(Baothanhhoa.vn) - "Nói láo” mà chơi, nghe láo mà chơi/ Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi/ Chuyện đời đã chán không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời” – nhà báo, nhà văn chiến sĩ, cơ sở tình báo của cách mạng đã mở đầu cuốn hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” của mình một cách trào lộng, ngông nghênh, tài tử như thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng:

Cuốn hồi ký phản đề về một cuộc đời nhà báo và một thời kỳ báo chí đầy biến động

"Nói láo” mà chơi, nghe láo mà chơi/ Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi/ Chuyện đời đã chán không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời” – nhà báo, nhà văn chiến sĩ, cơ sở tình báo của cách mạng đã mở đầu cuốn hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” của mình một cách trào lộng, ngông nghênh, tài tử như thế.

Cuốn hồi ký phản đề về một cuộc đời nhà báo và một thời kỳ báo chí đầy biến động

Tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo” của nhà báo Vũ Bằng.

Với kết cấu gồm 5 phần, thông qua từng chi tiết, sự kiện cùng với lối viết thông minh pha chút hài hước, dí dỏm; cuốn hồi ký không chỉ phác họa lại quá trình trưởng thành của một nhà báo nổi danh. Rộng hơn cả, cuốn hồi ký đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một đời người để làm sống dậy cả một thời kỳ báo chí đầy biến động.

“Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo” – dường như đã dự cảm trước được điều nghi ngại, phân vân của người đời với nhan đề cuốn hồi ký của mình nên ngay từ những trang viết đầu tiên, Vũ Bằng đã “dám nhận huỵch toẹt ngay là mình “nói láo”, mình ưa “nói láo”. Tuy nhiên, đó chỉ là “một chút khẩu dạng chơi chơi và ngang ngang thường thấy ở Vũ Bằng” chứ tôi tin chắc rằng, sau khi đọc hết gần 400 trang hồi ký này, “nội dung nghiêm cẩn” của cuốn sách sẽ đưa người đọc đến những ý niệm về việc “nói láo” mà Vũ Bằng đề cập đến khác hẳn với nghĩa đen tầm thường mà nhiều người thường nghĩ. Vì thế, tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi năm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo” vì tác giả nhận thấy rằng “nói láo” là một cái vinh dự, làm nghề “nói láo” là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang”.

Vũ Bằng sống và gắn bó với nghề báo bằng tất cả niềm đam mê. Viết hồi ký, ông thẳng thắn bộc bạch: “Tôi chỉ biết một điều: Thích thì làm, thích làng báo thì viết báo, chớ cũng chẳng xây mộng lớn lao gì hết. Đối với nghề báo, tôi không đứng ở thái cực nào. Tôi chỉ nhớ rằng thuở nhỏ tôi ưa đọc sách là vì nhà là nhà bán sách, ngoài thời giờ học bài, tôi phải ngồi bán sách, xếp sách để gửi bán đi khắp nước. Lúc rảnh, tôi vồ lấy sách để đọc; từ đọc sách tôi thích đọc báo, đọc mãi thấy hay hay thì tôi làm thơ, tôi viết báo, thế thôi, chớ chẳng phải vì lý do gì hết”. Ông chấp nhận đi ngược lại với con đường tươi sáng mà gia đình đã dự liệu cho tương lai của mình để khổ sở, lăn lộn vào nghề báo. Và khi cái bài báo đầu tiên, đặc biệt nhất trong đời Vũ Bằng được đăng lên báo, ông chính thức “mê nghề báo từ lúc đó”.

Đọc “Bốn mươi năm nói láo”, người đọc có được hình dung tổng quan về một giai đoạn đầy biến động của nghề báo ở nước ta. Từ những tư liệu chân thực, sinh động, cuốn hồi ký khắc họa lại quá trình hoạt động của các tòa báo tiêu biểu thời kỳ đó như: Thực nghiệp của ông Mai Du Lân, Trung Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Khai hóa của ông Bạch Thái Bưởi, Bắc kỳ thể thao của Nghiêm Xuân Huyến... Cũng tại đây, trong cuốn hồi ký này, bạn đọc có điều kiện “gặp gỡ”, “tiếp xúc” và hiểu được một phần nào đó cuộc đời và sự nghiệp của những gương mặt báo chí, văn học nổi danh như: Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Hoàng Tích Chu, Ngọc Thỏ - Dương Mầu Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố...

Lần theo các dấu mốc gắn liền với sự nghiệp của Vũ Bằng từ lúc còn là “kẻ mê làm báo” cho đến khi ông trở thành nhà báo “chánh thức bà lang trọc”, hoạt động sôi nổi, tích cực, dài hơi suốt từ những năm 30 đến năm 1954, cuốn hồi ký nêu bật lên những bài học kinh nghiệm vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn cho các thế hệ người làm báo mọi thời đại.

Đó là bài học về sự ảo tưởng giá trị của bản thân. Khi đã bước chân vào nghề báo, bạn đừng bao giờ tự cho mình là tài giỏi và cái tài của bạn đủ sức đứng trên thiên hạ. Nếu không thì chính bạn sẽ là người tự chuốc lấy tai vạ và tự đóng lại cánh cửa vào nghề của mình. Chính như Vũ Bằng thừa nhận: “Bây giờ ngồi nghĩ lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, tôi cảm thấy nhục nhã, ê chề vô cùng, nhưng biết làm sao được? “Đợt sóng mới” mà! Bao giờ sống trong “đợt sóng mới”, lại không có những con “dê cỏn buồn sừng”, những con ngựa mới được ra quần trên cỏ, tưởng đâu trên thì trời, dưới thì đất, giữa chỉ có một mình mình “thiên hạ độc tôn”. Và rằng, bất kỳ một nhà báo lão thành nào đều đã từng trải qua giai đoạn “học việc”. Vì lẽ đó, đằng sau thành công của họ ngày hôm nay là chuỗi dài thất bại - nỗ lực - cố gắng – vươn lên.

Qua những cuộc trò chuyện, “tếu táo”, thậm chí có lúc cãi nhau của những gương mặt báo chí tiêu biểu ấy đã để lại nhiều bài học sâu sắc. Hình ảnh ông chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh “đập cái nón “cô lô nhần” xuống bàn và nói về cái ước mong báo chí nước ta có được một địa vị cao như báo chí các nước Âu châu: “Thực ra, muốn cho người ta nghe, muốn cho người ta lưu ý, muốn là đệ tứ quyền, báo phải luôn luôn có tính năng đấu tranh và xây dựng: Khuyến khích điều tốt là xây dựng; ngược lại, hoặc công khai, hoặc dùng mánh lới để phanh phui cái xấu, nói rõ sự thật phũ phàng, cũng không ngoài mục đích xây dựng – xây dựng cho sự vươn lên của xã hội, sự tồn vong của giống nòi”. Đối với ông Vĩnh: “Báo chí là tiếng nói của dân, binh vực quyền lợi cho dân, không thể không nói lên những sai lầm của Chính phủ, những sơ hở của chế độ và đưa ra những khía cạnh bất lợi của chính phủ đối với dân. Nói rút lại, người làm báo không thể để cho ngòi bút của mình tủi hổ. Cố nhiên, muốn được như thế, báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, mà người làm báo, cũng như các nhà cách mạng, chính trị, thường không tránh được bị vu cáo, bị tù đày hay bị thiếu thốn về vật chất”. Chỉ qua một đoạn ký ức hiện hữu giữa những cơn mơ chập chờn nhưng những nhận định của ông Vĩnh đủ sức khái quát nên vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong đời sống xã hội. Hơn hết, những lập luận, nhận định của Nguyễn Văn Vĩnh trở thành bài học đắt giá, tấm gương để mỗi nhà báo khi hành nghề phải soi chiếu vào đó để nhận thức đúng đắn về công việc của mình. Trong quá trình viết bài, người cầm bút cần “thực tế hơn ai hết, không bao giờ dám chủ quan quá mức. Cũng như lúc viết tin, viết bài, thỉnh thoảng lại ngừng bút lại tự hỏi: “Viết thế này có hớ không?”, người viết báo, vào lúc mưa chiều gió sớm, ngồi gục xuống lòng mà nghe con tim nói chuyện, cũng tự hỏi: “Văn chương của ta có phải là của ta hay chưa?”, “Báo chí ta làm đã nói lên được gì khát vọng của ta chưa?”, “Ta đã đóng góp được gì cho lịch sử văn hóa dân tộc chưa”. Chính như Vũ Bằng, trải qua bao thăng trầm, biến ảo cùng nghề, khi bình tâm ngẫm nghĩ lại “câu chuyện của một bực đàn anh” vẫn không khỏi chạnh lòng mà thừa nhận rằng: “Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình yếu quá trước một nhiệm vụ quá lớn lao”.

Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng dành một góc nhỏ trước khi kết thúc cuốn hồi ký của đời mình để kể câu chuyện về Antigone – loài hoa tím rướm máu. Câu nói của Antigone dường như cũng là tiếng lòng của Vũ Bằng thổn thức cất lên: “Ta sinh ra là để yêu thương, chớ không phải để căm hờn”. Quả thực, cả cuộc đời Vũ Bằng say mê và hy sinh tất thảy cho nghề báo, cho dân tộc - nào có màng chi: Sứ mệnh thì lớn mà người làm báo thường thường lại gian nguy, thiếu thốn, nhưng họ cứ làm báo, cứ say sưa, cứ vượt hiểm nghèo... miễn là đạt được lý tưởng của mình. Phải chăng đó là tất cả cái vô lý nhưng cũng là tất cả cái cao thượng vượt bực của nghề...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]