(Baothanhhoa.vn) - Đất Thiên Linh xưa (nay là xã Quảng Yên, Quảng Xương) vốn là một vùng đồng bằng chiêm trũng, thế đất uốn lượn quanh co dọc theo các con sông: Sông Lăng, sông Vạy, sông Lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền Thiên Linh với nghệ thuật văn hóa dân gian ngũ trò

Đất Thiên Linh xưa (nay là xã Quảng Yên, Quảng Xương) vốn là một vùng đồng bằng chiêm trũng, thế đất uốn lượn quanh co dọc theo các con sông: Sông Lăng, sông Vạy, sông Lý.

Đền Thiên Linh - không gian trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian ngũ trò độc đáo của người dân xã Quảng Yên (Quảng Xương).

Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi theo quan niệm “nhất cận thị, nhị cận giang”, vùng đất Thiên Linh thu hút con người tìm về đây quần cư, khai phá từ rất sớm. Trong quá trình đi khai đất mở làng, người dân đã tạo nên nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ước mong của họ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được ban phước lành, được chở che. Chẳng thế mà trải qua biết bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, các di tích văn hóa tâm linh vẫn được bao thế hệ người dân nơi đây chung tay dựng xây, gìn giữ như: Văn thánh Phủ Cảnh thờ Đức Khổng Tử, vị thủy tổ khai mở ra đạo Nho và phối thờ các bậc tiên thánh, tiên hiền trong phủ Tĩnh Gia xưa; chùa Linh Qui; đền thờ Tĩnh Túc Dực Bảo Trung Hưng ở làng Viện Đoài; đền thờ Thành Hoàng tôn thần ở làng Đông Yên; đền thờ Đô Quân tôn thần, Đông Hải tôn thần ở làng Mỹ Cảnh... Mỗi một di tích văn hóa tâm linh này đều gắn với một lễ hội truyền thống của làng, trong đó lễ hội được tổ chức tại đền Thiên Linh được xem là một trong những nét đẹp tiêu biểu, một sắc thái văn hóa độc đáo ít nơi nào có được.

Đền Thiên Linh là ngôi đền thiêng thuộc địa phận đất Kẻ Riềng xưa, thờ Nghiêu Sơn đại vương và phối thờ Nhị vị Đào hoa công chúa. Đây là vị thần đứng đầu các vị thần được thờ trong cả xã nên đền còn có tên gọi khác là đền Thánh Cả hay đền Thượng. Nhắc đến Nghiêu Sơn đại vương là nhắc lại những trang sử về một vị tướng oai phong lẫm liệt, sẵn sàng xả thân mình khi vận nước lâm nguy (Nxb Từ điển bách khoa, ấn hành năm 2010). Địa chí huyện Quảng Xương có những dòng ghi chép: Đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán đem quân đánh nước Văn Lang. Hùng Vương sai tướng giỏi Kiều Sơn Vương đem quân chống cự. Kiều Sơn Vương đánh thắng nhiều trận, sau vì chủ quan mắc mưu giặc nên bị phục binh ở Trang Nang Thủy Bắc. Quân giặc đông như kiến cỏ, bao vây trùng trùng điệp điệp. Kiều Sơn Vương một mình một ngựa mở đường máu phá vỡ vòng vây. Lúc bấy giờ, trên người Kiều Sơn Vương có nhiều vết thương nặng, cổ bị chém sắp đứt, chỉ còn dính một mảnh da. Ông một tay giữ lấy đầu, một tay cầm dây cương thúc ngựa nhắm núi Hoàng Nghiêu phi thẳng, đến ngã ba sông Vạy thấy phong cảnh núi sông hùng vĩ nên dừng ngựa tìm đất táng cho mình. Ông lượn ba vòng rồi giục ngựa vượt sông Lăng, tìm đến núi Vàng. Tới đỉnh núi, ông buông tay, đầu vừa rơi xuống ông liền hóa thân về trời. Thục Phán đại thắng, xưng An Dương Vương, tiếp nối Hùng Vương cai quản nước Âu Lạc. Để tỏ lòng thương tiếc người tài, ghi nhận lòng trung thành của vị tướng tài đã hy sinh, An Dương Vương cho lập miếu thờ, phong Nghiêu Sơn Vương là Nghiêu Sơn đại vương.

Sang đến đời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành lúc bấy giờ tiến quân chinh phạt Chiêm Thành, đến ngã ba sông Vạy thì bất ngờ binh thuyền một số bị mắc cạn, không đi được, bèn dừng thuyền chờ nước triều lên. Đêm nhà vua nằm mộng, gặp một người tướng mạo khôi vĩ, trên cổ có vết đao chém, xưng là thần Nghiêu Sơn xin được phò tá đánh giặc. Vua đồng ý cho thần đi bình Chiêm. Khi đại thắng trở về, nhà vua ban một số tiền, sai dân địa phương lập một miếu thờ thần Nghiêu Sơn (ngay chỗ thần lúc trước thác hóa, cưỡi ngựa lượn ba vòng bên cạnh ngã ba sông Vạy). Ngày nay, dân gian ngàn đời vẫn còn truyền tụng nhau câu đối ca ngợi công đức to lớn của thần Nghiêu Sơn đại vương:

“Tiền Lê hộ quốc bình man chúa,

Vị thủy lưu phương thượng đẳng thần”

Tạm dịch: “Đời Tiền Lê có công giúp nước dẹp yên giặc Man Di

Sông Vị (Vạy) lưu tiếng thơm của thần thượng đẳng”

Đền thờ thần Nghiêu Sơn đại vương được người dân khắp nơi tìm về chiêm bái. Tuy nhiên, đến cuối đời Lê Cảnh Hưng thì đền bị cháy, được Ngọc Lĩnh hầu Lê Công Ninh và người địa phương xuất tiền cung tiến trùng tu lại, hoàn thành năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775). Sau này, đến năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791), Tri phủ Nguyễn Lệnh giao cho dân tiếp tục lo việc trùng tu đền. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đền vẫn còn nhưng từ sau năm 1962 trở đi thì bị phá hủy hoàn toàn, đền gần như không còn gì ngoài một số hiện vật sót lại như văn bia, các cột đá, đá chân tảng, bát hương... Suốt một quãng thời gian dài, đền Thiên Linh chỉ còn tồn tại trong kí ức của những bậc cao niên trong làng. Mãi đến năm 2012, đền mới được phục dựng lại với diện mạo như ngày hôm nay. Năm 2014, đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đền Thiên Linh không đơn thuần chỉ là nơi người dân tỏ lòng thành kính, dâng hương tưởng nhớ vị đức Thánh Cả, Thành Hoàng của làng mà nơi đây còn là không gian diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, trong đó phải kể đến hoạt động trình diễn dân gian ngũ trò được tổ chức hằng năm vào dịp lễ hội của đền. Nói đến lễ hội đền Thiên Linh, theo thần tích Nghiêu Sơn đại vương, đền được xây dựng từ thời Tiền Lê nhưng hội đền phải đến thời Hậu Lê mới được tổ chức. Hội đền hằng năm diễn ra từ đầu tháng giêng (âm lịch), kéo dài trong vòng 3 ngày, từ ngày mùng 10 đến ngày 12 (hoặc sớm hơn, từ ngày mùng 7 đến ngày mùng 10). Cũng như hầu hết các lễ hội gắn với hoạt động văn hóa tâm linh khác, ngày đầu tiên của kì lễ là khoảng thời gian dành cho hội tế và rước kiệu đưa thần. Ngày thứ hai diễn ra sôi nổi với các trò múa hát tại sân đền thờ thánh và các thần. Ngày thứ ba không khí lễ hội vẫn sôi nổi, tưng bừng với các trò diễn khôi hài khác như trò tứ dân (Ngư, Tiều, Canh, Mục hoặc Sĩ, Nông, Công, Thương); trò Bách Nghệ (nghề rèn, nghề mộc, nghề đan, nghề gốm...). Biểu diễn ngũ trò là hoạt động tiêu biểu, trở thành điểm nhấn trong lễ hội đền Thiên Linh, được người dân hai làng: Thiên Linh Đông và Thiên Linh Đoài chăm chút đến từng cử chỉ, động tác. Theo các cụ cao niên trong làng, ngũ trò thường được biểu diễn tại sân đền Thiên Linh bao gồm các trò: Tú Huần, Quân Thuyền, Văn Vương, Trống Mõ, Tiên Cuội. Trong đó, trò Tú Huần, trò Quân Thuyền là hai trò được biểu diễn hằng năm, là linh hồn của lễ hội.

Trò Tú Huần được trình diễn với hình tượng người mẹ: Đầu đội khăn xếp màu đỏ, màu xanh với màu trắng quấn phía trong; yếm cổ quay màu trắng, mặc áo tứ thân màu nâu; váy quay dài chấm gót màu chàm hoặc màu đen, khăn thắt lưng màu canh pha chút sắc đỏ, thắt ngang, bỏ mối trường trước; kiềng bạc đeo cổ, vòng bạc đeo tai, đeo tay; tay cầm trống tiểu cổ (trống con có cán), bưng hai mặt. Người con được đội nón vàng (giống nón dấu của lính thời xưa), chỏm nón cắm lông gà, áo xanh vàng nẹp đỏ hoặc áo đỏ có nẹp xanh, không có tay, cài khuy vải giữ bụng. Cổ áo viền bốn cái hoa lớn màu đen (còn gọi là lá đề). Người diễn vai con phải mặc quần dài màu trắng có hai sọc đen chạy thẳng theo chiều ống chân, quấn xà cạp màu đỏ; năm quân cầm mỏ nhỏ, năm quân cầm sênh ngắn. Nội dung trò diễn Tú Huần chia làm 3 phần: Phần đầu trò (màn chào hỏi), thân trò và kết trò vang lên theo từng hồi trống, nhịp sênh.

Cùng với trò Tú Huần, trò Quân Thuyền cũng được xem là một trong những trò diễn độc đáo của ngũ trò trong lễ hội đền Thiên Linh. Trò Quân Thuyền được tổ chức với 12 người chơi, chia thành 10 quân và 2 cái. Trước kia quy định nghiêm ngặt, người tham gia trò Quân Thuyền phải được tuyển chọn từ những cô gái đang độ thanh xuân, chưa chồng chứ không đơn giản chỉ là chị em trong xã như bây giờ. Đạo cụ để thực hiện trò diễn Quân Thuyền bao gồm: 10 bai chèo, 10 quạt giấy, 1 trống, 1 mèng (chiêng). Trang phục biểu diễn được chuẩn bị cầu kì, tỉ mỉ, thay đổi theo từng triều đại lịch sử. Thời Tây Sơn, trang phục áo dài 3 cái (áo mớ ba) màu đỏ bên ngoài, vàng giữa, xanh trong. Đến thời Nguyễn, để tránh rườm rà đã chuyển áo xanh mặc ngoài, khăn trùm màu xanh hoặc màu đen. Thời Pháp thuộc, áo mặc ngoài không thay đổi nhưng đầu đội khăn nhiễu, khăn trùm đỏ lập ngang, lưng thắt khăn xanh lẫn vàng bỏ mối trước bụng, yếm trắng quần đen. Vòng tai lớn và vòng kiềng bạc đeo cổ. Trò Quân Thuyền được chia thành 4 phần: Phần giáo đầu, phần chèo chải, phần chèo chạy, phần múa quạt. Khi diễn, hai cái đi đầu, cái cầm trống đi thứ nhất, cái cầm mèng đi thứ hai, dẫn đàn con thong thả đi theo sau theo hàng một rồi đi theo hình chữ “nhất” trước hương án thờ hoặc trước thềm ngọc bệ rồng (mang tính tượng trưng). Trống tiểu cổ đánh một tiếng thì mèng lại đánh một tiếng, tất cả quỳ bái. Sau khi quỳ bái xong, tất cả đi lùi xuống giữa chiếu, 10 quân chia thành đôi, hướng về ban thờ đức thánh mà ngâm nga hát. Hát rằng:

“Chiềng làng lẳng lặng mà nghe

Khóa ni ông nghè, khóa nữa quận công

Quận công rồi lại quốc công

Những ông đô vệ ngồi trong áng này

Là vốn đất này thiềng nổi quan cao

Bốn bên long hổ chầu vào

Đất này thường nổi quan cao đời đời”

(Trích đoạn chèo chải trong trò diễn Quân Thuyền)

Dường như, các trò diễn dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Quảng Yên. Thông qua các trò diễn dân gian này đã thể hiện được sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh thần cố kết cộng đồng làng, xã và sự lạc quan, yêu đời của con người nơi đây. Hơn thế nữa, chính từ sự kết hợp khéo léo giữa sinh hoạt văn hóa tâm linh với hoạt động nghệ thuật văn hóa dân gian đã góp phần to lớn vào công cuộc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức bị mai một bởi thời gian và chính sự lãng quên của những người trong cuộc.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]