(Baothanhhoa.vn) - Trong đời sống văn hóa – nghệ thuật người ta biết nhiều đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đăng Văn, một người quay phim, một người viết thư pháp có phong cách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chân dung những con người trong Miền ký ức (tập 2) của Đăng Văn

Chân dung những con người trong Miền ký ức (tập 2) của Đăng Văn

Trong đời sống văn hóa – nghệ thuật người ta biết nhiều đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đăng Văn, một người quay phim, một người viết thư pháp có phong cách.

Gần đây, trên văn đàn người đọc được biết thêm một Đăng Văn viết văn rất có duyên. Riêng với thể loại bút ký, chỉ trong một thời gian ngắn anh đã cho trình làng hai tập Miền ký ức do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Anh tâm sự: “Tôi không có ý định làm nhà văn, cũng hoàn toàn không có tham vọng cầm bút tung hoành trên cánh đồng chữ nghĩa, đơn giản những câu chuyện tôi viết ra từ cảm xúc của một người yêu thích văn chương, yêu thích cuộc sống, quý trọng tình đời nhân thế. Những câu chuyện, những ký ức là những trải lòng tôi muốn ghi lại, chắp nối bằng những chiêm nghiệm vui buồn đậm chất hồi ức đã đến với tôi, bên tôi và mật thiết, nó sẽ còn mãi với thời gian vô tận...”.

Văn chương xưa nay vẫn thế! Đâu cứ muốn, cứ có tham vọng là chiếm được chỗ đứng trong lòng người đọc. Tất cả là ở năng lực văn chương và cảm xúc chứ không phải ở ý định, hay tham vọng của người viết. Điều thành công trong Miền ký ức là ngoài ý định, ngoài tham vọng của anh.

Qua 15 bút ký trong tập Miền ký ức - tập 2 này có thể nói Đăng Văn đã dựng lại rất thành công chân dung những con người mà anh từng gần gũi, gắn bó, yêu thương, nể trọng. Đó là những con người có lai lịch, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, mỗi người một dáng vẻ, một lối sống, một số phận riêng, nhưng tất cả đều dung dị, hòa đồng với những nét chung trong hàng chục triệu con người người Việt Nam... Họ không là những nhân vật danh tiếng trên đời nhưng chân dung của họ rất đẹp, như “Ngọc giữa đời thường”. Từ chân dung của những con người đó, Đăng Văn đã gieo vào lòng người đọc những nghĩ suy về nhân cách, về tâm hồn, về lòng nhân ái, sự bao dung, về tài hoa và sự âm thầm cống hiến, về những nét đẹp ứng xử giữa người với người, giao thoa giữa hôm nay với những điều xưa trước và những lay động cho hậu thế. Những chân dung này là người ở nhiều vùng quê, nhiều nghề nghiệp, nhiều trình độ; mỗi người mỗi cuộc đời, mỗi số phận rất riêng, tự thân làm chủ, vận hành cuộc đời mỗi người mỗi cách khác nhau nhưng đều nặng sâu nhân tình, thế thái.

Đó là hình ảnh bà nội trong bút ký Bà nội luôn lắng đọng trong tâm khảm người lính Đăng Văn: “hình ảnh bà tôi băm bèo thái chuối, hình ảnh bà tôi xay lúa giã gạo; mặc đêm khuya buốt giá bà tôi cặm cụi giúp mẹ tôi từng bó rau hành, tỏi để cho kịp sáng mai mẹ gồng gánh đến chợ phiên... Hình ảnh của bà tôi cứ ập đến rồi chập chờn, phảng phất trong trí nhớ... dáng bà cong cong hình lưỡi liềm, cứ thế ập vào trong mỗi phiên gác, từng đêm dài canh thâu, đi theo tôi, động viên tôi theo mỗi bước hành quân, hay những lúc gian nguy trong đời binh nghiệp” (Bà nội – trang 8). Đó là hình ảnh Người Cồn Sỏi vươn lên từ đôi bàn tay cần cù lao động và một sự khát học đến bỏng rát cuộc đời. Đời cha mẹ chắt chiu lam lũ quyết tâm nuôi cho con cháu học hành nên người. Đó là Những người bạn lính mà “về già tôi kịp nhận ra: Những đồng đội của tôi luôn là người lính đôn hậu, tự tin ở mỗi công việc, trong khoảnh khắc cuộc đời” như Lão Hiếu hay “người anh mẫu mực từ đời lính đến đời thường” như Đốc Huyền... Đó là chân dung một Gia Phan được mệnh danh là Người họa sĩ đồng quê với nhiều tài lẻ nhưng có máu lãng du, 40 tuổi mới lấy vợ với một ngày hôn lễ in đậm mãi trong ký ức của người làng Phượng: “Người ta không thấy chú rể đèo cô dâu trên xe đạp như mọi đám, mà lại thấy cô dâu lông mày cong vút, môi tô son đỏ chót hình quả tim trong bộ váy hai tầng trắng tinh, hai bên vai bồng lên như bộ áo của kỵ sĩ bò tót trong trường đấu, rất bình thản, vô tư, cô đèo chú rể trên chiếc phượng hoàng xích hộp màu xanh cánh trả. Đến chỗ đông người mấy ngón tay lia lịa gạt núm chuông. Chú rể Gia Huy thì ung dung chỗm chệ ngồi phía sau, hai chân vắt vẻo, gương mặt tươi cười vui vẻ...”.

Phục về tài năng, kính trọng về nhân cách và hình như còn có duyên nghề nghiệp với nhau nên NSNA Tào Hòa, Trần Đàm đã được anh nhìn từ nhiều góc độ và khắc họa rất sắc nét. Một Trần Đàm “bao giờ cũng chỉn chu với công việc, không bao giờ bội ước với lời hứa, ông sống thủy chung trung thực, hết lòng với bạn bè”. Một NSNA Trần Đàm lúc nào cũng hào sảng với nghệ thuật nhiếp ảnh, ông nói chuyện cả ngày không hết về sáng tác, hễ rủ nhau là vác máy cùng ba lô lên đường ngay, bất luận cả lụt bão, bất luận mưa gào gió thét ông đều xông pha đến tận cùng. Ông có thể vượt hàng trăm cây số để chụp một dòng suối, một cọn nước, tìm kiếm một dải sương giăng, ông có thể nhịn đói mật phục cả ngày trời để chụp cảnh đàn cò trắng về tổ, những cánh buồm, những con thuyền ra khơi; vậy đó. Một nghệ sĩ đam mê với nghề như vậy tất yếu sẽ có những thành công trên con đường sáng tạo. Đăng Văn đã viết những dòng đầy hứng khởi về những thành công của Trần Đàm trên con đường “gắn bó” và “chinh phục” nghệ thuật nhiếp ảnh để tự hào với danh hiệu NSNA: “Ảnh của nghệ sĩ Trần Đàm không cầu kỳ câu nệ, cũng không nặng nề về trau chuốt, không thiên về sự sắp đặt. Nhưng ông lại có sự chắt lọc, khắt khe về nội dung bên trong, đưa người đọc, người xem ảnh về với thực tại vốn có như nó đã sinh ra”.

Một NSNA Tào Hòa, mà tác giả đã gọi là viên ngọc sáng của ảnh nghệ thuật, trong ký ức của anh, ông thuộc lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng đã “đột phá và thành công với ảnh nude. Đăng Văn ghi lại như sau: “Khi ảnh nghệ thuật của ông đã thăng hoa cỡ tầm quốc tế, nghĩa là ông đã có tước hiệu FIAP, ông bắt đầu chuyển sang chơi ảnh nude, một thể loại ảnh nhạy cảm, chưa thật phổ biến trong giới nhiếp ảnh cũng như giới thưởng ngoạn... vượt qua cái tuổi bát tuần nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong ông vẫn không nguội tắt, ông vẫn hăng say, vẫn đam mê ảnh nghệ thuật và rồi các tuyệt tác ấy của ông cứ mỗi ngày dày lên, để lại mãi cho ngàn sau”.

Đặc biệt trong những con người rất bình dị, thân thương đó lại ẩn chứa những tầng sâu văn hóa. Những tầng văn hóa đó đã làm nên cốt cách một con người, bản sắc một dòng tộc, một vùng quê góp phần làm nên những tinh hoa đất Việt. Trong bộn bề cuộc sống hôm nay những lớp địa tầng đó cần được khai thác để góp phần điều chỉnh thăng bằng trong sự lai tạp xô bồ của văn hóa.

Với một người mẹ lại khắc họa hình ảnh người phụ nữ nông thôn quê ở Hoằng Vinh, Hoằng Hóa “Một đời lận đận vì chồng, vì con, vất vả vì các cháu của mình... Bây giờ lẽ ra mẹ đã rất an nhàn, sống những ngày tháng năm cuối cùng của cuộc đời mẹ... nhưng mẹ vẫn cứ đau đáu một nỗi niềm: Phải làm gì đó để con cháu mình sống thật tốt, thật xứng đáng với truyền thống lâu đời của gia đình, dòng họ, lấy việc nhân nghĩa làm trọng ở đời”, để rồi khi ở tuổi gần chín mươi mẹ nói lên tâm nguyện của mình: Bàn chuyện xây nhà thờ...

Tiền các anh các chị đóng góp lâu nay nuôi mẹ, mẹ không phải dùng đến nên dành dụm lại. Việc xây nhà thờ các con nhất định phải làm! Mẹ không lo khi mình nằm xuống không có nơi thờ phụng. Mẹ chỉ mong các con nhớ mãi một điều. Thờ phụng tổ tiên là một cách tri ân những tấm lòng hiếu thảo đối với tổ tiên mình. Các con phải làm gương cho các cháu và các thế hệ sau này để không bao giờ dù chúng nó có đi đâu, về đâu, sống ở nơi nào cũng không được phép quên đi cội nguồn gốc rễ của mình. Con chim có tổ, con người có quê hương bản quán, có các bậc sinh thành”.

Ông Nguyễn Ty Niên – người con trai thứ 8 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học ở làng Phượng Đình – Nguyên Cục trưởng Cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều - trong truyện Chuyện chưa kể về bốn chàng thanh niên xung phong đất Phượng Đình đã tâm tình: “Ngày xưa các cụ ta vào đời thứ 6 đã tu luyện về địa lý, về phong thủy, tu nhân tích đức ở các chùa chiền, chỉ mong cho con cháu về sau được phát đinh, nhưng dứt khoát phải phát trí... Tức là trí tuệ phải được mở mang thì dòng họ mới phát triển hưng thịnh. Các cụ thường dạy: Người ta có thể làm giàu rất dễ dàng, thế nhưng để có được truyền thống học hành khoa bảng và kiên định ý chí thì không phải mấy ai cũng làm được”.

Hai con người ở hai trình độ, hai vị trí xã hội khác nhau nhưng những quan niệm về cuộc đời, về cuộc sống lại rất gần nhau và gặp nhau ở tầng sâu văn hóa truyền thống dân tộc.

Nghề nhiếp ảnh của anh đã giúp cho những tấm chân dung bằng ngôn ngữ này hiện lên rất có thần thái. Không ôm đồm chi tiết, không kể lể rườm rà mà rất sinh động, rất sắc nét những cốt cách, những dáng hình. Mỗi trang viết, mỗi nhân vật có một sức lôi cuốn, hấp dẫn riêng nhưng vẫn chung một “nét ảnh” Đăng Văn.

Cả một miền những Ký ức của Đăng Văn về một thời gắn bó với những con người rất riêng nhưng cũng có thể xem đó như là những lát cắt về cuộc sống của một thời; là nếp nghĩ suy làm người, làm nghề, là nhân cách, là đời sống tâm hồn của một thế hệ. Chính vì lẽ đó mà những trang viết của Đăng Văn đã vượt ra khỏi những tình cảm, những ấn tượng, những ký ức riêng tư, trở thành những trăn trở, ngẫm suy, những tình cảm, những cảm phục chung của nhiều người.

Hãy sống như thế nào để là gương cho cháu con, để là đốm sáng trong ký ức của hậu thế, để mỗi cuộc đời là một viên ngọc giữa đời thường. Ý nghĩa của những trang viết đó, giá trị nhân văn của tác phẩm Bút ký này là ở chỗ Đăng Văn đã gieo vào tâm trí của người đọc những nghĩ suy như vậy. Trân trọng những tấm chân dung về những con người. Trân quý những điều anh đã viết nên trong tác phẩm Miền ký ức này!

Lê Xuân Đồng


Lê Xuân Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]