(Baothanhhoa.vn) - Những cư dân làm nghề lái đò ngược xuôi sông Mã đã tự tạo niềm vui cho mình ngay trong những phút giây lao động nhọc nhằn, gian khó. Họ vừa lái đò, vừa thả lòng mình cùng những thác ghềnh, trời mây, sông nước để rồi tạo nên những điệu hò, những bài ca lao động độc đáo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy hò sông Mã

Những cư dân làm nghề lái đò ngược xuôi sông Mã đã tự tạo niềm vui cho mình ngay trong những phút giây lao động nhọc nhằn, gian khó. Họ vừa lái đò, vừa thả lòng mình cùng những thác ghềnh, trời mây, sông nước để rồi tạo nên những điệu hò, những bài ca lao động độc đáo.

Điệu hò sông Mã được biểu diễn trong buổi Tọa đàm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hà Trung và ra mắt Câu lạc bộ hò sông Mã và dân ca nhạc cổ.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Long (trú tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) vào một ngày cuối tháng 7-2018. Anh Long là một trong những người may mắn được các thế hệ cha ông truyền lại những điệu hò sông Mã và cũng là người đi đầu trong phong trào bảo tồn, phục hồi loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc này. Anh Long tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây từ nhỏ, bến sông trước nhà tôi, xưa kia là bến nước chợ Chiềng và là chợ ven sông lớn nhất huyện Hà Trung ngày đó. Đây là nơi xuất phát của những con đò dọc và cũng là nơi trở về sau một hành trình gian nan. Thời tôi sinh ra, các cụ Nguyễn Văn Kê, Lê Văn Khiết, Nguyễn Văn Hoành... đang còn là những trai đò lao động trên sông nước. Tôi bị lôi cuốn bởi sự độc đáo và dấu ấn văn hóa trong những điệu hò, vì vậy, mỗi khi các cụ cất tiếng hò, tôi học theo. Qua nhiều năm, những câu hò trên bến sông ngày càng thêm gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Từ xa xưa, người xứ Thanh đã cùng con đò dọc chinh phục thác ghềnh sông Mã để vận chuyển hành khách, hàng hóa lên rừng, xuống biển. Sông Mã đã trở thành một tuyến giao thông đường thủy quan trọng của tỉnh Thanh và theo đó, lái đò trở thành một nghề mưu sinh gắn bó với nhiều người. Những cư dân làm nghề lái đò ngược xuôi sông Mã đã tự tạo niềm vui cho mình ngay trong những phút giây lao động nhọc nhằn, gian khó. Họ vừa lái đò, vừa thả lòng mình cùng những thác ghềnh, trời mây, sông nước để rồi tạo nên những điệu hò, những bài ca lao động độc đáo. Những chàng trai khi bước xuống đò, giữ sào, cầm chèo trong tay thì thỏa chí vẫy vùng trong thế giới sông nước. Họ cất tiếng hò để bày tỏ tâm tư, nỗi niềm với khách đi đò bằng những lời ca dung dị, gần gũi. Những cảnh sắc tươi đẹp của sóng nước mênh mang, những thác ghềnh hùng vĩ, những xóm làng nên thơ chạy dọc theo đôi bờ sông Mã và cuộc sống sinh hoạt, lao động trên con đò dọc là nguồn cảm hứng vô tận để những điệu hò nảy nở, sinh sôi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh, hò sông Mã có 19 làn điệu, riêng huyện Hà Trung có 14 làn điệu; mỗi làn điệu đều có lời hò, nhịp điệu đặc trưng. Hầu hết, các điệu hò sông Mã được hát theo lối xướng - xô, đối - đáp. Khi bắt đầu rời bến thì có điệu hò rời bến, hò xuôi nhịp đôi 1, hò xuôi nhịp đôi 2. Suốt chặng đường chèo lái, đoàn chèo đi qua chùa thì có hò niệm phật, đi qua đền thì có hò làng văn với ca từ, nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ái. Khi gặp những khó khăn với những con thác hung dữ chảy xiết hoặc có lúc đò bị mắc cạn, các trai đò xưa thường phải lội xuống nước đẩy hai bên mạn đò để vượt qua thác ghềnh hay qua chỗ sa lầy. Từ đó, điệu hò vượt thác, hò mắc cạn ra đời. Kết thúc một cuộc hành trình, điệu hò cập bến được vang lên.

Là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc, hò sông Mã từng được xem là “thương hiệu” của văn hóa xứ Thanh, là thứ “tài sản” của riêng vùng đất này. Nhưng, hiện nay hò sông Mã đang đứng trước nhiều trở ngại, cần được quan tâm bảo tồn, phục hồi.

Được biết, đầu năm 2007, Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã ra đời do chị Trần Thị Huệ (trú tại huyện Hà Trung) làm chi hội trưởng. Chị Huệ cùng với 24 thành viên trong chi hội tổ chức biểu diễn hò sông Mã trong các chương trình nghệ thuật của địa phương. Cũng trong thời gian này, Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với UBND huyện Hà Trung và Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã tổ chức nhiều lớp dạy, học hát hò sông Mã; tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã. Tuy nhiên, sau một thời gian, do thiếu kinh phí hoạt động nên chi hội bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã không còn hoạt động như ban đầu.

Ngày 4-4-2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Công ty CP Quản lý Đường thủy Nội địa và Xây dựng Giao thông Thanh Hóa, khai trương Trung tâm phát triển du lịch sông Mã với tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” tại bến thuyền Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Được biết, trong quá trình hoạt động, khi có khách hàng yêu cầu hoặc tổ chức các sự kiện, trung tâm mời một số hội viên chi hội bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã về biểu diễn. Do vậy, hò sông Mã có cơ hội trở về với môi trường diễn xướng nguyên khai. Tiếp đó, ngày 11-5-2018, Câu lạc bộ hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ được thành lập do anh Nguyễn Văn Long làm chủ nhiệm. Một lần nữa, mong muốn bảo tồn và khôi phục di sản văn hóa phi vật thể hò sông Mã của người dân huyện Hà Trung cũng như người dân xứ Thanh có cơ hội được thực hiện.

Anh Long trăn trở: “Thế hệ trẻ bây giờ đa số hướng đến âm nhạc hiện đại, không mấy ai hứng thú, đam mê với âm nhạc dân gian. Còn một số người yêu thích không phải ai cũng có thể hò được mà phải tập luyện miệt mài, thế nên muốn truyền lại cho thế hệ sau cũng khó.

Để hò sông Mã trở thành “nền tảng tinh thần vững chắc” và phát triển bền vững cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, quảng bá hơn nữa điệu hò sông Mã trên các phương tiện truyền thông đại chúng để hò sông Mã sẽ luôn là một bản hùng ca trên sông nước của xứ Thanh.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]