mô, diện mạo của chùa lúc bấy giờ được miêu tả trong văn bia: Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thầy bói nhằm phương, thợ hay dâng kiểu; quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào, thì gọt; sành nghề thì dựng, thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng rãi hai bên. Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ trí Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng, không thể kể xiết. Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan can; đầy sân hoa cỏ. Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày kinh, ngân vang khắp chốn. Thức tỉnh kẻ u mê, phá tan niềm hôn tục. Khuyên bảo việc lành, răn đe điều ác. Thẳng ngay phía trước một đường hai ngả, khơi mương và dẫn nước chảy xuôi. Bên dòng nước dựng xây đình nhỏ, san sát thuyền bè qua lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn-bang, Chân-lạp xa tới mà quỳ gối ngắm xem; hoặc nước lạ phương xa quy phục mà cúi đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ trưởng giả quê mùa mà hóa thành vương xá lớn. Tuy quy mô, diện mạo kiến trúc ban đầu không còn nhưng những gì còn được ghi chép lại trong văn bia đã phần nào khắc hoạ chân thực trong tâm tưởng mỗi chúng ta về sự tồn tại, hình thành và phát triển của chùa Linh Xứng.

Nếu chùa Linh Xứng tồn tại như một minh chứng về công trạng của Thái úy Lý Thường Kiệt đối với trấn Thanh Hóa thì đền Lý Thái Úy được nhân dân xây dựng ngay dưới chân núi Ngưỡng Sơn, cách chùa không xa thể hiện sự yêu mến, trân trọng, tri ân sâu sắc của biết bao thế hệ nhân dân thành kính dâng lên ngài – vị danh tướng lỗi lạc triều Lý, anh hùng dân tộc tiêu biểu của nước ta thế kỷ XI – XII. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng quan của đền vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, thể hiện sức sống của một di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật vô giá có từ thời Lý. Kiến trúc đền cổ kính, thơ mộng với hệ thống nghinh môn, tiền đường, hậu cung, sân đền giật cấp. Vẻ đẹp của những cây hoa đại, bàng cổ thụ vài trăm năm tuổi trước cổng đền như càng tôn lên nét trầm mặc, linh thiêng vốn có.

Đền Lý Thái Úy dựa lưng vào núi Ngưỡng Sơn, mặt hướng về phía Nam, nơi con sông Lèn tự bao đời vẫn quanh co, uốn lượn qua xóm, qua làng. Nhà tiền đường gồm 5 gian 2 chái với 12 cột lớn và 12 cột quân bằng gỗ lim. Kết cấu vì kèo của nhà tiền đường theo kiểu giá chiêng, chồng dường, kẻ bẩy. Thượng lương ghi các chữ: “Hoàng triều Gia Long thập tam niên tuế thứ Giáp Tuất tam nguyệt nhị thập nhị nguyệt thôi trụ thượng lương”. Toàn bộ kiến trúc gỗ của nhà tiền đường vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, các bức chạm ở cốn mê, ván cong, kẻ bẩy, các con rường, xà ngang phía trên cửa thực sự là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tài năng của các nghệ nhân điêu khắc gỗ dân gian. Kiến trúc điêu khắc của từng bộ vì thể hiện nhiều phong cách sáng tạo khác nhau. Đề tài trang trí ở nhà tiền đường theo mô típ “tứ linh”: Long – ly – quy – phượng và hoa lá cách điệu. Cổng nghinh môn hai tầng tám mái vừa tạo nên sự bề thế nhưng không hề khô cứng mà vẫn giữ được nét mềm mại, uyển chuyển. Hiện tại, nội thất ngôi đền vẫn còn nhiều đồ thờ tự rất cổ và quý hiếm. Ngoài tấm bia do Nhữ Bá Sỹ - học giả danh tiếng thời Nguyễn soạn và khắc vào năm Tự Đức thập tam niên (1860) thì vẫn còn 3 tấm bia đá khác ghi chép về việc công đức trùng tu đền. Hằng năm, tại đền thường diễn ra hai dịp lễ lớn: Ngày giỗ của Thái uý (21-6 âm lịch) và ngày lễ khai ấn (25 tháng giêng âm lịch). Dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển, đền Lý Thái Úy vẫn luôn là địa chỉ tâm linh thu hút du khách thập phương tìm về chiêm bái.

19 năm trị nhậm trấn Thanh Hóa (1082 – 1101), giao tình giữa ngài Thái úy Lý Thường Kiệt với đất và người nơi đây đã không chỉ dừng lại ở mối quan hệ quản lý hành chính đơn thuần mà như đã hòa vào làm một. Trong mạch nguồn di tích luôn có lời thì thầm vọng về từ quá khứ, nhắc nhở con cháu mai sau về tinh thần, cốt cách cùng những đóng góp của ngài trên vùng đất quý hương. Và hơn tất thảy, cùng với di tích chùa Báo Ân (phường An Hoạch, TP Thanh Hoá), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa), các di tích chùa Linh Xứng và đền thờ Lý Thái Úy (xã Hà Ngọc, Hà Trung) đã góp phần khẳng định đồng bằng châu thổ sông Mã là một trong những trung tâm Phật giáo thời Lý, ghi nhận thời kỳ cực thịnh đã làm nên dấu ấn sâu đậm của vương triều Lý trong lịch sử hình thành và phát triển trên mảnh đất Hà Trung nói riêng và xứ Thanh nói chung.

Thảo Linh

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Địa chí Hà Trung.


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]