(Baothanhhoa.vn) - Từ thời Lý, Duy Tinh đã là một trung tâm chính trị, Phật giáo của quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng cổ Duy Tinh – Nơi chứa đựng chiều sâu văn hóa, lịch sử

Từ thời Lý, Duy Tinh đã là một trung tâm chính trị, Phật giáo của quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoa.

Làng cổ Duy Tinh – Nơi chứa đựng chiều sâu văn hóa, lịch sử

Ảhh minh họa.

Theo các cụ Nguyễn Văn Mậu, cụ Nguyễn Quý Phong là những người con của làng Duy Tinh hiện đang lưu giữ cẩn thận những tư liệu quý về làng, cho biết: Trước thời nhà Lý, Thanh Hóa là quận Cửu Chân, lỵ sở quận Cửu Chân đóng tại làng Giàng (Thiệu Hóa). Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, chia nước ta làm 24 lộ. Vua Lý chuyển lỵ sở Thanh Hóa từ làng Giàng (Thiệu Hóa) về làng Duy Tinh (Hậu Lộc). Cứ liệu này khẳng định: Làng Duy Tinh đã hơn ngàn năm tuổi và có trước thời nhà Lý.

Cũng theo nhiều tài liệu mà cụ Mậu, cụ Phong cung cấp, có hai cứ liệu xác định rõ lỵ sở Thanh Hóa ở làng Duy Tinh. Một là cứ liệu văn bia: Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh dựng năm 1118 (hiện còn ở chùa làng Duy Tinh). Nội dung văn bia ghi: “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ bảy (1116), nhà vua đi tuần phương Nam, đến địa hạt châu Ái, thuyền rồng đậu lại, xe loan tạm dừng, cờ xí lóa trời, vũ vệ ngợp mây... Ngoài nơi biên tái, được gợi ơn sâu, thực là việc ngàn năm khó gặp, mà vinh hạnh sâu sắc của cả một vùng”. Đây là chuyến tuần du phương Nam của vua Lý Nhân tông, nắm tình hình và kiểm tra công việc của quan địa phương, Sau khi vua hồi cung, nhằm phúc đáp ơn vua và chúc quốc vận trường tồn, quan trị nhậm Thanh Hóa bấy giờ là Thông phán họ Chu, quyền coi quận Cửu Chân đã cho trùng tu chùa Sùng Nghiêm và dựng bia đá ghi lại sự kiện này, hoàn thành vào năm 1118.

Văn bia chùa Linh Xứng dựng năm 1126 ở xã Hà Ngọc (Hà Trung) ghi: “Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng, Thái úy được phong làm em nuôi vua, trông nom mọi việc quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, châu Ái và phong cho thái ấp một vạn hộ ở Việt Thường” ... “Thái úy lại dẫn những người tùy tùng, dời thuyền di về phía tây, qua dòng sông trong Nam Thạc, đến ấp nổi danh Đại Lý. Dạo bước bến đò, đưa mắt xem xét, thấp thoáng thấy ở trong quận, cách quận lỵ độ chừng năm dặm, có hòn núi chơ vơ gọi là Ngưỡng Sơn”. Lý Thường Kiệt làm tổng trấn Thanh Hóa 19 năm (từ 1082 đến 1101). Ông có công lao lớn đối với Thanh Hóa. Ông tuần du nhiều nơi, đã đến núi Ngưỡng Sơn (Hà Ngọc ngày nay). Từ đây cách quận lỵ chừng năm dặm, tức là cách quận lỵ ở làng Duy Tinh chừng năm dặm.

Hai là cứ liệu thực địa, hiện nay tên những địa danh trong làng Duy Tinh còn lưu lại, mọi người đều biết:

- Đồn: Thành trì lộ Thanh Hóa xưa (nay là khu đất của Trường THPT Hậu Lộc II).

- Xóm Vũ: Nơi dành cho quan võ ở (nay là thôn Tinh Lộc).

- Cồn Vũ: Cuối xóm Vũ là nơi luyện quân.

- Bờ Lũy: Dải đất cao để phòng vệ quân Chiêm từ biển vào, từ khu Đồn chạy ra tận đường đi làng Mỹ Điện.

- Hào: Phía trong bờ lũy, xưa đào sâu để hành quân, sau này là ruộng, gọi là ruộng Hào, thường trồng nếp hạt cau.

- Cồn Chiêng – Cồn Trống: Phía ngoài bờ lũy, nơi đặt chiêng, trống.

- Cồn Thuyền: Nơi tập kết thuyền ra sông Hà Mát đánh chặn quân Chiêm Thành.

- Cồn Súng: Nơi đặt súng thần công.

- Lăng: Khu nghĩa địa dành chôn người nhà quan (nay là nghĩa địa làng Mỹ Điện).

- Văn Miếu: Khu thờ Khổng Tử và là nơi sĩ tử trong tỉnh về dự thi. Khu Văn Miếu ở bên kia cầu sang làng Hà Sen. Thời chống Pháp làm trường học. Sau này là bệnh viện huyện Hậu Lộc.

- Bến Tẩy: Ở đầu ghềnh là bến tắm của sĩ tử, trước khi vào Văn Miếu tế lễ.

- Hiện vật: Trong thời kỳ chống Mỹ, khi khai thác đất làm gạch ở khu Đồn, nhiều người đào được đồ gốm thời Lý – Trần, đầu rồng thời Lý, gạch bát khổ to ghi rõ niên đại nhà Trần, tiền đồng, bát sứ... Bấy giờ cả nước bận đánh giặc, không ai quan tâm chuyện lịch sử, nên các hiện vật ấy họ bán đi mất cả. Khu Đồn dành cho cơ quan lương thực làm kho, sau này xây dựng Trường THPT Hậu Lộc II, bây giờ không thể khai quật. Năm 2012 tìm được cổ rồng bằng gốm ở bờ ao sen, đưa về chùa của làng lưu giữ... Các cổ vật hiện còn ở chùa làng, gồm có: Bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh, chân tảng đá hoa sen - đầu rồng, bệ tượng phật hình hoa cúc, phù điêu rồng bậc thềm chùa... Tất cả bằng đá nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo, đều là báu vật của văn hóa Phật giáo thời Lý và di sản văn hóa quý hiếm của Việt Nam.

Bằng cứ liệu trên hai văn bia, địa danh và nhiều hiện vật còn lại ở chùa, minh chứng: Duy Tinh là một làng cổ hơn ngàn năm tuổi. Duy Tinh là lỵ sở của Thanh Hóa qua hai triều đại Lý – Trần.

Duy Tinh còn là nơi cảnh quan đẹp, trên bến dưới thuyền, có cầu bắc qua sông, có quốc lộ chạy qua, có chùa, có chợ buôn bán sầm uất, nên mới có câu ca:

Duy Tinh giáp bộ, giáp phường

Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường giao thông

Vui thay trên bến dưới sông

Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây.

Các vị tiền nhân đã lấy câu “Duy Tinh Duy Nhất” trong thiên Đại Vũ mô, phần Ngu Thư của bộ Kinh Thư để đặt tên làng. Chuyện xưa kể rằng: Khi vua Thuấn nhường ngôi có dặn vua Vũ:

Nhân tâm duy nguy

Đạo tâm duy vi

Duy Tinh, Duy Nhất

Doãn chấp quyết Trung.

Ý là, cái tâm của người thì nguy hiểm, cái tâm của đạo thì vi diệu huyền ảo, phải giữ cái Tâm của mình cho tinh túy và chuyên nhất, thì mới giữ được cái đạo Trung mà trị quốc. Các vị tiền nhân muốn nhắc nhở các thế hệ con cháu làng Duy Tinh, phải chuyên nhất giữ cái Tâm của mình luôn thuần khiết, tinh túy và trong sáng.

Ông Trần Quốc Toản, trưởng làng văn hóa Duy Tinh phấn khởi cho biết: Làng Duy Tinh xưa có 7 Tinh, nay sáp nhập thôn mới còn 3 Tinh, đó là: Tinh Hoa, Tinh Phúc, Tinh Anh. Làng có gần 800 hộ với 2.600 nhân khẩu, là làng lớn nhất trong xã. Duy Tinh có chợ Phủ là một trong những chợ lớn của Thanh Hóa, biểu trưng của văn minh nông nghiệp. Làng có Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, nay đã được trùng tu tôn tạo khang trang. Làng còn có nhiều nghề truyền thống, nhưng đặc biệt có 2 nghề được nhiều người làm qua nhiều thế hệ, đó là nghề thầy thuốc và thầy học. Ngày nay, ngành nghề sản xuất của làng đã được mở mang thêm nhiều nghề mới, lấy phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ - thương mại là chủ yếu. Duy Tinh là một làng có truyền thống hiếu học, hiện có hơn 20 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ khoa học... Cả 4 trường từ mẫu giáo đến THPT đều đặt tại làng Duy Tinh, 100% trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường; 100% số hộ gia đình có máy thu hình. Lễ hội truyền thống của làng hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch. Làng có đầy đủ nhà văn hóa, sân chơi thể dục, thể thao, thư viện..., đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân. Đường làng, ngõ xóm được bê tông và nhựa hóa; đa số kênh mương được kiên cố, không còn nhà tạm bợ, đời sống người dân ngày càng khấm khá, bình quân thu nhập đầu người đạt 37-40 triệu đồng/người/năm... Làng đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế nếp sống văn hóa, hương ước của làng, góp phần để mỗi gia đình, dòng họ, xóm làng đoàn kết, yên vui, đời sống ấm no, hạnh phúc. Với những truyền thống tốt đẹp ấy, làng Duy Tinh đã được Nhà nước tặng danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu của cả nước, nhiều đoàn, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã đến nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Tự hào là làng cổ hơn một ngàn năm tuổi, là lỵ sở của Thanh Hóa thời Lý – Trần. Các thế hệ con cháu làng Duy Tinh hôm nay vẫn luôn giữ cái tâm thuần khiết, tinh túy và trong sáng. Dẫu nhuốm màu thời gian hơn ngàn năm tuổi, làng cổ Duy Tinh vẫn hiển hiện trong cuộc sống đời thường một nét tinh hoa, cốt cách lâu đời.

Nguyễn Ngọc

———————

(*) Trong bài có sử dụng một số tư liệu của Website Làng cổ Duy Tinh (http://www.langduytinh.com).


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]