(Baothanhhoa.vn) - Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, quê ở làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Năm 1998, anh tốt nghiệp khoa Báo chí (Phân viện  Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cui xuống mà thương phận người

Cui xuống mà thương phận người

Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, quê ở làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Năm 1998, anh tốt nghiệp khoa Báo chí (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Anh đã có thời gian làm phóng viên cho Báo An ninh Thế giới, Tạp chí Thanh Niên, Báo Thanh Niên. Hiện nay, anh là phóng viên của Báo Lao Động. Đỗ Doãn Hoàng đã được đông đảo bạn đọc quý mến bởi những tác phẩm báo chí thuộc thể loại phóng sự, bút ký, truyện ngắn... Đặc biệt là những phóng sự điều tra, phóng sự xã hội trong đó có những phận người “bé mọn” khiến anh dành nhiều tâm sức dõi theo, đeo bám và với trái tim nhân ái luôn cúi xuống cảm thông, nâng đỡ những thân phận dễ bị tổn thương, cay đắng, không có khả năng phòng vệ trước cái ác và sự lừa dối.

Ngoài bốn mươi tuổi anh đã có gần hai mươi tập sách in riêng, trong đó có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Trần gian còn một thứ nghề (phóng sự, 2000), Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha (phóng sự, 2003), Người đàn bà tử tế (phóng sự, bút ký, 2005), Ký sự đồng rừng (phóng sự, bút ký, 2005), Nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương (phóng sự, bút ký, 2007), Nến cong và lửa thẳng (phóng sự, 2005), Sông Đà rồi lại Sông Đà (bút ký, 2006)... Và mới đầu năm 2019, anh cùng lúc cho ra mắt ba tập sách, gồm: Tập phóng sự “Trong tận cùng hang ổ”, tập truyện dài “Búi Thông thơ dại” và tập bút ký “Ở lại với ngàn sao”. Anh cũng đã đoạt các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi Truyện ngắn Báo Tuổi trẻ năm 2008, hai giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Với tập phóng sự “Trần gian còn một thứ nghề” xuất bản năm 2000 và “Trong tận cùng hang ổ” đã đưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lên một vị trí cao trong lòng bạn đọc cả nước. Đọc những phóng sự đó của anh, bạn đọc đồng thời được trải nghiệm bao câu chuyện lạ mà có thật ở nhiều sắc thái từ những bãi sa bồi, tới hải đảo xa xôi, hay chui sâu xuống hầm lò, vào trại giam, theo chân người pháp y, vào nhà xác, lênh đênh theo những dòng sông xa lắc, hay dập dềnh trên sóng biển bao la... Ở đâu trên dải đất hình chữ S này anh cũng đều đặt chân tới chẳng những để kể cho bạn đọc biết về vẻ đẹp của đất nước Việt Nam mà còn phát hiện ra nhiều vụ án ly kỳ, những chuyện đời đau khổ, những tư tưởng, hủ tục, những công việc thầm lặng mà cao quý với những cứ liệu chân thật, văn phong lưu loát ẩn chứa tâm hồn nhân văn sâu sắc. Trong tập phóng sự Trần gian còn một thứ nghề, Đỗ Doãn Hoàng đã lựa chọn được những con người đại diện được cho một lớp người ít được học hành, do hoàn cảnh nghèo khó và kể về họ với nỗi chua xót nghẹn ngào. Với cách viết hồn nhiên, lấy ngôn ngữ địa phương đan xen vào câu chuyện kể như nhân vật Huỳnh Thị Cua thuộc dân tộc Khơme ở xã Thuận Hòa, thành phố Bạc Liêu, mới 39 tuổi đã sinh 12 lần, chẳng may chết mất hai đứa con, số còn lại chị cũng không nhớ hết tên: (Chị bảo: “Mình cứ tưởng đưa nó đi Campuchia là giúp nó thoát đói nghèo lắm à...”. Mình tin, chị ta nói thật đấy. Lúc mình đến, một nồi cơm to nằm ở giữa nhà, đàn con vây quanh, thức ăn chỉ là một rổ bầu luộc và đĩa muối trắng, từng hạt to đoành. Quay đi quay lại miệng nồi vẫn bốc khói mà lũ nhóc đã “bục” hết cả. Chị khóc: “Tui đi tù, chắc đàn con tui chết mất!”. Thế là, đồn công an lại phải xúc cho chị mấy cân gạo của đồn rồi thả chị về... để chị cho con bú). Chị Huỳnh Thị Cua là một điển hình cho những người nghèo trong xã hội, ít được học hành, hạn chế hiểu biết. Dễ dàng nghe kẻ xấu lường gạt, sẵn sàng đưa con mình, cháu mình sang Campuchia làm ăn nhưng rồi họ đã bị bán vào đường dây gái mại dâm. Những anh chàng làm nghề lái xe ôm cũng được Đỗ Doãn Hoàng nhắc tới trong bài “Binh pháp xe lai”, nhà báo kể về những người lái xe ôm miệt rừng mà tay họ bị chai sần đến mức: (Anh ta ngồi trước cây đèn dầu ở dốc Bù Chồng Cha, dùng dao lát từng miếng thịt của cục chai to như quả trứng gà ở lòng bàn tay mình ra mà... đốt. Mùi thịt “nướng” khét mù xông lên trong ngôi nhà sàn của Nậm Nhoóng”.

Với phóng sự “Coi nhà xác - Trần gian còn một thứ nghề”, anh là người đầu tiên viết tới nghề hy hữu, đầy nhân đạo này. Cái nghề mà hàng giờ người ta phải tiếp xúc với những xác người chết, phải trực tiếp vận chuyển, trông coi, mổ xẻ, chắp nhặt, an liệm và mai táng... Thật đáng nể những người làm công việc ấy nhưng mấy ai biết đến họ, ngay cả gia đình của những người làm công việc này cũng không hề hay biết. Khi đọc những phóng sự này chúng ta đều cảm nhận trái tim nhân hậu và trách nhiệm người cầm bút trước những con người đã hy sinh thầm lặng trong lĩnh vực công việc của mình đối với xã hội.

Bên cạnh những bài phóng sự xã hội, anh còn có nhiều bài phóng sự điều tra về các vụ án phá rừng đã thu hút bạn đọc trên Báo Lao Động như anh đã chia sẻ: “Chợ pơmu họp giữa đại ngàn của những tay cộm cán như thổ phỉ, hương gỗ mới đẵn thơm ngát như hương trầm tống tiễn những báu vật thiên nhiên của đất nước ông bà. Trong đó có cả những cán bộ từng làm trong ngành công an, kiểm lâm bị phóng sự của chúng tôi tố cáo, nhiều người đã dính “án” nặng”.

Không chỉ đi qua nhiều vùng, miền trong nước, những trang phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng đã vươn sang tận các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ... Anh đã chia sẻ về những chuyến đi đó: “Lần nào sang Nam Phi, tôi cũng may mắn được “cấp” một cái trực thăng, đi với lủng liểng súng ống của lực lượng bảo vệ khu rừng đặc dụng vào loại lớn nhất thế giới Kruger. Đi đến tận cùng, 16 giờ chưa được ăn trưa là thường. Chúng tôi chứng kiến tê giác, voi rừng và nhiều hoang thú tuyệt mỹ sum vầy như miền tiên cảnh. Tiếp đến là thảm cảnh bọn ác giết hại tê giác. Máu con vật phun ra, đỏ ối trên cát trắng. Mắt, dương vật và tất nhiên cả sừng của linh vật này đều bị cắt, khoét tàn độc. Mỗi lần đi đến tận cùng trong các chiều kích của cảm xúc và của vỏ trái đất như thế, đau thì vẫn đau, hân hoan thì vẫn hân hoan. Tôi gọi đó là sự mê dụ của nghề phóng sự.

Không bị mê dụ, không có cảm giác biết ơn số phận sao được, khi mà nghề phóng sự đã cho tôi được đặt chân đến con đèo cao nhất thế giới mà có xe cơ giới có thể đi qua (ở Tây Tạng). Rồi chứng kiến quả núi lạ lùng mà ở đó người ta làm lễ, chặt xác người quá cố ra, dụ kền kền đến đem từng miếng trần gian trong tủy cạn lên giời (điểu táng). Lại có một bình minh lang thang trên sông Hằng, tận thấy cư dân Ấn Độ hỏa táng cập rập với bao nhiêu thi thể người rồi rải tro cốt xuống bến nước chúng tôi đang nhẩn nha cho chim nước ăn. Đi đến tận cùng vùng Tam Giác Vàng, nơi từng sản xuất tới 70% lượng ma túy trên trái đất, tôi đã được đặt chân đến doi đất nằm giữa ngã ba sông, giáp ranh Lào, Thái, Myanmar; đến tận cái làng “chôn nhau cắt rốn” mà “Vua Thuốc Phiện” (Hoàng Tử Chết) Khun Sa để viết về “Tiếng gà trưa ở Tam Giác Vàng”.

Nghề báo là một nghề gian nan, vất vả nhưng phải dấn thân và dũng cảm mới thành “cây bút”. Nghề báo đã chọn Đỗ Doãn Hoàng và Đỗ Doãn Hoàng đã vì yêu nghề mà chọn đam mê luôn phiêu bạt trên những con đường đi đến với bao số phận bé mọn để chia sẻ, cảm thông và cất lên tiếng nói về số phận con người đồng thời cất lên tiếng nói mạnh mẽ tố cáo cái ác trước ánh sáng công lý. Đúng như anh đã tự nói về mình: “Sự chứng ngộ trên những chặng đường tôi trải nghiệm, tự nó luôn có một sức mê dụ đầy ám ảnh và hoan hỉ. Tôi xin cảm ơn tất cả!”.

Viên Lan Anh


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]