(Baothanhhoa.vn) - Ở mỗi làng quê Việt Nam, người nông dân bao đời chân lấm tay bùn đã bầu bạn cùng cây lúa, củ khoai, đàn gà, đàn lợn... In dấu trong những tâm hồn chất phác, đôn hậu, thuần khiết ấy là những ước mơ từ ngàn đời về một cuộc sống no ấm, bình yên và từ đó, họ đã hình thành nên một nền văn hóa dân gian đáng trân trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con Lợn trong dòng chảy văn hóa dân dân gian người Việt

Ở mỗi làng quê Việt Nam, người nông dân bao đời chân lấm tay bùn đã bầu bạn cùng cây lúa, củ khoai, đàn gà, đàn lợn... In dấu trong những tâm hồn chất phác, đôn hậu, thuần khiết ấy là những ước mơ từ ngàn đời về một cuộc sống no ấm, bình yên và từ đó, họ đã hình thành nên một nền văn hóa dân gian đáng trân trọng.

Con Lợn trong dòng chảy văn hóa dân dân gian người Việt

Lợn là con vật biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy.

Con lợn – biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy

Hình ảnh quen thuộc hằng ngày ta thường bắt gặp đâu đó nơi quê cũ: Đi làm đồng về, người chồng dựng vội cái cày, cái cuốc, với cái ấm tích, cái điếu cày, làm một hơi sảng khoái, trong khi người vợ tất tả ném vội nắm thóc cho đàn gà, ngó vào chuồng lợn để chuẩn bị một nồi cám thơm phức. Những chú lợn đói ăn ủn ỉn giục giã, cuống quýt trong chuồng. Cả một không gian ấm cúng, quen thuộc tự bao đời. Trong cái nồng ngái của mùi rạ rơm phảng phất mùi cám lợn trong khói bếp bảng lảng... ta như được sống trọn vẹn trong một không gian an bình nơi quê hương gần gũi.

Bởi gần gũi, gắn bó, người dân đã cho phép hình ảnh những con vật thân quen ấy được hiện hữu trong văn học, thi ca, hội họa và cả trong nền văn hóa cổ thần bí Phương Đông.

Con Lợn trong dòng chảy văn hóa dân dân gian người Việt

Lợn là con vật cuối cùng trong 12 con giáp theo thuật tính Can - Chi.

Theo đó, trong 12 con giáp theo thuật tính Can – Chi, con lợn xếp vị trí cuối cùng, đồng thời đứng cuối trong lục súc. Và trong quan niệm văn hóa dân gian, con lợn thuộc dòng Âm, biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục và sự nhàn nhã, sung túc. Chẳng thế mà người xưa từng có câu “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”.

Trong phong tục tập quán của người Việt, hình ảnh con lợn xuất hiện trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của cuộc đời một con người, từ đám cưới đến đám ma, đám giỗ hay trong các lễ hội và phong tục “đụng lợn” vốn đã rất quen thuộc mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đặc biệt, thủ lợn (cùng với mâm xôi) là phẩm vật mang tính thiêng dùng trong lễ cúng và các lễ nghi quan trọng, nhằm biểu lộ sự thành kính đối với tổ tiên, thần thánh.

Trong văn hóa ẩm thực, thịt lợn đóng vai trò là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn của mỗi gia đình. Nó có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau, trong đó có nhiều món tạo nên thương hiệu ẩm thực Việt Nam như món chả nướng trong bún chả; có món tạo nên nét riêng của ẩm thực vùng miền như: bún bò giò heo (đặc trưng văn hóa xứ Huế), bún nem (miền Bắc), chả giò (đặc trưng miền Nam)… Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thịt mỡ là món ăn không thể thiếu. Có lẽ vì thế mà dân gian xưa có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Có thể nói, lợn không chỉ xuất hiện trong đời sống sinh hoạt, trong phong tục truyền thống của người Việt, mà còn được hình tượng hóa vào ngôn ngữ nghệ thuật với những biểu trưng đa diện, đa sắc thái. Trong nghệ thuật dân gian, hình tượng lợn đã được các nghệ nhân thể hiện rất sinh động, tinh tế và ấn tượng với sự khái quát của đường nét, không gian ước lệ và màu sắc mộc mạc.

Đó là hình ảnh chú lợn trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại quen thuộc của người dân. Gắn liền trong nếp sống của những người nông dân chất phác, con lợn béo tốt là kết quả lao động thành công bao năm tháng của họ. Con lợn là niềm vui, là nơi họ gửi gắm tình cảm: “Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Bên cạnh đó, dân gian ta còn tạo dựng kho kinh nghiệm sống, quan niệm sống, triết lý nhân sinh sâu sắc liên quan đến con lợn: “Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo bộ lòng mới ngon”…

Con Lợn trong dòng chảy văn hóa dân dân gian người Việt

Tranh “Lợn ăn củ ráy” trong tranh Đông Hồ.

Trong hội họa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Tất cả màu sắc được các nghệ nhân Đông Hồ cấu trúc miếng mảng cho tranh đàn lợn rất có hồn và chiều sâu. Bức tranh "lợn đàn" là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, mang ý nghĩa phồn thực sinh động. Lợn mẹ màu trắng, mắt lim dim. Năm lợn con nô đùa bên mẹ, con xanh, con đỏ, con hồng, con tím, con vàng hay bức tranh Lợn ăn củ ráy là khoảnh khắc của sự hòa hợp với thiên nhiên.

Vẽ ra con lợn, nghệ nhân phác họa thế giới của mình, từ những lam lũ gieo neo vươn tới giấc mơ no ấm, sum vầy đông đúc. Nghệ nhân Đông Hồ còn chạm khắc hình trang trí vân tròn xoáy âm dương giàu tính ttriết lý phương Đông: “thiên, địa, nhân”, trời đất thuận hòa, người người ấm no.

Con lợn – biểu tượng của văn hóa đa niệm

Lợn là loài vật biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy, tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, loài vật này không mang biểu tượng thuần nhất mà ở nó có sự đan cài, đối nghịch nhau. Bởi, trong dân gian, triều trường hợp, sự xuất hiện của con lợn vẫn mang nhiều ý nghĩa tiêu cực.

Trong văn học cổ, lợn bị coi là biểu tượng cho trần tục, ngu dốt, có lẽ vì vậy nó luôn có mặt nhiều trong giai thoại trào phúng xưa. Nguyễn Công Trứ từng dùng hình ảnh lợn để chỉ cảnh nghèo túng: “Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng buổi kêu. Đầu giường chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ”. Còn đối với văn học đương đại Việt Nam, hình tượng lợn cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Nguyễn Xuân Khánh đã rất độc đáo và tài tình viết nên tiểu thuyết với nhan đề “Trư cuồng”, sau đổi thành tên “Chuyện ngõ nghèo”. Trong tiểu thuyết, con người đa diện với phần con và phần người, trộn lẫn xấu - tốt, cao thượng - thấp hèn. Cái phần con được tác giả miêu tả là phần lợn, là bản năng, thích khoái lạc, ngu si.

Tuy có những ý niệm khác nhau trong văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, song lợn vẫn là loài động vật đồng hành với nhân loại từ thủa sơ khai. Hình tượng lợn qua quá trình dịch chuyển, thẩm thấu, biến hóa trong đời sống con người, nó chuyên chở những biểu trưng văn hóa, ngôn ngữ độc đáo của người dân nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]