(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, tết đến xuân về, Bác Hồ có thơ chúc tết – mừng xuân đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế, một nét đẹp văn hóa có một không hai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ba bài thơ Bác Hồ tặng La Quý Ba nhân dịp tết

Sinh thời, tết đến xuân về, Bác Hồ có thơ chúc tết – mừng xuân đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế, một nét đẹp văn hóa có một không hai.

Ba bài thơ Bác Hồ tặng La Quý Ba nhân dịp tết

Bác từng tặng thơ một số nho sĩ yêu nước, những người bạn, người đồng chí. Việc Bác Hồ, nhân tết đến tặng La Quý Ba ba bài thơ là một hiện tượng đặc biệt.

Ngày 27 tháng chạp năm Tân Mão, tức ngày 23-1-1952, nhân Tết Nguyên đán Nhâm Thìn – 1952 của nhân dân hai nước Việt – Trung sắp đến, Bác cử người đem rượu và bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tặng trưởng đoàn cố vấn chính trị La Quý Ba của Trung Quốc đang thực hiện giúp Việt Nam công tác chính trị và tổ chức. Bài thơ như sau:

Dịch âm Hán - Việt:

Nghênh xuân vô biệt soạn

Vi hữu tửu số tôn

Thỉnh nhĩ môn nhất túy

Cộng độ thắng lợi xuân.

Dịch nghĩa:

Đón xuân, không sắm sửa gì đặc biệt

Chỉ có mấy chén rượu (này thôi)

Xin các anh hãy say một cuộc

Cùng mừng xuân thắng lợi (với tôi)!

Dịch thơ:

Tết này không sắm sửa

Dăm chén rượu làm vui

Say đi nào các bạn

Mừng thắng lợi cùng tôi.

ĐỖ TRUNG LAI dịch

Bác rất quan tâm đến Đoàn cố vấn Trung Quốc đang công tác ở nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người thường đến tận nơi đoàn ở, thăm hỏi, động viên, trao đổi, tặng quà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên của đoàn làm việc có hiệu quả cao. Có lần La Quý Ba bị đau lưng, không đi đứng được, Bác biết tin, đã đích thân đến thăm. Khi gặp Bác nhất định không để cho La Quý Ba ngồi dậy mà nói vui “Giờ đây, anh đúng là “Ngọa Long” rồi” (Hồ Chí Minh với Trung Quốc – NXB Sao Mới, Trung Quốc, tháng 8-1990, trang 241).

Trung Quốc cũng như Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp các gia đình đoàn tụ, sum vầy, vui tết đón xuân. Phan Đình Phùng trong bài thơ Mậu Tý Nguyên đán có câu Gia tiết thị nhân hành lạc xứ (Ngày tết tốt lành, là lúc người người hoan hỷ cả), cho nên Bác càng đặc biệt quan tâm đến đoàn cố vấn. Nói như Giáo sư Văn Trang: “Hồ Chủ tịch đặc biệt thấu hiểu nỗi lòng: Nhớ nước, nhớ quê mỗi dịp xuân về của những đồng chí Trung Quốc vốn đang được sống trong môi trường hòa bình nay đến Việt Nam công tác trong chiến tranh gian khổ”. Quà tết Bác gửi đến đoàn cố vấn qua trưởng đoàn là quà tình nghĩa, ý vị sâu đậm của mỹ tục thuần phong mà hai nước đều có nét tương đồng văn hóa truyền thống: Mùa xuân – rượu – và thơ. Xưa Bạch Cư Dị từng có câu Nghinh xuân tửu bất không (Đón xuân phải có rượu), Đương xuân đối tửu diệc nghi hoan (Đón xuân có rượu càng vui). Bác tặng rượu để đoàn cố vấn đón xuân cùng với lời thơ chân tình:

Thỉnh nhĩ môn nhất túy

Cộng độ thắng lợi xuân.

xin các anh hãy say một cuộc, cùng tôi mừng xuân thắng lợi. Từ lời thơ, Bác thực sự đã hòa vào là một với đoàn cố vấn, bên nhau, có nhau và của nhau. Trong một bài thơ dịch theo thể lục bát, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã chuyển ngữ với những lời mềm mại, đằm thắm nghĩa tình: Tết này chưa thịnh soạn đâu/ Thì ta thơ túi rượu bầu làm vui/ Say đi nào các bạn ơi/ Mừng xuân thắng lợi cùng tôi một tuần.

Thơ và rượu vốn là một cặp song hành hiển hiện trong đời sống và trong thơ, nó làm cho cuộc sống thêm thi vị, thanh cao. Ngày xuân Bác muốn tặng đồng chí La Quý Ba và đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc được tận hưởng cái thi vị, cái thanh cao ấy.

Bài thơ Mừng xuân tặng rượu, Bác tặng trước tết. Sau tết, vào những ngày đầu xuân mới, mồng 7 tháng giêng Nhâm Thìn, tức 2-2-1952, Bác gửi tặng trưởng đoàn La Quý Ba hải sản và bài thơ lục ngôn tứ tuyệt:

Dịch âm Hán - Việt:

Đào phù vạn hộ nghênh tân

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu

Phụng tống hải vị sổ điều

Liêu cúng thưởng xuân hạ tửu.

Dịch nghĩa:

Đào giúp cho vạn nhà đón năm mới đến

Pháo kêu một tiếng tiễn năm cũ đi

Gửi tặng (anh) mấy món hải sản này

(Để anh) cùng đồng liêu nâng chén thưởng xuân!

Dịch thơ:

Đào nở, nhà nhà đón tết

Pháo nổ, đất trời qua đông

Gửi anh một ít hải sản

Cùng nhau nâng chén xuân nồng!

ĐỖ TRUNG LAI dịch

Cái cảnh nhà nhà đón tết, đón năm mới: Đào nở, pháo nổ thì ở Việt Nam cũng như Trung Quốc đã trở thành nét đẹp truyền thống. Bác đã đưa vào thơ nét đẹp đó ngay ở hai câu thơ đầu:

Đào phù vạn hộ nghênh tân

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu

(Đào giúp cho vạn nhà đón năm mới đến Pháo kêu một tiếng tiễn năm cũ đi)

Thưởng xuân, thưởng tết trong sắc hoa đào tươi thắm và trong tiếng pháo nổ ran là để đón nhận cái tốt đẹp, cái thành công sẽ đến trong năm mới với mọi nhà, mọi người.

Bác muốn các đồng chí trong đoàn cố vấn được hưởng ngày xuân, hưởng cái không khí xuân, cái sức xuân của Việt Nam khi xa quê, xa nước, nên Bác:

Gửi anh một ít hải sản

Cùng nhau nâng chén xuân nồng!

Khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cử đồng chí La Quý Ba làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam. Trên cương vị và trọng trách mới, đồng chí La Quý Ba đã thực hiện nhiệm vụ ngoại giao và củng cố tình hữu nghị Việt - Trung.

Bác Hồ và đồng chí La Quý Ba đã có thời kỳ sống gần nhau ở chiến khu Việt Bắc, hiểu nhau sâu sắc, quý trọng nhau. Đặc biệt đồng chí La Quý Ba rất kính yêu Bác và Bác tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng chí Đại sứ La Quý Ba hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tình cảm thân thiết, chân thành giữa Bác và đồng chí La Quý Ba không có khoảng cách, cùng chia sẻ những khó khăn và niềm vui. Cũng như những ngày đồng chí La Quý Ba làm trưởng đoàn cố vấn, tết cổ truyền của hai dân tộc đến, Bác tặng rượu, tặng hải sản, tặng thơ. Đầu xuân năm 1955, Bác tặng quà tết đồng chí La Quý Ba đậu trắng tươi ngon do thanh niên Việt Nam tự sản xuất, kèm bài thơ:

Dịch âm Hán - Việt:

Bạch đậu tam cân trọng

Chất cam nhi vị hương

Thanh niên tăng sản đắc

Thỉnh nhĩ thường nhất thường

Dịch nghĩa :

Có ba cân đậu trắng

Chất ngọt, vị lại thơm

Thanh niên (chỗ tôi) tăng gia được

Mời anh thưởng thức xem thế nào!

Dịch thơ:

Có ba cân đậu trắng

Chất ngọt và vị thơm

Thanh niên tăng gia được

Mời anh nếm thử xem!

ĐỖ TRUNG LAI dịch

Quà tết của Bác là những sản vật Việt Nam, không phải là những thứ cầu kỳ sang trọng nhưng đó là tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác “của ít lòng nhiều”. Thơ Bác tặng cũng giản dị như những món quà sản vật Bác tặng. Lời thơ nôm na, mộc mạc chứa chan tình cảm.

Ba bài thơ Bác tặng La Quý Ba, do Giáo sư Văn Trang lưu giữ và cung cấp. Đồng chí Văn Trang trước đây làm phiên dịch cho đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam. Khi Trung Quốc lập Đại sứ quán tại Việt Nam, đồng chí Văn Trang tiếp tục làm phiên dịch cho sứ quán. Giáo sư Văn Trang rất am hiểu Việt Nam, có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, giáo sư là người rất kính yêu Bác Hồ. Một ngày đầu xuân 2016, tác giả bài viết đến thăm Giáo sư Văn Trang tại Bắc Kinh, năm ấy giáo sư đã 92 tuổi, khỏe mạnh và rất minh mẫn, giáo sư xúc động kể lại chuyện những ngày được ở và phiên dịch cho Bác và cung cấp cho tác giả ba bài thơ trên.

Ba bài thơ Bác tặng La Quý Ba thể hiện tình cảm chân thành, thân thiết của Bác đối với La Quý Ba, Đoàn cố vấn Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thể hiện tình hữu nghị sâu sắc Việt - Trung mà Bác đã dày công xây đắp.

Lê Xuân Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]