(Baothanhhoa.vn) - Vùng miền núi Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số chủ yếu là: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều có đời sống vật chất, tinh thần cùng với những nét phong tục, tập quán riêng. Trong đó, trang phục truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc rất cần được bảo tổn, phát huy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc trang phục dân tộc thiểu số

Bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc trang phục dân tộc thiểu số

Nét độc đáo trên trang phục của phụ nữ Thái ở huyện Thường Xuân.

Vùng miền núi Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số chủ yếu là: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều có đời sống vật chất, tinh thần cùng với những nét phong tục, tập quán riêng. Trong đó, trang phục truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc rất cần được bảo tổn, phát huy.

Với người Thái ở Thường Xuân, hoa văn trên trang phục rất phong phú với đủ các loại hình, màu sắc, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Đặc biệt với phụ nữ Thái trắng, chân váy chiếm một vị trí quan trọng trong nghệ thuật tạo hình của họ. Chân váy bao giờ cũng được thêu dệt riêng, sau đó mới gắn vào thân váy. Bố cục của chân váy bao giờ cũng được chia làm 2 phần lớn: Phần trên giáp với một hàng sọc, ngăn cách thân váy và chân váy, dành để thêu hoa văn; phần dưới sát gấu váy để nguyên cả mảng màu đen. Hai phần này được ngăn cách bởi một hàng hoa văn hình sóng nước, hình răng cưa màu trắng. Nhìn vào cách bố trí này, cho thấy khoảng màu đen trải rộng nằm sát phía dưới tạo nên một nền tảng vững chắc, tượng trưng cho mặt đất và bên trên thêu hoa văn, tượng trưng cho khoảng không gian rộng lớn của bầu trời; trên bầu trời có mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, hoa, lá, cây, cỏ, muông thú với đủ sắc màu. Phần sọc ngăn cách giữa “bầu trời” và “mặt đất” có mô típ hoa văn hình sóng nước, hình răng cưa tượng trưng cho những con sông, con suối. Hàng sọc xanh, đỏ, tím, vàng... xen kẽ với nhau ngăn cách thân váy và chân váy trông tựa như bảy sắc cầu vồng. Đối với người Thái đen ở Thường Xuân, hoa văn không chỉ tập trung ở chân váy như người Thái trắng mà còn trải rộng ra khắp thân váy. Tuy nhiên, hoa văn ở phần chân váy bao giờ cũng được trình bày đậm đặc hơn về họa tiết và được lặp đi lặp lại, thường là mô típ hình quả trám hay gạch dọc. Tuy phân biệt hai mảng chính và phụ, nhưng hai phần lại không tách rời nhau, mà hòa quyện vào nhau, cùng tôn lên màu sắc, đường nét, tạo nên vẻ đẹp tổng thể của một hình khối hoa văn hài hòa, cân đối.

Trên trang phục của phụ nữ Thái Thường Xuân đều có khăn piêu sặc sỡ, áo váy lộng lẫy, lại được tô điểm thêm bởi những món đồ trang sức độc đáo ở cổ, tay, thắt lưng rất hài hòa, làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Trên váy cũng như trên khăn đội đầu của người Thái, chủ đạo vẫn là màu chàm, sau đó là các màu đỏ, xanh, vàng, tím, trắng. Đồng bào Thái đã lấy nguyên liệu trong thiên nhiên để làm thuốc nhuộm, chế ra các loại màu sắc tươi đẹp, diễn tả, ghi lại những màu sắc sinh động của thiên nhiên trên những trang phục độc đáo của dân tộc mình. Bằng những hình khối hoa văn trên trang phục, người Thái Thường Xuân đã cho thấy họ đã tiến xa trong kỹ thuật thêu dệt cũng như đạt đến trình độ cao trong nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật ấy bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh tồn, phản ánh tâm tư tình cảm sâu lắng, lòng yêu quê hương, đất nước, sự rung động trước vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của thiên nhiên. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Thái Thường Xuân đang được khuyến khích phát triển, vì có giá trị là sản phẩm hàng hóa, cung cấp cho khách du lịch.

Với người Mường ở Lang Chánh, nhu cầu về trang phục trong từng gia đình rất lớn, nhà nào cũng tự dệt lấy vải mặc. Ngoài quần áo, váy, chăn... dùng cho cả nhà, mỗi gia đình còn phải sắm sửa chăn gối cho khách, váy áo cho con gái khi đi lấy chồng. Vải dệt ở đây thường thô dày nhưng rất bền và ấm. Theo phong tục Mường, phụ nữ thường mặc váy dài, thắt lưng, áo khóm, đầu đội khăn có thêu hoa văn. Tài năng nghệ thuật của người phụ nữ thường được thể hiện trên trang phục, mà tiêu biểu nhất là kỹ thuật dệt hoa văn trên cạp váy. Đây là phần hoa văn nổi bật nhất trên trang phục của người Mường, làm tôn lên vòng eo, vẻ đẹp của người phụ nữ Mường. Trên cạp váy, phụ nữ Mường tha hồ thêu dệt nên những họa tiết độc đáo, muôn hình, muôn vẻ, muôn màu sắc, như: Hình sóng nước, hình quả trám, đường ngang, kẻ sọc khá bắt mắt. Các họa tiết này gần như không giống nhau, mà phong phú về mặt tạo hình, bố cục cũng như màu sắc của cạp váy tùy thuộc vào trí tuệ và bàn tay tài hoa của từng người phụ nữ. Cũng như người Thái, người Mường cũng có những biểu trưng riêng trên trang phục của họ. Những đường răng cưa tượng trưng cho những dãy núi trùng điệp, nương rẫy, sườn đồi, trong khi đó các hình sóng nước tượng trưng cho những dòng sông, con suối... là những hình ảnh gần gũi, gắn liền với cuộc sống đời thường của cư dân nông nghiệp, mà người Mường là chủ nhân của nơi này.

Để bảo tồn các trang phục của dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 8-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2030), đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Theo đó, sở sẽ xây dựng dự án, triển khai tổng kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tổ chức liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Tổ chức phục dựng một số mẫu trang phục truyền thống. Mở lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc bằng nhiều hình thức phù hợp. Tổ chức mặc trang phục truyền thống tại các trường Dân tộc nội trú. Khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, liên hoan văn hóa các dân tộc... Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tới các đơn vị kinh doanh du lịch và đông đảo khách du lịch. Cùng với đó là ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]